Giải Pháp Giảm Thiểu Rủi Ro Tín Dụng Của Các NHTM Việt Nam Trong ...

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số thực trạng, nguyên nhân chủ yếu về rủi ro tín dụng, công tác quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời đề xuất một số giải pháp hạn chế, giảm thiểu, quản lý rủi ro tín dụng của các NHTM trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Solutions to minimize credit risks of Vietnamese commercial banks in the context of COVID-19

Abstract: The article analyzes several facts and main causes that lead to credit risk, credit risk management in commercial banks and proposes some measures to minimize and control credit risks of commercial banks in the context of the COVID-19 pandemic.

Tín dụng là huyết mạch đối với sự phát triển kinh tế của một đất nước và là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam đã và đang phải thực hiện “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, hoạt động tín dụng vẫn rất cần thiết, các ngân hàng cần có những giải pháp quản trị cần thiết, phù hợp, thích ứng với tình hình mới để hoạt động tín dụng được an toàn, bền vững.

1. Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành ngân hàng

Có thể nói, hầu hết các tổ chức kinh tế và cá nhân có sử dụng dịch vụ tín dụng ngân hàng đều bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch này. Do đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải thực hiện một loạt chính sách để hỗ trợ các thành phần kinh tế như: cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng, hay các NHTM đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm đối với khách hàng vay. Hơn 70.000 tỷ đồng đã được các NHTM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 tại thời điểm đó, tính đến ngày 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 262.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ gần 357.000 tỷ đồng.

2. Nhận diện rủi ro tín dụng trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tín dụng vẫn là hoạt động trọng yếu nhất của NHTM vì hoạt động này mang lại một tỷ trọng lớn về doanh thu, lợi nhuận cho hầu hết các NHTM, chính vì vậy, ảnh hưởng của rủi ro này xẩy ra sẽ luôn mang lại hệ lụy dài lâu và rất nặng nề.

Có nhiều cách gọi, quan niệm về rủi ro tín dụng nhưng có thể khái quát rủi ro tín dụng được hiểu là rủi ro xuất hiện khi bên có nghĩa vụ thanh toán trong quan hệ tín dụng không sẵn sàng hoặc không có khả năng thanh toán đầy đủ cho bên còn lại theo thỏa thuận. Theo Basel II, tại “17 nguyên tắc quản trị rủi ro tín dụng” của Ủy ban Basel (ban hành tháng 9/2000); rủi ro tín dụng là khả năng bên vay nợ ngân hàng hoặc bên đối tác không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản đã thỏa thuận. Còn theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM thì “rủi ro” là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Có nhiều cách phân loại về rủi ro tín dụng, có thể hiểu và phân loại như sau:

2.1 Về các rủi ro do nguyên nhân khách quan

Lâu nay, đánh giá nguyên nhân này có vẻ chủ quan, bởi trên thực tế, các NHTM trên thế giới đều có các giả định rủi ro, theo đó, họ đều có các biện pháp ứng phó tương ứng với các giả định. Trên thực tế, thường các rủi ro do nguyên nhân này các ngân hàng đều kiểm soát tốt (vì tỷ lệ “shock” xảy ra là bé).

Xem xét ở 2 góc độ dưới đây về quan điểm nhận diện:

Về nhận diện khách quan – chủ quan: Đây là tác nhân gây ra rủi ro bất khả kháng, xảy ra ngoài ý muốn và tầm kiểm soát của con người trong một thời điểm nào đó. Có thể xuất phát từ môi trường kinh tế, trong một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh, tiềm năng sản xuất và tiêu dùng của xã hội còn lớn thì hoạt động sản xuất kinh doanh còn có nhiều điều kiện tốt để phát triển và ngược lại, khi nền kinh tế có hiện tượng lạm phát tăng vọt sẽ kéo theo đồng tiền nội địa bị mất giá, dẫn đến sản xuất kinh doanh trong nước trở nên khó khăn, khiến cho khả năng thu hồi vốn tín dụng trở nên phức tạp. Có thể xuất phát từ góc độ của môi trường pháp lý, đây là một nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng phát sinh rủi ro tín dụng, cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rủi ro trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây nên các khoản nợ quá hạn. Trong các nguyên nhân gây ra rủi ro thì nguyên nhân khách quan là khó phòng tránh nhất. Tuy nhiên, cũng có thể giảm bớt tổn thất nếu dự đoán đúng xu hướng để thực thi chính sách phân tán rủi ro hợp lý. Và với nhận diện chủ quan này, lâu nay chúng ta thường cho rằng: “Tổn thất do nguyên nhân khách quan thường chiếm tỷ trọng không lớn”.

Về nhận diện rủi ro khi có đại dịch COVID-19: Có thể nói rằng, đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm thay đổi căn bản nhiều dự báo, thậm chí những dự báo và lý thuyết mang tính chất kinh điển. Dịch COVID-19 xuất hiện làm thay đổi nhiều hành vi, thói quen, tập quán của con người đến mọi tổ chức, và đặc biệt với các NHTM. Loại hình đặc thù trong hoạt động kinh doanh, đã phải thay đổi, điều chỉnh lớn chiến lược quản trị trong hoạt động, đó là cách nhận diện rủi ro tín dụng và cách quản trị nó. Đại dịch COVID-19 xảy ra gần như nằm ngoài mọi dự liệu của các ngân hàng trong khâu thiết kế quy trình nhận diện - đo lường - giảm thiểu - giám sát/xử lý. Chính vì vậy, lần này, các NHTM phải tiếp cận cách nhận diện rủi ro theo các tiêu chí khác hơn, theo cách nhìn “ảnh hưởng của rủi ro do nguyên nhân khách quan sẽ rất phức tạp và lớn”, thay đổi quan điểm trong khâu thiết kế quy trình tín dụng.

2.2 Về các rủi ro trọng yếu từ chủ quan

Rủi ro tín dụng với các NHTM có theo hai phía, đó là:

Một là, từ phía người vay hay bên vay vốn: Trong bối cảnh COVID-19, ngoài những yếu tố làm ảnh hưởng đến rủi ro trong quá trình cho vay thì rủi ro chủ quan mang lại từ ảnh hưởng bởi COVID-19 là rất sâu sắc, xét trên các mặt sau;

(1) Do trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý của khách hàng hạn chế: Với bối cảnh này, ngay khi người vay hay doanh nghiệp lập kế hoạch, các phương án sản xuất kinh doanh đã không thể lường hay tính hết những biến động thị trường, đó là COVID-19, làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cũng như làm thay đổi phương án bán hàng, do bên mua ảnh hưởng tương tự. Do đó, khách hàng đương nhiên bị trễ mọi mục tiêu, dẫn đến bị thua lỗ, và hậu quả làm chậm trả nợ hoặc không trả được nợ vay. Và thực tế, từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, gần như mọi thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng, trong số đó, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề - và tất cả đều gần như nằm ngoài dự báo.

(2) Năng lực tài chính của bên vay yếu kém, không lành mạnh: Có thể nói rằng, năng lực tài chính là chỉ số bản lề phản ánh tình trạng sức khoẻ của khách hàng, từ đó để xác định được năng lực trả nợ cho ngân hàng, đối tác cũng như thực hiện các nhu cầu chi trả trong suốt quá trình hoạt động. Kế hoạch trả nợ của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng khi (i) nếu phải thanh toán những khoản chi nhất thời quá lớn, từ đó làm khả năng thanh toán chung bị giảm sút, yếu kém, hoặc (ii) khi các dự báo dòng tiền trong mô hình tài chính tổng thể của khách hàng bị sai, hoặc (iii) khi khách hàng gặp những cú “shock” trong quá trình hoạt động, hoặc (iv) khi do nguyên nhân khách quan – yếu tố COVID-19 trong trường hợp này, làm mọi kế hoạch bị thay đổi, làm cho năng lực tài chính mất chủ động.

