Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Sinh Thái Nông Thôn Gắn Với Xây Dựng ...
Có thể bạn quan tâm
Một số kết quả nổi bật
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặt ra mục tiêu: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (2).
Cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình); đồng thời, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để triển khai sâu rộng trong cả nước.
Sau 10 năm triển khai Chương trình, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước luôn quyết tâm chung sức, đồng lòng thực hiện, đạt được nhiều kết quả toàn diện và thực sự nổi bật trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nông thôn: Diện mạo nhiều vùng nông thôn đã có sự thay đổi vượt bậc, từ kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,... đến các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch,... nâng cao thu nhập và bảo đảm sinh kế bền vững cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, cùng với “luồng gió mới” là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) để nâng cao hiệu quả nhóm sản phẩm đặc sản của mỗi vùng quê, đã và đang mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Đến hết tháng 2-2020, cả nước đã có 4.974 xã (chiếm 56% tổng số xã cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới và có 120 đơn vị cấp huyện (chiếm 17,6% tổng số đơn vị cấp huyện cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước hơn một năm so với mục tiêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng.
Có thể nói, những thành quả đạt được của Chương trình là to lớn, toàn diện và lịch sử (3); qua đó, đã đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lên một tầm cao mới, khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và thế mạnh nếu như chúng ta phát huy hết tiềm năng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong 10 năm qua, Chương trình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện để bảo vệ môi trường nông thôn, lồng ghép vấn đề môi trường vào trong sản xuất nông nghiệp và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở tất cả các lĩnh vực. Bảo vệ môi trường không đơn thuần chỉ là thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường (biện pháp xử lý cuối đường ống), mà còn phải chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi hành vi, lối sống để giảm thiểu tác động đến môi trường và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Có thể nói, các giải pháp toàn diện đó đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường.
Trước hết, Chương trình đã có nhiều giải pháp để hạn chế và giảm thiểu tác động đến môi trường, đặc biệt là từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thuốc bảo vệ thực vật được quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất đến lưu hành, hạn chế triệt để các loại thuốc có hại cho đất và cây trồng (đến năm 2020, ước giảm 30% sản phẩm thương mại thuốc bảo vệ thực vật so với năm 2018, khoảng 1.000 sản phẩm); khuyến khích doanh nghiệp và người dân tăng sản xuất và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để giảm mạnh lượng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đã được thực hiện quy củ hơn, nhiều địa phương đã giao cho hội nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, giám sát và tổ chức thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả, như Chương trình “Cánh đồng không bao gói thuốc bảo vệ thực vật” (tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình); Chương trình “Cùng nhà nông bảo vệ môi trường” của Tập đoàn Lộc Trời tại 22 tỉnh phía Nam; mô hình xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các đơn vị xử lý chất thải nguy hại,... Người dân được hướng dẫn và khuyến khích sử dụng lại chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, đã giải quyết được đồng thời vấn đề chi phí để xử lý chất thải, nguồn phân bón thay thế phân vô cơ trong trồng trọt và không gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương đã có các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các loại hình sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên phát triển và sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; phát triển du lịch trải nghiệm ở nông thôn.
Các giải pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường được tăng cường, chú trọng với việc đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn: Đã có 42/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xử lý rác thải tập trung cho khu vực nông thôn, trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đầu tư hệ thống xử lý chất thải cấp tỉnh, liên huyện; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom ngày càng tăng (từ khoảng 40% năm 2015 tăng lên khoảng 50% - 55% như hiện nay), hầu hết các xã có mạng lưới thu gom chất thải hoạt động có hiệu quả; hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương, như Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Nai, An Giang,... thực hiện và ngày càng được mở rộng. Nhiều mô hình xử lý nước thải sinh hoạt cụm dân cư nông thôn được triển khai, khắc phục tình trạng xả nước thải bị ô nhiễm vào hệ thống thủy lợi. Công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nông thôn được đẩy mạnh, với 88,05% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (trong đó, 42% có lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục); nhiều cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt 16% số cụm công nghiệp hiện có); ô nhiễm môi trường tại các làng nghề từng bước được khắc phục bằng việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm đến các khu, cụm công nghiệp (47/47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng đã và đang triển khai các phương án khắc phục ô nhiễm).
