Gành Đá Đĩa, Tỉnh Phú Yên - Cục Di Sản Văn Hóa
Có thể bạn quan tâm
Gành Đá Đĩa thuộc thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, có tọa độ địa lý 13035’39” Vĩ độ Bắc, 109029’37” Kinh độ Đông. Tên gọi gành Đá Đĩa bắt nguồn từ đặc điểm tự nhiên của loại đá Bazan ở khu vực này, có hình dạng giống như những chiếc đĩa chồng lên nhau. Gành Đá Đĩa nằm trong một khu vực địa hình tương đối đa dạng, phong phú, bao gồm một quần thể đồi núi nằm liền kề nhau đến sát bờ biển một số vị trí thoải dần ra đến mép nước như khu vực Bãi Bàng, nhưng một số vị trí vẫn còn cao trên 20m như gành Đá Đĩa hoặc cao trên 50m như ở mũi Mom.
- Thủy văn
Gành Đá Đĩa nằm trong tổng thể điều kiện thủy văn ở dọc ven biển Phú Yên, có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hoà, chia làm hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Khu vực gành Đá Đĩa có số giờ nắng trong năm rất cao, khoảng 2.500 - 2.700giờ/năm.
- Hệ động thực vật gồm có:
Hệ động thực vật trên cạn: là các loại thực vật bản địa tiêu biểu mọc ở các khu vực đồi núi ven biển, có đặc điểm cơ bản là chịu hạn và chịu mặn như bàng, xương rồng, giao, thơm tàu và một số loại thảo mộc phát triển mạnh vào mùa mưa. Động vật có một số loài chim như nhạn biển, yến;
Hệ động thực vật dưới nước: phong phú, và đa dạng như các loại tôm cá ở biển Phú Yên nói riêng và biển miền Trung nói chung như Cá Đuối bồng đỏ, Cá Dưa thường (cá Hố), Cá Trích bụng trắng, Cá Lưỡi dong đen, Cá Nhói đuôi không chấm, Cá Sơn đá sừng, Cá Mú than, Cá Mú đỏ, Cá Song chấm nâu, Cá Khế vây xanh, Cá Nục sò, Cá Chỉ vàng, Tôm hùm đỏ,... Trong đó có một số loài tôm cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá hồng, tôm hùm…
- Địa chất, địa mạo:
Trên phương diện địa mạo và các quá trình địa chất ngoại sinh, bờ biển Phú Yên là đại diện khá điển hình của dải bờ biển Nam Trung bộ, nơi chứng kiến sự tương tác mạnh mẽ giữa lục địa và Biển Đông sau khi biển này được hình thành. Các đợt biển tiến - biển thoái tiếp theo đã để lại nhiều bậc thềm biển rộng lớn và khá bằng phẳng. Quá trình tách giãn Biển Đông cũng như hoạt động đứt gãy tiếp theo đã kéo một bộ phận ven rìa tách ra khỏi lục địa để trở thành các đảo đá khi biển tiến vào. Nhưng đặc sắc hơn, các dòng hải lưu ven bờ đã vận chuyển bùn cát tấp vào khoảng giữa đất liền với các đảo, lâu dần hình thành các doi cát nối đảo, rất nổi tiếng trên thế giới dưới tên gọi “địa hình tombolo”. Phía sau các doi cát này hình thành các vụng biển hoặc đầm phá kín, như vụng Xuân Đài, đầm Ô Loan... Quá trình hình thành các doi cát nối đảo hiện nay vẫn đang tiếp tục, để nối liền các đảo như Nhất Tự Sơn hoặc lấp đầy cửa sông Đà Rằng. Danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa đã được hình thành trong tổng thể các hoạt động địa chất đó.
Khu vực phía Bắc của gành Đá Đĩa được thành tạo bởi đá granit thuộc phức hệ Đèo Cả có tuổi địa chất khoảng 70 – 127 triệu năm, được xếp vào giai đoạn macma kiến tạo Mesozoi muộn. Vào khoảng 10 triệu năm trước, khu vực trung tâm tỉnh Phú Yên, nay thuộc vùng cao nguyên Vân Hòa đã diễn ra hoạt động phun trào núi lửa rất mạnh mẽ.
Khu vực chính của gành Đá Đĩa thuộc dạng đá bazan được hình thành dưới tác động của hoạt động núi lửa, các dòng nham thạch phun trào nứt gãy thành các cột đá có mặt cắt hình lục giác, ngũ giác...tương đối đồng đều. Những khối đá này sau đó chịu ảnh hưởng của quá trình nâng lên của lục địa và mực nước biển hạ thấp đã dần lộ ra một gành đá có cấu tạo địa chất đặc biệt.
