Gia Cát Lượng Là Ai? Tài Năng Có được Thần Thánh Hóa Quá Mức?
Có thể bạn quan tâm
1. Tiểu sử Gia Cát Lượng
Là một nhân vật nổi bật trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung, vậy ngoài đời Gia Cát Lượng có thật không? Và ông là ai?
1.1. Gia Cát Lượng là ai?
Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, là một quân sư, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là khai quốc công thần, Thừa tướng của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc.
Là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa nhưng hình tượng Khổng Minh Gia Cát Lượng được biết đến chủ yếu qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung.
1.2. Cuộc đời Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng sinh năm 181 tại đất Dương Đô, Từ Châu (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Năm 12 tuổi, ông mồ côi cha mẹ, phải sống nhờ nhà chú.
Năm 25 tuổi, Gia Cát Lượng lấy vợ là Hoàng Nguyệt Anh - một người phụ nữ xấu xí bị liệt vào hàng "Ngũ xú Trung Hoa" (tức 5 người phụ nữ xấu nhất trong lịch sử Trung Quốc). Hai người có với nhau 1 người con là Gia Cát Chiêm.
Năm 27 tuổi, Gia Cát Lượng được Lưu Bị chiêu mộ làm quân sư, nhằm giúp khôi phục vương triều nhà Hán. Trong suốt thời gian phò tá Lưu Bị, ông đã góp nhiều công lớn, giúp gây dựng nên cơ đồ của nhà Thục Hán. Trong đó, thành công lớn nhất của ông là xây dựng liên minh Thục - Ngô để chống lại Tào Ngụy, hình thành nên thế chân vạc trong thời Tam Quốc.
Sau khi Lưu Bị qua đời vào năm 223, Gia Cát Lượng tiếp tục phò tá Lưu Thiện - con trai Lưu Bị với sứ mệnh phục hưng vương triều nhà Hán. Trong thời gian này, ông đã thực hiện 5 chiến dịch Bắc phạt nhằm tiêu diệt Tào Ngụy nhưng đều không thành công.
Năm 234, trong khi chuẩn bị cho chiến dịch Bắc phạt lần thứ 6, Gia Cát Lượng ốm liệt giường rồi qua đời, thọ 53 tuổi.
1.3. Gia Cát Lượng chết như thế nào?
Khổng Minh qua đời tại Gò Ngũ Trượng vì bệnh tật. Tuy nhiên, căn bệnh thực sự dẫn đến cái chết của ông thì chưa được ghi chép rõ ràng.
Nhiều học giả phỏng đoán rằng Gia Cát Lượng chết do mắc căn bệnh về đường tiêu hóa. "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng nhiều lần miêu tả cảnh Gia Cát Lượng thổ huyết, rất có thể đó là triệu chứng của căn bệnh loét đường tiêu hóa. Đó là hậu quả của thói quen làm việc quá sức, ăn uống ngủ nghỉ không điều độ.
Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng Khổng Minh sinh bệnh do chịu quá nhiều áp lực sau những lần Bắc phạt thất bại. Không chỉ vậy, ông còn phải chứng kiến những tướng lĩnh thân tín của mình qua đời, đặc biệt là lão tướng Triệu Vân. Đó là đòn giáng quá mạnh vào sinh mệnh vốn đã quá mỏng manh của ông.
Cuối tháng 8/234, Gia Cát Lượng qua đời ngay trên giường bệnh. Mộ của ông được chôn cất tại núi Định Quân.
2. Gia Cát Lượng giỏi như thế nào? Tài năng có được thần thánh hóa quá mức?
Qua cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung, Gia Cát Lượng được khắc họa là một người túc trí đa mưu, liệu sự như thần. Để đánh giá về tài năng của Gia Cát Lượng, cách tốt nhất là xem xét những trận chiến mà ông đã tham gia cũng như những màn đấu trí với Chu Du và Tư Mã Ý - 2 đối thủ lớn nhất của ông.
