Tiểu Sử Gia Cát Lượng - Vị Quân Sư “xuất Quỷ Nhập Thần” Tài Ba

1. Tiểu sử Gia Cát Lượng, thừa tướng toàn năng

Gia Cát Lượng sinh năm 181, đúng mùa thu của năm Tân Dậu tại Dương Đô, ngày nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông sinh vào thời Hán Linh Đế, tức đời nhà Đông Hán. 

Ông là con trai của Gia Cát Khuê, từng làm chức Quận thừa tại Thái Sơn, thời nhà Hán mạt. Ông là con trai thứ hai, có anh là Gia Cát Cẩn và em là Gia Cát Quân. Vì cha mất sớm nên ông và em trai mình là Gia Cát Quân sống cùng với người chú là Gia Cát Huyền, giữ chức vụ Dự chương thái thú cho Viên Thuật. Gia Cát Cẩn, anh trai của Gia Cát Lượng vì tránh loạn nên đến Giang Đông, lúc này, gặp đúng lúc Tôn Sách chết nên đã ở lại đây phục vụ cho Tôn Quyền.

Tiểu sử Gia Cát Lượng
Tiểu sử Gia Cát Lượng

Thực tế thì gia đình của Gia Cát Lượng được xem như là khá có tiếng tăm và có qua lại cũng như giao du với quan lại, các vị nhân sĩ ở trong vùng, địa phương. Dẫn đến sự đối lập hoàn toàn với những câu chuyện dân gian thường miêu tả về Gia Cát Lượng như "ẩn mình tránh đuổi" hoặc "sống ẩn dật".

Sau này, khi người chú mất thì cả 3 anh em Gia cát Lượng đều đã làm quan trong triều. Người anh cả là Gia Cát Cẩn làm quan ở bên Đông Ngô, người em út Gia Cát Quân làm quan cùng với ông tại nước Thục Hán. 

Với Gia Cát Lượng, ông không hề muốn làm một đế vương, hay trở thành vị quan địa phương. bản thân ông hiểu rõ mình muốn trở thành một quân sư, một đại phần hỗ trợ và phò tá cho một vị minh chủ có thể lập nên nghiệp lớn trong tương lai. Đó là một trong những lí do vì sao Gia Cát Lượng lại đồng ý hỗ trợ cho Lưu Bị sau này.

Gia Cát Lượng là một ví dụ sống động cho việc rất thích đọc sách trong quá trình rèn luyện kỹ năng chiến đấu của mình. Thế nhưng, khác với những người bạn của mình, Gia Cát Lượng không đọc sách một cách tỉ mỉ từng câu chữ mà chủ yếu là xem xét một cách khái quát và đại lược cuốn sách. Cách đọc sách này của ông đã được Dịch Trung Thiên đánh giá là “như vậy mới được coi là biết đọc sách”.

Theo Tam quốc chí thì thầy của Gia Cát Lượng chính là Bàng Đức Công, người ở Tương Dương. Theo như trong sách thì ban đầu, Bàng Đức Công không dạy bảo gì Gia Cát Lượng mà chỉ mặc ông tới nhà một mình rồi quỳ lạy dưới giường. Mãi sau này thì Bàng Đức công mới chịu dạy bảo cho Gia Cát Lượng. Và đây cũng chính là người đã đặt cái tên Ngọa Long cho Gia Cát Lượng, cùng với đó chính là các tên như Phượng Sồ (Bàng Thống) và Thủy Kính (Tư Mã Huy).

Công thần khai quốc
Công thần khai quốc

Đây được xem là như lời giải đáp cho việc nhận định rằng, trong gia tộc Gia Cát thì Gia Cát Lượng chính là người giỏi nhất. Vì thế mà đời sau thường có câu là “Thục được rồng, Ngô được hổ, Ngụy được chó”. Ở đây, nhà Thục tức Lưu Bị  có được cả 2 anh em của gia tộc Gia Cát đó là Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân.

2. Sự nghiệp với vai trò là người phò tá Lưu Bị

Sự nghiệp của Gia Cát Lượng gắn liền với Lưu Bị khi ông trở thành một bề tôi trung thành, nhất định một lòng với minh quân mà mình đã lựa chọn. Trong vai trò phò tá của ông lưu bị, Gia Cát Khổng Minh đã hỗ trợ Lưu Bị xây dựng cơ đồ của gia tộc Thục Hán.

