Giá Trị Di Sản Hán Nôm
Có thể bạn quan tâm
GIÁ TRỊ DI SẢN HÁN NÔM
Ở CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA KHU VỰC TÂY NAM BỘ
Phạm Lan Hương
Mai Thị Kiều Trang
Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM
Di sản Hán Nôm là những thư tịch, tài liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho tàng văn hóa thành văn vô cùng phong phú của nước ta. Di sản văn hóa Hán Nôm đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc[1]. Các di sản Hán Nôm chủ yếu được thể hiện thông qua bài vị, xà cò, hoành phi, câu đối, sắc phong, văn bia, bảng ghi công đức… ở các di tích.
So với các vùng đất khác, di sản Hán Nôm ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mai một cao hơn. Vì sao? Vì ngoài những nguyên nhân như chiến tranh loạn lạc, thiên nhiên cùng thời gian và cả bàn tay con người tàn phá,… còn có nguyên nhân sâu xa khác, đó là vị trí của Hán học trước nay đối với người dân Tây Nam bộ hết sức mờ nhạt. Chúng ta đều biết Nam bộ là vùng đất mới, và những cư dân Nam tiến xưa kia đa số là dân nghèo nên việc học hành thi cử đối với họ không quan trọng bằng việc làm ăn. Hơn thế, khi “vùng đất mới” hình thành không lâu thì đã thuộc quyền đô hộ của thực dân Pháp, và Hán học sử dụng ở “vùng đất mới” không bao lâu thì đã bị bãi bỏ. Chữ Hán chữ Nôm vì thế càng nhanh chóng rời xa cuộc sống. Khi lớp người biết chữ Hán mất đi, chúng ta không có lớp người kế thừa, và cũng không ai quan tâm đến kế thừa. Chữ Hán lúc đương thời vốn đã khá mờ nhạt, đến lúc hết thời thì chẳng ai quan tâm cũng là điều dễ hiểu.
Chữ Hán chữ Nôm ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy có tuổi đời khá ngắn và số phận đặc biệt như vậy, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị cốt lõi của nó.
1. Giá trị về tư liệu lịch sử
Di sản Hán Nôm mang trong mình tâm hồn dân tộc, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của cha ông. Miền đất non trẻ Tây Nam Bộ không có bề dày lịch sử, văn hóa ''nghìn năm văn hiến'' như Bắc Bộ; di sản Hán Nôm nơi đây cũng không nhiều bằng các nơi khác nhưng chứa đựng những dấu ấn khó phai mờ về một thời không xa lắm. Đó là chứng nhân lịch sử trung thực nhất về cuộc sống của con người từ những buổi đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới, về những thăng trầm biến loạn của thời cuộc; là tinh thần, trí tuệ, khát vọng, công lao, mồ hôi xương máu của bao thế hệ tiền nhân ''mang gươm đi mở cõi'' xác lập chủ quyền và tạo dựng nên vùng đất bao la trù phú miền Tây.
Di sản Hán Nôm khu vực Tây Nam Bộ phản ánh nhiều vấn đề về lịch sử - xã hội của vùng đất này. Đây là tư liệu ghi lại quá trình di cư, định cư, lập nghiệp của các nhóm người (Việt, Hoa…) và mối quan hệ giữa các nhóm người; ghi lại quá trình khai hoang mở cõi, lịch sử hình thành làng xã; ghi lại lịch sử xây dựng và trùng tu di tích; ghi lại tiểu sử, sự nghiệp của các nhân vật được thờ; ghi lại các phong tục thờ cúng và các sự kiện lớn nhỏ trong cộng đồng... Chúng ta có thể tìm thấy trong câu đối, văn bia, thần tích,... các sự kiện không có trong chính sử; vì vậy đây cũng là nguồn tư liệu phong phú bổ sung cho chính sử về lai lịch, hành trạng, công đức của các nhân vật hoặc lịch sử của địa phương.
