Giá Trị Di Sản Hán - Nôm Trong Lĩnh Vực Nghiên Cứu Phật Học

Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2011
Thích Hoằng Trí
68. Giá trị di sản Hán Nôm trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học (TBHNH 2011)

Cập nhật lúc 16h13, ngày 04/12/2013

GIÁ TRỊ DI SẢN HÁN - NÔM TRONG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

THÍCH HOẰNG TRÍ

Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng

Bên cạnh chữ Hán là thứ văn tự đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp thượng lưu trí thức hoặc nằm trong các văn bản quan phương, thì chữ Nôm là loại hình văn tự dùng để ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tưvà tình cảm của người dân Việt. Chữ Nôm là một loại hình văn tự được xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việttiếng Việt.

Chữ Hán và chữ Nôm trở thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống xã hội Việt Nam. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến mảng Hán - Nôm tồn tại trong đời sống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Khi đóng vai trò là văn hóa vật thể, di sản Hán - Nôm tồn tại trên nhiều chất liệu như đá, gỗ, giấy, vải, gốm, sứ… hiện hữu trong các chùa viện ở khắp vùng miền trên đất nước chúng ta. Thời đại Lý - Trần, nhiều chùa chiền thờ Phật được xây dựng và dường như chùa nào cũng có văn bia ghi lại sự tích xây dựng trùng tu, như bia chùa Báo Ân: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (1100), bia chùa Long Đọi Đại Việt Lý quốc gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121), bìa chùa Linh Xứng Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (1126).... Mỗi tư liệu Hán-Nôm tồn tại trên những chất liệu ấy là nội dung chứa đựng tinh hoa của đời sống sinh hoạt Phật giáo. Nhiều bộ kinh điển bằng chữ Hán do các đại sư Trung Hoa phiên dịch từ Phạn văn sáng Hán văn đã du nhập vào Việt Nam và sau đó được khắc in qua các thời đại là phương tiện truyền tải thông tin sống động về những lời dạy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. “Vua Trần tự tay viết chữ Phật sai khắc bia dựng tại chùa Phật Tích ở Bắc Ninh”(4). Truyện Đệ tam Tổ Pháp Loa trong Tam Tổ thực lục chép: “Đại Khánh lục niên Kỷ Mùi… thập nhị nguyệt sư mộ Tăng chúng thích huyết ấn Đại tạng, ngũ thiên dư quyển, trí Quỳnh Lâm viện - Năm Kỷ Mùi đại Khánh thứ 6 (1319)… tháng 12, sư [Pháp Loa] khuyến mộ Tăng chúng chích huyết in Đại tạng, hơn 5.000 quyển, an trí ở viện Quỳnh Lâm”. Những bức đại tự, hoành phi, câu đối, văn bia… có mặt ở hầu hết các ngôi cổ tự, già lam trên đất Việt, ngoài sự chắt lọc ý nghĩa tinh hoa trong tư tưởng đạo Phật nhằm tuyên dương giáo lý Phật-đà, chúng còn là ngôn ngữ được phô trần trên những chất liệu và không gian đặc biệt nhằm điểm xuyết cho tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao và cũng là hình thức trang trí thiêng liêng của kiến trúc Phật giáo.

Phật giáo đã truyền vào Việt Nam hơn hai ngàn năm nay. Theo một số nhà nghiên cứu thì Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta vào những năm đầu thế kỷ trước Tây lịch nhờ các thuyền buôn từ Ấn Độ mang sang, nhưng do không hội đủ điều kiện khách quan cũng như chủ quan nên chưa thể phát triển thành một tôn giáo mang sức ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, mà phải đợi sau khi truyền vào Trung Hoa, Phật giáo mới xâm nhập lớn mạnh vào địa hạt của đất Việt cùng một lúc với nền văn tự và văn hóa Hán. Như vậy, Phật giáo Việt Nam ngay từ ngày đầu phát triển đã có kinh sách điển tịch mà kinh Tứ thập nhị chương được coi là bộ kinh được dịch ra chữ Hán ở trung tâm Luy Lâu tại đất Việt đầu tiên rồi sau đó mới truyền sang Bành Thành ở Trung Quốc(5).

