Găng Tu Hú: Dược Liệu Có Tác Dụng đa Dạng - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Tên khoa học
  • 2. Mô tả thực vật
  • 3. Phân bố
  • 4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
  • 5. Thành phần hóa học
  • 6. Tác dụng dược lý
  • 7. Công dụng
  • 8. Lưu ý

Găng tu hú (Randia dumetorum Benth.) còn có tên gọi khác là Găng trâu, Mây nghiêng pa. Găng tu hú là dược liệu có nhiều tác dụng như gây nôn, kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, trị mụn nhọt , lợi tiêu hóa. Bài viết này sẽ giới thiệu một số tác dụng dược lý và ứng dụng của găng tu hú trong cuộc sống.

1. Tên khoa học

Găng tu hú hay còn gọi với tên khác là Găng trâu, Mây nghiêng pa. Tên khoa học: Randia dumetorum Benth. Họ Cà phê (Rubiaceae).

2. Mô tả thực vật

Găng tu hú là loại cây nhỏ, nhiều cành. Trên cành có rất nhiều gai, chiều dài gai từ 5-15mm, mọc ngược hoặc ngang đối với cành. Cây có lá cứng mọc ở đầu cành. Lá cứng hình bầu dục,chiều rộng từ 1,5-3cm, chiều dài từ 2,5-7cm. Hoa màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, có mùi thơm, thường mọc đơn độc và không có cuống. Dược liệu có quả mọng màu vàng nhạt. Quả dài 1,8-4,5 cm, hình cầu hoặc hình trứng, có gân dọc hoặc nhẵn, đỉnh có hai lá đài, chứa nhiều hạt nâu cứng, đường kính 0,4-0,6 cm.

Từ tháng 3 đến tháng 9 là mùa hoa. Tháng 3 và tháng 11 là mùa quả.

Găng tu hú
Hình ảnh Găng tu hú

3. Phân bố

Găng tu hú mọc hoang ở nhiều nơi. Thường mọc ở các nước có khí hậu nhiệt đới ẩm ướt , độ ẩm cao thuộc Châu Á  như Ấn Độ, Trung Quốc, Ayurvera. Tại Việt Nam, cây được trồng làm hàng rào ở các tỉnh khắp cả nước.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Bộ phận dùng: Quả, rễ và vỏ cây.

Thu hái: Quả chỉ  thu hái vào mùa thu đông. Vỏ và rễ cây có thể thu hái quanh năm

Chế biến: Sau khi thu hái, rửa sạch dược liệu. Dược liệu có thể dùng tươi hoặc mang phơi khô, sấy khô để dùng dần.

Quả Găng tu hú dùng làm thuốc
Quả Găng tu hú dùng làm thuốc

5. Thành phần hóa học

Vỏ rễ chứa các triterpene, 1-keto-3-hydroxyoleanane. Vỏ cây chứa mannitol, saponin, glicozit, coumarin. Lá cây chứa iridoid-10-methylixoside. Quả khô chứa glycosid, randioside A, mollisidialtriterpenoid glycoside và randianin, saponin dumentoronin. Quả tươi chứa saponin triterpenoid  là randianin.

6. Tác dụng dược lý

6.1  Tác dụng kháng khuẩn

Dịch chiết từ cây được chứng minh có tác động kháng khuẩn trên một số chủng vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Bacillus cereus, Bacillus subtilis Escherichia coli và Salmonella typhi.

6.2  Tác dụng chống dị ứng

Ở Ayurveda, cây được sử dụng trong điều trị hen suyễn, viêm mũi, viêm phế quản, cảm lạnh, ho, đau. Chiết xuất của nó cho thấy có khả năng làm gia tăng bạch cầu mà chủ yếu là  bạch cầu ái toan ở chuột đồng thời làm suy giảm tế bào mast trên mô hình chuột thử nghiệm.

Găng tu hú được sử dụng điều trị ho
Găng tu hú được sử dụng điều trị ho

6.3 Tác dụng chống viêm

Ghost và cộng sự (1983) thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm tính chống viêm của dịch chiết từ quả khô găng tu hú  trên các con chuột bị gây viêm bằng carrageenin ở chân sau. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi dùng dịch chiết này với liều 100 mg/kg cho hiệu quả làm giảm phù nề ở chân sau chuột. Quá trình này diễn ra nổi bật hơn trong giai đoạn hình thành mô hạt.

6.4 Tác dụng giảm đau

Khi cho chuột bị gây viêm bằng acid acetic uống 500mg/kg dịch chiết quả trong metanol. Kết quả cho thấy mức độ đau của các con chuột đều giảm. Tác dụng giảm đau thông qua cơ chế chống viêm mạnh. Dịch chiết găng tu hú cũng cho kết quả giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp trong các mô hình chuột bị bệnh khớp khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó có thể là do thành phần polysaccharid trong cây gây nên. Hơn nữa, không có bất kì ghi nhận nào về tác dụng phụ của thuốc. Điều này được đánh giá thông qua các chỉ số gây loét.

Găng tu hú sử dụng điều trị nhiều bệnh về hô hấp
Ở Ayurveda, găng tu hú được sử dụng điều trị nhiều bệnh về hô hấp

6.5 Tác dụng điều hòa miễn dịch

Hoạt động điều hòa miễn dịch của găng tu hú được tìm thấy bằng cách đánh giá ảnh hưởng của nó đối với hiệu giá kháng thể. Dịch chiết găng tu hú có khả năng kích thích hệ miễn dịch hoạt động

7. Công dụng

Theo y học cổ truyền mỗi bộ phận của găng tu hú có tác dụng nổi bật khác nhau. Quả có tác dụng kích thích gây nôn. Vỏ quả làm săn da chữa mụn nhọt, lở loét. Cơm quả có tác dụng trừ giun, gây sảy thai và cầm lỵ. Vỏ cây có tác dụng bổ và lợi tiêu hóa. Dịch chiết được lấy ra từ vỏ rễ có tác dụng diệt trùng.

Trong đời sống hằng ngày, lá cây găng tu hú thường được sử dụng để làm sương sâm. Phần rễ được nghiền ra dùng để thuốc cá. Quả được ngâm lấy nước để trừ giun đất và đỉa hoặc dùng để nhuộm vàng. Người ta còn sử dụng phần quả thay cho xà phòng để giặt quần áo. Đặc biệt là ở những hàng tơ lụa không chịu được tác dụng tẩy của xà phòng thì nước ngâm quả găng tu hú là một lựa chọn thích hợp.

Ở Trung Quốc, phần rễ và phần vỏ quả thường được sử dụng trong điều trị phong thấp. Vỏ cây, rễ và quả dùng để gây nôn. Lá mang giã nát và trộn đều với đường để làm thuốc đắp điều trị sưng đau, lở loét. Quả còn non xanh dùng để duốc cá.

8. Lưu ý

Không sử dụng dược liệu liên tục trong thời gian dài mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai và trẻ em không sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.

Tốt nhất người bệnh nên chủ động liên hệ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền nếu muốn sử dụng găng tu hú để chữa bệnh. Sử dụng dược liệu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ phát huy đúng tác dụng của dược liệu đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Từ khóa » Găng Có Tác Dụng Gì