Giá Trị Chân Xác Của Bài Tựa Kim Vân Kiều án

Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2000
4. Gía trị chân xác của bài tựa KIM VÂN KIỀU ÁN (TBHNH 2000)

Cập nhật lúc 22h48, ngày 07/04/2007

GIÁ TRỊ CHÂN XÁC CỦA BÀI TỰA KIM VÂN KIỀU ÁN

NGUYỄN KHẮC BẢO

Thị xã Bắc Ninh

Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một kiệt tác của nền văn hóa dân tộc. Nhưng cho đến nay chúng ta cũng chưa thể kết luận chính xác là Nguyễn Du đã viết tác phẩm này vào thời gian nào? Những người được đọc Đoạn trường Tân thanh đầu tiên có lẽ là anh em trong gia đình, như anh rể là Liên tri Ngự giá Vũ Trinh (1758-1828) có lời “mặc bình”, em ruột là Châu sơn Tiều lữ Nguyễn Lượng (1786-1817) có lời “châu bình” và có thể là cả các cháu như nhà thơ Nguyễn Hành (1771-1824), một trong An Nam ngũ tuyệ cùng với Nguyễn Du; Nguyễn Thiện (1763-1818) người nhuận sắc Hoa Tiên… rồi đến Lương Đường Quý Thích đọc và có bài “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm(1). Nhưng 2 văn bản có giá trị gợi hướng suy tìm thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều là bài Tựa sách Kim Vân Kiều án của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng (1802-?) viết năm Canh Dần (1830) trong đó có câu “Kíp đến Quan Đông các nước ta phu diễn ra quốc âm…” và Đại Nam chính biên liệt truyện do sứ thần nhà Nguyễn soạn năm Tự Đức thứ 5 – (1852) chép: “Ông (Nguyễn Du) giỏi quốc âm. Đi sứ Tàu về thì có Bắc hành thi tậpThuý Kiều truyện hành thế”. Bài Tựa sách Kim Vân Kiều án của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng được học giả Đào Duy Anh dùng làm tài liệu căn cốt để nêu lên giả thuyết: “Nguyễn Du viết sự tích Thúy Kiều trong khi còn làm quan ở chức Đông các, nghĩa là trước khi đi sứ Trung Quốc”(2). Lập luận này đã được nhiều nhà nghiên cứu cho là có lý, và ít nhất đã khẳng định được Truyện Kiều ra đời trước khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc (1813-1814). Còn thực ra cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại thời điểm ở ẩn dưới chân núi Hồng hay khi làm quan Đông các thì chúng tôi xin trình bày ở một bài viết khác.

Thời gian qua, ông Nguyễn Quảng Tuân liên tiếp đăng tải bài Cần phải xác định lại giá trị bài tựa Kim Vân Kiều án trên Tạp chí Hán Nôm số 2/1990 và ở các bản Truyện Kiều do ông khảo đính xuất bản năm 1995, 1997. Điều đáng phải quan tâm là những quan điểm của cá nhân Nguyễn Quảng Tuân chưa được ai tán đồng, không rõ vì sao lại được đưa vào Tổng tập văn học Việt Nam số 12 - bộ tùng thư bề thế của thời đại do Uỷ ban KHXH Việt Nam (nay là Trung tâm KHXH và NVQG) chủ trì, một Tổng tập chuyên đề về Thơ văn chữ Nôm Nguyễn Du mà cách biên tập đã được nhiều nhà nghiên cứu phê bình là: “Có phần lạm dụng, lạc lõng vì chủ biên Nguyễn Quảng Tuân đã đưa vào mấy bài nghiên cứu của mình…” (Bùi Duy Tân, Văn nghệ 28/9/99). Trong bài viết của mình, Nguyễn Quảng Tuân đã liệt kê ra tới “5 điểm sai” của bài Tựa sách Kim Vân Kiều án và kết luận giá trị của văn bản in các nhận xét đầu tiên bình luận về Truyện Kiều của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng là “Không được chính xác, có nhiều sai lầm nên không đáng tin”!?

Chúng tôi xin trao đổi về những điều mà ông Nguyễn Quảng Tuân đã vội vàng, hấp tấp khi chê cụ Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng viết sai.

1. Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: “Sai lầm về nhà xuất bản: Nhà Quán Hoa Đường đã xuất bản cuốn Kim Vân Kiều truyện chứ không phải nhà Ngũ Vân Lâu”.

