VÀI NÉT VỀ MÔN PHÁI VÕ KINH VẠN AN Ở CỐ ĐÔ HUẾ

VÀI NÉT VỀ MÔN PHÁI VÕ KINH VẠN AN Ở CỐ ĐÔ HUẾ

Th.s Ngô Hoàng Long

      Ở Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng có khoảng 15 môn phái Võ Cổ truyền như Việt Võ Đạo, Bạch Hổ Sơn Quân Phái, Nga My, Hầu Quyền Đạo, Thiên Mục Sơn, Thiếu Bảo, Nam Sơn, Thiếu Lâm Vạn An, Hắc Hổ Ly Sơn, Võ Kinh Vạn An… trong đó Võ Kinh Vạn An là một trong những môn phái lớn của mảnh đất Thần kinh.

 

      Võ Kinh Vạn An trước kia là một dòng võ chính tông của Trương Gia Võ phái do cụ tổ Trương Ngọc Giai sáng lập. Dưới đời vua Tự Đức, cụ Trương Ngọc Giai được nhà vua sắc phong làm Đội trưởng Đội Cấm thị vệ đại nội, ngày đêm túc trực bảo vệ vua.

      Sau đó người kế nhiệm là lão Võ sư Trương Đồng, bút hiệu Diệu Bút – người bảo vệ, đồng thời là thư ký của cụ Phan Bội Châu. Lão Võ sư Trương Đồng từng mở lớp dạy võ ở lăng Vạn Vạn cho các chí sỹ yêu nước chống Pháp trước năm 1945.

      Đến đời Võ sư Trương Thăng thì môn phái Võ Kinh Vạn An chính thức được sáng lập vào năm 1972 và có tên trong danh vị các võ phái cổ truyền của Việt Nam.

      Ở những năm 70 của thế kỷ XX, trước tình hình Võ nước ngoài truyền bá vào nước ta ngày càng rộng rãi, trong khi đó Võ Cổ truyền ngày càng mai một dần, Võ sư Trương Thăng quyết định thành lập môn phái Võ Kinh Vạn An nhằm khôi phục và chấn hưng võ phái, đã góp phần làm phong phú và phát triển Võ Cổ truyền Việt Nam.

      Năm 2002, Võ sư Trương Thăng qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông nhắn nhủ lại với người con trai là Võ sư Trương Quang Kim: “Võ Việt là di sản vô giá của người Việt, con phải cố gắng giữ gìn và phát huy, làm sao cho mọi người dân Việt Nam sau này ai cũng được học võ Việt”.  Chính từ lời trăn trối cuối cùng của người cha mà Võ sư Trương Quang Kim đã dùng tất cả tâm huyết của mình để phục hồi, phát triển và truyền bá Võ Kinh Vạn An trong cả nước cũng như trên thế giới.

      Võ Kinh Vạn An là môn phái gia truyền, được xác định thuộc dòng võ Kinh, hệ phái Hắc Hổ.Võ Kinh dùng để phân biệt với Võ Lâm. Võ Kinh chính là Võ phái trong triều đình. Học Võ Kinh là để thi thố trở thành nhân tài võ học của triều đình, còn học Võ Lâm là để vận võ áp tiêu, hành hiệp trượng nghĩa trong dân gian. Dưới thời phong kiến, học võ ngoài việc phòng thân rèn luyện sức khỏe thì trong một số trường hợp còn là con đường để tiến thân, ra làm quan. Để làm quan võ, ngoài việc phải giỏi võ còn cần những kiến thức khác về võ học, thế là Võ Kinh ra đời, chuyên đào tạo những người học võ để thi thố trong các cuộc thi tuyển võ của triều đình.

      Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Võ Kinh Vạn An vẫn giữ được bản sắc riêng của võ phái. Võ sinh phải học kinh sách, vừa đánh quyền vừa đọc thơ – thiệu, để luyện khí và điều hòa hơi thở, nội lực. Võ Kinh Vạn An đòi hỏi khá khắt khe khi luyện tập. Trước hết phải luyện tập nhãn quan (nhất chỉ nhãn pháp công) để có đôi mắt tinh tường. Tiếp đến là các thế tấn vững như bàn thạch. Kế đến là thủ pháp với hơn 40 bộ của đòn tay dùng để chưởng, đỡ, gạt, đấm…Rồi đến cước pháp với những đòn đá uy lực, thân pháp dùng để di chuyển né tránh đòn, thứ nữa là quyền pháp, binh pháp và đối kháng tự do. Với những đệ tử thông thường tập đến đây là đủ, còn những bậc cao thủ phải học thêm khí công và công phu của môn phái.

      Những bài võ đặc trưng của môn phái Võ Kinh Vạn An như Lôi phong phiến, Linh miêu tẩy diện, Song đao hồ điệp, Long phụng kiếm pháp, Miêu xà quyền, Câu hồn cước…từng là sở đắc của các cao thủ triều đình khi xưa vẫn được môn phái bảo tồn và truyền dạy cho các môn sinh.

      Hiện nay, Võ Kinh Vạn An là một môn phái Võ Cổ truyền lớn ở Thừa Thiên Huế với hàng ngàn võ sinh theo học, cung cấp phần lớn vận động viên cho Đội tuyển Võ Cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự các giải đấu lớn cấp quốc gia.

      Không chỉ là môn phái có số lượng võ sinh vào loại lớn nhất ở miền Trung, Võ Kinh Vạn An là một trong những môn phái võ cổ truyền đầu tiên của Việt Nam áp dụng hình thức quảng bá bằng du lịch. Hiện môn phái đang kết hợp với ngành du lịch Huế mở các tour du lịch võ thuật nhằm phục vụ du khách các nơi đến thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng tinh hoa võ Việt. Ngoài ra môn phái còn tham gia vào các hoạt động Festival của Huế cũng như các lễ hội lớn trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh của môn phái nói riêng và Võ Cổ truyền nói chung ra phạm vi thế giới.

      Với tâm huyết cả đời trong việc truyền bá và chấn hưng nền Võ học Việt Nam, Võ Kinh Vạn An của Chưởng môn Trương Quang Kim giờ đây đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

 

Từ khóa » Võ Kinh Vạn An Phái