Giải đáp Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về điều Trị Lấy Tủy - YouMed

Lấy tủy ( hay chữa tủy – nội nha) là phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa vi khuẩn bằng cách loại bỏ mô tủy đã nhiễm khuẩn ra khỏi răng. Tiếp đó làm sạch các ống tủy và trám bít với các vật liệu thích hợp nhờ đó bảo tồn được răng tự nhiên. Nếu như cách đây hàng chục năm, việc lấy tủy được mô tả là vô cùng đau đớn. Hiện nay, với sự phát triển của nền khoa học, việc lấy tủy hoàn toàn nhẹ nhàng, ít đau hơn nhờ sử dụng gây tê thích hợp. Thay vì phải chịu đựng một răng sâu hay nứt vỡ gây đau nhức, thì việc lấy tủy giúp bạn giảm đau đớn và tránh được nhổ răng. Mặc dù việc lấy tủy đã được nhiều người biết đến từ lâu tuy nhiên sẽ không tránh khỏi những thắc mắc. Sau đây sẽ giải đáp cho các bạn một vài câu hỏi thường gặp về điều trị lấy tủy.

lấy tủy

1/ Mô tủy là gì?

Để hiểu hơn về điều trị lấy tủy, trước hết, chúng ta cần hiểu “tủy” là gì ?

Cấu tạo của răng từ ngoài vào gồm: lớp men trong, lớp ngà cứng chắc và trong cùng là mô tủy. Mô tủy có chứa mạch máu, thần kinh, mô liên kết và các tế bào tham gia vào quá trình tạo mô cứng của răng trong quá trình phát triển. Mô tủy là mô mềm trải dài từ buồng tủy ở thân răng cho đến chóp chân răng – nơi mô tủy kết nối với các mô khác xung quanh. Tủy đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của răng. Tuy nhiên, khi răng đã trưởng thành hoàn toàn, nó có thể tồn tại mà không cần mô tủy. Vì nó tiếp tục được nuôi dưỡng bởi các mô xung quanh. Đó là lý do tại sao khi chúng ta lấy tủy, răng vẫn tiếp tục tồn tại được.

mô tủy

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Vấn đề răng miệng thường gặp, tải ngay ứng dụng YouMed.

2/ Các trường hợp nào răng cần lấy tủy?

Khi răng nhiễm khuẩn thì việc lấy tủy là cần thiết. Một số lý do chính khiến răng bạn cần điều trị tủy gồm:

  • Răng sâu lớn đến tủy
  • Các điều trị nha khoa không thích hợp làm tổn thương tủy
  • Bọc mão không đúng
  • Răng mẻ, nứt vỡ
  • Răng chấn thương: Đôi khi chấn thương không tạo nên nứt vỡ thấy được nhưng tủy vẫn bị tổn thương. Nếu không điều trị bạn có thể đau và áp xe.

Còn nhiều lý do khác không thể đếm về các nguyên nhân cần lấy tủy để giữ lại răng. Tuy nhiên lấy tủy chính là cách duy nhất giúp giữ lại răng lâu dài nếu bạn muốn có một hàm răng đẹp và thực hiện chức năng tốt nhất.

3/ Các dấu hiệu nào cho thấy có thể răng cần lấy tủy ?

  • Đau nhiều khi nhai hay cắn
  • Nướu sưng tấy
  • Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng, lạnh kéo dài ngay cả khi ngưng kích thích
  • Cảm giác châm chích ở nướu
  • Có lỗ sâu

4/ Điều trị lấy tủy gồm những bước nào?

lấy tủy

Lấy tủy có thể được thực hiện trong 1-2 lần hẹn hoặc hơn và được thực hiện theo trình tự sau:

  1. Đầu tiên là khám kiểm tra trên lâm sàng và chụp phim để đánh giá răng cần điều trị
  2. Gây tê, đặt đê:

Nha sĩ sẽ gây tê răng cần điều trị. Khi răng đã đạt hiệu quả gây tê, nha sĩ sẽ đặt một màng bảo vệ nhỏ gọi là “đê cao su” lên vùng làm việc để cô lập răng. Việc đặt đê cao su giúp quá trình làm việc được vô khuẩn và ngăn nước bọt xâm nhập trong quá trình điều trị.