Đúng ra trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện(3) chỉ ghi là “Quán Hoa Đường bình luận, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài nhân (bản A953) đề: Thanh Tâm Tài tử biên thứ”. Thế là Nguyễn Quảng Tuân đã hiểu nhầm từ khái niệm: Quán Hoa Đường bình luận thành Quán Hoa Đường xuất bản. Tôi có một bản của Trung Quốc mới tái bản, có in lại hình ảnh cổ thì đề rõ là: “Kim Vân Kiều - Khuyết Nguyệt Trùng Viên – Minh Hoa Hiên tàng bản(4) (có ảnh kèm theo). Vậy ta có thể kết luận Quán Hoa đường là bút hiệu của một danh sĩ Trung Hoa đã bình luận Kim Vân Kiều, tương tự như các bút hiệu: Mộng Liên đường chủ nhân, Quế Đường tiên sinh… Còn một trong các nhà đã xuất bản Kim Vân Kiều là Minh Hoa Hiên và có thể là cả Ngũ Vân Lâu nữa vì ta đã biết Ngũ Vân Lâu là một nhà tàng bản lớn, có ấn bản phổ biến là Tứ thể thư pháp được các nhà nho tin dùng.

Vậy Nguyễn Quảng Tuân viết: “Nhà Quán Hoa Đường đã xuất bản cuốn Kim Vân Kiều truyện” là hoàn toàn sai lầm.

2. Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: Sai lầm về tên sách: Sách gọi là Kim Vân Kiều truyện chứ không phải là Thực lục”.

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hữu Sơn đã viết: “Nói riêng về bản truyện Kim Vân Kiều, tính đến nay ở Trung Quốc và nước ngoài đã sưu tầm được 13 loại văn bản khác nhau”(5). Nên những người đương thời với Nguyễn Du, ai đọc được bản nào của Trung Quốc chép truyện về Thuý Kiều thì tưởng rằng Tiên sinh đã dựa vào đó để viết nên Đoạn Trường Tân Thanh. Đến như Phạm Quỳnh trên báo Nam Phong số 30 (1919) cũng còn tưởng cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều là đã dựa vào Ngu Sơ Tân Chí(6). Phải đợi đến “Mùa hè 1923 cụ Lê Thước tìm được ở Việt Nam duy nhất một cuốn Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ”(7) thì hậu thế mới có cơ sở chắc chắn để suy ra nguồn gốc Truyện Kiều.

Vậy trước đó hàng trăm năm cụ Nguyễn Văn Thắng: “Nghe nhà Ngũ Vân Lâu bên Tàu in bản Thực lục đã lưu hành khắp chỗ” thì với phong cách của một nhà Nho tài tử, cụ suy luận nguồn gốc Truyện Kiều là do bản Thực lục bên Tàu, xem ra cũng là một hướng suy luận có lý chứ.

3. Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: “Sai lầm về chức vị của Nguyễn Du: Các bản Kim Vân Kiều tân truyện (Đoạn Trường Tân Thanh) đều ghi Lễ Tham Nguyễn hầu soạn, không có bản nào ghi là Đông các học sĩ Nguyễn Du soạn, cho dù Nguyễn Du có soạn cuốn Đoạn Trường Tân Thanh lúc còn làm Đông các học sĩ thì cũng phải ghi chức tước của ông, khi in cuốn truyện. Khi Phạm Quy Thích cho in cuốn truyện ấy thì Nguyễn Du đã làm Tham tri Bộ Lễ rồi”.

Ở đoạn văn trên, Nguyễn Quảng Tuân đã có một lý luận đầy tính chủ quan phiến diện. Do ông không được trông thấy bản Kiều mà cụ Nguyễn Văn Thắng đọc năm 1830 nên đã vội vàng tuyên bố: “Không có bản nào ghi là Đông các học sĩ Nguyễn Du soạn”. Vậy với bản Kiều do Liễu Văn Đường in sau đó những năm 41 năm (1871), năm 1995 ông có được đọc đâu mà ông vẫn nghiễm nhiên dùng bản Kiều ấy để khảo dị, mà lại trích dẫn hàng trăm câu của bản Kiều LVĐ 1871 ấy, trong đó nguy hại hơn là có hàng chục câu trích dẫn sai do không phiên âm đúng chữ Nôm của bản Kiều cổ LVĐ 1871. (Vấn đề này sẽ xin dẫn chứng cụ thể ở một chuyên luận khác).

Ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ cần suy nghĩ kỹ một chút thì thấy rõ ngay là văn bản Kiều mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đọc chỉ là một bản viết tay, sao chép lại một văn bản Kiều nào đó, mà năm sao chép đó cụ Nguyễn Du chắc là đang giữ chức Đông các học sĩ nên trên bản ấy có thể sẽ ghi: Đông các học sĩ Nguyễn Du soạn.

Nếu như bây giờ, chúng tôi đọc tập: “Chu Mạnh Trinh và Thanh Tâm Tài Nhân thi tập thấy đề tác giả là Nguyễn Quảng Tuân, giáo sư Trung học Ngô Quyền, Hải Phòng, thì cũng sẽ bảo đề thế là sai ư? Vì bây giờ đã là Nhà nghiên cứu văn học – thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải là giáo sư Trung học Ngô Quyền ở Hải Phòng nữa! Với người có nhiều chức danh, dựa vào từng chức danh ghi ở tác phẩm mà suy ra thời điểm sáng tác là một lợi khí mà nhà nghiên cứu phải sử dụng. Nguyễn Quảng Tuân đã quên điều này, mà chỉ dựa vào mỗi chức danh to nhất cuối cùng để nhớ về một người, quả thật là đã không biết tận dụng các công cụ mà tư liệu đã cung cấp cho mình. Thật lạ lùng khi làm nghề nghiên cứu mà cứ thấy điều gì khác với điều mình biết, đều cho ngay là điều đó sai!

4. Ông Nguyễn Quảng Tuân lại tiếp tục cho “Bài Tựa sai vì bản Kiều mà Nguyễn Văn Thắng đọc chỉ có 1575 liên tức 3150 câu”. Đây là một điều lẽ ra rất dễ hiểu, vì cả một truyện thơ dài như vậy, qua nhiều lần sao chép, sửa chữa thì số câu có biến động là chuyện bình thường. Chính vì thế mà sau này ta còn có các bản Michels Nôm năm 1884 có 3252 câu; bản Kiều Oánh Mậu năm 1902 có 3256 câu, bản Kim Vân Kiều quảng tập truyện, do Liễu Văn Đường tàng bản năm 1916 có 3262 câu. Ông Nguyễn Quảng Tuân lại cứ máy móc vin vào bản mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đọc có 3150 câu mà cho là sai thì cả 3 bản Michels, Kiều Oánh Mậu, Quảng tập “đều sai, không đáng tin” cả sao?

5. Phần này ông Nguyễn Quảng Tuân có một lý luận đơn giản rằng: “Vua Minh Mạng viết “Thánh Thán bất phùng, hàn yên tán mạn”. Vì chưa được thấy cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Tàu nên Vua Minh Mạng mới viết nhầm là “Thánh Thán trước”. Ở đây chính Nguyễn Quảng Tuân đã nhầm vì người viết câu “Thị biên bắc nhân, Thánh Thán trước” là Vua Tự Đức chứ đâu phải Minh Mạng. Còn việc vua Minh Mạng không có được cuốn sách đó bởi một lẽ dễ hiểu là nó thuộc loại “dâm thư” nên chả kẻ nào dám “đem dâng nạp Minh Mạng”, vì nếu dâng nạp tức sẽ mất đầu do tội “tàng trữ dâm thư”. Do vậy, cụ Nguyễn Văn Thắng vì không ở trong cung cấm nên đã được thấy “Kim Vân Kiều truyện đã lưu hành khắp chỗ”, còn vua Minh Mạng “bất phùng” là thực tế dễ hiểu, có gì đâu mà kết tội là “sai lầm”. Điều này cũng giải thích vì sao trong đời Minh Mạng lại chưa có ai dám in Truyện Kiều cả. Còn việc ông Nguyễn Quảng Tuân cứ viết rằng: “Khi Phạm Quý Thích cho in cuốn truyện ấy thì Nguyễn Du đã làm Tham tri Bộ Lễ rồi” thật rõ là một câu văn tuỳ tiện. Vì điều mà mọi người chỉ dám viết là: “Tương truyền Phạm cũng có nhuận sắc lại chút ít, đổi tên thành Kim Vân Kiều tân truyện và đem khắc ván ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Đó là bản Kiều Nôm theo Thuyết được truyền lại”. Thế mà đến nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân thì lại đã hồn nhiên bỏ qua việc “Tương truyền” “thuyết được truyền lại” mà viết chắc như đinh đóng cột là “Khi Phạm Quý Thích cho in cuốn truyện ấy” làm mọi người cứ tưởng rằng Nguyễn Quảng Tuân đã được trông thấy, chụp ảnh, nghiên cứu cuốn Kiều Nôm sớm nhất của Phạm Quý Thích. Vậy câu văn của Nguyễn Quảng Tuân có còn đáng tin không? Nếu ông Nguyễn Quảng Tuân có bản Truyện Kiều của Phạm Quý Thích cho in thì hẳn ông đã chụp như vẫn thường làm rồi công bố ảnh.