2.1. Là người được tiến cử với Lưu Bị

Lưu Bị biết đến được Gia Cát lượng - Khổng Minh chính là do sự tiến cử của Tư Mã Huy nhân lúc bàn chuyện thiên hạ. Lưu Bị nghe danh được Ngọa Long - Gia Cát Khổng Minh, Phượng Sồ - Bàng Thống liền muốn được diện kiến và bảo Tư Mã Huy đưa đến gặp mặt. Lúc ấy, Tư Mã Huy khuyên ông nên đến gặp Gia Cát Lượng và dẫn ông tới nhà. 

Không chỉ có Tư Mã Huy mà Từ Thứ, là một mưu sĩ cũng là một người mà Lưu Bị rất tin tưởng cũng gợi ý ông nên đến gặp Gia Cát Lượng. Chính vì thế mà mong muốn chiêu mộ được “con rồng nằm” Gia Cát Khổng Minh trong con người Lưu Bị càng lớn hơn bao giờ hết. 

Sự nghiệp phò tá Lưu Bị
Sự nghiệp phò tá Lưu Bị

Thời điểm đó, Lưu Bị đã 47 tuổi còn Gia Cát Lượng mới chỉ có 27 tuổi mà thôi. Thế nhưng, người đàn ông trung niên 47 tuổi ấy đã phải đến tận Long Trung để có thể gặp gỡ và mời chàng trai 27 tuổi về giúp sức cho mình. Tương truyền, phải đến lần thứ 3 thì Lưu Bị mới có cơ hội để gặp được Gia Cát Lượng. Cuộc gặp gỡ khiến Lưu Bị càng ấn tượng hơn với Khổng Minh khi ông trình bày về Long trung Kế sách. 

Với lưu Bị, có được Gia Cát lượng chính là điều lớn nhất mà ông có được trong thời đó. Chính Lưu Bị đã từng nói rằng “Có được Khổng Minh như cá gặp nước vậy”. Có được một hiền tài như Gia Cát Lượng chính là một trong những nền tảng mà Lưu Bị gây dựng được sự nghiệp 50 năm của nhà Thục Hán trong bề dày của lịch sử phong kiến Trung Quốc. 

2.2. Hỗ trợ Lưu Bị đánh Tào

Trong tháng 8 năm 208, quân của Tào đã tiến đến và bắt đầu áp sát Kinh Châu. Lúc này, Lưu Biểu đã mất, Lưu Tông trở thành người kế vị và đã có ý định đầu hàng trước tào Tháo. Lúc này, Lưu Bị dẫn quân của mình cùng với gia quyến và Gia Cát Lượng, Từ Thứ,...chạy đến đất Giang Lăng.

Trước đó, Gia Cát Lượng đã khuyên Lưu Bị đánh Lưu Tông để có được quân, dân và đất Kinh Châu. Thế nhưng Lưu Bị lại “chẳng nỡ làm vậy”. Do đó mà quân của Lưu Bị cứ chạy và quân Tào Tháo cứ truy đuổi.

Lúc đó, Lưu Bị được Gia Cát Lượng khuyên nên liên kết với Tôn Quyền, tức nhà Ngô để có thể đánh Tào nhân lúc Lỗ Túc đang đến gặp hai người. “Việc đã rất gấp”, Lưu Bị bèn phải đồng ý liền để cho Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc về bên Đông Ngô để thương lượng. 

Thực tế thì lúc này quyết tâm đánh Tào của Tôn Quyền đã có, thế nhưng, việc Lưu Bị sai Gia Cát Lượng đến nhờ giúp đỡ và liên minh thì vẫn cần phải tỏ vẻ lo lắng và suy nghĩ liệu có nên liên kết hay không. Biết được cá tính của Tôn Quyền, Gia Cát Lượng đã dùng kế khích tướng để nói chuyện, đưa ra những lý lẽ mà Tôn Quyền khó có thể chối cãi được về quân của Lưu Bị. Chính vì thế mà liên minh giữa hai bên đã được quyết định.

Trong việc đánh Tào
Trong việc đánh Tào

Có rất nhiều giả thuyết đưa ra cho việc đi sứ Đông Ngô của Gia Cát Lượng trong sự kiện này. Nhiều sách cho rằng Tôn Quyền đã hạ quyết tâm đánh Tào từ đầu chứ không đợi Gia Cát Lượng phân tích đúng sai. Nhiều sách lại cho là nghe Gia Cát Lượng phân tích quá đúng mà hạ quyết tâm đánh Tào. Dù cho thế nào thì tác động của Gia Cát Lượng trong sự kiện lần này không phải là không có.

Cũng trong chuyến đi sứ ấy, Gia Cát Lượng đã lọt vào tầm ngắm của Tôn Quyền và Gia Cát Cẩn (anh trai của Gia Cát Lượng) đã đến để khuyên nhủ em trai. Thế nhưng, chưa kịp mở lời đã bị Gia Cát Lượng nói lời từ chối. Đây chính là biểu hiện cho sự trung thành của Gia Cát Lượng với Lưu Bị.

Trận Xích Bích và Giang Lăng được xem là trận đánh thể hiện liên minh giữa hai bên. Lúc ấy vào khoảng năm 208 - 209. Theo như sử sách ghi chép lại thì hoạt động của Gia Cát Lượng lúc này không có quá nhiều, ông chủ yếu tham gia vào việc ngoại giao với quân Ngô và nội chính của nhà Thục.

Thế nhưng, dấu ấn của Gia Cát Lượng chính là việc giúp cho Lưu Bị có được 4 quận ở phía Nam khi không bỏ công hay gặp tổn hại gì nhiều. Trong khi đó, nhà Ngô lại chỉ có được 3 quận ở Kinh Châu mặc cho công sức và con người đều bị tổn thất khá lớn. Tham mưu của Gia Cát Lượng được xem là một sách lược đầy táo bạo nhưng cũng rất thành công. Đây được xem như một sự học hỏi khá lớn của Gia Cát Lượng từ Chu Du và Lỗ Túc khi 2 người họ đều có hơn 15 năm kinh nghiệm với con đường binh nghiệp. Còn Gia Cát Lượng tính tới thời điểm trận đánh diễn ra mới chỉ tham gia chính sự được 1 năm và ông mới 28 tuổi mà thôi. 

Thế nhưng, cũng chính sự kiện này đã phần nào khiến cho liên minh Ngô - Thục bị đứt gãy. Quân Ngô sau cuộc chiến tổn hại nhiều, thu được ít lại cộng thêm Chu Du bị thương nặng và là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi sau đó. Điều này đã khiến cho Tôn Quyền để ý. Thế nhưng, Quan Vũ vì được giao nhiệm vụ giữ Kinh Châu mà hay tỏ ra hống hách với Đông Ngô đã tạo nên sự rạn nứt trong mối quan hệ liên minh giữa 2 nhà. 

Liên minh Ngô - Thục
Liên minh Ngô - Thục

Và khi Lỗ Túc mất, tức là 12 năm sau đó, Tôn Quyền đã cử danh tướng Lã Mông của mình đánh Kinh Châu và giết chết Quan Vũ, chính thức cắt đứt mối liên minh này. Sự ra đi của Lỗ Túc được xem như dấu chấm hết cho sự liên kết của Ngô - Thục khi Lỗ Túc luôn là người chủ hòa để tránh cho việc rạn nứt xảy ra.

2.3. Quân sư cho Lưu Bị bình kinh Châu và trở thành Thừa tướng

Có được Kinh Châu, việc quan trọng lúc này chính là yên ổn lòng dân để có thể củng cố và xây dựng lực lượng cũng như nền tảng căn cứ vững chắc cho mình. Cũng nhờ có vị quân sư là Gia Cát Lượng mà Lưu Bị ngày càng được lòng dân cũng như quần thần với việc có biểu hiện “lấy nhu khắc cương, lấy nhược khắc cường”.

Cũng ở giai đoạn này, vai trò của Gia Cát Lượng chủ yếu trong việc bình ổn các hoạt động nội chính khi giúp cho lương thảo của quân đội luôn đầy đủ và việc tích trữ cũng tốt hơn. Ông được ví như thừa tướng Lưu Hà thời trước trong việc giúp Lưu Bang xây dựng cơ đồ.

Với sự ổn định mà Gia Cát Lượng tạo ra thì Lưu Bị đã có thể yên tâm thể hiện được tài binh nghiệp của mình với việc giành được Ích Châu. Sau đó thì Gia Cát Lượng đã trở thành thừa tướng, phò tá cho Lưu bị, cai quản các công việc hành chính và không quản các việc trong lĩnh vực quân sự. Các chính sách mà Gia Cát Lượng xây dựng chủ yếu “lấy yên dân làm gốc”, bảo vệ người dân một cách tối đa nhất có thể và hạn chế được sự quyền thế của tầng lớp quan lại, quý tộc.

Các pháp chế mà ông thi hành thực sự công minh thế nhưng vẫn có rất nhiều người kêu là “quá hà khắc”. Điều này thực tế là cần thiết vì khi chấp pháp nghiêm minh thì đất nước mới ổn định, và bản thân Gia Cát Lượng cũng hiểu rõ được trong việc cầm quyền thì chỗ nào cần khoan dung hay chỗ nào cần nghiêm khắc đều phải linh hoạt và rõ ràng. 

Trở thành thừa tướng
Trở thành thừa tướng

Với tài năng điều hành, quản lý của mình, Gia Cát Lượng đã thể hiện được công lao trong việc giúp ích châu đủ quân, đủ lương để có thể cung cấp cho tiền tuyến. Không những thế, việc cho thực hiện đúc tiền của ông cũng tạo nên những khả quan của nhà Thục hơn hẳn nhà Ngô và Tào Tháo.

2.4. Nhận sự ủy thác của Lưu Bị và phò tá Lưu Thiện

Vào mùa hạ của năm 221, Lưu Bị chính thức lên ngôi, thế nhưng, vừa lên đã bắt đầu muốn đánh Kinh Châu để có thể trả thù cho Quan Vũ. Gia Cát Lượng khuyên ngăn không nổi và ngay sau đó chính là thất bại của Lưu Bị tại Tỷ Quy. Điều này đã khiến cho Lưu Bị quá mất mặt, bệnh nặng mà mất. Trước khi chết, Lưu Bị giao lại đại sự cho Gia Cát Lượng và dặn dò con trai của mình “phải coi thừa tướng như cha”. Nghe được vậy, Gia Cát Lượng liền quỳ xuống và nguyện chết cũng vẫn một lòng cung cúc tận tụy.

Năm Lưu thiện 17 tuổi, chính thức lên ngôi hoàng đế. Một tay Gia Cát Lượng bình ổn đại cục, thâu tóm quyền lực và chỉnh đốn lại lực lượng nội bộ. Chính Lưu Thiện đã nói rằng: “Chính là họ Gia Cát đã cứu quả nhân.”

Lúc này, Gia Cát Lượng thực hiện chính sách liên minh Ngô - Thục và nhận được nhiều sự phản đối. Điều này là tất yếu bởi Lưu Bị chết là có nguyên nhân chính từ việc đánh Ngô. Thế nhưng, đại cục có thể thấy rằng, chỉ có liên minh Ngô - Thục thì việc đánh Tào Ngụy mới có thể thành công. Với sự thông minh và khéo léo của mình, Gia Cát Lượng đã giúp cho liên minh Ngô - Thục đã được lập lại và củng cố vững chắc hơn.

Nếu như trước đây, Gia Cát Lượng chủ yếu lo việc điều hành, quản lý hành chính và dân chính thì thời thế hiện nay đã đổi. Lưu thiện còn quá non trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, vì thế mà Gia Cát Lượng phải lo thêm cả quân sự. 

Phò tá Lưu Thiện
Phò tá Lưu Thiện

Điển hình chính là việc Nam chinh của Gia Cát Lượng với việc bình Nam Trung khi nơi đây diễn ra các cuộc nổi dậy. Lúc này, pháp chính hà khắc không được ông áp dụng mà thay vào đó là chính sách khoan dung một cách “vô tiền khoáng hậu”.