Bên cạnh đó, các giải pháp về cải thiện và khôi phục chất lượng môi trườngđã được triển khai, với việc đẩy mạnh trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông. Phong trào trồng hoa và các loại cây để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp (cả nước đã trồng được hàng vạn ki-lô-mét đường hoa, đường cây bóng mát); các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, mô hình “Làng Nông thuận thiên” đã được nhiều địa phương (Yên Bái, An Giang,...) thực hiện, từ đó, phát huy các điều kiện tự nhiên đặc thù của từng địa phương và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
Để từng bước nâng cao chất lượng môi trường, nhiều địa phương áp dụng đồng loạt các giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm nước mặt tại các hồ, ao, kênh, rạch (như huyện Gia Lâm, Hà Nội); đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường tại các vùng đất bị nhiễm độc, khu vực ô nhiễm tồn lưu (từ bãi rác cũ, kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật,...); tổ chức các chiến dịch ra quân để cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường và đã tạo ra được phong trào rộng khắp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những vấn đề đặt ra
Có thể nói, bên cạnh các thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, là những lý do cơ bản để tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí có kết quả thực hiện thấp và chưa thực sự bền vững trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân căn bản bao gồm: Các bất cập liên quan đến công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch chưa bảo đảm sự gắn kết hài hòa các thành phần kinh tế một cách lâu dài, ổn định và bền vững; nước thải từ các nguồn (đặc biệt là nước thải sinh hoạt) không được thu gom và xử lý triệt để, thải ra kênh, rạch, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là nguồn nước tưới cho trồng trọt, là nơi nuôi trồng thủy sản; phát triển sản xuất nhiều nơi chưa theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư sản xuất mà chưa quan tâm đầu tư cho hệ thống bảo vệ môi trường; nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp chưa bài bản và đúng hướng dẫn, nên dẫn đến khai thác thiên nhiên quá mức (lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, khai thác các hệ sinh thái tự nhiên vượt quá khả năng tự phục hồi); tác động nhiều mặt của quá trình đô thị hóa, quá trình phân bố lại dân cư và những thay đổi trong tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, cơ giới hóa,...
Trong bối cảnh phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ và sự chuyển dịch ngày càng lớn giữa thành thị - nông thôn, nhiều thách thức đặt ra cần phải giải quyết để bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, toàn diện, đi vào chiều sâu và hiệu quả thiết thực, đó là:
Thứ nhất, cần có định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của từng địa phương cụ thể. Việc quy hoạch và hình thành các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu sản xuất tập trung là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Tuy nhiên, về không gian, cần bố trí quy hoạch ở những vị trí phù hợp, có đủ khoảng cách an toàn để cô lập và xử lý những hậu quả không mong muốn do ô nhiễm môi trường gây ra; phát triển các vùng đệm sinh thái (thảm thực vật, mặt nước) bao quanh các khu sản xuất tập trung. Ngay trong định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phải quyết liệt với những loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, dù với bất cứ giá nào. Ngay trong quản lý làng nghề và phát triển ngành, nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những thay đổi mang tính cách mạng, đã xác định rõ những đối tượng ngành, nghề cần được bảo tồn và phát triển, vừa duy trì sinh kế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo đảm an toàn cho con người, an toàn thực phẩm và giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững theo cách tiếp cận hệ sinh thái, hay còn gọi là nông nghiệp sinh thái, bảo đảm tính đa dạng và an toàn sinh học (hạn chế độc canh); tuân thủ đúng các quy luật sinh thái tự nhiên; thực hiện luân canh, xen canh, lai tạo giống mới để tăng năng suất, bảo tồn và giữ gìn các giống vật nuôi trên cùng một quần xã, duy trì hệ sinh thái đa tầng; giữ gìn độ phì nhiêu của đất (đặc biệt là nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đất); tăng cường sử dụng tối đa các chất hữu cơ (thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ); bảo đảm đúng nguyên tắc bảo toàn và chuyển hóa vật chất; hạn chế đến mức thấp nhất các nguồn phát thải ra môi trường. Ở đây, vòng tuần hoàn vật chất phải được tính toán một cách hiệu quả, chất thải thực sự phải được coi là nguồn tài nguyên có giá trị để tận thu quay vòng cho sản xuất nông nghiệp. Ở nước ta, trước đây đã có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiếp cận các nguyên lý bảo toàn hệ sinh thái, như mô hình “Vườn - ao - chuồng”; mô hình “Ruộng lúa - bờ hoa”; mô hình “Nông, lâm kết hợp”,... Các mô hình trên đã phần nào chứng minh được tính ưu việt của một nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Thời gian gần đây, đã có rất nhiều mô hình canh tác nông nghiệp xen canh giữa các nhóm cà-phê, hồ tiêu, mác-ca với các cây ăn quả (như mít, sầu riêng...), kết hợp nuôi ong để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; mô hình trồng xen canh giữa cây công nghiệp với các loại cây rau màu, hay xen canh giữa chính các loại cây rau màu với nhau,... Đây là những mô hình rất cần được đầu tư, nghiên cứu, điều chỉnh và phổ biến.
