GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT CÁT VEN BIỂN BẮC TRUNG BỘ

Đất cát ven biển Miền Trung

Đất cát ven biển được xem là loại đất có nhiều vấn đề nhất như kết cấu rời rạc, độ phì thấp, khả năng trữ nước và chất dinh dưỡng kém, thảm thực vật chủ yếu là các loại cây bụi có khả năng chống chịu lại các điều kiện khắc nghiệt. Ở nước ta, các loại đất cát tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đất cát đã và đang được sử dụng rất đa dạng cho sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, lúa-màu, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu, ngô và cây ăn quả các loại. Mặc dù nhóm đất cát có vai trò rất lớn đối với tiềm lực phát triển kinh tế, xã hội của ba tỉnh nêu trên như: tạo ra các sản phẩm nông nghiệp và cây trồng có giá trị, ổn định góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhóm đất này còn có nhiều hạn chế trong trồng trọt và canh tác nông nghiệp như nghèo dinh dưỡng, thành phần cơ giới nhẹ, độ rỗng lớn nên không phù hợp với canh tác. Để giúp người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có thể sử dụng đất cát biển một cách hiệu quả và bền vững, việc nghiên cứu giải pháp nông-lâm thủy lợi kết hợp cải tạo đất để phát triển nông nghiệp ổn định là cần thiết.

Chính vì vậy, các giảng viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thuộc Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Đề tài Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) nhằm đem lại màu xanh trù phú trên mảnh đất cát khô cằn nơi đây, giúp cho kinh tế xã hội của người dân trong vùng được phát triển một cách bền vững.

Đề tài được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2019 đến năm 2021) do GS.TS. Trần Viết Ổn, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Thủy lợi làm chủ nhiệm với sự tham gia của các giảng viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước và một số giảng viên các đơn vị khác trong Trường Đại học Thủy lợi, kết hợp với các cán bộ của Sở, Ngành liên quan của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đề tài đã được bắt đầu triển khai vào đầu tháng 4 năm 2019.

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi đi điều tra khảo sát thu thập số liệu của các thầy giảng viên bộ môn Kỹ thuật tài nguyên nước, Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước – những người thực hiện đề tài.

Hiện trạng canh tác trên đất cát ven biển Miền Trung

PGS.TS. Nguyễn Thị Hằng Nga - Thành viên thực hiện đề tài đi thực địa tại vùng đất cát ven biển Miền Trung

- TVB -

Từ khóa » đất Cát Ven Biển Là Gì