2.1. Đại chiến Xích Bích và câu chuyện Gia Cát Lượng mượn gió Đông
Đại chiến Xích Bích luôn được xem là trận đánh nổi tiếng nhất thời Tam Quốc không chỉ bởi quy mô mà còn vì ý nghĩa của nó. Chính trận chiến này đã định hình nên thế chân vạc của 3 nước: Ngụy - Thục - Ngô. Và theo cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung, người góp công lớn nhất trong trận chiến này là Gia Cát Lượng với câu chuyện mượn gió Đông.
Đại chiến Xích Bích diễn ra trong bối cảnh Tào Tháo dẫn 22 vạn đại quân xuống Giang Nam nhằm bình định phương Nam, tiến tới thống nhất thiên hạ. Để đối đầu với quân Tào, liên minh Lưu - Tôn được thành lập với chỉ 5 vạn quân. Tương quan lực lượng giữa hai bên tỏ rõ sự chênh lệch.
Mặc dù vậy, quân Tào cũng không nắm được hoàn toàn lợi thế vì họ không giỏi thủy chiến. Thời tiết khi đó đang là mùa đông, gió Bắc thổi rất mạnh. Để tránh bị lật thuyền, Tào Tháo cho quân dùng những sợi xích lớn nối các chiến thuyền lại với nhau.
Đối phó với số lượng đông đảo của quân Tào, Chu Du và Gia Cát Lượng cùng nghĩ ra kế sách "hỏa công" để tiêu diệt địch. Tuy nhiên, vấn đề là, gió lúc đó ở Giang Nam là gió Tây Bắc, nếu liên minh Lưu - Tôn dùng hỏa công thì không khác gì tự thiêu mình. Cái họ còn thiếu ở đây là gió Đông.
Vấn đề này khiến Chu Du đau đầu, lo lắng đến mức sinh bệnh. Tuy nhiên, vào thời khắc quan trọng nhất, Gia Cát Lượng đã lập đàn cầu gió Đông và giải quyết được vấn đề then chốt của trận chiến.
Khi trận đại chiến diễn ra, quân của liên minh Lưu - Tôn áp sát chiến thuyền của quân Tào và phóng hỏa. Gió Đông thổi mạnh làm cho lửa bén càng nhanh. Tào Tháo không ngờ việc nối các chiến thuyền lại với nhau lại chính là tự đào hố chôn mình. Chỉ trong nháy mắt, hàng trăm chiến thuyền của quân Tào đã bị thiêu rụi. Tào Tháo đại bại phải tháo chạy với vài ngàn quân lính còn sót lại.
Đại chiến Xích Bích kết thúc với thắng lợi thuộc về liên minh Lưu - Tôn. Kế hoạch thống nhất thiên hạ của Tào Tháo bị phá hỏng, thế chân vạc thời Tam Quốc được hình thành.
Như vậy, có thể thấy gió Đông chính là yếu tố then chốt quyết định thắng bại của trận đại chiến này. Vậy thì, phải chăng Gia Cát Lượng có tài "hô mưa gọi gió"?
Theo lý giải của nhà văn La Quán Trung, Gia Cát Lượng là một người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Ông biết được rằng vào thời điểm Đông Chí, khí hậu sẽ ấm dần lên, và gió Đông Nam sẽ thổi nên đã chọn thời điểm này để "mượn gió Đông".
2.2. Gia Cát Lượng và Chu Du - Sự thật câu nói "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng?"
Chu Du là một danh tướng, khai quốc công thần của nhà Đông Ngô. Ông vốn nổi tiếng với chiến thắng trong đại chiến Xích Bích. Mặc dù trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Gia Cát Lượng được ghi nhận là người có công lớn nhất khi "mượn gió Đông" đại phá quân Tào. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng đây chỉ là chi tiết hư cấu của nhà văn La Quán Trung.
Thực chất, Chu Du mới là người góp công lớn nhất khi chính ông là người khuyên nhủ Tôn Quyền quyết tâm đánh Tào. Và ông cũng là người trực tiếp chỉ huy trận chiến này.