Giá trị về tư liệu lịch sử được thể hiện nhiều nhất qua thể loại văn bia và thần tích, đặc biệt là văn bia. Văn bia Hán Nôm ở Tây Nam Bộ tuy số lượng không nhiều nhưng rất có giá trị về mặt lịch sử. Nội dung các văn bia ghi lại việc đào kênh, làm đường xây cầu, dựng chùa lập miếu; ghi lại tiểu sử của nhân vật hoặc lịch sử của thôn làng... Bài ''Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh'' đặt ở mộ cụ Võ Trường Toản (Bến Tre), do Phan Thanh Giản soạn năm 1867, viết về tiểu sử của nhà giáo Võ Trường Toản: ''Tiên sanh tánh Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có thuật nghiệp thông uyên thông đạt. Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mất trăm... Tiên sinh không hứng ra làm quan nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau. Tới nay, dân gian trong lục tỉnh Nam Kỳ tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát, dám hy sanh tới tánh mạng, xét ra tuy nhờ tới đức thân nhân của quân vương nhuần cội, cố kết chặt nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của tiên sanh từ thuở trước thì làm sao có được nhân tâm như thế ấy?''[2]. Qua bài văn bia ta có thể hiểu thêm về tiểu sử, sự nghiệp và sức ảnh hưởng của cụ Võ Trường Toản đối với nhân sĩ, trí thức và ngành giáo dục ở Nam Kỳ. ''Thoại Sơn bi ký'' ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (An Giang), do Cao Bá soạn năm 1822 ghi lại việc đào kênh Thoại Hà, kể lại lai lịch ngọn núi và lý do ngọn núi mang tên Thoại Sơn: ''Kể từ trời đất bắt đầu phân chia thì núi này đã có từ lâu rồi vậy. Nhưng tên ngọn núi thì thực đến nay mới bắt đầu. Huống chi tên núi là đặc ân của vua ban. Nơi đây cây cối tốt tươi, khói mây đổi sắc, so với núi non tầm thường há chẳng khác nhau một trời một vực sao! Xưa kia, núi này thuộc vùng ranh giới với phiên bang, thường gọi là núi Sập. Từ ngày các triều vua trước mở mang khai thác cõi Nam mới đưa vào bản đồ. Nhưng cây cối hoang dại vẫn che phủ um tùm và là nơi hang ổ cho hươu nai, còn cảnh đẹp thì bị chôn vùi không biết bao năm vậy. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818), lão thần vâng chỉ giám sát đôn đốc việc đào kênh Đông Xuyên. Ngày nhận lệnh vua, lão thần sớm khuya kính sợ, lo phát cỏ dại, cùng vét cát bùn, đã đào được con kênh dài một vạn hai ngàn bốn trăm mười tầm. Sau một tháng thì hoàn thành, nghiễm nhiên trở thành một dòng sông lớn mãi mãi tiện lợi cho thuyền bè qua lại. Mà núi này cao trên mười trượng, chu vi hai ngàn bốn trăm bảy mươi tám tầm, xanh biết um tùm, cheo leo vách đá, nằm bên đông kênh sống động như rồng thần giỡn nước, như phượng đẹp tắm sông. Đó chẳng phải là cảnh đẹp của tạo hóa đã chung đúc nên hay sao? Nhưng bấy lâu trời đất che giấu, chân người ít qua. Một sớm con kênh này được đào xong cùng ngọn núi đều được đưa vào bức họa đồ trình lên cho vua xem. Có lẽ đó cũng là cái duyên kỳ ngộ của ngọn núi này vậy. Sau đó lại kính theo chỉ dụ của nhà vua, vì tước hiệu của lão thần là Thoại Ngọc, lại thực là người trông coi việc đào kênh này nên mới ban tên cho núi là Thoại Sơn...''[3] Một số tư liệu khác như: ''Vĩnh Long Văn Thánh miếu bi'' ở Văn Thánh miếu (Vĩnh Long) do Phan Thanh Giản soạn năm 1866 nói về việc xây dựng Văn Thánh miếu; ''Sùng Đức Võ Phu Tử mộ biểu'' ở mộ cụ Võ Trường Toản, do đốc học Nguyễn Thông soạn năm 1868, nội dung suy tôn đạo học của cụ Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản; bản tưởng niệm ở đình Châu Phú (An Giang), không có tên người soạn, ghi lại năm đặt tên thôn và tên những người xã trưởng được tôn là Tiền hiền... đều là những văn bản có giá trị.
Ngoài ra, các tư liệu Hán Nôm còn ghi lại sự thay đổi về địa giới hành chính qua các thời kỳ (được thể hiện qua lạc khoản, sắc phong, văn bia, bia mộ…). Di sản Hán Nôm còn đóng góp tư liệu cho việc nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực như văn hoá học, xã hội học, dân tộc học, bảo tồn bảo tàng, giao lưu văn hoá, kể cả chính trị, kinh tế hoặc các chính sách đối nội đối ngoại, các sự kiện ngoại giao,...
