Gặp Gia đình Võ Sư 5 đời Giữ Lửa Cho Võ Cung đình Huế

Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp ghé thăm võ sư Trương Quang Kim (phường An Đông, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Võ sư Kim hiện là chưởng môn đời thứ năm, là người kế tục, giữ lửa và phát huy những tinh hoa của Võ Kinh Vạn An – phái võ được xem là chân truyền từ hàng trăm năm nay của võ thuật cung đình Huế.

Võ Kinh danh bất hư truyền

Bên chén trà ấm, với dáng vẻ linh hoạt, giọng nói đầy hào sảng đúng chất con nhà võ, võ sư Kim say sưa kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc, quá khứ hào hùng của môn phái mình. Theo võ sư Kim, từ thời vua Minh Mạng, võ học đã được chia làm hai loại là võ lâm và võ Kinh. Khác với võ lâm mang tính chất dân dã, ai cũng có thể học và đánh được thì võ Kinh lại mang phong cách cung đình. Kinh là "kinh đô", thêm nữa Kinh là bộ đi theo tự, khi đánh võ, người võ sĩ ra bộ đi cùng với tứ thơ (đọc thơ), hay còn gọi là kinh thơ để luyện khí nên được gọi là võ Kinh.

Gặp gia đình võ sư 5 đời giữ lửa cho võ cung đình Huế - Ảnh 1.

Võ sư Trương Quang Kim, chưởng môn đời thứ năm Võ Kinh Vạn An - người có nhiều công lao trong việc đưa võ thuật cổ truyền Huế đi ra thế giới. Ảnh: Lê Chung

Vào thời nhà Nguyễn, võ Kinh được triều đình sử dụng để thi Tiến sĩ võ nhằm chọn ra nhân tài võ học phò vua, giúp nước. Người học võ phải song song với văn để thi trạng nguyên. Khi đỗ cử nhân võ, nếu không có văn thì chỉ làm ngang đội trưởng cẩm thị vệ.

Võ Kinh đã có từ rất lâu, nhưng người chính thức khai lập ra môn phái là võ sư Trương Thăng – đệ tử chân truyền của cử nhân võ, võ sư Nguyễn Thanh Vạn. Gia phả Võ Kinh Vạn An phái có ghi lại, đây là một môn võ gia truyền thuộc dòng võ Kinh, hệ phái Hắc Hổ đã được truyền qua 5 đời với nhiều cao thủ võ nghệ danh bất hư truyền. Thời vua Tự Đức, ông Trương Ngọc Dai (Tổ sư của võ sư Kim) vào cung ứng thí và vượt qua nhiều nhân tài võ học để trở thành cử nhân võ của triều đình, được sắc phong Chánh Đội trưởng Đội cấm thị vệ.

Tiếp đến, người kế nhiệm là võ sư Trương Đồng, người bảo vệ, thư ký cụ Phan Bội Châu. Sau khi võ sư Đồng qua đời, cố võ sư Trương Thăng (cha võ sư Kim) là người kế tục. Võ sư Thăng là người từng có câu nói bất hủ vẫn được lưu truyền trong giới võ học: "Võ Việt là di sản vô giá của người Việt, phải làm sao cho người dân Việt Nam sau này ai cũng được học võ Việt". Đến năm 2002, sau khi mất, con trai trưởng của ông là võ sư Trương Quang Kim đã kế tục sự nghiệp võ thuật cho đến bây giờ.

Gặp gia đình võ sư 5 đời giữ lửa cho võ cung đình Huế - Ảnh 2.

Trong nhiều năm liền, võ sư Trương Quang Kim là người được ghi nhận có nhiều đóng góp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam. Ảnh: Lê Chung

Nói về võ Kinh, võ sư Trương Quang Kim cho hay, điểm đặc biệt của môn võ này chính là sự nhanh lẹ, đòi hỏi người luyện tập phải là người những có dũng khí, can đảm. Người dùng võ ra đòn thường rất nhanh, chỉ trong chớp mắt là có thể hạ gục đối phương, đúng bản chất công việc của một người cẩm thị vệ chuyên hộ giá, bảo vệ nhà vua.

Một trong những công phu mà võ sư Kim mất hơn 10 năm để tập luyện là Thiết sa chưởng. Để học được công phu này, mỗi ngày ông phải ngồi luyện tay đánh hơn 4 nghìn cái vào bao tải trộn đá sỏi. Ngoài Thiết sa chưởng, võ sư Kim còn luyện thành các bí kíp võ học thượng đẳng của võ Kinh như: 108 chiêu thức Lôi phong phiếm, Thiết bố sam, Mai hoa sam, thiết hầu công, câu hồn cước,.. Đặc biệt là tuyệt chiêu vận khí dùng yết hầu bẻ công ngọn giáo.

Khi nhắc đến võ sư Trương Quang Kim, trong giới võ thuật nhiều người nể phục ông bởi bản lĩnh và nội công thâm hậu. Tại Festival Tây Sơn 2007 tổ chức ở Bình Định, tuyệt kỹ công phu Thiết hầu công dùng một sợi dây dài siết vào cổ mình, 2 đầu dây móc vào 2 chiếc xe 125 phân khối. Mặc dù xe rồ hết ga, nhưng cổ của ông vẫn không hề hấn gì khiến nhiều du khách cũng như giới mộ điệu võ thuật trong và ngoài nước phải ngỡ ngàng.