Đến thời đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, nhiều tác phẩm văn học Phật giáo Hán- Nôm xuất hiện mang dấu ấn của một nền văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Lực lượng sáng tác văn học dân tộc chủ yếu là các nhà sư, không những tầng lớp này chăm lo đời sống tự độ mà còn mở rộng phạm vi giáo hóa của mình đến tầng lớp trí thức đương thời, đặc biệt là cố vấn chính trị cho các đấng minh quân. Nổi bật như đại sư Pháp Thuận (990), Ngô Chân Lưu (933 - 1044)… Ngô Chân Lưu được phong là Khuông Việt đại sư. Bài từ nổi tiếng Vương lang quy của ông không những mang giá trị văn chương trác tuyệt phục vụ trong lĩnh vực chính trị ngoại giao mà còn biểu hiện rõ tầm nhìn của một vị sư đại diện cho trí thức Việt trong niềm tự cường dân tộc. Nhà sư Mãn Giác (1032-1096) có bài Cáo tật thị chúng nói lên niềm lạc quan, nhập thế của người Phật tử, đặc biệt là sự nhìn nhận giá trị con người trong kiếp sống vô thường biến đổi của nhân sinh. Thiền phái Trúc Lâm thời Trần với các vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã để lại nhiều áng văn thơ Hán - Nôm nổi tiếng. Tác phẩm chữ Hán Thiền Uyển tập anh của Kim Sơn, Việt quốc Yên Tử sơn thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung; tác phẩm chữ Nôm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Pháp Loa, Vịnh Hoa Yên tự phú của Huyền Quang là những tác phẩm Thiền học Hán - Nôm nổi tiếng, đóng góp rất nhiều cho thành tựu của lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Sang đời Lê, mặc dù tư tưởng Nho gia được phát triển trong nền giáo dục khoa cử, mở mang văn hóa, đường lối trị lý nhưng nhiều tác phẩm văn học Phật giáo cũng được khắc in lưu truyền, trong đó đặc biệt là bản kinh Phật Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh bằng chữ Nôm mà sau này Trịnh Quán khắc in lại vào năm 1730, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Thiền tịch phú…của Hòa thượng Chân Nguyên. Thiền sư Hương Hải đã để lại tác phẩm Giải Kim Cương kinh lý nghĩa, Giải Di-đà kinh sớ sao, Giải Tâm kinh ngũ chỉ Sự lý dung thông.

Đến đời Nguyễn, rất nhiều bậc vua chúa quan tâm đến Phật giáo, phát huy tinh thần “cư Nho mộ Thích” nên nhiều vị Chúa nghiên cứu sâu xa giáo lý đạo Phật như Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Tần, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái…Tầng lớp xuất gia cũng để lại nhiều tác phẩm Hán-Nôm có giá trị. Hoà thượng Phúc Điền đã đóng góp rất nhiều cho việc quảng bá và giảng dịch thư tịch Hán-Nôm, các tác phẩm mà Hoà thượng để lại như Khóa Hư lục quốc âm, Thái căn đàm, Hộ pháp luận, Trúc song tùy bút, Đạo giáo nguyên lưu. Nhiều nhà Nho sau khi treo ấn từ quan cũng tìm đến Phật môn để sống đời thanh tịnh hoặc tự thú trong triết lý Chân như không tịch của Phật giáo, như Ngô Thì Nhậm, Điềm Tịnh cư sĩ, Như Như đạo nhân. Họ đã để lại các tác phẩm Hán - Nôm nổi tiếng như Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Hàm Long song chí, Dương Xuân sơn chí, Lưỡng Xuân sơn chí… Đây là hệ thống tư liệu có giá trị để chúng ta nghiên cứu về mảng Văn học, Sử học và tư tưởng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX.

Chữ Hán và chữ Nôm có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển và bảo lưu văn hóa Việt, đồng thời thúc đẩy quá trình thuần thục văn hóa trong sự biến chuyển nhận thức xã hội qua từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình đó, kho tàng thư tịch và sử liệu Hán-Nôm Phật giáo đóng vai trò không nhỏ đối với việc bảo lưu và truyền bá nền văn hóa dân tộc. Do đó, nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam không thể không luận bàn đến vai trò của Phật giáo. Bảo vệ và tôn vinh giá trị văn hóa tôn giáo là một trong những hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, như Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký sắc lệnh 65 ngày 23 tháng 11 năm 1945 về việc bảo vệ di tích văn hoá: “Cấm phá huỷ những bi kí, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử”(6).

Chú thích:

(1) Xem Hà Văn Tấn, Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc trong cuốn Chữ trên đá trên đồng minh văn và lịch sử, Nxb. KHXH, 2001, tr.14.

(2) Ngô Đức Thọ- Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, tr.133.

(3) Văn bia này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Hà Nội.

(4) Ngô Đức Thọ- Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm, Nxb. KHXH, tr.134.

(5) Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, 1992, tr.62-63.

(6) Trích theo Trần Kháng: Một số hiện tượng gây nhiều mất mát vốn di sản văn hóa. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 12 -1978, tr.69./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.939-943

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Chữ Quan Trong Hán Nôm