(3) Do ý chí bên vay nợ: Đây là trường hợp xấu nhất trong các nguyên nhân chủ quan dẫn đến rủi ro tín dụng (trong trường hợp này, yếu tố COVID-19 không bị ảnh hưởng). Đây chính là nguyên nhân rủi ro về “đạo đức” của người đi vay, bên vay vốn đối với ngân hàng. Thực tế cho thấy, các ngân hàng thường gặp khó khăn nhất khi do rủi ro này mang lại. Với ý chí này, bên vay thường lập kế hoạch rất chi tiết để đối phó với ngân hàng ngay từ khi nhận được tiền vay, và trong trường hợp này, chính bên vay chủ động cho kế hoạch diễn biến tiếp theo của quá trình vay vốn. Thậm chí rất khó khăn thu nợ kể cả các ngân hàng phải thực hiện biện pháp mạnh cuối cùng đó là khởi kiện khách hàng ra tòa án để thu nợ.

Hai là, nguyên nhân từ bên cho vay: Đó chính là nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan từ phía ngân hàng, bao gồm: hệ thống quy trình kiểm tra kiểm soát, con người, chế độ chính sách tín dụng – quản trị rủi ro của ngân hàng đó, bao gồm:

(1) Thông tin cơ sở thẩm định: Do ngân hàng không có đủ thông tin chuẩn, đúng, phù hợp, cần thiết để đánh giá một cách đầy đủ bên vay vốn (thông tin về tài chính và phi tài chính). Từ đó, các phán quyết cho vay của ngân hàng sẽ không chuẩn, làm cho ngân hàng thiết kế khoản vay bị lệch về số tiền cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn trả nợ… Trong bối cảnh dịch COVID-19, điều này cũng làm cho tính chính xác về thông tin bị thay đổi, xoay chiều theo hướng khó lường.

(2) Kẽ hở giám sát khoản vay: Đó là sự không kịp thời kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không kỹ các khâu trong suốt quá trình cho vay, bao gồm các kỹ thuật kiểm tra về mục đích sử dụng vốn - các chứng từ chứng minh quá trình này, tiến độ phương án/dự án sản xuất kinh doanh bị chậm/trễ so với kế hoạch, chất lượng sản phẩm của phương án/dự án không đạt yêu cầu, nhà cung ứng, nhà thầu không đáp ứng, công nghệ của dự án/phương án bị lỗi/không bảo đảm... làm cho hiệu quả dự án/phương án cho vay không đạt kế hoạch, dẫn đến khách hàng không trả được nợ hoặc không trả nợ vay đúng hạn.

(3) Vi phạm nguyên lý 5C trong nguyên tắc tín dụng: Nhiều quan điểm cho vay chỉ tin tưởng vào tài sản thế chấp, bảo lãnh, bảo hiểm, coi đó như là kênh tốt nhất cho việc thu nợ, dẫn đến các phán quyết thiếu chuẩn xác.

(4) Thiết kế khoản vay: Việc thiết kế khoản vay phù hợp là vô cùng cần thiết để bảo đảm khoản vay đến hạn trả đủ nợ cho dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào. Với bối cảnh đại dịch COVID-19, khâu khởi tạo, thiết kế một khoản vay phù hợp (tiên lượng được) cho khách hàng là vô cùng quan trọng và cần thiết để bảo đảm các khâu của quá trình cho vay được ổn định.

(4) Đạo đức cán bộ cho vay: Đây là nguyên nhân không nằm trong các khâu của quy trình cấp tín dụng, từ khởi tạo khoản vay đến khâu cuối cùng là thu nợ khoản vay. Bất cứ khâu nào, nếu có sự tạo điều kiện cho khách hàng (mạnh hơn là tiếp tay) thì đều có thể gây là rủi ro tín dụng với khoản vay.

(5) Sản phẩm cho vay: Các NHTM, theo thế mạnh của mình hoặc qua từng giai đoạn thông qua các sản phẩm cho vay để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu thiết kế sản phẩm cho vay không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến bên vay, vì bên vay chính là người thụ hưởng sản phẩm (vai trò ngân hàng lúc này chính là nhà tư vấn cho bên vay trong từng giải pháp vay, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn,…). Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng đổ bể.

3. Một số giải pháp hạn chế, phòng ngừa và quản lý rủi ro tín dụng phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Khác với những thông lệ, quy trình truyền thống về các biện pháp quản lý, giảm thiếu rủi ro; trong điều kiện đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của mọi thành phần kinh tế, thì việc đưa ra các giải pháp kiểm soát rủi ro tín dụng tốt chính là một biện pháp giúp tổ chức/cá nhân vay vốn quản trị tốt phương án/dự án sản xuất kinh doanh của mình, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh.

Một là, thiết kế khâu khởi tạo khoản vay: Đây chính là thực hiện quản trị rủi ro trước khi giải ngân cho vay, trong bối cảnh này, ngay thời điểm xét khoản vay, ngân hàng đã cần phải thiết kế một khoản vay (cùng với khách hàng) thật đầy đủ (có tính đến cả quá trình khách hàng xuống vốn, đến quá trình sản xuất kinh doanh, đến khâu bán hàng và khâu thu tiền bán hàng của khách hàng). Trong khâu khởi tạo này, cần lưu ý đến các phần trăm (%) biến động do dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng (liên quan đến xác lập hợp đồng tín dụng về thời hạn cho vay, khoảng trả nợ, kỳ thu nợ, kỳ gia hạn, kỳ thu tiền bình quân của khách hàng với bên mua hàng…).

Hai là, thiết kế sản phẩm tín dụng: Sản phẩm tín dụng có liên quan đến hiệu quả vay vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khách hàng. Trong điều kiện bối cảnh nhiều biến động, sản xuất – kinh doanh theo kỳ của dịch COVID-19, cần nhiều sản phẩm tín dụng linh hoạt: (i) theo từng kỳ hạn (món vay, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); (ii) theo ngành sản phẩm (theo từng ngành hàng sản phẩm để thiết kế quy trình cấp tín dụng khác nhau); (iii) theo khu vực (tùy khu vực, địa bàn) để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng tại đó, theo quy mô (tùy từng quy mô khách hàng để cung ứng gói sản phẩm tín dụng); (iv) theo mùa vụ (cần phân tích kỹ cung/cầu theo mùa vụ, mỗi mùa vụ sẽ có nhu cầu tín dụng khác nhau về vốn); (v) theo tính cách khách hàng (tùy từng năng lực quản trị khách hàng để ngân hàng cung ứng sản phẩm phù hợp, đôi khi cùng một loại hình doanh nghiệp/quy mô/nhu cầu giống nhau, nhưng năng lực khác nhau), do vậy, cần thiết kế sản phẩm theo năng lực quản trị của khách hàng; (vi) theo chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (theo đó, hàng quý, hoặc tùy theo trạng thái kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng như trên thế giới để ngân hàng ban hành các sản phẩm tín dụng phù hợp; và cuối cùng (vii) là sản phẩm kết hợp (ngân hàng cũng cần ban hành các sản phẩm tín dụng linh hoạt, có thể chuyển đổi các kỳ hạn về thời hạn vay, kỳ hạn về kỳ thu nợ, số tiền trả nợ theo dòng tiền tương ứng với diễn biến kết quả kinh doanh theo dịch bệnh.

