Gen Z - Mùa Hè Kiếm Việc Làm Thêm - Kỳ 2: Dở Khóc Dở Cười Với Lao ...

Gen Z - Mùa hè kiếm việc làm thêm - Kỳ 2: Dở khóc dở cười với lao động gen Z - Ảnh 1.

Dịp hè này, chàng sinh viên ngành tài chính Nguyễn Minh Trí, sinh năm 2001, chọn bán hàng tại một quầy đồng phục học sinh để tăng thêm thu nhập - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Anh Nguyễn Đông Phương (giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Ếch Xanh) cho biết kiếm lao động trẻ làm việc thời vụ trong hè khá khó khăn.

"Hiện dịch lắng xuống nhưng giá cả dịch vụ, hàng hóa, xăng... đều tăng nên nếu tuyển nhân viên thì mức lương các bạn mong muốn cũng tăng khá cao (tăng khoảng 15 - 20% so với trước đây), trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ mới vực dậy sau dịch nên khó có khả năng đáp ứng.

Chẳng hạn, mức trả của chúng tôi hiện tầm 25.000 đồng mỗi giờ và mức này cao hơn 20% so với trước dịch", anh Đông Phương nói.

Nản khi lao động trẻ nhảy việc như cơm bữa

Nếu như ưu thế của lao động sinh viên, gen Z là tiếp thu công việc nhanh thì điều ở họ khiến anh Đông Phương "đau đầu" nhất là các lao động gen Z rất hay nhảy việc, ít tận tâm và ý thức trách nhiệm trong công việc chưa cao, thích thì làm không thì nghỉ.

Đồng quan điểm, anh Lê Hoàng (giám đốc marketing một chuỗi thức ăn nhanh) cho biết việc tuyển dụng lao động gen Z hiện đầy thử thách vì các bạn nhảy việc quá nhanh và đòi mức thu nhập thời vụ cao quá mức tưởng tượng.

"Chỉ cần mình la rầy một chút và đòi hỏi cao ở công việc là một số bạn sẽ cho rằng văn hóa công ty quá khắc nghiệt, phân bì ở những môi trường khác.

Sự kiên nhẫn lẫn tập trung của các bạn cũng không bằng những thế hệ trước có lẽ do bị công nghệ, mạng xã hội tác động mạnh mẽ. Nhiều bạn xác định đây chỉ là công việc thời vụ, kiếm đồng ra đồng vô nên mức cam kết với văn hóa công ty không cao, còn hời hợt", anh Lê Hoàng nhận định.

Trong khi đó, anh Quang Hòa (quản lý một chuỗi cà phê) cho biết từ đầu hè đến giờ việc tuyển dụng nhân sự không khó nhưng "giữ chân" nhân viên lại khó vô cùng, thậm chí thử thách hơn nhiều so với các mùa hè trước.

"Có lẽ do quy định của quán chúng tôi buộc nhân viên mang khẩu trang liên tục trong khi một số nơi khác thì cho các bạn chủ động chọn cách thức phù hợp khi phục vụ khách.

Ngoài ra, do hệ thống của chúng tôi đòi hỏi đào tạo khá kỹ lưỡng trong khi các bạn muốn có việc liền và chỉ quan tâm đến thu nhập hơn là các kỹ năng có được. Các bạn vô và ra như "thay áo" nên chắc chắn khoảng thời gian làm việc chưa đủ dài để tích lũy kỹ năng cần thiết", anh Quang Hòa chia sẻ.

Làm việc thấy chán thì về mở kênh YouTube!

Chia sẻ về lý do chia tay công việc bán thời gian ở một quán cà phê có tiếng dù chỉ mới làm vài tuần, bạn Diệu Hân (19 tuổi, quận 1) cho biết bạn cảm thấy ngột ngạt khi phải đeo khẩu trang liên tục bốn đến năm tiếng mỗi ngày.