2. Giá trị giáo dục
Giá trị giáo dục nổi bật của di sản Hán Nôm trong các di tích là giáo dục lòng biết ơn và tình yêu quê hương làng xóm; giáo dục con người sống có đạo đức, có lòng từ bi, khoan dung độ lượng; giáo dục con cái lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Các giá trị này được thể hiện rõ trong nội dung ca ngợi và tri ân của hoành phi, câu đối. Các hoành phi, câu đối trong đình, chùa, lăng, đền, miếu... chủ yếu nói về công lao, đức độ của các bậc tiền nhân - những người đi mở cõi, những bậc khai quốc công thần, những anh hùng chống giặc giữ nước, những người thầy; hoặc các vị thần trong tâm thức của người dân. Họ là những người luôn luôn phù hộ, che chở, bảo vệ và giúp đỡ cho dân làng để người dân có cuộc sống yên bình no ấm. Vì vậy, các hoành phi ở đình làng nói về vai trò của các vị thần thường thấy như: 護國庇民 (Hộ quốc tý dân: giúp nước che dân), 保我黎民 (Bảo ngã lê dân: bảo vệ nhân dân), 顯赫英靈 (Hiển hách anh linh),神恩庇佑 (Thần ân tý hữu: ơn thần che chở giúp đỡ)... Công đức của các bậc tiền nhân được ghi nhiều ở các câu đối, rất phong phú và sinh động; như câu đối ca ngợi Bổn cảnh thành hoàng ở đình Bình Thủy- Cần Thơ: 英氣壯山川治亂扶危神德溥;靈聲垂宇宙勤王愛國聖恩深Anh khí tráng sơn xuyên trị loạn phò nguy thần đức phổ; Linh thanh thùy vũ trụ cần vương ái quốc thánh ân thâm (khí thiêng khắp núi sông, trị loạn phò nguy đức thần rộng lớn; thanh danh trùm vũ trụ cần vương ái quốc ơn thánh thâm sâu), hay như câu đối tưởng nhớ công mở cõi của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở đình Châu Phú- An Giang: 靣北奉聖文身董三軍張虎旅, 向南扬神武功恢六省著龍图[4] Diện bắc phụng thánh văn thân đổng tam quân trương hổ lữ; Hướng nam dương thần vũ công khôi lục tỉnh trứ long đồ (trông lên bắc vâng lệnh cửu trùng, thân cầm ba quân giương oai hổ trướng; hướng về nam rạng danh thần vũ, công dựng sáu tỉnh lừng nghiệp đế vương)... Rất nhiều tư liệu Hán Nôm- đặc biệt là câu đối- thể hiện tình cảm yêu quí và trân trọng của người dân đối với các vị thần linh cùng các nhân vật lịch sử mà tên tuổi một thời gắn liền với vùng đất Nam Bộ như: nhà giáo Võ Trường Toản, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, danh tướng Thoại Ngọc Hầu, kinh lược sứ Phan Thanh Giản, danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh,... cùng nhiều danh nhân khác. Các sắc phong thần của các vua triều Nguyễn như: sắc phong của vua Thiệu Trị, Tự Đức cho khai quốc công thần Nguyễn Cư Trinh được lưu giữ ở Công Thần miếu- Vĩnh Long; sắc phong của vua Minh Mạng, Tự Đức cho Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở đình Châu Phú- An Giang, ... là sự ghi nhận công lao từ phía nhà nước đối với các công thần.
Với tư tưởng từ bi, hỷ xả; Phật giáo hướng con người đến tinh thần vị tha, bác ái. Ở các ngôi chùa, giá trị giáo dục của di sản Hán Nôm nằm trong nội dung khuyên con người hướng thiện tránh xa điều ác, khuyên con người giữ tâm thanh tịnh không bị cuốn vào vòng tranh đua danh lợi, chính trực, ngay thẳng:
道法玄門指醒塵寰名利客
經聲佛號喚日世上夢迷人[5] (Chùa Nam Nhã- Cần Thơ)
Đạo pháp huyền môn chỉ tỉnh trần hoàn danh lợi khách;
Kinh thanh Phật hiệu hoán nhật thế thượng mộng mê nhân
(Đạo pháp cửa thiền cảnh tỉnh người đời ham danh lợi;
Tiếng kinh lời Phật kêu gọi kẻ trần đắm mộng mê).
