Giá Trị Cốt Lõi Của Văn Hóa Công Sở
Có thể bạn quan tâm
Đạo đức và văn hóa đều gắn với con người và là biểu hiện đặc trưng cho trình độ phát triển của con người. Đạo đức là gốc của văn hóa, văn hóa là biểu hiện ra bên ngoài của đạo đức; đạo đức tuy chỉ là một bộ phận của văn hóa, nhưng là bộ phận có ý nghĩa rất quan trọng. Trong hoạt động thực thi công vụ, văn hóa công vụ phụ thuộc rất lớn vào đạo đức công vụ, được hình thành trên cơ sở đạo đức công vụ. Do đó, để nâng cao văn hóa công vụ thì phải nâng cao đạo đức công vụ.
Quan niệm về đạo đức công vụ và văn hóa công vụ
Đạo đức công vụ
Công vụ là những việc công, những hoạt động có liên quan chặt chẽ đến những việc chung của xã hội. Tuy nhiên trong xã hội, mọi công việc đó đều đặt dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước và phải hướng tới phục vụ Nhân dân, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý được thực thi bởi người thực thi công vụ, thông qua đó để thực hiện chức năng của Nhà nước nhằm mang lại lợi ích chung cho Nhân dân và xã hội.
Đạo đức công vụ là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm các nguyên tắc để điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người theo các thang giá trị đạo đức đã được xã hội thừa nhận, đạo đức công vụ là một bộ phận của đạo đức xã hội; là hệ thống các chuẩn mực, nguyên tắc dùng để điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của người thực thi công vụ. Về bản chất, đạo đức công vụ là đạo đức thực thi công vụ, bao gồm hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa đội ngũ công chức với tổ chức, công dân, thể hiện ở lương tâm và trách nhiệm vì lợi ích chung, ý thức việc cần phải làm và mong muốn được làm vì lợi ích chung.
Văn hóa công vụ
Có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa nói chung, nhưng đều thống nhất nhìn nhận đặc trưng của văn hóa là các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì vậy, nói đến văn hóa công vụ nghĩa là nói đến việc đưa những đặc trưng của văn hóa vào hoạt động công vụ.
Theo đó, văn hóa công vụ là những giá trị cơ bản của hoạt động công vụ, của người thực thi công vụ, đó là tập hợp các giá trị có ý nghĩa định hình và quyết định hành vi của nền công vụ. Văn hóa công vụ không phải là tập hợp giản đơn hai lĩnh vực văn hóa và công vụ, mà đó là sự thẩm thấu của văn hóa vào công vụ, là công vụ đậm chất văn hóa. Văn hóa công vụ chính là tinh thần nhân văn trong điều chỉnh các quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, công dân nhằm thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục đích phục vụ Nhân dân.
Đạo đức công vụ - yếu tố cốt lõi của văn hóa công vụ
Khi xem xét sự phát triển của con người nói chung và phát triển đạo đức nói riêng, phải chú ý đến mối quan hệ giữa sự phát triển đó với văn hóa. Cả đạo đức và văn hóa đều gắn với con người và là biểu hiện đặc trưng cho trình độ phát triển của con người. Tuy nhiên, một con người có văn hóa, trước hết phải có đạo đức. Bởi vì, khi xem xét trình độ phát triển “người” tức là văn hóa của con người đó, thì không thể không nói đến đạo đức. Sự hoàn thiện các giá trị đạo đức là tiêu chuẩn căn bản nhất để khẳng định phần “người” của mỗi con người.
Như vậy, với mỗi con người, các giá trị văn hóa phụ thuộc vào việc tu dưỡng các giá trị đạo đức, mức độ biểu hiện văn hóa của con người tùy thuộc vào đạo đức. Theo đó, trong hoạt động công vụ, văn hóa công vụ phụ thuộc rất lớn vào đạo đức công vụ, hay đạo đức công vụ là cái gốc của văn hóa công vụ, văn hóa công vụ được hình thành trong quá trình thực thi công vụ trên cơ sở đạo đức công vụ.
Đạo đức công vụ là yếu tố cốt lõi, có vai trò là nền tảng của văn hóa công vụ, biểu hiện qua một số nội dung sau:
Thứ nhất, đạo đức công vụ là cơ sở hình thành nên văn hóa trong ý thức công vụ của người thực thi công vụ.