Xét về tài năng, Chu Du không hề kém cạnh Gia Cát Lượng. Thậm chí ông còn được coi là tiền bối của Khổng Minh bởi khi đại chiến Xích Bích nổ ra, Chu Du đã có 15 năm kinh nghiệm cầm binh trong khi Gia Cát Lượng mới chỉ tham gia chính sự được 1 năm.
Ngoài ra, trong cuốn tiểu thuyết, Chu Du còn được miêu tả là một người có lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ với tài năng của Gia Cát Lượng. Ông được cho là đã bị Gia Cát Lượng chọc cho tức chết, và phải than rằng: "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng?".
Tuy nhiên, trong cuốn Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ đã khắc họa Chu Du là một người: "Tính tình khoáng đạt, đại lượng…là bậc kỳ tài". Điều đó còn được thể hiện qua việc trước khi qua đời, việc đầu tiên ông làm là đề cử Lỗ Túc thay thế mình mặc dù trước đó họ thường bất đồng quan điểm. Nếu là một người đố kỵ, lòng dạ hẹp hòi thì liệu ông có làm như vậy không?
Có lẽ câu nói "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" tiếp tục là một tình tiết hư cấu của nhà văn La Quán Trung.
2.3. Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý - Ai mới là người giỏi hơn?
Bên cạnh Chu Du, Tư Mã Ý cũng được xem là kỳ phùng địch thủ, đối thủ truyền kiếp của Gia Cát Lượng. Nếu Gia Cát Lượng có biệt danh là Ngọa Long thì Tư Mã Ý cũng được mệnh danh là Chúng Hổ. Điều đó đủ cho thấy tài năng bất phân thắng bại giữa 2 người.
Màn đấu trí nổi tiếng nhất giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý có lẽ là trận "Không thành kế" tại Tây Thành. Lúc đó, trong tay Tư Mã Ý là 15 vạn đại quân hùng mạnh, trong khi Gia Cát Lượng chỉ có khoảng 2500 quân sĩ đóng tại thành.
Đối diện với tình thế hiểm nghèo, Gia Cát Lượng không hề nao núng, ra lệnh cho binh lính mở cổng thành, còn mình thì ung dung đánh đàn trên tường thành. Sau một hồi lắng nghe tiếng đàn và trầm ngâm suy nghĩ, Tư Mã Ý quyết định rút quân vì lo ngại có mai phục bên trong thành.
Nhờ vào mưu kế này mà Gia Cát Lượng không cần đánh vẫn thắng. Tuy nhiên, không thể nhìn vào một trận thua mà vội vàng đánh giá thực lực của 2 bên.
Trên thực tế, đừng quên rằng Gia Cát Lượng Bắc phạt 5 lần, đối đầu suốt mười mấy năm với Tư Mã Ý nhưng vẫn không thành công. Điều đó đủ cho thấy tài năng của Tư Mã Ý như thế nào.
Và nếu bạn còn cảm thấy chưa thuyết phục thì hãy lắng nghe nhận định của Tôn Quyền về Tư Mã Ý. Sau khi nghe tin Gia Cát Lượng qua đời ở Gò Ngũ Trượng, Tôn Quyền đã phải thốt lên rằng: "Tư Mã Công thiện dụng binh, biến hóa như thần, sở hướng vô tiền", ý muốn khen ngợi tài dụng binh của Tư Mã Ý như thần, vượt xa Gia Cát Lượng.
Như vậy, có thể thấy rằng, Gia Cát Lượng đúng là một nhân tài kiệt xuất. Tuy nhiên, tài năng của ông cũng được thổi phồng, và thần thánh hóa quá mức dưới ngòi bút của nhà văn La Quán Trung.
3. Mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị có thật sự thân thiết?
Nhắc tới mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị, hẳn chúng ta không thể nào quên câu chuyện Lưu Bị ba lần đến lều tranh tìm gặp Gia Cát Lượng. Điều đó cho thấy Lưu Bị xem trọng tài năng của Khổng Minh như thế nào.