苦海欲離須善念
愛河願赴只慈心[6] (Chùa Tiên Châu- Vĩnh Long)
Khổ hải dục ly tu thiện niệm;
Ái hà nguyện phó chỉ từ tâm
(Bể khổ mong lìa nên xa niệm ác;
Sông tình muốn vượt phải gắng tâm hiền).
忠義仰神威丹心貫日
春秋尊正統峻德參天 (Miếu Quan Đế, An Giang)
Trung nghĩa ngưỡng thần uy đan tâm quán nhật;
Xuân thu tôn chính thống tuấn đức tham thiên
(Trung nghĩa uy nghi lòng son xuyên suốt tháng ngày
Thẳng ngay chánh trực đức độ thấu tận trời xanh)
隆家興國工農巧述四時新
美俗純風文獻禮儀千古在 (Đình Mỹ Luông, An Giang)
Luông gia hưng quốc công nông xảo thuật tứ thì tân
Mỹ tục thuần phong văn hiến lễ nghi thiên cổ tại
(Nhà sang, nước mạnh, công, nông khéo thì bốn phía đổi đời
Thuần phong mỹ tục, văn hiến lễ nghi xưa nay phải giữ).
Việc thờ Thần Phật, tổ tiên, hay các vị anh hùng tóm lại đều nhằm mục đích ghi nhớ công ơn người đi trước; mong muốn cho quốc thái dân an theo tinh thần thờ cúng tổ tiên và truyền thống tâm linh dân tộc. Các nội dung ca ngợi, nhớ ơn thể hiện trong hoành phi, câu đối,... là những bài học sâu sắc về tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần tôn sư trọng đạo; nhắc nhở con người về truyền thống dân tộc, về lòng biết ơn, về nguồn cội; giáo dục con người về đạo lý làm người...; ghi nhớ công lao của người đi trước từ đó nỗ lực giữ gìn di tích, giữ gìn thành quả của tiền nhân; cố gắng học tập, làm việc cho xứng đáng với những gì được thừa hưởng.
3. Giá trị văn hóa – mỹ thuật
Trên vùng đất mới Nam bộ, sự xuất hiện và tồn tại cho đến ngày nay của các di sản Hán – Nôm không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa ghi chép hay trang trí gắn với mỗi di tích, mà bao quát hơn, nó còn là sự phản ánh những giá trị văn hóa to lớn của các cộng đồng cư dân trong quá trình khai phá, tạo lập và cư trú trên vùng đất này. Thông qua các di sản còn được lưu giữ, những thế hệ hôm nay và mai sau phần nào có được những góc nhìn văn hóa đa chiều và đầy đủ hơn về đất và người Nam bộ nói chung, cũng như Tây Nam bộ nói riêng.
- Di sản Hán – Nôm tại các di tích chính là một phần quan trọng trong sự tiếp nối và khẳng định dấu ấn văn hóa của người Việt và người Hoa trên vùng đất Tây Nam bộ.
- Di sản Hán – Nôm tại các di tích phản ánh quá trình giao lưu, hòa nhập, thích nghi và sáng tạo văn hóa của các cư dân người Việt, người Hoa.
- Di sản Hán – Nôm tại các di tích là một trong những yếu tố thể hiện rõ nét tinh thần, tư tưởng của người Việt, người Hoa trên vùng đất Tây Nam bộ.
- Di sản Hán – Nôm tại các di tích là một minh chứng quan trọng cho sự đa dạng và khác biệt văn hóa giữa Tây Nam bộ với các vùng khác, qua đó, tạo nên nét riêng, đặc trưng về văn hóa cho vùng.
- Di sản Hán – Nôm tại các di tích là một phần quan trọng góp phần tạo nên giá trị văn hóa tổng thể đặc biệt của mỗi di tích.
Di sản Hán Nôm không chỉ có giá trị về mặt ngôn ngữ mà còn là kho tàng trang trí và điêu khắc dân gian. Bởi lẽ, những minh văn được thể hiện thông qua các hiện vật, di vật và cổ vật. Tiếp cận từ nhiều góc độ, có thể thấy giá trị mỹ thuật của các di sản Hán Nôm đa dạng, phong phú: từ chất liệu thể hiện, hình dáng, kiểu chữ, niên đại cho đến các biểu tượng hoa văn,…
Những ẩn ý thâm sâu của chữ nghĩa đi liền với trang trí tạo nên một tổng thể đặc sắc của các di sản Hán Nôm, vừa có yếu tố vật thể, vừa có yếu tố phi vật thể. Ở từng di tích, các di sản Hán Nôm được thể hiện ngay từ cổng vào đến kiến trúc và chi tiết trang trí của di tích.