"Da mặt của tôi bị hằn vết và tôi cũng thấy khó thở. Chưa kể tiệm của tôi có liên kết với các ứng dụng giao đồ ăn thức uống nên chúng tôi làm việc không ngơi tay, chỉ cần một hay hai bạn nhân viên đến trễ vì mưa là các bạn khác quay cuồng vì đơn xuống liên tục, rồi nào là phục vụ khách hàng tại chỗ", bạn bộc bạch.

Một số bạn trẻ khác cũng cho rằng thương mại điện tử khiến đầu việc của các bàn ở các cửa hàng ăn uống tăng vọt, ít có thời gian rỗi như trước đây.

"Tôi có cảm nhận chủ quán tuyển người ít hơn nhu cầu của quán, vì thế chúng tôi ngơi tay tí là phải đi dọn dẹp, vệ sinh quán và có khi còn phải đi giao hàng cho quán dù những việc này không có trong thỏa thuận", Tuấn Huy (sinh viên Trường ĐH UEH) nói.

Một trong những điểm đáng lưu ý của mùa hè 2022 là không ít bạn trẻ sẵn sàng chọn "thử sức" làm influencer (người có ảnh hưởng trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram...) khi chán việc làm công ăn lương!

Đơn cử, bạn Vũ Yến Ngọc (21 tuổi, sinh viên ngành mỹ thuật công nghệ) hy vọng với ngoại hình xinh xắn và khiếu thẩm mỹ sẵn có, bạn sau đó có thể có trên 50.000 người theo dõi và trở thành influencer, kiếm tiền từ việc được chọn làm đại diện nhãn hàng, quảng cáo sản phẩm...

Dẫu vậy, đây là một hành trình khá chông gai vì cần chiến lược dài hạn, sự đầu tư về chất lượng nội dung, hình ảnh và thậm chí "seeding" (mua lượt thích, chia sẻ, bình luận... để tăng tương tác) nên rất ít bạn có thể thành công khi chọn hướng đi này.

Một số bạn trẻ cho biết nhận được vô số tin nhắn điện thoại mời chào "việc nhẹ lương cao". Đa số các công việc này đều quảng cáo "làm việc tại nhà, thoải mái và thu nhập từ 350.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày, nhận lương ngay trong ngày".

Thực chất, hầu hết các công việc đó đều buộc các bạn trẻ ngồi lướt và nhấn nút thích, chia sẻ các dòng tâm trạng, clip của khách hàng các kênh mạng xã hội... hoặc mua và bán lại đồ đa cấp để ăn chênh lệch hoa hồng. Do non nớt vốn sống và nhẹ dạ, một số bạn đã bị lừa và mất tiền với con số lên đến hàng triệu đồng!

Nói về ưu và khuyết điểm của lao động thời vụ ở độ tuổi gen Z hoặc sinh viên, chị Đoan Trinh (giám đốc nhân sự Công ty cổ phần đầu tư Scommerce) cho biết điểm cộng dễ thấy là các bạn có sức khỏe và linh hoạt, sử dụng thành thạo công nghệ.

Điều đó giúp cho việc hướng dẫn các bạn áp dụng quy trình số hóa, các khâu liên quan đến yếu tố công nghệ trở nên dễ dàng hơn với nhân sự thế hệ X, Y vốn học chậm hơn và đa số bảo thủ hơn.

Các bạn gen Z cũng có tính tuân thủ rất cao, điều vô cùng quan trọng trong thương mại điện tử. Còn điểm trừ của gen Z, theo chị Đoan Trinh, là các bạn ít kiên nhẫn hơn các thế hệ trước, song song đó do bản thân có quá nhiều lựa chọn nên các bạn dễ "đứng núi này trông núi nọ".

'Gen Z - Mùa hè kiếm việc làm thêm': Kỳ 1: Một mùa hè làm thêm thật khác

TTO - Lao động trẻ nói chung, sinh viên nói riêng đang bước vào mùa xin việc thời vụ sau khi hoàn thành chương trình học. Do COVID-19, mùa hè năm nay cho họ trải nghiệm, câu chuyện thật khác.

Từ khóa » Dở Giảm