Thứ ba, xây dựng khu dân cư, hộ gia đình nông thôn sinh thái. Thời gian qua, do vội vã trong cách làm, nhiều địa phương đã bê-tông hóa gần như toàn bộ đường làng, ngõ xóm, tường rào và thậm chí là cả khuôn viên các hộ gia đình. Ngoài ra, các công trình văn hóa, thể thao, cổng làng,... cũng bị hiện đại hóa thành các khối bê-tông đồ sộ. Cùng với đó là thảm thực vật bị loại bỏ, làng quê mất dần đi vẻ đẹp mềm mại. Hậu quả là ngập úng, tắc nghẽn giao thông, nhiệt độ gia tăng,... Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình ngày xưa tạo sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giờ đang dần biến mất (4). Tuy nhiên, nhiều địa phương đã sớm định hình được mô hình hiệu quả của xây dựng nông thôn mới, lấy nền tảng là xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu sinh thái, không chỉ tạo nên giá trị hữu hình của vẻ đẹp khác biệt của khu vực nông thôn, mà còn mang lại những giá trị nâng cao đời sống tinh thần, từ đó hình thành, thu hút các mô hình phát triển kinh tế dựa vào khai thác tiềm năng của hệ sinh thái, trong đó, các ví dụ điển hình nhất là các tỉnh Nam Định và Hà Tĩnh. Cũng giống như các hệ sinh thái khác, hệ sinh thái cụm dân cư hay hộ gia đình nông thôn cần giảm và tiến tới không phát sinh chất thải. Mọi loại chất thải cần được phân loại và tái sử dụng ngay từ hộ gia đình, nước thải được áp dụng các biện pháp xử lý đơn giản và thân thiện tại chỗ. Hệ thống kênh, mương được nạo vét thường xuyên, trồng các bè cây xanh để tăng cường khả năng tự làm sạch. Ao, hồ được cải tạo để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí,...
Để bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, giúp hoàn thiện một cách toàn diện nhất nền tảng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, cũng là cơ hội vàng để các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị điều chỉnh và khắc phục những gì bất cập còn tồn tại. Đối với lĩnh vực môi trường nông thôn, cần có cách nhìn toàn diện để giải quyết một cách bền vững thông qua việc lồng ghép vấn đề môi trường vào tất cả các ngành, các lĩnh vực (từ quy hoạch, xây dựng, đến văn hóa, giáo dục, thông tin truyền thông,...) để huy động sức mạnh tổng thể cho bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường nông thôn cần gắn với chuyển đổi lối sống của người dân nông thôn và thay đổi trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bảo vệ môi trường không chỉ là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, mà còn phải giảm thiểu các tác động xấu, các hành vi phát thải, từ đó, khuyến khích, nhân rộng các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường. Để bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện và bền vững, đi vào chiều sâu, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Thứ nhất, giải pháp về quy hoạch. Mọi việc đều phải bắt đầu từ quy hoạch với tầm nhìn và lộ trình thực hiện. Hơn bao giờ hết, quy hoạch phải gắn với đặc trưng vùng, miền, địa phương, bảo đảm tuân thủ thật chặt chẽ các nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái (đã có bài học đắt giá trong thời gian qua). Đây cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (5). Đối với tất cả các ngành và các địa phương, cùng với giai đoạn 5 năm của một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải rà soát lại thật kỹ những định hướng mang tính chiến lược của từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh về chất và lượng, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc cân bằng và ổn định của phát triển bền vững. Vấn đề quy hoạch còn phải được xem xét ngay trong một cụm dân cư hay từng hộ gia đình, không chỉ là vấn đề cảnh quan, sinh thái, mà còn là tổ chức sản xuất, bố trí không gian cho các hoạt động văn hóa, xã hội. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát và hoàn thiện lại bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, làm rõ hơn những nội hàm còn chưa được định lượng trong tiêu chí về môi trường, làm căn cứ để triển khai thực hiện cho những giai đoạn tiếp theo, trước mắt là giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, giải pháp về vấn đề chính sách. Thực tế cho thấy, chúng ta còn thiếu hụt các chính sách cụ thể, có tính khả thi cao cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn(6). Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung ưu tiên cho nội dung này, trong đó xác định rõ các chính sách cho “bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn” không chỉ là vấn đề xử lý chất thải, mà phải giảm thiểu phát sinh ngay từ đầu vào của quy trình sản xuất và đời sống sinh hoạt. Đó là các chính sách về nguyên liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất, chế biến không phát sinh chất thải; chính sách trợ giá, khẳng định thương hiệu và uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP sạch để thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc trong thị trường; các chính sách về hình thành thị trường trao đổi chất thải (tận thu, tái chế, quay vòng tái sử dụng, xử lý); coi chất thải (đặc biệt là chất thải hữu cơ) là hàng hóa có giá trị thương mại.
Thứ ba, giải pháp về vấn đề công nghệ. Đây có thể coi là điểm mấu chốt, là đột phá của cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần được tháo gỡ trong giai đoạn tới. Thực tế chứng minh giai đoạn 10 năm qua, chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nhập ngoại, mà quên mất việc bảo tồn và phát huy các giá trị thực hành truyền thống. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã giúp nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hành tưới tiết kiệm, sử dụng nhà màng, nhà lưới, trồng trọt theo phương thức thủy canh,... Tuy nhiên, sau một giai đoạn phát triển, chúng ta đã nhận thấy rất rõ những mặt chưa thành công của các giải pháp khoa học - công nghệ khi áp dụng máy móc vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới rất cần các biện pháp, giải pháp công nghệ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các công nghệ sản xuất sạch trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm; công nghệ xử lý chất thải hữu cơ thành các sản phẩm thứ cấp; công nghệ xử lý chất thải an toàn với môi trường, không gây ô nhiễm thứ phát (là điểm bức xúc nhất của hầu hết các địa phương hiện nay); công nghệ xử lý ô nhiễm ao, hồ, khu chăn nuôi, làng nghề, các khu vực ô nhiễm tồn lưu do chôn lấp chất thải và các khu vực nuôi trồng thủy sản,...
Thứ tư, giải pháp về cộng đồng. Bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, không thể tách rời được cộng đồng và với cộng đồng. Người dân sẽ tự nguyện áp dụng các giải pháp sản xuất sạch khi giữ nguyên và gia tăng giá trị sản xuất kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ được sức khỏe cho chính họ. Người dân sẵn sàng tự nguyện hiến đất cho các công trình công cộng, đóng góp tiền của và ngày công cho các hoạt động xây dựng cảnh quan, khi bản thân họ thấy sự công bằng, bình đẳng và quyền lợi chính đáng của họ trong các hoạt động mang tính cộng đồng như vậy. Do đó, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, là phải phân tích, làm nổi bật lên được những giá trị mà người dân được trực tiếp thụ hưởng, khi thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường (7).
Thứ năm, giải pháp về nguồn lực và các công cụ tài chính phù hợp. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 10 năm vừa qua, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020, đã đạt được những kết quả vượt bậc là nhờ sự tập trung về nguồn lực (từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, tín dụng, nguồn đóng góp của người dân và các nguồn tài chính hợp pháp khác). Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, việc phân bổ nguồn lực cho tiêu chí môi trường tại các địa phương còn rất hạn chế. Để khắc phục trong thời gian tới, cần điều chỉnh quy định về phân bổ nguồn vốn cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo đó, cần có quy định tỷ lệ bắt buộc tối thiểu nguồn lực ngân sách nhà nước cho các tiêu chí phản ánh nội dung trụ cột của nông thôn mới, trong đó có môi trường. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý chất thải. Đã đến lúc chúng ta không chỉ kêu gọi cộng đồng hay doanh nghiệp vào cuộc mang tính phong trào, mà còn phải chỉ ra được những lợi ích kinh tế thiết thực sẽ có được khi thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường. Một điểm quan trọng nhất cần làm là áp dụng nguyên tắc “người phát sinh ô nhiễm phải trả tiền để xử lý ô nhiễm”, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng. Với các hộ dân, việc hình thành các khoản thu bắt buộc (phí vệ sinh hay các loại phí môi trường khác) và các khoản thu tự nguyện bảo đảm tính công bằng và minh bạch(8).