Thậm chí, sau khi chiêu mộ được Gia Cát Lượng, Lưu Bị còn nói rằng: "Cô gia nay có được Khổng Minh như cá gặp nước vậy". Và kể từ đó, mối quan hệ quần thần giữa 2 người được ví như "cá với nước".
Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ này có khăng khít, thân thiết đến vậy?
Dựa vào các tài liệu lịch sử, các nhà sử học Trung Quốc đã khẳng định rằng: Gia Cát Lượng không phải là người được Lưu Bị tin tưởng, trọng dụng nhất. Vị trí đó thuộc về Pháp Chính.
Dưới đây là những dẫn chứng mà các nhà sử học đã đưa ra.
Thứ nhất, sau chiến thắng Xích Bích, Gia Cát Lượng vẫn không được Lưu Bị trọng dụng trong trận đánh Tây Xuyên. Thay vào đó, Lưu Bị lại tin tưởng Bàng Thống và Pháp Chính.
Thứ hai, trong trận đánh Hán Trung, Pháp Chính vẫn được Lưu Bị tin tưởng ở vai trò trợ thủ chính, còn Gia Cát Lượng chỉ giữ vai trò hậu cần mà không được tham mưu.
Thứ ba, Lưu Bị cũng không giao Kinh Châu cho Gia Cát Lượng trấn thủ mà lại tin tưởng người anh em kết nghĩa vườn đào Quan Vũ. Kết quả là Kinh Châu thất thủ. Các nhà sử học tin rằng nếu Gia Cát Lượng và Triệu Vân là người trấn thủ Kinh Châu thì kết cục đã khác.
Thứ tư, sau khi đánh mất Kinh Châu, Lưu Bị quyết đánh Đông Ngô để trả thù cho Quan Vũ, bất chấp lời can ngăn của Gia Cát Lượng. Kết cục là quân Thục Hán đại bại trong biển lửa. Gia Cát Lượng chỉ biết thở dài và nói: "Nếu có Pháp Chính ở đây tất khuyên được quân chủ không đem quân sang đánh phía đông".
Câu nói đó rõ ràng đã nói lên vị thế của 2 người bọn họ trong lòng Lưu Bị.
Vậy thì, tại sao Lưu Bị lại không tin tưởng và trọng dụng Gia Cát Lượng? Theo các nhà sử học, có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Lưu Bị và Gia Cát Lượng vốn bất đồng quan điểm sâu sắc. Gia Cát Lượng chủ trương muốn liên minh với Đông Ngô để chống Tào, sau đó chờ cơ hội thuận lợi tiêu diệt cả 2 để thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, Lưu Bị lại muốn thành công ngay lập tức mà thiếu tầm nhìn xa. Ông chỉ muốn xưng vương, làm vua ở nước Thục nên không muốn liên minh với Đông Ngô như lời Khổng Minh đề xuất.
Thứ hai, Lưu Bị cũng không hoàn toàn tin tưởng Gia Cát Lượng trong mối quan hệ với Đông Ngô bởi Gia Cát Cẩn - huynh trưởng của Gia Cát Lượng là đại thần của Đông Ngô, từng làm sứ thần nước Ngô sang Kinh Châu thương lượng.
Vậy thì, nếu không tin tưởng Gia Cát Lượng, tại sao trước lúc lâm chung, Lưu Bị lại nhờ cậy Gia Cát Lượng phò tá Lưu Thiện? Câu trả lời đơn giản là vì lúc này Bàng Thống và Pháp Chính đã chết, chỉ còn Gia Cát Lượng là người duy nhất có thể đảm đương trọng trách này.
Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không thật sự thân thiết như nhà văn La Quán Trung đã khắc họa trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa".
4. Những câu nói hay của Gia Cát Lượng
Không chỉ nổi tiếng với tài năng kiệt xuất, Gia Cát Lượng còn được biết đến với tấm lòng trung nghĩa - "cúc cung tận tụy đến chết mới thôi". Bởi vậy, những lời dạy của Gia Cát Lượng luôn được các bậc hậu thế coi trọng.