     3. Mở tủy 

Nha sĩ sẽ dùng mũi khoan nha khoa tạo một lỗ mở trên bề mặt thân răng. Sau đó sẽ dùng các dụng cụ nhỏ để đi vào lỗ mở để làm sạch tủy bên trong và tạo dạng ống tủy.

  1. Đo chiều dài làm việc

Mỗi ống tủy sẽ có một chiều dài khác nhau. Chiều dài làm việc là vị trí đo được ở cuối mỗi ống tủy, nơi mà nha sĩ sẽ trám bít đến. Thường vị trí này cách chóp răng 0,5-1mm. Việc xác định chiều dài kết hợp giữa: kinh nghiệm lâm sàng, máy đo chiều dài, phim tia X.

     5. Làm sạch, tạo dạng, bơm rửa

Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ có độ thuôn khác nhau để tạo dạng ống tủy thuôn dần đều giúp việc trám bít được thuận tiện hơn. Đồng thời trong quá trình tạo dạng, nha sĩ cũng sẽ sử dụng một số chất làm tan mùn và các loại dung dịch để bơm rửa làm sạch mô tủy và vi khuẩn còn sót lại.

    6. Băng thuốc ống tủy

Thông thường ống tủy sẽ được bơm vào các chất sát khuẩn giúp tăng khả năng lành thương. Tuy nhiên đối với nội nha 1 lần hẹn, có thể không có băng thuốc ống tủy.

  1. Trám bít ống tủy

Sau khi khoảng trống chứa tủy bên trong răng được làm sạch và tạo dạng đúng yêu cầu, nha sĩ sẽ dùng các vật liệu sinh học để lấp đầy ống tủy. Thông thường hay sử dụng vật liệu gọi là côn gutta-percha. Côn được dán dính vào thành ống tủy nhờ xi măng. Trong hầu hết trường hợp, sau mỗi buổi điều trị, lỗ mở tủy sẽ được trám tạm thời bằng vật liệu trám tạm. Sau khi điều trị hoàn thành, vật liệu trám tạm sẽ được thay thế bằng vật liệu trám sau cùng.

      8. Phục hồi răng

Sau buổi kết thúc điều trị tủy, bạn phải trở lại nha sĩ để phục hồi răng bằng việc trám hoặc bọc mão. Điều này giúp đảm bảo răng có thể đạt được chức năng bình thường. Nếu như răng bị mất cấu trúc nhiều thì khi trám có thể dễ sút. Do đó nha sĩ sẽ đặt một cái chốt bên trong răng giúp lưu giữ miếng trám. Nếu có bất cứ thắc mắc nào bạn nên hỏi nha sĩ để biết rõ hơn về kế hoạch điều trị của mình.

>> Sâu răng là một trong các bệnh thường gặp nhất, thông thường mỗi người đã từng bị ít nhất một lần trong đời. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng trong đó dễ nhận thấy là đau nhức, tạo lỗ sâu trên răng. Ngoài ra, răng sâu có thể đổi màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn kém tự tin. Đó cũng chính là những lý do thường gặp nhất khiến bạn phải đi gặp bác sĩ Răng hàm mặt. Khi đi khám răng, bạn có thể đã được tư vấn một loạt các điều trị tốn kém tiền bạc và thời gian. Điều này thật sự không thú vị chút nào!  Bạn có mong muốn một hàm răng khỏe, đẹp hay không? Cùng YouMed tìm hiểu về nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tại đây nhé.

5/ Có phải tất cả các răng đều điều trị lấy tủy được ?

Hầu hết các răng đều có thể lấy tủy được. Trừ các trường hợp, răng không thể giữ lại như:

  • Ống tủy bị tắc không vào được
  • Răng vỡ lớn, không phục hồi được
  • Không còn xương nâng đỡ thích hợp

Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của nội nha, các chuyên gia vẫn có thể “cứu chữa” các răng trong tình huống trên. Ngay cả khi điều trị nội nha không hiệu quả, việc phẫu thuật nội nha vẫn có khả năng giữ lại được răng.

6/ Điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị tủy?

Nếu không điều trị, nhiễm trùng từ răng có thể lan ra các bộ phận khác của cơ thể, đe dọa tính mạng. Nếu răng đang nhiễm trùng, việc lấy tủy là cần thiết để tránh lây lan.