Tóm lại, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa duy trì được sự bền vững của môi trường, cần kiên định với các mục tiêu và quan điểm của Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Kết luận số 54-KL/TW, ngày 7-8-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy khóa X, Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, xác định mục tiêu trong giai đoạn tới cần tiếp tục củng cố và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững, chú trọng sự cân bằng của các hệ sinh thái; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận hệ sinh thái, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm OCOP truyền thống nhưng phải sạch - an toàn từ đầu vào, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, trong đó, chú trọng đến các mô hình cộng đồng dân cư sinh thái, phát triển các mô hình du lịch nông thôn mới, với vai trò chủ thể, nòng cốt là người dân và cộng đồng./.
------------------------------ (1) Mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 là có 70% số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường; 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số trường học, trạm y tế xã có nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý và sử dụng tốt. Đến tháng 6-2019, có 74% số hộ gia đình ở nông thôn có 3 công trình hợp vệ sinh, mặc dù tăng 18% so với năm 2010, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; vẫn còn nhiều trường học, trạm y tế xã chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa (2) Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, http://vbpl.vn/bonongnghiep/Pages/vbpq-print.aspx?ItemID=24544 (3) Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, ngày 19-10-2019, tại tỉnh Nam Định (4) Sinh thời, Bác Hồ khi làm hàng rào thay cho tường gạch xây, Bác nhắc nhở nên trồng hàng dâm bụt, vừa tạo màu xanh mát lành, vừa làm thức ăn chăn nuôi đàn dê, đàn thỏ; hoa của nó có thể làm thuốc chữa bệnh, khi xuân về hoa nở tạo thêm cảnh đẹp cho thôn quê (5) Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu mới, nguồn lực mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hội nhập với tư duy mạnh mẽ; chủ động khắc phục, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, coi đây là định hướng quan trọng cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương để người dân yên tâm sử dụng; rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn (6) Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, của Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018, của Chính phủ, Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, đã đề cập các hoạt động sản xuất sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế phát sinh và xử lý chất thải,... Tuy nhiên, hiệu quả triển khai trên thực tế còn rất hạn chế (7) Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng các khu dân cư sinh thái gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng là hoạt động đang ngày càng được hưởng ứng nhân rộng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc (8) Hiện nay, phí vệ sinh được thu theo đơn vị đầu người sẽ không khuyến khích được việc tận thu chất thải hữu cơ của các hộ gia đình nông thôn; đồng thời, không công bằng giữa các hộ gia đình không có hoạt động sản xuất và các hộ gia đình có hoạt động sản xuất
Từ khóa » Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Nông Thôn
-
Một Số Giải Pháp Chủ Yếu Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Bảo Vệ Môi ...
-
Thực Trạng Và Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường, Thích ứng Với Biến đổi ...
-
Một Số Giải Pháp Tăng Cường Công Tác Bảo Vệ Môi Trường Nông Thôn ...
-
Yêu Cầu Bảo Vệ Môi Trường Nông Thôn Hiện Nay
-
Tăng Cường Bảo Vệ Môi Trường Khu Vực Nông Thôn
-
Định Hướng Và Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Bảo Vệ Môi ...
-
NÂNG CAO Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
-
Thực Trạng Và Giải Pháp Quản Lý Môi Trường Nông Thôn
-
[PDF] Những Vấn đề Bức Xúc Về Môi Trường Nông Thôn Và
-
Nâng Cao ý Thức Bảo Vệ Môi Trường Nông Thôn - Báo Thanh Hóa
-
HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
-
Các Giải Pháp Phòng Ngừa, Giảm Thiểu Tác động Tiêu Cực đến Môi ...
-
Đề Xuất Các Giải Pháp Khắc Phục ô Nhiễm Môi Trường Nông Thôn