4.1. Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi
(Tạm dịch: Thời trẻ không chịu nỗ lực, lúc về già sẽ chịu đau thương)
Thời trai trẻ là quãng thời gian quý giá nhất của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều người lại không chịu cố gắng, nỗ lực phấn đấu cho công danh sự nghiệp. Thay vào đó, họ lại sa vào những thú vui vô bổ, ăn chơi, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại, tóc đã bạc. Tuổi già đã đến, sức đã tàn, lực đã kiệt nhưng công vẫn chưa thành, danh vẫn chưa toại. Lúc này, hối hận, muốn làm lại từ đầu thì đã quá muộn rồi.
4.2. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn
(Tạm dịch: Không đạm bạc, chí hướng chẳng tỏ, không tĩnh tâm, tiến xa chẳng nổi)
Câu nói nổi tiếng này được trích từ Giới tử thư (Thư răn dạy con) do Gia Cát Lượng chính tay viết cho Gia Cát Chiêm - con trai ông khi đó mới 7 tuổi.
Thông qua câu nói này, Gia Cát Lượng dạy con trai rằng: Nếu con người không biết sống đạm bạc, suốt ngày chỉ biết chạy theo danh lợi trước mắt thì chí hướng sẽ lệch lạc. Nếu không biết cách tĩnh tâm thì không thể nào đạt được cảnh giới sâu xa, làm nên đại nghiệp.
Cuộc đời Gia Cát Lượng là minh chứng cho điều đó. Thuở nhỏ, mồ côi, ông phải sống nhờ nhà chú. Khi lớn lên một chút, ông tự dựng nhà ra ở riêng, tự trồng trọt, cày cấy để nuôi sống bản thân. Ông sống một cuộc sống đạm bạc, không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm nghiên cứu Nho Đạo và Binh Gia để rồi sau này trở thành một bậc kỳ tài trong thiên hạ.
4.3. Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy
(Tạm dịch: Chớ cậy tài mà kiêu với người khác, chớ cậy được sủng ái mà tác oai tác quái)
Theo lẽ thường, khi con người có tài năng vượt trội sẽ dễ nảy sinh tính kiêu ngạo, không coi người khác ra gì. Họ luôn muốn chứng tỏ mình hơn người bằng cách tỏ ra cao ngạo, lấn át người khác. Tuy nhiên, ở đời, không ai có thể tài giỏi trong mọi lĩnh vực, đến lúc họ cần sự giúp đỡ thì sẽ chẳng ai muốn giúp.
Bên cạnh đó, có nhiều người cậy mình quen biết rộng, có "ô dù", được sủng ái mà tỏ vẻ hống hách, cửa quyền, lạm dụng quyền lực để chèn ép người khác. Nhưng thời thế thay đổi, đến khi người nâng đỡ họ không còn quyền hành nữa thì chính họ sẽ bị những người khác đè đầu cưỡi cổ lại.
4.4. Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính
(Tạm dịch: Lười nhác thì không thể tinh thông, nóng nảy mạo hiểm thì không thể có lý tính)
Mỗi người đều được trời ban cho một tài năng. Nhưng nếu lười biếng, không chịu rèn giũa thì sẽ không thể phát huy được hết tài năng của mình để trở nên xuất chúng. Những người dễ nóng nảy, không biết kiềm chế cảm xúc sẽ rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm, mạo hiểm, dẫn đến thất bại thảm hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
4.5. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học
(Tạm dịch: Phàm việc học, cần phải tĩnh; Muốn thành tài, phải học; Không học thì không mài dũa được tài năng; Không có chí thì không thể hoàn thành việc học)
Thông qua câu nói này, Gia Cát Lượng đã chỉ cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa việc học và tài năng. Để thành tài thì không thể bỏ qua việc học tập, rèn luyện ý chí và cần sự tĩnh lặng của nội tâm.
Câu nói này chính là sự đúc rút từ kinh nghiệm 9 năm sống ẩn cư của Gia Cát Lượng. Ngày ngày, ông lên núi theo học một đạo sĩ và sống ẩn cư ở Lâm Trung để mài dũa tài năng.
