Gặp Lại Vị Tướng Bắn Rơi Hai Máy Bay B-52 Trong Mười Phút

Hỏi: Thưa Trung tướng, trong không khí toàn Thủ đô Hà Nội và quân, dân cả nước đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972-12-2017). Xin ông chia sẻ về tình thế lịch sử lúc bây giờ cách đây 45 năm?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền bắc, dùng B-52 đe dọa nhân dân ta, cho B-52 đánh ra vĩ tuyến 17 và tuyến hành lang cửa khẩu Quảng Bình, Vĩnh Linh rất ác liệt. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn bắt cọp phải vào hang cọp”, Quân chủng đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 238 vào khu vực vĩ tuyến 17 để đánh B-52 bảo vệ cửa khẩu, bảo vệ quân và dân vùng giới tuyến. Quân chủng giao cho Trung đoàn 238 cùng cơ quan nghiên cứu của quân chủng: “Nghiên cứu hiểu rõ B-52 để có cách đối phó với chúng hiệu quả”. Tháng 4-1972 Đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh ra miền bắc để thăm dò phản ứng của ta. Ra-đa đã thông báo có B-52, bộ đội tên lửa đã chiến đấu nhiều trận, nhưng chưa bắn rơi được chiếc nào.

Sau các trận đánh “nhảy cóc” này, Quân chủng nhận định: “Khả năng B-52 đánh Hà Nội là hiện thực”. Từ Quân chủng đến các đơn vị, đặc biệt là đơn vị tên lửa, không quân đã tích cực chuẩn bị vũ khí kỹ thuật, máy bay, con người để đánh thắng B-52. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “B” gì đi nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định đánh thắng”.

Hỏi: Thưa Trung tướng, đế quốc Mỹ sử dụng pháo đài bay chiến lược B52, được coi là "bất khả xâm phạm" để “nghiền nát” Hà Nội, biến Hà Nội về “thời kỳ đồ đá” nhưng quân đội ta đã chiến thắng vang dội như một phép màu. Vậy làm thế nào mà bộ đội ta có thể làm được điều này, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Có thể nói, trong chiến dịch này đế quốc Mỹ sử dụng chiến tranh điện tử hiện đại nhất, có vũ khí thông minh hòng đe dọa và chế áp, vô hiệu hóa các lực lượng phòng không của ta. Máy bay B-52 là một trong ba vũ khí răn đe chiến lược: tên lửa vượt đại châu, tàu ngầm nguyên tử và B-52 của đế quốc Mỹ, có trang bị máy gây nhiễu “khổng lồ”. Đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, gồm cả máy bay F, cùng độ cao, cùng loại nhiễu “giả B-52” để đánh lừa bộ đội ta. Mỗi khi có máy bay B-52 là nhiễu không thể nào nghe được, tất cả hệ thống thông tin không bắt được sóng. Lúc đó chỉ còn mỗi đài FA do bộ cấp nhưng chỉ nghe được trên nói xuống.

Để chiến thắng được B-52, chúng ta phải nói đến hai yếu tố: Kinh nghiệm chống nhiễu, thứ hai là cải tiến khí tài tốt. Đơn vị tôi đánh ba lần nhưng không trúng, sau này mới dùng phép thử: khi máy bay tiến gần Hà Nội, chiến sĩ ta mở sóng điều khiển tên lửa. Cứ mỗi lần bật “phóng giả” tên lửa thì thấy máy bay F-4 cơ động sang hai bên, bay nhốn nháo tránh tên lửa, còn riêng B-52 thì đường sóng vẫn đi thẳng, nhờ kinh nghiệm tách giải đó, bộ đội tên lửa đã “tìm ra đối tượng”.

Thứ hai là, khí tài tên lửa của ta được cải tiến rất tốt, trước đây đầu đạn chỉ có 320 mảnh, sau đó được cải tiến lên hơn 3.000 mảnh đạn, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả chiến đấu.

Hỏi: Thưa Trung tướng, chỉ trong mười phút, rạng sáng ngày 21-12-1972, nhưng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, đã bắn hạ hai máy bay B-52, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ. Ông có thể chia sẻ thêm về chiến thắng vẻ vang này?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Lúc đó khoảng 4 giờ 30 phút sáng ngày 21-12, tiểu đoàn nhận được lệnh vào chiến đấu cấp 1. Cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị phải tiêu diệt tốp B-52 đánh vào khu vực Yên Viên. Tình hình lúc đó tiểu đoàn được trang bị ba quả tên lửa trên bệ. Kíp của tôi còn có: sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên, trắc thủ Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài. Khi máy bay B-52 đầu tiên vào tâm cự ly 32km trong tầm sát thương, tôi hạ lệnh bắn quả thứ nhất nhưng đạn hỏng không đi. Lập tức hiệu lệnh bắn quả thứ hai ở cự ly 28 km. Đạn nổ tiêu diệt mục tiêu ở hướng Tây Nam vào lúc 5 giờ 9 phút, cấp trên thông báo máy bay rơi. Chưa đầy 10 phút sau, lại có báo động xuất hiện B-52 ở cự ly 45 km. Máy bay vào tầm sát thương thì đạn nổ. Chiếc máy bay thứ hai này rơi tại khu vực chợ Thá, gần Núi Đôi lúc 5 giờ 19 phút.

Hỏi: Thưa Trung tướng, trong chiến dịch “Biện Biên Phủ trên không” lực lượng hậu cần tại chỗ có vai trò rất quan trọng nhưng lại ít được nói đến. Ông có chia sẻ gì về lực lượng này?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Có thể nói, trong chiến dịch Hà Nộ 12 ngày đêm, ngoài sự chiến đấu oanh liệt của các cán bộ chiến sĩ trực tiếp thì bộ phận hậu cần đóng vai trò rất quan trọng. Điển hình như trong những ngày đầu tham gia chiến dịch, bộ đội ta lúc đó rất mệt mỏi, thường mất ngủ, ăn thì không ăn được. Lính hậu cần từ tầm 4 giờ chiều đã gồng gánh mang đồ ăn lên cho bộ đội cách trận địa tầm hai km. Nhưng vừa lo ăn chiều lại phải lo cả ăn tối vì bộ đội lúc đó trực chiến đấu liên tục. Một bộ phận khác thì lo đi tìm lá ngụy trang, giặt giũ quần áo, thuốc men cho bộ đội, rồi vào trận địa thu gom súng ống, vỏ đạn… Họ cũng là bộ phận góp phần làm nên chiến thắng Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không”.

Xin cảm ơn Trung tướng vì cuộc trò chuyện này.

Từ khóa » Súng Trường Bắn B52