Cổng đình chùa, phía trên nóc cổng chính thường là tượng lưỡng long tranh châu và tên di tích. Hai bên cột cổng đình chùa là các câu đối mang các hàm ý khác nhau.
Di sản Hán Nôm tại các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được thể hiện bằng nhiều chất liệu như: đá, gỗ, giấy (giấy dó, giấy bổi…), vải, đồng, gốm sứ, xi măng (chất liệu xi măng phần nhiều có niên đại muộn và dễ bị hư hỏng)…
Hình dáng, kích thước của các di sản Hán Nôm trong các di tích đa dạng. Từ những sắc phong, kinh Phật, cuốn thư trên các trang giấy; bài vị trên khán thờ đến các bức hoành phi, liễn đối… lớn treo trên xà, cột của di tích. Một số minh văn khác được chạm khắc trên các bình, lư, chuông, khánh, bia…
Các kiểu chữ Hán Nôm trong các di tích thường là: Triện, Lệ, Khải (Chân), Thảo, Hành…, trong đó đa số là chữ Khải. Đây là yếu tố thể hiện tài hoa của người viết, người khắc; cũng là một trong những yếu tố thể hiện tâm hồn của người xưa qua cảm hứng sáng tạo, truyền đạt và thưởng lãm nghệ thuật.
(Nguồn:http://gotiengviet.com.vn/147-font-chu-han-nom-kieu-chu-tong-chu-khai-chu-trien-chu-thao/)
Chữ Triện (篆書) là một kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ. Đây là loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu và phát triển ở nước Tần trong thời kì Chiến quốc. Kiểu chữ triện của nhà Tần trở thành dạng chữ viết chính thức cho toàn Trung Quốc dưới thời nhà Tần và tiếp tục được sử dụng rộng rãi để khắc trang trí trên các ấn tín dưới thời nhà Hán. Chữ triện chủ yếu được dùng để khắc con dấu vì độ phức tạp cao và đặc tính hình dáng khiến cho chữ rất khó giả mạo. Ngoài ra, nhờ tính thẩm mỹ đặc thù, chữ triện còn được dùng để viết thư pháp[7]. Kiểu chữ này có ở cuốn thư chùa Tiên Châu (Vĩnh Long); câu đối cổng vào đến thờ họ Mạc (Kiên Giang) (xem Phụ lục ảnh).
Chữ Lệ (隸 書) đơn giản, dễ viết hơn và đã trở thành một thể chữ thông dụng dưới thời nhà Hán với những nét hất đầu tằm, đuôi nhạn mang tính nghệ thuật cao. Ví dụ như các chữ trên bức hoành phi ở chánh điện chùa Phước Hậu (Vĩnh Long); hoành phi ở chánh điện đình Điều Hòa, hoành phi ở đình Long Hưng, Tân Thạnh (Tiền Giang); các hoành phi ở đình Vĩnh Hòa, đình Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang); các hoành phi chùa Hội Linh (Cần Thơ); hoành phi chánh điện đình Tiên Thủy và đình Trung (Bến Tre); ở tam quan Địa Mẫu cung và hoành phi gian chánh điện Miếu Thiên Hậu (Bạc Liêu) (xem Phụ lục ảnh).
Chữ Khải (楷 書) (còn gọi là chữ chân thư hoặc chữ chính) là lối chữ chân phương, chữ viết từng nét một, tuân thủ quy tắc thuận bút: ngang bằng, sổ ngay, chân phương, rõ ràng, vận bút linh hoạt. Từ Ngụy Tấn về sau khải thư chiếm địa vị chính thống và coi như thể chữ chính quy được lưu hành rộng rãi và thông dụng đến ngày nay. Do đó người mới học thư pháp phải lấy chữ khải làm cơ sở[8]. Chúng ta có thể thấy kiểu chữ này chiếm đại đa số các di sản Hán Nôm ở các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia khu vực Tây Nam Bộ, chẳng hạn như: câu đối ở tổng tam quan đình Tân Hoa (Vĩnh Long); hoành phi, câu đối ở cổng tam quan chùa Bửu Lâm, đình Điều Hòa, cuốn thư ở đình Long Trung, chùa Bửu Lâm, các câu đối ở chánh điện đình Mỹ Lương (Tiền Giang); câu đối ở sân tiểu cảnh đền thờ họ Mạc, câu đối ở gian chính đình Vĩnh Hòa (Kiên Giang); câu đối ở cổng chùa Hội Linh, cổng chùa Long Quang, cổng miếu Long Tuyền (Cần Thơ); câu đối ở cổng chùa Tuyên Linh, ở cổng đình Trung (Bến Tre); câu đối ở cổng đình An Trạch, các câu đối ở Phúc Đức cổ miếu (Bạc Liêu) (xem Phụ lục ảnh).