Trên cơ sở nghiên cứu về đặc điểm địa chất ở trên địa bàn tỉnh Phú Yên các nhà nghiên cứu cho biết bazan gành Đá Đĩa phân bố trên phần lớn diện tích xã An Ninh Đông, kéo thành dải liên tục về phía Tây Nam qua núi Mái Nhà đến cửa sông Hà Yến. Từ cửa sông Hà Yến về phía Nam, bazan bị chia cắt thành các đồi rời rạc cao 50m đến 90m. Phía Tây các đồi này là địa hình cao nguyên bazan cao dần về trung tâm tại Vân Hòa với độ cao 450m. Như vậy, có thể xem như bazan gành Đá Đĩa là bazan Vân Hòa phân bố ở phần rìa, bị chia cắt và bóc mòn mạnh mẽ. Tổng hợp kết quả tuổi tuyệt đối đá bazan Việt Nam và khu vực Biển Đông cho thấy bazan khu vực Vân Hòa và Sông Cầu phân bố trong các khoảng: 0,7 – 1,55 triệu năm (Pleistocen sớm); 5 triệu năm (Pliocen sớm), và 7,01 - 09,3 - 10,5 (Miocen muộn).
Bazan khu vực gành Đá Đĩa là bazan mặt bàn, phủ trên hệ tầng Kon Tum tuổi Pliocen, với các khoảng tuổi tuyệt đối và quan hệ địa tầng nêu trên, tuổi hợp lý hơn cả cho bazan Gành Đá Đĩa là 5 triệu năm đến 0,7 triệu năm, tức là trong khoảng Pliocen – Pleistocen sớm (N2 – Q1).
Gành Đá Đĩa có thể phân thành 5 khu vực sau:
Khu vực đá bazan cột
Đây là khu vực chính của danh lam thắng cảnh, có diện tích khoảng 2.700m2, các cột đá bazan ở gành Đá Đĩa lộ ra thành hai mũi nhô nhỏ.
Mũi nhô thứ nhất: Phân bố phía Bắc có chiều dài hơn 40m (tính từ vách bờ), nơi rộng nhất khoảng 30m có đặc điểm như sau:
– Phần dưới: Các cột đá cắm đứng hoặc hơi nghiêng, cao 2m thấp dần và chìm dưới nước biển.
– Phần giữa: Là ngọn các cột đá bị uốn cong, rồi nằm ngang, điểm uốn cao 2m so với phần dưới.
– Phần trên: Là một chồng cột đá nằm ngang, cao 5m. Các cột dài khoảng 2m – 3m để lộ “gốc” tiết diện đều đặn trông như đầu một bó đũa khổng lồ.
Nhìn từ phía Nam, mũi nhô thứ nhất: Các cột đá ở phần dưới cắm thẳng đứng, chịu tác động phá hủy mạnh mẽ của sóng biển. Sóng đập vào cột đá, mở rộng dần hệ thống khe nứt, tách và mang các khối “đĩa” rời khỏi bờ đá.
Mũi nhô thứ hai phân bố ở phía Nam, các cột đá gần như cắm đứng tạo thành ba bậc địa hình.
– Bậc thấp: Nhô ra biển khoảng 9m, cao hơn mực nước biển 0,5 – 1m, trên mặt tiết diện cột đá xuất hiện các vết loang lổ, các khe nứt đa giác mở rộng.
– Bậc giữa: Cao hơn bậc thấp 3,5m, lùi vào bờ 3m so với bậc thấp.
– Bậc cao: Cao hơn bậc giữa 2m, phân bố sát bờ. Bề mặt bậc cao tương đương với mức thềm 1, có thực vật phát triển.
Sự uốn cong của các cột đá bazan và sự hình thành hệ thống khe nứt đa giác là các điểm hấp dẫn nhất của gành Đá Đĩa. Tại đây xuất lộ khoảng 11.500 cột đá bazan chủ yếu là 5 cạnh và 6 cạnh. Đường kính trung bình tiết diện cột đá là 43cm. Bề dày các “đĩa” đá (khoảng cách khe nứt cắt ngang cột) trung bình 25 – 30cm, góc trung bình của các đa giác là 120o.
Khu vực biển phía trước gành Đá Đĩa cũng có một số cột đá bazan chìm dưới mặt nước, những cột đá này kéo dài ra phía biển khoảng 20m và càng ra xa thì độ sâu càng lớn.
Ở rìa phía Tây Nam gành Đá Đĩa còn có lăng Đá Đĩa, thờ cúng thần Nam Hải (tức là Cá Ông) của cộng đồng ngư dân, xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX, dưới thời vua Tự Đức và được tu bổ tôn tạo vào thập niên 80 của thế kỷ XX.