Ba là, thiết lập khẩu vị rủi ro: Tín dụng là hoạt động phải chấp nhận một mức rủi ro nhất định, và trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đôi khi ngân hàng phải thực hiện kinh doanh “lệch” về các trọng số, hay ngành hàng, hay ngành biến động theo COVID-19. Vì vậy, ngân hàng nên xem xét khía cạnh này theo một cách có thể chấp nhận được, đó là thực hiện một “khẩu vị rủi ro COVID-19”, bao gồm các tỷ trọng lệch ngành, tỷ trọng ngành hàng, kể cả các lĩnh vực ưu tiên – và bao gồm các hệ số chấp nhận để ngân hàng thực hiện kinh doanh theo cách đặc biệt, phù hợp với bối cảnh.

Bốn là, xây dựng khung rủi ro theo ngành: Ngân hàng cần xây dựng các hạn mức ngành, trong đó chú trọng cho vay các ngành, lĩnh vực thiết yếu, hạn chế cấp tín dụng trung, dài hạn, tập trung cho vay các ngành có chu trình luân chuyển vốn nhanh.

Năm là, liên kết các ngân hàng: Do sản phẩm của khách hàng phụ thuộc chuỗi ngành hàng hoặc bị điều chỉnh bên tiêu dùng do ảnh hưởng COVID-19, bởi vậy, sản phẩm tín dụng cần liên kết các ngân hàng khi thực hiện cho vay, trong khâu thiết kế sản phẩm, phải tính đến chu trình khoản vay để linh hoạt liên kết các ngân hàng trong quá trình kiểm soát khoản vay được đầy đủ.

Sáu là, nâng cấp chất lượng thẩm định: Để có thể kiểm soát tốt khách hàng cho vay trong điều kiện này, ngân hàng cần nâng cao rõ rệt khâu thẩm định, không chỉ dừng lại ở khâu thẩm định xét duyệt cho vay, mà trong quá trình cấp tín dụng, theo diễn biến dịch bệnh để có các thẩm định lại, từ đó mới có các ứng phó thích hợp. Song song đó, ngân hàng cần nâng cấp khâu thẩm định thành dịch vụ tư vấn thẩm định (để đạt 2 mục tiêu, vừa an toàn vốn vay, vừa hỗ trợ tốt khách hàng thực hiện sản xuất kinh doanh tốt).

Bảy là, giải pháp mở quỹ tích lũy: Cũng đã đến lúc cần nghĩ đến chiến lược dài hạn, COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu khi gây gián đoạn đối với cả cung và cầu hàng hóa, do vậy, đã đến lúc nghĩ đến việc tích lũy dự phòng dôi dư cần thiết tùy theo quy mô, theo đánh giá thực trạng tài sản trong danh mục để có tích lũy hợp lý.

Tám là, thực hiện trích lập dự phòng: Việc phân loại nợ và trích lập dự phòng kịp thời các nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như là một quỹ đỡ cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng cân đối và điều hành các chỉ số ngân hàng một cách chủ động.

Chín là, đẩy nhanh tiến độ số hóa: Trong đại dịch, để vừa tránh được việc giao dịch trực tiếp, đồng thời giảm chi phí và gia tăng sức mạnh nội lực cho các ngân hàng, thì nhiệm vụ số hóa các sản phẩm và các giao dịch là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Mười là, thực hiện kiện toàn hệ thống quy trình và đào tạo cán bộ: Việc luôn nâng cao năng lực, cũng như cập nhật, thay đổi các hành vi, thói quen cho hoạt động trong giai đoạn mới không đơn giản, do vậy, cần thiết kiện toàn lại hệ thống quy định, quy trình theo hướng số hóa và thực hiện đào tạo nhằm nắm bắt và nâng cao khả năng hội nhập theo tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

- Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng – Ngân hàng thanh toán quốc tế (2010), các nguyên tắc tăng cường quản trị công ty đối với các tổ chức ngân hàng.

- GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (2020), “Tác động của đại dịch COVID-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới”.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10/2021

Từ khóa » Các Biện Pháp Xử Lý Rủi Ro Tín Dụng