4.6. Hữu nan, tắc dĩ thân tiên chi; hữu công, tắc dĩ thân hậu chi
(Tạm dịch: Gặp khó, hãy tự thân đi đầu; Có công, hãy tự thân lùi lại)
Câu nói này ý muốn khuyên nhủ: Người quân tử khi gặp gian khó, hiểm nguy, phải xung phong đi đầu; khi lập công cũng không màng lợi lộc. Nói theo cách khác là lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.
4.7. Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị
(Tạm dịch: Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ)
Khi làm những việc nhỏ, chúng ta không cần chuẩn bị nhiều, mọi chuyện xảy ra rất dễ dàng, thuận lợi. Trái lại, khi làm những việc lớn, chúng ta thường gặp vô vàn khó khăn trắc trở. Đó là chuyện thường tình.
Những lúc như vậy, cần phải tự nhủ rằng việc chúng ta đang làm ắt không phải là việc nhỏ nên cần kiên trì, vững bước vượt qua khó khăn để làm nên đại nghiệp.
4.8. Túy chi tửu nhi quan kỳ tính
(Tạm dịch: Khi uống say thì có thể nhìn ra tính cách)
Tính cách của một người có thể được nhìn thấy rõ nhất khi họ đang say. Đây cũng là thời điểm để nhìn thấu được lòng người. Nếu trong cơn say, họ vẫn cư xử chừng mực thì đó là bậc đại nhân. Còn ngược lại, nếu họ không thể giữ mình, làm điều xằng bậy thì đó là kẻ tiểu nhân, cần phải cẩn thận.
Có thể nói Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhân tài kiệt xuất trong thời lịch sử Trung Quốc. Mặc dù tài năng của ông đôi khi đã được thần thánh hóa quá mức, nhưng chúng ta không thể phủ nhận tấm lòng trung thành của ông đối với Lưu Bị và nhà Thục Hán. Ông chính là đại diện tiêu biểu của một bậc vĩ nhân tài đức vẹn toàn.
Nhân vật nào chết, Gia Cát Lượng thương tiếc, nôn ra máu? 16/02/2022 08:30
Diệu kế nào của Gia Cát Lượng khiến Tư Mã Ý muôn phần kính nể? 14/02/2022 08:30
Gia Cát Lượng từng phạm 2 sai lầm nghiêm trọng nào trong "Tam quốc diễn nghĩa"? 01/02/2022 10:31
Quân sư tài trí trong Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa mưu sĩ "kiệm lời" này 31/01/2022 13:37
Từ khóa » Nhân Vật Gia Cát Lượng Có Thật Không
-
Gia Cát Lượng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Gia Cát Lượng – Nhà Tiên Tri Vĩ đại Của Lịch Sử Trung Quốc
-
Nhân Vật Khổng Minh Gia Cát Lượng Là Ai, Có Thật Hay Không?
-
Gia Cát Lượng Trong Lịch Sử Không Hề Thần Thánh, Nếu ... - CafeF
-
8 Sự Thật Thú Vị Về Gia Cát Lượng - Nhà Quân Sự Chiến Lược Vĩ đại ...
-
Sinh Thời Chỉ Có 2 Người Duy Nhất Tin Gia Cát Lượng Có Tài Năng Thật Sự
-
Gia Cát Lượng Và Sự Thật Về Mối Quan Hệ Với Lưu Bị - YouTube
-
Tài Năng Quân Sự Thực Sự Của Gia Cát Lượng Tới đâu? - Nguoi Dua Tin
-
Tiểu Sử Gia Cát Lượng - Vị Quân Sư “xuất Quỷ Nhập Thần” Tài Ba
-
Sự Thật Thì Gia Cát Lượng Là Người Thế Nào?
-
Hé Lộ Sự Thật ít Biết Về Gia Tộc Của Gia Cát Lượng - CafeBiz
-
Gia Cát Lượng Có Thật Không - Thả Rông
-
5 Nhân Vật Khiến Tư Mã Ý Khiếp Sợ Nhất, Gia Cát Lượng Chỉ Xếp Thứ Ba