Nếu phân chia văn hóa công vụ thành nhiều lớp, thì lớp trong cùng bao gồm các giá trị cốt lõi như lý tưởng, niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc, nhân cách của người thực thi công vụ. Các giá trị cốt lõi này rất ít biến động, ăn sâu vào tiềm thức và được chấp nhận một cách tự nhiên, vì thế chúng mang ý nghĩa hướng dẫn hành vi, định hướng suy nghĩ, nhận thức của người thực thi công vụ. Đó chính là văn hóa trong ý thức công vụ, trong đó, đạo đức công vụ đóng vai trò là hạt nhân hình thành nên văn hóa trong nhân cách, trước hết là văn hóa trong ý thức của người thực thi công vụ. Trong hai thành tố cơ bản cấu thành nhân cách con người nói chung, công chức nói riêng là phẩm chất và năng lực, hay nói cách khác nhân cách là sự thống nhất giữa phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, trong đó phẩm chất đạo đức được coi là gốc, nền tảng của nhân cách hay còn gọi là hạt nhân cơ bản của nhân cách con người. Do đó, đạo đức công vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong nhân cách của người thực thi công vụ.
Văn hóa trong ý thức của người thực thi công vụ là bộ phận của văn hóa trong nhân cách, biểu hiện ở tư duy, ý thức của người thực thi công vụ. Để hoạt động công vụ đạt tới các giá trị văn hóa, người thực thi công vụ phải có nhân cách văn hóa, bắt đầu từ văn hóa trong thực thi công vụ. Người được coi là có văn hóa trong nhân cách trước hết là người có đạo đức, được đánh giá bởi những người khác và dư luận xã hội. Đạo đức là những thành phần chủ yếu của cấu trúc nhân cách, là yếu tố quan trọng, là gốc quyết định nhân cách. Nhân cách của con người nói chung và người thực thi công vụ nói riêng bao gồm hai thành tố thống nhất với nhau, đó là phẩm chất và năng lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Như vậy, đạo đức công vụ có vai trò là cơ sở để hoàn thiện các phẩm chất về chính trị, tinh thần, tư tưởng trong nhân cách của người thực thi công vụ. Đó là ý thức về lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ với công việc phục vụ Nhân dân, từ đó hoạt động công vụ đạt tới các giá trị văn hóa. Người thực thi công vụ phải có đạo đức công vụ thì hoạt động công vụ mới tạo ra các giá trị văn hóa.
Thứ hai, đạo đức công vụ là cơ sở để mỗi cá nhân tự điều chỉnh hành vi của mình, để hoạt động công vụ đạt tới các giá trị văn hóa.
Với vai trò điều chỉnh hành vi bằng lương tâm, đạo đức công vụ không chỉ giúp hoàn thiện các giá trị về ý thức thực thi công vụ mà còn giúp tự điều chỉnh hành vi để hoạt động công vụ đạt tới các giá trị văn hóa, khác với pháp luật và cơ chế dân chủ với vai trò chế ước và kiểm soát hành vi của đội ngũ những người thực thi công vụ. Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức hoàn toàn mang tính tự giác, tự nguyện trên cơ sở lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ. Vì vậy, khi thật sự là một thành tố nằm trong tâm trí, đạo đức công vụ sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự lựa chọn hành vi vì lợi ích công của người thi hành công vụ.
Thứ ba, đạo đức công vụ là công cụ để xã hội điều chỉnh hành vi của người thực thi công vụ, qua đó tạo ra các giá trị văn hóa trong thực thi công vụ.
Xem xét đạo đức công vụ với tư cách là đạo đức nghề nghiệp, có thể nhấn mạnh ý kiến của Ph.Ăngghen khi cho rằng: “Trong thực tế, mỗi giai cấp và ngay cả mỗi nghề nghiệp đều có đạo đức riêng của mình”(2). Đây là những nguyên tắc, chuẩn mực quy định cách ứng xử của công chức trong hoạt động thực thi công vụ, để những cá nhân khác và tập thể điều chỉnh hành vi của người thực thi công vụ bằng dư luận xã hội theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa công vụ. Bởi vì, đạo đức nói chung và đạo đức công vụ nói riêng là hệ thống các chuẩn mực, nguyên tắc, dùng để điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của người thực thi công vụ, nhằm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Đạo đức công vụ ra đời do chính nhu cầu cần phải xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại, nói cách khác, những chuẩn mực, nguyên tắc trong đạo đức công vụ xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn thực thi công vụ. Tuy nhiên, sau khi hình thành và được xã hội thừa nhận, đạo đức công vụ trở thành những nguyên tắc nghề nghiệp, đòi hỏi người thực thi công vụ phải tuân theo những giá trị đạo đức nghề nghiệp đặc thù trong thực thi công vụ, từ đó, hoạt động công vụ mới đạt tới các giá trị văn hóa.
Thứ tư, đạo đức công vụ là nền tảng tạo nên thiết chế văn hóa công vụ.
Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa bao gồm nhiều yếu tố, trong đó mỗi yếu tố tạo nên thiết chế văn hóa có vai trò khác nhau, tuy nhiên, yếu tố về cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức có vai trò xuyên suốt, quyết định. Thiết chế văn hóa có vai trò là nơi lưu giữ, trao truyền và sáng tạo văn hóa giữa các thế hệ, giai tầng trong cộng đồng dân cư. Trong thiết chế văn hóa công vụ, đạo đức công vụ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, là yếu tố quan trọng nhất.
