Giá Thép Xây Dựng Tăng Phi Mã, Giấc Mơ Mua Nhà Vẫn Chỉ Là Giấc Mơ

Giá thép tăng dựng đứng chủ đầu tư đứng ngồi không yên

Ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng bán vật liệu xây dựng quanh Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép đã có nhiều lần điều chỉnh tăng giá.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (Thép Hoà Phát) đã có các đợt tăng giá thép vào các ngày 10/3, 6/3 và 4/3. Gần đây nhất, ngày 15/3, Thép Hoà Phát thông báo tăng thêm 600 nghìn đồng/tấn (chưa bao gồm VAT) với sản phẩm thép cây và thép cuộn xây dựng. Như vậy, từ đầu năm, giá thép cây tại doanh nghiệp này đã 6 lần được điều chỉnh tăng giá, với mức tăng từ 200.000 - 600.000 đồng/tấn.

Giá thép xây dựng tăng phi mã, giấc mơ mua nhà vẫn chỉ là giấc mơ
Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, khiến giấc mơ mua nhà của người thu nhập thấp khó thành hiện thực. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bên cạnh đó, giá thép xây dựng Việt Ý cũng được điều chỉnh tăng giá 3 lần trong tháng 3. Cụ thể, giá thép cây xây dựng D10 có giá từ 17,46 triệu đồng/tấn tăng lên mức 18,78 triệu đồng/tấn.

Tương tự, ngày 16/3, thép Kyoei, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina cũng điều chỉnh tăng thêm từ 500 - 650 đồng/kg đối với thép cuộn CB24 và thép thanh vằn D10, với mức giá từ 18 triệu đồng/tấn đến 19,8 triệu đồng/tấn.

Mới đây nhất, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen thông báo tăng giá 300 đồng/kg với các mặt hàng: tôn mạ, thép dây mạ, ống thép mạ kẽm và 2.000 đồng/m với mặt hàng tôn cách nhiệt Hoa Sen, thời gian áp dụng giá bán mới từ ngày 31/3.

Lý giải về lý do tăng giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, do tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nên doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giá bán. Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin thêm, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các yếu tố khác đã ảnh hưởng khá nhiều đến giá thép, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải điều chỉnh giá bán thép liên tục. Hiện tại, thị trường đã xác lập mặt bằng giá mới, khiến mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, không chỉ làm khó doanh nghiệp xây dựng, giá thép tăng cũng đẩy các vật liệu xây dựng khác như: sắt, cát, xi măng…, tăng theo, điều này đang khiến các chủ đầu tư bất động sản đứng ngồi không iên.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho hay, trước tình trạng giá thép, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng giá, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.

Giá vật liệu tăng buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán nhà

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, giá nguyên vật liệu tăng đang tạo áp lực lớn với chủ đầu tư, riêng chi phí sắt thép chiếm 15 - 20% tổng vốn đầu tư. Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng.

Ông Hiệp nhận định, nếu giá thép, xi măng và nguyên vật liệu tăng trong khoảng thời gian ngắn và tăng nhẹ thì các nhà thầu, chủ đầu tư vẫn xoay chuyển được. Tuy nhiên, nếu về lâu dài, nhiều lo ngại việc tăng giá vật liệu lên cao sẽ khiến chủ đầu tư bị lỗ nặng, thậm chí phải dừng dự án. Hiện nay, giá vật liệu tăng quá nhanh khiến nhiều tổng thầu đề nghị đàm phán lại giá theo hướng tăng thêm từ 10 - 12%. Nếu áp dụng giá xây dựng mới, chắc chắn giá thành công trình sẽ đội lên, khi đó buộc lòng chủ đầu tư phải điều chỉnh lại giá bán căn hộ.

“Trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế biến động tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng; nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu, một số vật liệu xây dựng chủ yếu… Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án” - Bộ Xây dựng đánh giá.

Không chỉ các nhà thầu lớn, ngay cả những nhà thầu nhỏ cũng đang căng mình trước sức nóng của giá vật liệu xây dựng. Anh Vũ Điền - một môi giới bất động sản chia sẻ, hoạt động trong mảng nhà đất thổ cư, anh tìm mua lại những căn nhà cũ, bỏ công sửa thêm rồi giao bán. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng giá vật liệu leo thang, đội chi phí sửa chữa lên khá cao.

Đơn cử những năm trước, anh tìm mua những căn nhà cũ có phân khúc giá từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, đầu tư thêm 300 đến 400 triệu đồng vào sửa chữa, mua nội thất lắp đặt rồi bán lại khoảng 2 đến 2,5 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, anh bắt tay vào sửa chữa và đang giao bán 2 căn nhà, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ra được hàng, vì giá nhà bị đội lên từ 200 đến 300 triệu đồng do nguyên liệu, vật liệu và giá nhân công xây dựng tăng.

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng leo thang, ngày 23/3, Bộ Xây dựng đã ban hành công văn, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị UBND các tỉnh, chỉ đạo sở xây dựng tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định để công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, hàng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương thực hiện nghiêm việc công bố giá vật liệu xây dựng, đồng thời gửi kết quả về Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp. Về phía Bộ Xây dựng, đang khẩn trương rà soát các vấn đề liên quan đến quản lý chi phí, giá, định mức để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022./.

Từ khóa » Thép Xây Dựng Tăng Giá