7/ Khi nào thì quá trễ để điều trị tủy?

Nếu bạn để quá lâu mới đến nha sĩ điều trị tủy thì nguy cơ mất răng rất cao. Thường khi nhiễm khuẩn lan rộng vào xương gây mất xương. Lúc này nguy cơ nhổ cao. Những sang thương vùng chẽ xuất hiện cũng cho thấy khả năng giữ lại răng bằng nội nha còn ít.

8/ Việc lấy tủy và nhổ răng, cách nào tốt hơn?

Việc duy trì một hàm răng thật chắc khỏe vẫn là tốt nhất. Do đó lấy tủy là cách để có thể giữ lại răng giúp đạt được điều này. Nhổ răng và thay thế bằng các phục hồi khác là lựa chọn sau cùng khi không thể giữ lại. Vì khi phục hồi có thể ảnh hưởng đến các vấn đề xương và nướu.

9/ Điều trị lấy tủy cần bao nhiêu lần hẹn?

Đa số việc điều trị có thể hoàn thành trong 1-2 lần hẹn. Lần 1 sẽ lấy tủy, tạo dạng và băng thuốc. Lần 2 sẽ trám bít và phục hồi. Tuy nhiên ở một số trường hợp phức tạp hơn, việc lấy tủy sẽ kéo dài hơn 2 buổi tùy mức độ. Với mỗi trường hợp nha sĩ sẽ đánh giá và thông báo khoảng thời gian ước lượng cho bạn.

10/ Chi phí điều trị tủy như thế nào?

Chi phí điều trị còn tùy thuộc vào mức độ phức tạp của từng trường hợp và tùy vào loại răng. Việc điều trị các răng cối thường phức tạp hơn, do đó chi phí cao hơn. Tuy nhiên chi phí điều trị tủy vẫn được bảo hiểm chi trả. Vì vậy bạn không nên quá lo lắng vấn đề này.

Thường việc điều trị lấy tủy và phục hồi lại răng tự nhiên ít tồn kém hơn so với việc phục hồi răng đã mất. Răng đã mất phục hồi bằng cấy ghép implant hay cầu răng thường có chi phí cao hơn so với việc nội nha.

11/ Trong và sau khi lấy tủy có đau không ?

đau răng

Lấy tủy chính là một cách giúp bạn giảm đau răng do viêm tủy. Với kỹ thuật hiện đại và bằng gây tê, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện lấy tủy.

Tuy nhiên, trong một vài ngày sau điều trị, có thể răng sẽ hơi nhạy cảm, đặc biệt là nếu trước đó răng đau hoặc viêm nặng. Cảm giác nhạy cảm và đau nhẹ này có thể xoa dịu bằng việc dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của nha sĩ.

Thậm chí sau khi điều trị xong thì răng của bạn có thể vẫn cảm giác khác lạ so với các răng khác trong một thời gian. Nhưng đừng lo lắng vì điều đó hoàn toàn bình thường. Trừ khi nếu bạn thấy đau dữ dội hoặc nhức trong nhiều ngày liên tục thì hãy liên lạc ngay với nha sĩ để được xử trí kịp thời.

14/  Răng đã lấy tủy có cần phải chú ý đặc biệt gì không?

Trong quá trình điều trị tủy, cấu trúc răng vẫn chưa được phục hồi lại. Vì vậy bạn nên tránh nhai hoặc cắn mạnh trên răng đó. Răng sau khi điều trị cũng dễ nứt vỡ hơn nên cần phải phục hồi lại càng sớm càng tốt. Mặt khác để tránh tình trạng viêm nhiễm, bạn cũng cần chăm sóc răng miệng tốt. Bạn nên thường xuyên chải răng, dùng chỉ nha khoa và thăm khám mỗi 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng răng miệng của mình.

Hầu hết răng đã nội nha đều có thể tồn tại lâu như răng bình thường. Trong một vài trường hợp, răng đã nội nha nhưng không lành thương, vẫn tiếp tục đau. Thường gặp sau khi nội nha một vài năm, răng đau trở lại. Lúc này, có thể bạn phải điều trị nội nha lại.

15/ Nguyên nhân nào khiến răng phải lấy tủy lại?

