Giác Hơi đúng Cách - VnExpress Sức Khỏe

Giác hơi là phương thức trị liệu độc đáo, đơn giản, dễ học, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Thời cổ đại, người ta thường lấy mảnh sừng của động vật để làm công cụ chữa trị lưu hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và một số quốc gia Trung Đông.

Theo Đông y, giác hơi giúp điều chỉnh âm dương, phù chính khử tà, sơ kinh thông lạc, hoạt huyết khử ứ, giải trừ đau nhức. Thông qua tác dụng kích thích phụ áp cơ giới của nhiệt độ, giác hơi dẫn đến những phản ứng cục bộ và toàn thân, từ đó điều chỉnh chức năng của cơ thể, tiêu trừ nhân tố bệnh lý.

Theo Tây y, giác hơi có tác dụng kích thích cơ học, kích thích nhiệt độ, tăng cường chức năng tiêu diệt mầm bệnh của bạch cầu, tác dụng kháng viêm.

Bác sĩ Lê Thân, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, cho biết giác hơi được chỉ định khi cảm lạnh, đau nhức, đau mỏi cơ khớp, đau lưng, đau dạ dày, đau đầu, tăng huyết áp, cảm mạo, ho kéo dài, đau mắt, béo phì.

Giác hơi.

Giác hơi là dùng lọ thủy tinh, cao su... hơ lửa áp vào da. Ảnh y học cổ truyền.

Chống chỉ định ở người bệnh tâm thần, suy tim, suy thận, xơ gan, da liễu, ung thư, lao phổi, ho hoặc nôn ra máu, suy giãn tĩnh mạch. Người có cơ chế đông máu kém, bệnh ưa chảy máu, bệnh chảy máu dưới da, bệnh bạch cầu cấp, suy giảm chức năng tiểu cầu. Sốt cao, co giật, phù thũng, da mất tính đàn hồi, da quá mẫn cảm, thường xuyên chuột rút, co quắp cơ, chấn thương, gãy xương. Không dùng ở phụ nữ đang hành kinh, mang thai, cho con bú, trẻ em và người già, người quá suy nhược, say rượu, quá mệt, no, đói, khát.

Dụng cụ thực hiện gồm lọ thủy tinh, ống trúc, lọ cao su, sừng trâu... Có nhiều phương pháp như giác lửa, giác nước thuốc, giác kết hợp châm, giác kết hợp chích... Thường thời gian đặt ống giác hơi 10-15 phút, ngắn nhất 5 phút, dài nhất 30 phút. Những bệnh cấp tính, mỗi ngày giác hơi một lần. Bệnh mạn tính cách một ngày giác hơi một lần, liên tục như thế 10-15 lần cho một liệu trình.

Bác sĩ Thân lưu ý, không được giác hơi ở hai bên cổ, ở đây có động mạch cổ đi qua. Sử dụng ống giác kích thước lớn nhỏ tùy theo từng bộ phận, từng người bệnh, từng vị trí giác. Những vùng có nhiều cơ, mặt bằng rộng lớn thì dùng ống cỡ to. Vùng nhỏ hẹp, cơ thịt mỏng, lớp mỡ dưới da tương đối ít thì dùng ống cỡ nhỏ.

Không nên giác hơi ngoài trời, nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Một số ít người khi giác hơi sẽ choáng váng và chóng mặt, muốn nôn ói, ra mồ hôi nhiều, tứ chi lạnh... Nên lập tức tháo lọ giác hơi ra, đặt bệnh nhân nằm trên giường, cho uống một cốc nước nóng.

Bác sĩ Thân khuyến cáo, trong quá trình giác hơi, cả người bệnh và nhân viên y tế cần theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe. Người bệnh cần chuẩn bị tâm lý, khi có biểu hiện bất thường như nóng, choáng váng, hoa mắt... cần báo nhân viên y tế dừng lại hoặc xử lý kịp thời, tránh biến chứng. Sau khi giác hơi, người bệnh cần nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, không nên tắm ngay, tránh cọ xát da vùng giác.

Lê Phương

Từ khóa » Giác Hơi Bao Lâu Hết Thâm