Đưa võ giúp đời

Nói về quá trình truyền bá võ Kinh, theo võ sư Kim, vì là dòng võ học cung đình nên võ Kinh ngày trước chỉ được truyền dạy cho các hoàng tử, công chúa, các quan lại triều thần thời nhà Nguyễn để tự vệ. Số khác là những người có nhu cầu thi Tiến sĩ võ.

Gặp gia đình võ sư 5 đời giữ lửa cho võ cung đình Huế - Ảnh 3.

Môn phái Võ Kinh Vạn An hiện tham gia đóng góp tại nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương như Festival Huế, tái hiện nghi lễ vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế… Ảnh: Lê Chung

Sau thời kỳ phong kiến, vì ít được sử dụng nên phong trào tập luyện môn võ này cũng dần đi xuống. Trước tình hình đó, năm 1972, cố võ sư Trương Thăng đã quyết định thành lập môn phái Võ Kinh Vạn An nhằm khôi phục và chấn hưng võ phái. Võ Kinh từ đó mới dần đi vào đời sống, phát triển rộng rãi ở vùng đất Cố đô như bây giờ.

Hiện tại, ở Việt Nam Võ Kinh Vạn An có hơn 5.000 môn sinh trải khắp các tỉnh. Có 8 võ đường nằm ở các nước như Mỹ, Pháp, Australia,.. Chỉ riêng ở Huế có đến 500 môn sinh duy trì hoạt động trong 14 CLB. Trong nhiều năm liền, Võ Kinh Vạn An là cái tên đại diện cho Thừa Thiên Huế giật nhiều giải lớn ở các cuộc liên hoan võ thuật cổ truyền trong và ngoài nước. Đóng góp nhiều thành tích cho phong trào thể dục, thể thao tỉnh nhà.

Ở địa phương, môn phái Võ Kinh Vạn An cũng tham gia nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc như Festival Huế, tái hiện nghi lễ vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế… Danh tiếng ngày càng vang xa, võ Kinh khiến nhiều người mến mộ võ thuật trong và ngoài nước muốn được đặt chân đến Huế để tìm hiểu. Đáp lại nhu cầu này, võ sư Trương Quang Kim đã mạnh dạn biến võ đường của mình trở thành điểm đến phục vụ khách du lịch. Hiện tại, võ đường Võ Kinh Vạn An đón hàng nghìn lượt khách đến xem biểu diễn võ thuật mỗi tháng. Các con của võ sư Kim cũng theo cha theo đuổi võ học.

Đưa võ Kinh vào phục vụ du khách tôi mong muốn du khách biết thêm rằng ở Huế không chỉ có đình đài, lăng tẩm mà còn có một tinh thần dân tộc được hun đúc từ võ thuật, từ võ cung đình Huế. Đây cũng là cơ hội để mình quảng bá võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới.

Võ sư Trương Quang Kim

Gặp gia đình võ sư 5 đời giữ lửa cho võ cung đình Huế - Ảnh 5.

Trong các tuyệt chiêu, chiêu dùng yết hầu bẻ cong mũi giáo, phía sau lưng để đá lên và lấy búa đập cũng không hề hấn chi của các môn đệ Võ Kinh Vạn An khiến nhiều khách du lịch trầm trồ thán phục. Ảnh: Lê Chung

Không chỉ độc đáo, một trong những điều khiến võ Kinh nhận được sự mến mộ của nhiều người là bởi tinh thần lấy đức làm trọng. Lâu nay, ngay giữa võ đường Võ Kinh Vạn An được treo trang trọng hai câu đối của cố võ sư Trương Thăng "Vạn nhẫn công phu thành/An định quy đạo tâm" như lời nhắn nhủ mà vị võ sư có nhiều công lao trong việc phục hưng môn phái gửi gắm các đệ tử sau này.

Cũng bởi tinh thần lấy đức làm trọng mà nhiều năm qua, võ đường là nơi nhận nuôi, cưu mang và truyền dạy võ học cho nhiều môn sinh có hoàn cảnh. Đặc biệt là nuôi dưỡng, cảm hóa được những thanh niên lầm đường lạc lối từ bỏ cái xấu, giúp ích cho đời.

Môn sinh Đặng Anh Tài (20 tuổi, ở TX Hương Thủy) là một trong những trường hợp như thế. Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, Tài đã được các bác sĩ chẩn đoán mắc phải căn bệnh lùn bẩm sinh, đến tuổi trưởng thành nhưng anh chỉ cao 118cm. Cũng bởi ngoại hình thấp bé, Tài thường bị nhiều người trêu chọc và không tìm được công việc phù hợp.

Năm 2014, Tài tìm đến Võ Kinh Vạn An và được võ sư Trương Quang Kim thu nhận, truyền dạy võ học. Đến nay, anh đã là một trong những thành viên quan trọng của võ đường. Biểu diễn võ thuật phục vụ khách du lịch cũng giúp cho Tài có một công việc với thu nhập ổn định. "Nếu không có thầy thì giờ em không biết mình đi đâu, về đâu. Thầy là người đã giúp em dần thực hiện được giấc mơ trở thành võ sĩ chuyên nghiệp", Tài xúc động chia sẻ.

Từ khóa » Võ Kinh Vạn An Phái