Một chấn thương mới, sâu răng mới hoặc miếng trám cũ bị vỡ có thể dẫn đến nhiễm trùng mới ở răng. Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể do một số ống tủy hẹp, bị tắc hoặc ống tủy phụ còn sót trong lần điều trị trước.

16/ Có thể ăn trước khi lấy tủy không?

Bạn có thể ăn bình thường và nên ăn trước khi điều trị. Việc điều trị tủy thường kéo dài có khi đến 1-2 tiếng và cần gây tê. Do đó ăn uống trước sẽ giúp bạn không bị mệt khi điều trị. Nhưng bạn nên nhớ vệ sinh răng sạch trước khi đến điều trị.

17/ Nên ăn gì sau khi lấy tủy?

Sau khi lấy tủy nên ăn đồ ăn mềm, ít nhai như cá, trứng, sữa, soup. Tránh đồ ăn cứng, nóng có thể gây tổn thương răng. Một số nha sĩ có thể đề nghị bạn không nên ăn trong vài giờ sau điều trị. Do khi miệng còn tê có thể cắn phải má hoặc lưỡi.

18/ Lấy tủy xong có cần thiết phải bọc mão?

Việc bọc mão hay không tùy thuộc vào mức độ mất mô răng và vị trí của răng trên cung hàm. Những răng phía sau như răng cối lớn, cối nhỏ đóng vai trò chịu lực chính trong các hoạt động nhai. Vì vậy cần được bọc mão để bảo vệ. Các răng phía trước như răng cửa, răng nanh, việc bọc mão có thể không cần. Đối với những răng vỡ quá lớn, việc tái tạo bằng trám đối khi không đủ chịu lực nên cũng cần bọc mão.

lấy tủy

19/ Lấy tủy có gây nguy cơ ung thư không?

 Hiện không có bằng chứng nào cho thấy lấy tủy có thể gây ung thư. Thực tế lấy tủy là cách ngăn nhiễm trùng từ răng lây lan sang các vùng khác gây bệnh. Các quan điểm về việc lấy tủy gây ung thư là hoàn toàn vô căn cứ và sai lệch.

20/ Sau lấy tủy có thể vệ sinh răng như bình thường không?

 Bạn vẫn hoàn toàn có thể chải răng và vệ sinh như bình thường sau điều trị tủy. Trừ khi có một số trường hợp đặc biệt nha sĩ sẽ lưu ý riêng vấn đề vệ sinh cho bạn.

21/ Sau lấy tủy có phải răng sẽ đổi màu đen?

Đôi khi sau lấy tủy một thời gian, răng có thể đổi màu nhẹ và có một vài đốm bên trong răng. Đây là các vị trí mà trước kia có thể xảy ra xuất huyết bên trong. Từ đó gây ra sự đổi màu vàng hoặc đen của răng. Tuy nhiên điều này có thể khắc phục bằng cách tẩy trắng bên trong răng.

22/ Sau lấy tủy có được hút thuốc lá không?

Việc hút thuốc lá hoàn toàn không được khuyến khích sau điều trị tủy, ngay cả với các điều trị khác. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ thất bại và các nguy cơ khác. Nguy cơ càng tăng ở những người có số lượng điếu/ ngày cao.

Trên đây là một số giải đáp về các thắc mắc thường gặp khi điều trị lấy tủy. Lấy tủy là công việc khó khăn và cần sự hợp tác của cả nha sĩ và bệnh nhân. Do đó trong quá trình điều trị, bạn nên tuân theo sự hướng dẫn của nha sĩ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào nên trao đổi trực tiếp với nha sĩ điều trị. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo lắng và việc điều trị dễ dàng hơn.

>> Khi đau răng, điều quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân khiến bạn đau và khó chịu. Từ đó, bạn sẽ tìm cách giảm đau răng phù hợp, đồng thời làm giảm các triệu chứng khác. Thông thường sẽ có các cách giảm đau răng hiệu quả tại nhà như : súc nước muối ấm, chườm lạnh, uống giảm đau..v.v. Tuy nhiên nếu đau nhiều và kéo dài 1-2 ngày bạn nên khám nha sĩ để tìm nguyên nhân, cách điều trị và ngăn cơn đau xuất hiện lại. Cùng YouMed xem thêm tại đây nhé. 

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Từ khóa » Tắc ống Tủy Răng