Trong phần đầu bài viết của mình, Nguyễn Quảng Tuân nhấn mạnh: “Người chủ trương giả thiết nào dù muốn bênh vực cho chủ trương của mình cũng phải chân thành và triệt để tôn trọng tính khoa học mới được”. Nhưng đọc kỹ bài viết của Nguyễn Quảng Tuân, tôi thấy ông chẳng thực hiện được phần nào điều viết trên. Vì trong khi viết, không hiểu ông Nguyễn Quảng Tuân do vô tình hay không hiểu mà luôn trích dẫn sai, dịch sai ý của người khác để phê bình họ hoặc để bảo thủ cho những lý luận chưa chặt chẽ của mình, coi những điều còn “tương truyền” là sự thực 100%, còn những điều in “giấy trắng mực đen” thì lại không chịu suy xét để hiểu, mà đã vội vã lên tiếng chê là “sai lầm”!

Ví dụ 1: Trong bài tựa Kim Vân Kiều án, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng viết: “Nhất nhật chi hậu, phó chi vô tâm”, cụ Lê Thước dịch là: “Sau khi làm việc hết ngày, thì không còn để ý đến việc gì khác”(8).

Ông Nguyễn Quảng Tuân lại dịch sai là “Sau khi đọc xong rồi lại vô tâm không nghĩ đến” để phê bình cụ Đào Duy Anh là “Lầm lẫn khi nói rằng Nguyễn Văn Thắng “đã được đọc lần đầu” cuốn Đoạn Trường tân thanh lúc bị giam ở ngục mùa đông năm Canh Dần 1830) (bài viết của Nguyễn Quảng Tuân). Thế là cụ Đào Duy Anh hiểu đúng lại bị Nguyễn Quảng Tuân dịch sai để chê là “lầm lẫn”. Vì theo bản dịch của cụ Lê Thước thì đúng là quan Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng vào ngục mới được đọc Kiều, còn trước chỉ là “Nghe”.

Ví dụ 2: Cụ Lê Thước viết: “Sử thần nhà Nguyễn ở Quốc sử quán có những tài liệu chính xác về Nguyễn Du (một vị đại thần chết tại chức(9), thế mà Nguyễn Quảng Tuân lại trích dẫn là “Nhưng Lê Thước cho biết vị quan chép sử đó chết già tại chức thì cũng là người đồng thời với Nguyễn Văn Thắng”.

(Truyện Kiều. Nguyễn Quảng Tuân; H. NXB KHXH 1995 trang 419).

Đọc kỹ 2 đoạn văn trên thì thấy rõ Nguyễn Quảng Tuân quả thật là “tài” trong việc trích dẫn. Đang là ông “quan đại thần Nguyễn Du chết tại chức”, qua sự trích dẫn của Nguyễn Quảng Tuân lại thành “quan chép sử đó chết già tại chức”. Thật lạ! Khi Đại Nam chính biên liệt truyện chép Nguyễn Du sau khi đi sứ về có “Thuý Kiều truyện hành thế” thì đâu có nghĩa là khi đi sứ về mới viết truyện Thuý Kiều. Như Từ điển Hán Việt do Nguyễn Kim Thản chủ biên đã giải nghĩa (Trang 869 và 1068) “Hành: lan rộng, truyền đi; Thế: Thời đại, Thế giới. Vậy hành thế có nghĩa là: Lan rộng, truyền bá rộng rãi cho mọi người cùng thời đại trên thế giới được đọc”. Vì có nhiều tác phẩm viết xong hàng chục, hàng trăm năm sau mới “hành thế”. Vi như tập Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương viết từ đầu thế kỷ 19 mà mãi đến năm 1964 chúng ta mới tìm thấy, giới thiệu. Vậy đến lúc ấy tập Lưu Hương Ký mới được hành thế, chẳng lẽ lại cứ máy móc bảo rằng Lưu Hương Ký được viết vào năm 1964 ư?

Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong nghiên cứu khoa học, trước những tư liệu thông tin mới lạ, người có kiến văn quảng bác sau khi kiểm tra độ chính xác của những thông tin mới lạ đó, sẽ có thể có những giả thuyết, phát hiện đề xuất mới, tạo thành những bước tiến của công tác nghiên cứu. Nếu lại cứ khư khư chỉ dựa vào những hiểu biết hạn hẹp của mình, song lại định coi đó là “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giá mọi ý kiến của những người khác thì làm sao có được sự “chân thành và triệt để tôn trọng tính khoa học” được.

Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ dựa vào một cách cứng nhắc vào những thông tin mà ông được viết về: Nguồn gốc Truyện Kiều, tên sách, nhà xuất bản, số câu trong Truyện Kiều, chức vụ cuối cùng của Nguyễn Du mà những sách cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20 viết để chê những thông tin của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, người sống cùng thời với Nguyễn Du - viết từ đầu thế kỷ 19 là sai. Song bài Tựa và sách Kim Vân Kiều án được in liên tiếp vào các đời Thiệu Trị (1841-1847) Tự Đức (1848) Khải Định thứ 6 (1921) và in bằng quốc ngữ trong phân Phụ lục cuốn “Poème Kim Vân Kiều truyện” của Trương Vĩnh Ký năm 1875, (10) chính thuộc loại những văn bản đầu tiên bình giá về Truyện Kiều được viết và in ra từ đầu thế kỷ 19, có các lượng thông tin về Truyện Kiều và Nguyễn Du sát với sự thực nhất. Ông Nguyễn Quảng Tuân lại chỉ dựa vào một số thông tin về sau, đã qua tay nhiều người sửa chữa để chê những thông tin của những chứng nhân đã “thực mục sở thị” là sai. Nguyễn Quảng Tuân chẳng những thế, còn viết bằng những lý luận thiếu lôgic, dịch sai, hiểu nhầm, trích dẫn sai… thì quả thật không phải là công việc của nhà nghiên cứu văn học nghiêm cẩn.

Qua bài này, chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng: Bài Tựa sách Kim Vân Kiều án vẫn là một văn bản in cổ nhất có giá trị khá quan trọng trong việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Do đó điều mà ông Nguyễn Quảng Tuân kết luận là: “Bài Tựa bản Kim Vân Kiều án không được chính xác, có nhiều sai lầm, nên không đáng tin” và vì vậy ông đã phê phán giả thuyết của cụ Đào Duy Anh là “Không hợp lý và không thể chấp nhận được” thì, theo thiển nghĩ của tôi, những kết luận đó nên dùng để đánh giá chính bài viết của ông mới phải.

Chú thích:

(1) Đào Thái Tôn: “Về thực chất khái niệm bản Phương của Truyện Kiều”. Tạp chí Văn học 1-1998.

(2) Khảo luận về Truyện Thuý Kiều. Đào Duy Anh. H, NXB Văn hóa 1958, trang 28.

(3) Bản: Kim Vân Kiều. Ký hiệu A953 trường Viễn Đông bác cổ (ảnh kèm theo).

(4) Bản: Kim Vân Kiều. Quán Hoa đường bình luận, Thanh Tâm Tài nhân biên thứ, Minh hoa hiên tàng bản, Khuyết nguyệt trừng viên (ảnh kèm theo).

(5) Truyện Kim Vân Kiều. Nxb Hải Phòng 1994, trang 12. Do Nguyễn Khắc Hoan và Nguyễn Đức Vân dịch, Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu.

(6) Truyện cụ Nguyễn Du. Phó bảng Phan Sĩ Bàng, Giải nguyên Lê Thước. Hà Nội, Nxb Mạc Đình Tư 1924, tr.15.

(7), (8): “Tài liệu nghiên cứu Nguyễn Du và truyện Kiều”. Lê Thước. Bản in Rônêô, Thư viện Quốc gia, H.1968, tr.77, 104.

(9) Kỷ niệm 200 năm, năm sinh Nguyễn Du, H, Nxb Khoa học xã hội, 1971, trang 420.

(10) Thơ văn quanh Truyện Kiều. Thái Kim Đỉnh, Nxb Nghệ An 1996, trang 131.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.30-40

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Thúy Kiều Trong Kim Vân Kiều Truyện