Chữ Thảo (草 書) được hình thành trên cơ sở của chữ Lệ. Chữ thảo viết rất nhanh nên nhiều nét có thể giản lược, nét bút phóng túng bay lượn không bị gò bó, biến hóa linh hoạt, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sự xuất hiện của chữ thảo làm cho chữ Hán có những đặc điểm thẩm mỹ cao. Không chỉ nối nét trong một chữ, mà giữa các chữ cũng có thể nối với nhau. Cho phép giản lược số nét trong chữ. Hầu như không có chuẩn mực về quy tắc thuận bút. Nhiều chữ khác nhau, sau khi viết láu đi, có thể giống hệt nhau. Phân biệt phải dựa vào văn cảnh. Ví dụ như điển tích trên vách đình Tiên Thủy (Bến Tre); điển tích trên xà ngang chánh điện ở Phúc Đức cổ miếu (Bạc Liêu) (xem Phụ lục ảnh).
Chữ Hành (行 書) là một thể chữ trung gian ở giữa chữ Khải thư và chữ Thảo, nó bao gồm cả các yếu tố khải và thảo. So với Triện, Lệ và Khải thì chữ Hành viết nhanh và dễ đọc hơn chữ Triện thư và chữ Thảo mà chữ viết lại linh hoạt, kết hợp được nét chân phương bình dị của chữ Khải và bay bướm phóng khoáng của chữ Thảo nên phát huy được hiệu quả nghệ thuật, được nhiều người ưa chuộng và mang tính thực dụng cao. Quy tắc thuận bút được điều chỉnh để làm tăng tốc độ viết. Các chữ cơ bản vẫn viết rời nhau. Lối viết gần với chữ Khải thì gọi là Hành Khải, gần chữ Thảo thì gọi là Hành Thảo[9]. Kiểu chữ này như trên câu đối Nhà tổ chùa Phước Hậu, câu đối ở gian chính Công Thần Miếu, câu đối ở gian thờ Văn Thánh Miếu, Vĩnh Long; hoành phi chánh điện chùa Bửu Lâm, đình Long Trung (Tiền Giang); hoành phi gian chính đình Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang); câu đối gian nhà tổ chàu Hội Linh, câu đối cổng chùa Nam Nhã, câu đối ở gian chính và câu đối trên bàn thờ miếu Long Tuyền (Cần Thơ); câu đối ở cổng đình Bình Hòa (Bến Tre); hoành phi ở chánh điện chùa Quan Đế (Bạc Liêu) (xem Phụ lục ảnh).
Phần trang trí nổi bật và độc đáo mang nét riêng biệt của các di sản Hán Nôm thể hiện qua hệ thống bao lam, liễn đối, hoành phi được sơn son thếp vàng rực rỡ với các đề tài như tứ linh, tứ hữu, hoa sen/ búp sen, đám mây, con hổ, con lộc-hươu, chim hạc, chim muông hoa lá, lưỡng long chầu nhật/ nguyệt, lưỡng long tranh châu… Hoa văn và biểu tượng trang trí là yếu tố thể hiện triết lý nhân sinh, quan niệm thẩm mỹ và phần nào thể hiện quan điểm chính trị của từng thời kỳ. Qua khảo sát, có thể đưa ra nhận định và lý giải: hoa văn hay biểu tượng nào chiếm tỉ lệ nhiều nhất hoặc xuất hiện xuyên suốt qua nhiều thời kỳ. Một số di sản Hán Nôm được thể hiện trên gỗ, trên đá (câu đối, văn bia…) không có hoa văn hay biểu tượng trang trí nhưng qua các kiểu chữ viết khác nhau cũng thể hiện rõ tính trang nghiêm nơi thờ tự và mang giá trị thẩm mỹ cao. Có thể nói, sự hài hòa các yếu tố mỹ thuật của các di sản Hán Nôm góp phần thể hiện tài năng lẫn ước muốn của cha ông ta. Nó chứa đựng niềm thành kính đối với các vị Thần, Phật, các bậc tiền bối, cầu mong Thần Phật phù hộ cho cuộc sống yên vui sung túc.
