Giải Pháp để Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Trụ Vững Trong đại Dịch ...

  1. Đầu tư - Kinh doanh

Mặc dù, có vai trò quan trọng, song khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng.

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương, khu vực doanh nghiệp này đã tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ.

DNNVV sử dụng khoảng 1/2 lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp (chiếm 49%) trong cả nước và tại một số vùng đã sử dụng tuyệt đại đa số lực lượng lao động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động, DNNVV còn sử dụng nguồn tài chính của dân cư trong vùng, nguồn nguyên liệu trong vùng để sản xuất kinh doanh…

Với tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta còn yếu, khi đại dịch Covid -19 lan rộng và diễn biến phức tạp, khu vực doanh nghiệp này càng gặp nhiều khó khăn hơn trong huy động nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, tập trung vào một số lĩnh vực như: Xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng. Hiện nay, có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động, trong đó có nhiều DNNVV phát triển hiệu quả.

Mặc dù, số lượng DNNVV đông đảo, song quy mô DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV. Chính bởi quy mô nhỏ, nên hoạt động của khu vực DN này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đai dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, cụ thể như: Phần lớn DNNVV tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ; Thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật; Thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành DN; Trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và năng lực cạnh tranh chưa cao; còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; Khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường yếu...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thế mạnh của DNNVV là thu hồi vốn nhanh và hiệu quả; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; có khả năng thâm nhập vào những thị trường ngách và lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi nhuận không cao; khả năng ứng biến linh hoạt…

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng DNNVV lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh thu của khu vực DNNVV giảm, trong đó DN siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là DN nhỏ, DN vừa và DN lớn. Điều này phản ánh sức chống chọi của DN phụ thuộc rất lớn vào quy mô DN. DN thuộc khu vực dịch vụ giảm doanh thu nhiều nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng. DN khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm doanh thu ít nhất.

DNNVV còn phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tại, DN siêu nhỏ mới tiếp cận được gần 1/5 nhu cầu nguyên, vật liệu đầu vào. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng bị thu hẹp, có tới trên 2/3 số DN cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Tỷ lệ DN gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp ở mức khá cao.

Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là những khó khăn lớn của đại bộ phận DN; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cũng là vấn đề đáng quan ngại. Theo quy mô DN, khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là vấn đề lớn nhất với nhóm DN siêu nhỏ; trong khi với nhóm DNNVV, khó khăn lớn nhất do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Như vậy, với tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của khu vực DNNVV nước ta còn yếu, khi đại dịch Covid -19 lan rộng và diễn biến phức tạp, khu vực DN này càng gặp nhiều khó khăn hơn trong huy động nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững trong đại dịch Covid-19

Một là, đổi mới sản phẩm và dịch vụ.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và thói quen mua hàng của khách hàng theo hướng chuyển từ tương tác trực tiếp, truyền thống sang tương tác trực tuyến nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, bản thân mỗi DNNVV cần nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

DNNVV Việt Nam có nhiều lợi thế về kinh doanh, phạm vi thị trường, khách hàng để tham gia vào hoạt động thương mại trong nước, khu vực và quốc tế. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, DNNVV cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình, trong đó, việc coi trọng đầu tư cho khoa học công nghệ. Đây là mấu chốt giúp DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tận dụng được cơ hội để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi DN cũng là một giải pháp mà các DNNVV có thể tập trung và đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, DN cần có chiến lược phát triển thông qua các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động cụ thể.

Hai là, tái cấu trúc DN.

Với các DN yếu thế như DNNVV, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và linh hoạt để có thể nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, các DNNVV cần tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa DN... để chủ động và nhanh chóng có giải pháp ứng phó với sự biến động của môi trường kinh doanh.

Theo đó, DNNVV cần thực hiện tái cấu trúc theo 4 bước sau: (i) Tái thiết lập lực lượng bán hàng và khả năng tương tác với khách hàng; (ii) Đẩy mạnh tích hợp giữa các mô hình kinh doanh mới và hiện tại; (iii) Chuyển đổi chi phí marketing sang các kênh có khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng; (iv) Cắt giảm những sản phẩm mang lại lợi nhuận thấp, cắt giảm chi phí hàng tồn kho…

Ba là, thực hiện chuyển đổi số.

Quá trình hội nhập và kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên giới, các DNNVV Việt Nam cần đầu tư, làm chủ công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình thông qua việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Chuyển đổi số giúp DN tăng cường sự chính xác - minh bạch trong DN; Nâng cao hiệu suất làm việc, tăng thu, giảm chi… Chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như chuyển từ hình thức sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot (thảo luận trực tuyến), dùng các hệ thống tự động hóa… hay đơn giản là thay đổi phương thức làm việc trên giấy tờ, email, zalo… bằng 1 phần mềm quản lý công việc tập trung trực tuyến.

Bốn là, tăng cường thực hiện cắt giảm chi phí.

Kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các DNNVV cần thực hiện tốt những quy định về y tế như sử dụng sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn tay và giãn cách xã hội. Việc tuân thủ các quy định này sẽ làm tăng chí phí sản xuất kinh doanh của DN. Để cắt giảm chi phí, tạo điều kiện giảm giá bán nhằm duy trì thị trường, ổn định doanh thu, các DNNVV cần thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí sau:

(i) Thay đổi phương thức hoạt động thương mại theo hướng ưu tiên thương mại điện tử, hoạt động trực tuyến, thực hiện đẩy mạnh mở rộng sang các thị trường mới ở các tỉnh và thành phố lớn khác, thông qua việc tăng cường kết nối với thị trường thông qua nền tảng thương mại điện tử và các công cụ marketing trực tuyến như: Amazon, alibaba, Facebook và Zalo…

(ii) Tái cấu trúc dây chuyền, khu vực sản xuất, thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, loại bỏ tối đa các thao tác dư thừa gây tốn sức người, nguyên, nhiên liệu.

(iii) Thiết kế cơ cấu tổ chức sản xuất tinh gọn, tối thiểu hoá thời gian chờ việc của công nhân và giảm tối đa xung đột giữa các công đoạn sản xuất.

(iv) Thiết kế hệ thống quản trị chuỗi cung ứng đảm bảo thông suốt giữa các công đoạn từ khâu tiếp nhận đơn đặt hàng – xác định tiêu chuẩn nguyên liệu – lựa chọn nhà cung cấp – tiếp nhận lưu kho - xuất kho nguyên vật liệu.

(v) Xác định lượng vật tư, hàng hóa tồn kho tối ưu theo hướng tối thiểu hoá chi phí tồn trữ, chi phí dự trữ an toàn và chi phí mua hàng, sử dụng các nguồn cung ứng và dịch vụ kho vận đa dạng hơn. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng dự báo nhu cầu tiêu thụ và nguyên vật liệu để chủ động trong kế hoạch sản xuất giảm thiểu sự thiếu hụt, cũng như dư thừa nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho.

Năm là, ưu tiên đầu tư vào thị trường ngách.

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người dân Việt Nam. Người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên tiện nghi gần nơi sinh sống; ủng hộ những thương hiệu địa phương bằng việc hỗ trợ ngành kinh doanh, cộng đồng, thương hiệu, nhà bán lẻ địa phương… Do vậy, các DNNVV cần có định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản xuất phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Đây là những lĩnh vực vừa giúp DN Việt Nam chủ động tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, liên kết tốt hơn giữa các DNNVV với chuỗi cung ứng nội địa; góp phần hạn chế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và hoạt động cung ứng đầu vào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo giúp các DNNVV tận dụng được cơ hội từ thị trường, phục hồi và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thời gian tới, để khu vực DNNVV phát triển bền vững hơn trong bối cảnh dịch Covid-19, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Đối với các cơ quan quản lý

Một là, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, thất nghiệp. Trong đó, quan tâm, chú trọng đến đối tượng lao động trong các có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua hỗ trợ để giải quyết vấn đề trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Hai là, tập trung hơn vào các gói chính sách hỗ trợ tiền tệ - tín dụng, tiếp tục duy trì gói chính sách tài khóa thông qua thuế, tiền sử dụng đất.

Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, ngoài các hỗ trợ từ phía Chính phủ cho DN, các biện pháp hỗ trợ thông qua hiệp hội cũng rất cần thiết. Vai trò của các hiệp hội không chỉ là đại diện của DN, giúp DN trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn hỗ trợ DN về quan hệ lao động, tư vấn pháp lý, đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo Phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân;

2. VCCI, Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, http://pcivietnam.org/danh-muc-du-lieu/du-lieu-pci/;

3. Nguyễn Thị Kim Lý (2020), Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 3/2020;

4. Lê Thiết Lĩnh (2019), Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh - Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 11/2019;

5. Phùng Thế Đông (2019), Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển trong giai đoạn hiện nay – Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 10/2019.

(*) Trương Thu Hương, Đỗ Văn Chúc - Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.

Doanh nghiệp logistics sẽ đối diện khó khăn nào năm 2025?
Quảng Ninh: Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ
Chính thức điều chỉnh chủ trương đầu tư Sân bay Long Thành
Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện
Cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Tập đoàn Bảo Việt chi trả hơn 745 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai
Kim Long Motor với tầm nhìn trở thành nhà sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô hàng đầu Việt Nam
Doanh nghiệp logistics sẽ đối diện khó khăn nào năm 2025?
Thúc đẩy chuyển đổi số để đồng hành cùng người nộp thuế
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Hải quan TP. Hà Nội kiên quyết đấu tranh với buôn lậu, vận chuyển ma túy
Gian nan bài toán xử lý chợ tự phát ở Hà Nội
7 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1.1.2025
Giấc mơ 100.000 USD xa dần với Bitcoin
Cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhìn từ bài học của Canada

Từ khóa » Giải Pháp Vốn Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