Tăng Cường Bảo Vệ Môi Trường Khu Vực Nông Thôn

Đường nông thôn mới tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn được trồng cây hoa tạo cảnh quan sạch đẹp

Thách thức lớn nhất trong thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM ở Bắc Kạn là tình hình rác thải sinh hoạt nông thôn ngày càng gia tăng về số lượng và chủng loại, đặc biệt, trong thành phần rác thải có nhiều vật khó phân hủy như túi nilon, các bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật… Chất thải sau khi được thu gom đều qua xử lý, tuy vậy, vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt của những khu dân cư sinh sống liền kề, về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng nguồn kinh phí thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Những năm qua, cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường, tỉnh đã bố trí kinh phí và đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ người dân xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, lò đốt rác tập trung, mua sắm công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... Các công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng cao của người dân.

Song hành với sự quan tâm từ chính quyền, các địa phương cũng đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp bảo vệ môi trường như đẩy mạnh việc thu gom rác thải; tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý, bảo vệ tại bãi rác tạm hiện có, không để xảy ra ô nhiễm và các sự cố môi trường; đồng thời, tích cực tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.

Trước thềm được công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố Bắc Kạn đang tập trung triển khai các giải pháp thực hiện tiêu chí về môi trường. Thời gian qua, về cơ bản, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Bắc Kạn được Công ty Cổ phần Đô thị Bắc Kạn thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn tỉnh Bắc Kạn bằng công nghệ thiêu hủy tại tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng với công suất xử lý 3 tấn/giờ. Năm 2019, Công ty Cổ phần Môi trường Bắc Kạn tiến hành đầu tư giai đoạn II, trong đó thực hiện đầu tư mới lò đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường với công suất thiết kế là 1 tấn/giờ để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; dây truyền xử lý tái chế mùn hữu cơ công suất thiết kế 0,5 tấn/giờ để thu hồi lượng mùn có giá trị chế biến thành phân vi sinh, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường; dây truyền tái chế, nhựa, nilon với công suất thiết kế 0,5 tấn/giờ để tái chế, thu hồi lượng chất thải nhựa, nilon trong quá trình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa, nilon phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường Bắc Kạn đang tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng môi trường theo quy định.

Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Trung ương kiểm tra công tác môi trường tại Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn tỉnh Bắc Kạn

Đối với giải pháp đầu tư hệ thống cấp nước và các biện pháp thu gom triệt để các loại chất thải phát sinh trên địa bàn xã Dương Quang và xã Nông Thượng, hiện nay, thành phố Bắc Kạn đã được đầu tư hệ thống cấp nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn với công suất xử lý 3.000m3/ngày đêm và mở rộng phạm vi thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Dương Quang và xã Nông Thượng.

Đối với các huyện, các phong trào bảo vệ môi trường như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh, đẩy mạnh thực hiện phong trào “3 sạch” của Hội Phụ nữ các cấp... góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi…

Mặc dù so với nhiều tiêu chí khác, việc thực hiện tiêu chí môi trường không đòi hỏi phải đầu tư lớn như tiêu chí về cơ sở vật chất nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Hiện nay, Bắc Kạn mới có 24 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, cùng chung tay bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp để hoàn thành lộ trình xây dựng NTM và giữ vững tiêu chí đã đạt được./.

Từ khóa » Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Nông Thôn