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn có một vị trí chiến lược về mặt văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy có lịch sử phát triển không quá dài nhưng cũng hình thành nên các giá trị văn hóa độc đáo đặc sắc và phong phú. Các giá trị văn hóa này vừa kế thừa tinh túy từ miền Kinh Bắc xa xôi do những cư dân đầu tiên Nam tiến mang theo nhưng lại vừa mang đậm tính chất của vùng đất Nam bộ. Có thể kể một số nét văn hóa tiêu biểu như: kiến trúc, điêu khắc; văn học, nghệ thuật,… Các giá trị văn hóa này được thể hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày, một số được lưu giữ, bảo tồn tại các di tích lich sử văn hóa khắp khu vực Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, thiên nhiên, con người của khu vực Tây Nam bộ so với các vùng đất khác, các di tích lịch sử văn hóa có giá trị khu vực này không còn nhiều và ngày càng có nguy cơ mai một. Mặc dù, trong thời gian gần đây, chúng ta không thể phủ nhận sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ban ngành trong việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa nhưng dường như chỉ mới chú ý đến việc bảo tồn, tôn tạo giá trị kiến trúc, chưa thật sự quan tâm đến “phần hồn” của di tích đó là các di sản văn hóa Hán Nôm. Di sản Hán Nôm tồn tại trong các di tích văn hóa lịch sử chính là điều làm nên sự độc đáo, đặc biệt của từng di tích. Các văn bản chữ Hán-Nôm ở trong di tích không chỉ mang tính chất trang trí, mỹ thuật hay mang lại giá trị về mặt thông tin mà còn là những bằng chứng chân thực về lịch sử văn hóa của khu vực, của tiến trình lịch sử khai khẩn vùng đất mới Phương Nam của ông cha ta.
[1] http://biengioibienbentre.vn/noi-dung/di-san-van-hoa-han-nom-o-ben-tre.html, truy cập lúc 9g45, ngày 20/9/2017.
[2] Phan Mạnh Hùng: Văn Thánh miếu Vĩnh Long biểu tượng của học phong Nam kỳ, in trong Tìm trong di sản văn hóa phương Nam của hai tác giả Nguyễn Đông Triều-Phan Mạnh Hùng, NXB. Văn hóa văn nghệ TP.HCM, 2016, tr 23-24.
[3] Bia Thoại Sơn- Wikipedia tiếng Việt
[4] Phiên âm, dịch nghĩa: Nguyễn Đông Triều
[5] Theo Bản dịch Hán Nôm di tích lịch sử chùa Nam nhã, Bảo tàng cần Thơ. Bản dịch có chỉnh sửa.
[6] Phiên âm, dịch nghĩa: Nguyễn Đông Triều
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tri%E1%BB%87n_th%C6%B0, truy cập lúc 14g30, ngày 18/7/2017
[8] http://home.thuhoavn.com/?p=855, truy cập lúc 15g20, ngày 18/7/2017
[9] http://gotiengviet.com.vn/147-font-chu-han-nom-kieu-chu-tong-chu-khai-chu-trien-chu-thao/, truy cập lúc 16g00, ngày 18/7/2017
Từ khóa » Kháp Trong Tiếng Hán
-
Kháp - Wiktionary Tiếng Việt
-
Tra Từ: Kháp - Từ điển Hán Nôm
-
Kháp Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Kháp Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Số
-
Từ Điển - Từ Khắp Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Nên Cẩn Trọng Hơn Khi Dùng Từ Hán Việt
-
Top Website, ứng Dụng Từ điển Hán Việt
-
Vì Sao Cần Dạy Chữ Hán Thay Tiếng Anh ở Trường Phổ Thông?
-
Một Vài Vấn đề Về Ngôn Ngữ Văn Học Viết Bằng Chữ Hán, Chữ Nôm ...
-
Nguyễn Phúc Miên Kháp – Wikipedia Tiếng Việt
-
đá - Vietnamese Nôm Preservation Foundation
-
Tra Từ 看 - Từ điển Hán Việt
-
[PDF] BIẾN THỂ HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT - .vn