Trong việc vây bắt quân của Mạnh Hoạch (một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy) thì Gia Cát Lượng yêu cầu không được giết hay làm bị thương, chỉ được phép bắt sống. Riêng Mạnh Hoạch bắt rồi lại thả. Lặp lại đến 7 lần thì Mạnh Hoạch quyết định không trở về nổi dậy nữa mà tâm phục khẩu phục xin hàng trước thừa tướng Gia Cát Lượng. Chính điều này đã khiến cho các thủ lĩnh còn lại cũng bắt đầu hàng trước nhà Thục. Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện được tài năng của Gia Cát lượng trong việc quân sự.

Nhiều nhà sử học cho rằng việc bắt và thả Mạnh Hoạch đến 7 lần là không có thực. Thế nhưng, đó chỉ là số lượng có thể không đúng mà thôi, còn việc bắt rồi thả Mạnh Hoạch của Gia Cát Lượng hoàn toàn là sự kiện có thật.

2.5. 5 lần thực hiện chiến dịch đánh Tào không thành

Năm 227, Gia Cát Lượng quyết định xin Lưu Thiện hạ chỉ ủy quyền cho ông đem quân đánh tào, thực hiện chiến dịch Bắc phạt của mình để có thể khôi phục lại gian sơn của nhà Hán. Lưu thiện đồng ý, quyết định giáng chiếu để Gia Cát Lượng có thể thực hiện công cuộc này.

Ở thời điểm này, các danh tướng từ thời Lưu bị đã chết hết, chỉ còn lại Triệu Vân, thế nhưng đã già. Gia Cát Lượng vì thiếu kinh nghiệm trong việc ra trận nên quyết định lựa chọn sách lược tấn công một cách thận trọng nhất. Lúc này, tướng quân Ngụy Diên với kinh nghiệm trong trận mạc của mình đã hiến kế cho Gia Cát Lượng thì đều không được đồng ý. Theo như sử sách ghi chép thì điều này là bởi các kế sách của Ngụy Diên quá táo bạo và có nhiều rủi ro. Thế nhưng, Ngụy Diên lại cho rằng Gia Cát Lượng quá nhút nhát và dẫn đến tài năng của mình không được vận dụng hết.

Bắc phạt không thành
Bắc phạt không thành

Từ năm 228 - 234, 5 lần thực hiện chiến dịch Bắc phạt, Gia Cát Lượng đều thất bại và không thể giành lại được giang sơn cho nhà Hán. Mặc dù có được những thắng lợi nhất định, thế nhưng, về cơ bản thì đây được xem là những thất bại trong sự nghiệp của Gia Cát Lượng. Thực tế thì đây không phải là vì năng lực của ông yếu kém mà các nguyên nhân chính đều đến từ các yếu tố mang tính nội tại. Ví dụ như lực lượng của nhà thục chưa thực sự đủ mạnh, trong khi tào Ngụy thì lại quá lớn. Thêm vào đó chính là tài năng về binh lược của Gia Cát Lượng vốn không phải là sở trường hay điểm mạnh của ông.

Tuy nhiên, việc quyết định Bắc Phạt được xem như một chiến lược nhìn xa trông rộng mà Gia Cát Lượng thấy được tiềm năng từ đó.

3. Sự ra đi của Gia Cát Lượng khi nghiệp lớn chưa thành

Gia Cát Lượng thực hiện chiến dịch Bắc phạt không thành, điều này đã dẫn đến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn rất nhiều. Và ngay sau đó chính là sự ra đi của ông vào tháng 8 năm 234, khi ấy Gia Cát Lượng 54 tuổi. Thời điểm này cũng chính là lúc chiến dịch đánh Tào lần thứ 6 được thực hiện và đang trong giai đoạn dang dở. 

Vào thời điểm mà Gia Cát Lượng qua đời, theo ghi chép từ cuốn sách tấn Dương Thu của Tôn Thịnh thì “ở trên khoảng trời phía Bắc, có một ngôi sao đỏ rất lớn, từ phía Đông Bắc theo phía Tây Nam chợt lóe sáng rồi tắt đi”. Điều này hàm ngụ ý cho việc một ngôi sao sáng của bầu trời phương Bắc, chính là Gia Cát lượng đã biến mất và từ giã cuộc đời này.

