Gãy Xương đòn Có Nguy Hiểm Không? Bao Lâu Thì Lành? • Hello Bacsi

Bạn nhận thấy xương đòn của mình nhô cao bất thường? Bạn cảm thấy đau khi dùng tay ấn vào khu vực này và vai cùng bên có xu hướng xệ xuống? Bạn có thể đang bị gãy xương đòn.

Theo một số bác sĩ, xương đòn bị gãy có thể mau lành và thường không quá nguy hiểm trong hầu hết trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này vẫn có nguy cơ kéo theo một vài biến chứng khôn lường, chẳng hạn như liệt tay hoặc nghiêm trọng hơn là tổn thương màn phổi gây suy hô hấp. Hiểu rõ về vấn đề này có thể giúp bạn sớm nhận biết các triệu chứng gãy xương đòn ngay từ đầu và có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Gãy xương đòn là gì?

Xương đòn hay xương quai xanh bị gãy là dạng chấn thương vật lý thường gặp ở vùng vai, chiếm tỷ lệ khoảng 4% các trường hợp gãy xương trong cơ thể. Vết nứt, gãy có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên xương quai xanh, nhưng thường gặp nhất là ở khu vực 1/3 giữa của đoạn xương.

hình ảnh gãy xương đòn
Hình ảnh gãy xương đòn

Bên cạnh đó, tình trạng gãy xương quai xanh bên trái phổ biến hơn bên phải. Điều này có thể liên quan đến việc hầu hết người Việt thuận bên phải và bên không thuận thường có xu hướng yếu hơn, dễ bị tổn thương hơn.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Những dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương đòn?

Người bị gãy xương đòn thường sẽ có những triệu chứng như:

  • Xương đòn biến dạng hoặc nhô cao bất thường
  • Khu vực xương quai xanh sưng, đau và xuất hiện các vết bầm dọc theo xương
  • Gặp khó khăn trong việc cử động tay ở cùng bên của xương quai xanh gặp vấn đề
  • Cơn đau tăng mạnh và cảm nhận được tiếng “rắc” khi cố cử động vai hay cánh tay
  • Xệ vai ở cùng bên xương quai xanh bị gãy

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Bạn nên đến bác sĩ ngay nếu:

  • Tay bị tê hoặc có có cảm giác châm chích
  • Thuốc giảm đau không thể xoa dịu triệu chứng đau
  • Vai biến dạng hoặc có biểu hiện xương đòn đâm ra ngoài
  • Không thể cử động cánh tay

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào làm gãy xương đòn?

Phần lớn trường hợp, xương quai xanh bị gãy do có lực tác động mạnh vào vùng vai, thường liên quan đến tình trạng ngã đập vai hoặc dang tay khi ngã. Do đó, loại chấn thương này tương đối phổ biến trong những môn thể thao dễ va chạm mạnh như bóng đá, đua xe đạp, trượt ván…

té ngã gãy xương

Ngoài ra, trong vài trường hợp ít gặp, trẻ sơ sinh cũng có khả năng gặp phải chấn thương này nếu bé được sinh qua ngã âm đạo có khung chậu hẹp.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ gãy xương quai xanh?

Bên cạnh những nguyên nhân trên, xương quai xanh cũng có thể dễ gãy nếu:

  • Bạn thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao gắng sức, đặc biệt là bóng đá hay đấu vật. Nếu bạn bị ngã trong khi tham gia các môn thể thao này, xương đòn của bạn rất dễ bị chấn thương.
  • Bạn lớn tuổi: theo thời gian, xương đòn sẽ yếu đi và dễ gãy hơn.
  • Cân nặng của thai nhi lớn: điều này có thể làm tăng nguy cơ bé bị gãy xương đòn trong quá trình mẹ chuyển dạ.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Gãy xương quai xanh có nguy hiểm không?

Nhờ màng xương dày và vị trí cấu tạo được cung cấp hồng cầu dồi dào mà các vết rạn nứt hoặc gãy ở xương quai xanh thường rất dễ lành. Quá trình liền xương có thể kéo dài 3 – 6 tháng hoặc hơn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, đôi khi các đầu xương đòn bị gãy có thể lệch khỏi vị trí ban đầu và chèn vào các dây thần kinh hoặc mao mạch xung quanh, từ đó dẫn đến các biến chứng như tê liệt tay hoặc xuất huyết. Không những vậy, màng phổi cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những đầu xương gãy. Lúc này, người bị gãy xương đòn có thể đối mặt với biến chứng khó thở hoặc nghiêm trọng hơn là suy hô hấp.

Vì những lý do trên, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh nên lập tức đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán cũng như điều trị hiệu quả khi có những biểu hiện gãy xương.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương quai xanh?

Để chẩn đoán bị gãy xương đòn, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tình huống chấn thương xảy ra. Họ có thể kiểm tra cảm giác và sức cơ cánh tay, bàn tay và ngón tay để xem có tổn thương thần kinh hay không.

Nếu có nghi ngờ rằng xương đòn của bạn bị gãy, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chụp X-quang vai để chẩn đoán thêm. X-quang có thể hiển thị hình ảnh của xương đòn bị gãy và mức độ nghiêm trọng của nó hoặc xương khác có bị gãy hay không. Trong một số trường hợp, nếu các bác sĩ cần phải xem xét các vết nứt một cách chi tiết hơn, họ sẽ áp dụng chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương đòn?

điều trị bảo tồn gãy xương đòn bằng thuốc

Thông thường, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn để chữa lành xương quai xanh bị gãy. Chúng có thể bao gồm:

  • Chườm đá giảm đau, nên áp dụng trong 2 – 3 ngày đầu tiên kể từ khi chấn thương xảy ra.
  • Bó bột cố định xương bị gãy.
  • Sử dụng thuốc nhằm kiểm soát cơn đau, đồng thời phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Vật lý trị liệu giúp đẩy nhanh tốc độ khôi phục chức năng của xương đòn, đồng thời hạn chế rủi ro cứng tay, mất linh hoạt.

Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc các biện pháp điều trị bảo tồn trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, người bệnh sẽ cần đến phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế việc gãy xương đòn?

thực phẩm giàu vitamin D

Các lối sống và biện pháp khắc phục sau đây có thể giúp bạn kiểm soát nguy cơ gãy xương đòn:

  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao hoặc các hoạt động mang tính đối kháng cao.
  • Hỏi huấn luyện viên của bạn làm thế nào để giảm nguy cơ té ngã khi tham gia các môn thể thao.
  • Có một chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D để xương chắc khỏe hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Mô Tả Gãy Xương đòn