Thêm Cách Tiếp Cận Vốn Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ

3 rào cản khiến doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 98% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước vào năm 2020 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này cung cấp đến hơn 5,6 triệu cơ hội việc làm cho thị trường lao động, cũng như chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam (ước tính khoảng 241 tỷ USD). Tuy nhiên, tỉ lệ chênh lệch giữa số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký kinh doanh và số lượng doanh nghiệp thực sự đang hoạt động ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ vỏn vẹn 54% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký kinh doanh có hoạt động trong năm 2019. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chính là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Và vấn đề khó khăn này càng được khắc họa rõ nét hơn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

Ông Ryan Galloway, Giám đốc Quốc gia Funding Societies Việt Nam cho rằng, có 3 rào cản mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp phải trong tiếp cận vốn vay. Thứ nhất là không có tài sản thế chấp. Thứ hai là báo cáo tài chính không đáp ứng được các quy định thủ tục của ngân hàng và cuối cùng là thiếu những kế hoạch, chiến lược kinh doanh mạnh.

Thêm cách tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Các diễn giả trao đổi tại Lễ ra mắt nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Funding Societies

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Diễm Phương - Giám đốc phát triển kinh doanh của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, thời gian qua có những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải dùng tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp để thế chấp khi vay vốn. Điều này khiến thời gian xử lý hồ sơ lâu hơn, doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền mặt trong các hoạt động kinh doanh khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó chứng minh về dòng tiền cũng như khả năng thanh toán của mình. Chính vì vậy các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn, sáng 10/05, nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Funding Societies chính thức được ra mắt.

Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn

Ông Kelvin Teo, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn của Funding Societies, cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2015, tầm nhìn của Funding Societies hướng đến việc cải thiện đời sống xã hội ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Việt Nam luôn nằm trong lộ trình đó. Trong 7 năm hoạt động, công ty đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ kinh doanh thông qua hơn 5 triệu khoản vay trên toàn khu vực.

Tại Việt Nam, Funding Societies sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, bán lẻ, công nghệ và FMCG, thông qua việc cung cấp các sản phẩm như cấp vốn từ những nhà bán lẻ, cấp vốn trữ kho, tài trợ cho các khoản phải thu (AR) và các khoản phải trả (AP) trong và xung quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Chia sẻ về mục tiêu trong giai đoạn 2022 – 2025 tại Việt Nam, ông Ryan Galloway, Giám đốc Quốc gia Funding Societies Việt Nam cho biết, kể từ đợt chạy thử tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2021, Funding Societies đã giải ngân 20 triệu USD và đang tìm cách tăng con số này lên 90 triệu USD trong năm nay và đạt mức 1,3 tỉ USD vào năm 2025. "Để hiện thực hóa tham vọng này tại Việt Nam, tổ chức đang nỗ lực trong việc hợp tác với các nền tảng công nghệ và các đối tác ngân hàng nhằm hỗ trợ các tham vọng trung và dài hạn", ông Ryan Galloway nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Funding Societies sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc đã tiếp cận được nguồn vốn nhưng chưa đủ. “Chúng tôi sẽ tập trung vào khoản vay nhỏ dưới 1 triệu USD trong thời gian ngắn khoảng vài tháng. Thời gian xử lý cấp vốn nhanh, tối đa trong một đến 2 tuần”, ông Ryan Galloway khẳng định.

Từ khóa » Giải Pháp Vốn Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