Khu vực bờ biển phía Bắc
Khu vực này bắt đầu từ phía Bắc của trung tâm khối đá bazan hình đĩa kéo dài đến tận Gành Đèn ở cửa vịnh Xuân Đài. Bờ biển cấu tạo bằng đá granit, bị cắt xẻ bởi hệ thống khe nứt theo các phương, kích thước khác nhau và nhiều màu sắc như trắng, hồng, nâu. Đặc biệt, quá trình phong hóa bóc cầu cùng với sự gia công của sóng biển đã hình thành bãi tảng, cuội có hình thù hấp dẫn. Nhiều vị trí, có sự sụt lún đột ngột tạo nên những vách đá thắng đứng có chiều cao trên dước 20m, mở rộng về phía biển, chỗ rộng nhất tính từ bờ kéo ra khoảng 300m.
Khu vực Bãi Bàng
Đây là phần kéo dài về phía Nam của gành Đá Đĩa với bãi biển có hình vòng cung, được thành tạo bởi đá bazan và granit nhưng bị sóng biển bào mòn. Một phần diện tích đất liền phía Bắc có địa hình tương đối bằng phẳng, phía Nam có địa hình cao dần về phía Tây, đến khoảng 50m, nhất là đoạn sát Mũi Mom. Mặt nước biển phía trước Bãi Bàng có đáy biển tương đối bằng phẳng, chỗ rộng nhất từ mép nước ra đến chỉ giới khoanh vùng bảo vệ khoảng 750m, phía Nam tiếp giáp với khu vực Mũi Mom mọc nhiều loại rong biển.
Mũi Mom
Phần tiếp nối và nằm ở phía Nam Bãi Bàng, là một ngọn núi kéo dài về phía Tây, nhưng phần tiếp giáp biển có sự sụt lún tạo thành vách đá dựng đứng cao khoảng 20m. Phần chân vách đá này là bãi đã bị sóng bào mòn kéo dài về phía Đông khoảng 50m và chìm dần về hướng biển. Đá ở Mũi Mom cũng là đá bazan dạng cột nhưng không có hình dáng đẹp giống như ở gành Đá Đĩa.
Khu vực bậc thềm biển phía Tây
Bậc thềm nằm sát ngay gành Đá Đĩa có độ cao khoảng từ 4 - 10m có nguồn gốc mài mòn tích tụ. Ở trên bậc thềm này là khu vực phân bố của một số thực vật có nguồn gốc bản địa như cây duối, cây sơn trắng, cây giao, cây thơm tàu…Một số diện tích tại bậc thềm sát khu vực gành Đá Đĩa đã được khai phá để sản xuất nông nghiệp vào mùa mưa.
Gành Đá Đĩa tổng diện tích các khu vực bảo vệ là: 200ha (Khu vực I: diện tích 11,3ha, Khu vực II: diện tích là 188,7ha).
Với giá trị đặc biệt trên, Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).
Khánh Chi (Theo hồ sơ di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa)
Từ khóa » Di Tích Gành đá đĩa
-
Gành Đá Đĩa Là Di Tích Quốc Gia đặc Biệt - Báo Thanh Niên
-
Ghềnh đá đĩa Phú Yên Là Di Tích Quốc Gia đặc Biệt - VnExpress
-
Danh Thắng Gành đá đĩa (Phú Yên) đón Nhận Bằng Di Tích Quốc Gia ...
-
Danh Thắng Gành Đá Đĩa được Xếp Hạng Di Tích Quốc Gia đặc Biệt
-
Di Tích Thắng Cảnh Quốc Gia Gành Đá Đĩa - Du Lịch Phú Yên
-
Gành Đá Đĩa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Di Tích Quốc Gia đặc Biệt Danh Thắng Gành đá đĩa
-
Phú Yên Chuẩn Bị Tu Bổ, Tôn Tạo Di Tích Gành Đá Đĩa
-
Danh Thắng Gành Đá Đĩa đón Nhận Bằng Di Tích Quốc Gia đặc Biệt
-
Phú Yên đề Xuất Gần 40 Tỷ đồng Tôn Tạo Di Tích Quốc Gia Gành Đá Đĩa
-
Phú Yên đề Xuất Gần 40 Tỷ đồng Tôn Tạo Di Tích Quốc Gia đặc Biệt ...
-
Danh Thắng Quốc Gia Gành Đá Đĩa được Xếp Hạng Di Tích Quốc Gia ...
-
Gành Đá Đĩa được Xếp Hạng Di Tích Quốc Gia đặc Biệt - Báo Nhân Dân