Hay tin về sự ra đi của Gia cát Lượng, Tư Mã ý, đại tướng của ngụy đã quyết định đưa quân đánh nhà Thục. Thế nhưng, trước khi mất, Gia Cát Lượng đã dặn Dương Nghi thực hiện kế sách của mình, quay cờ, đánh trống dóng chuông, khiến cho Tư Mã Ý tưởng Gia Cát Lượng chưa chết và thu quân về. Điều này đã giúp cho quân Thục có thể an toàn mà thu quân về Hán Trung.

Qua đời
Qua đời

Sự kiện tư Mã Ý sợ Gia Cát Lượng đã chết được xem như một câu chuyện cười dân gian “Gia Cát chết vẫn dọa được Trọng Đạt sống”. Thế nhưng, Tư Mã Ý lại chẳng hề để tâm mà chỉ nói “Ta có thể đánh với người sống chứ không phải người chết”.

4. Gia Cát Lượng, tài năng kiệt xuất

Về tài năng của Gia Cát Lượng thì khó ai có thể bàn cãi được. Từ chính trị, ngoại giao chop tới quân sự, lĩnh vực nào ông cũng có điểm mạnh riêng biệt của mình. Không những vậy, tài tiên đoán của Gia Cát Lượng cũng được rất nhiều người nể phục.

Những câu chuyện về khả năng dự đoán chính xác của Gia Cát Lượng có thể kể đến như câu chuyện lúc qua đời. Khi Gia Cát Lượng mất, ông đã dặn dò binh lính hãy khiêng quan tài của mình theo đường mà đoàn quân lui về Hán Trung, dây thừng đứt ở đâu thì chôn ở đó. Đi mãi về phía núi Định Quân thì dây thừng bỗng đứt ra. Quân lính bèn vội vàng đào huyệt để có thể hạ quan tài của ông xuống. Được một lúc thì tự dưng quan tài sập xuống, huyệt vừa khít ôm trọn lấy. Ông còn dặn dò binh lính không được để lại dấu hay chôn cất cùng bất cứ tài sản nào để tránh bị phát hiện.

Thêm một câu chuyện nữa chính là bức thư được giấu trong tường nhà để có thể cứu được con cháu mình. Trước lúc ông mất, có dặn dò con cháu chuyện một trong số họ sẽ gặp đại nạn. Khi đó hãy cho dỡ nhà và lấy phong thư ở bên trong đó. Sau khi ông mất, Tư Mã Viêm lên ngôi và đã có ý định trừng trị hậu duệ nhà Gia Cát. Chính vì thế mà con cháu Gia Cát lâm nguy, ngay khi bị truy hỏi về di chúc của Gia Cát lượng để lại thì đã thành thật kể ra lời dặn của ông.

Tài năng kiệt xuất
Tài năng kiệt xuất

Tư Mã Ý sai người dỡ nhà, thấy một phong thư đề chữ chỉ vua mới có thể xem - Ngộ hoàng nhi khai. Tư Mã Ý mở ra, bên trong chỉ có duy nhất 3 chữ “Xin lùi 3 bước”. Vừa lùi xong thì chiếc xà đã rơi thẳng xuống chỗ nhà vua ngồi. Điều này đã khiến cho Tư Mã Ý thực sự bàng hoàng và nể phục Gia Cát Lượng hơn bao giờ hết.

Có thể nhận thấy rằng, Gia Cát Lượng chính là một tài năng kiệt xuất với tài trí thông minh, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ông được biết đến là một danh nhân lịch sử được người Nhật coi trọng nhất. Không chỉ bởi tài năng mà sự trung thành “cung cúc tận tụy, đến chết mới thôi” của mình. Đó là điều mà không phải “một bề tôi nào cũng có được” theo nhận định của hoàng đế Khang Hy.

Trên đây chính là tiểu sử Gia Cát Lượng, một vị danh nhân lịch sử tiêu biểu, lỗi lạc với tài năng “xuất quỷ nhập thần” trong lịch sử. Hy vọng rằng bài viết này đã thực sự hữu ích với các bạn để hiểu rõ hơn về cuộc đời của Gia Cát Khổng Minh.

Từ khóa » Nhân Vật Gia Cát Lượng Có Thật Không