Đạo đức công vụ quyết định đến việc hình thành nhân cách văn hóa của những người thực thi công vụ. Đây là những chủ thể trong thiết chế văn hóa công vụ. Nếu các chủ thể này không phải là những nhân cách văn hóa thì sẽ không thể xây dựng và vận hành được thiết chế văn hóa. Đạo đức công vụ tạo nên các chuẩn mực văn hóa, cơ chế vận hành của thiết chế văn hóa. Quá trình này được thực hiện bằng việc cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức công vụ thành các quy chế, nguyên tắc, chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp của người thực thi công vụ.
Giải pháp nâng cao văn hóa công vụ trên cơ sở đạo đức công vụ
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ những người thực thi công vụ, qua đó giúp họ hiểu được giá trị của đạo đức công vụ; khơi dậy động cơ và thúc đẩy hành vi đạo đức của mỗi người. Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức công vụ, cần quan tâm nâng cao nhận thức về giá trị, chuẩn mực của đạo đức công vụ, về quyền hạn, nghĩa vụ, ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ, hình thành lương tâm, nhân cách và ý thức tự giác trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.
Cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “Coi đó là công việc thường xuyên của tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(3).
Hai là, các hoạt động công vụ được thực hiện trên cơ sở những quy định của thể chế và thiết chế công vụ. Do đó, cần hoàn thiện thể chế và thiết chế công vụ, nhằm điều chỉnh các hoạt động công vụ không bị lệch chuẩn với giá trị đạo đức công vụ, trở thành văn hóa công vụ. Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện chặt chẽ, luật hóa đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, công chức và hình thành cơ chế giám sát hiệu quả, có chế tài nghiêm minh đối với những vi phạm về đạo đức và trách nhiệm công vụ. Thiết lập hệ thống quản lý đạo đức công vụ trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở.
Theo đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực và từng mối quan hệ của người thực thi công vụ, đồng thời xây dựng chế tài cụ thể về khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về thực thi công vụ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đối với việc thực hiện đạo đức công vụ nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm của công chức và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Ba là, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Đây là hoạt động có ý nghĩa quyết định đến việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí những người đủ phẩm chất, đạo đức vào các vị trí công tác. Cần đổi mới công tác cán bộ theo hướng đánh giá và sử dụng đúng cán bộ, thực hiện dân chủ hóa trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng bổ nhiệm và sử dụng cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng chuyên môn, năng lực, trở trường… Có thể khẳng định, việc lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Văn hóa công vụ là mục tiêu hướng tới của một nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội. Do đó, để xây dựng văn hóa công vụ, trước hết phải hoàn thiện và phát huy vai trò của các giá trị đạo đức trong xây dựng và phát triển nhân cách của cán bộ, công chức; điều chỉnh hành vi của những người thực thi công vụ theo các chuẩn mực đạo đức công vụ, đồng thời xây dựng hoàn thiện thể chế, thiết chế công vụ trong các các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước./.
-----------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.292.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H.2004, tr.425.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.202.
TS Nguyễn Hồng Điệp - Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
Tạp chí Tổ chức nhà nước số 5/2021
Từ khóa » Hệ Giá Trị Cốt Lõi Của Văn Hóa Công Vụ
-
Xây Dựng Giá Trị Cốt Lõi Của Nền Công Vụ Việt Nam
-
Những Giá Trị Cốt Lõi Của Nền Công Vụ Việt Nam
-
Giá Trị Cốt Lõi Của Công Vụ Mà Công Chức đảm Nhận - Quê Hương
-
Xây Dựng Văn Hóa Công Vụ Trong Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước ...
-
Xây Dựng Văn Hóa Công Vụ ở Việt Nam Hiện Nay
-
Văn Hóa Công Vụ ở Việt Nam
-
Nghiên Cứu So Sánh Quy định Về đạo đức Công Vụ Của Một Số Quốc ...
-
Văn Hoá Công Vụ: Tự Giác, Tự Soi, Tự Sửa Trong Từng Cán Bộ
-
[DOC] Văn Hóa Công Sở Và Các Giá Trị Của Văn Hóa Công Sở
-
Giá Trị Công Vụ Của Hệ Thống Công Vụ Việt Nam
-
Xây Dựng Văn Hóa Công Sở Gắn Với Nâng Cao Chất Lượng Quản Trị địa ...
-
Xác Lập Triết Lý Văn Hóa Công Vụ Trong Cải Cách Hành Chính Nhà Nước ...
-
Xây Dựng Văn Hóa Công Vụ Nhằm Góp Phần Cải Cách Hành Chính ở ...
-
[DOC] Chuyên đề 6: ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ - ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI