Giải Pháp Gỡ Khó Trong Tích Tụ Ruộng đất Nông Nghiệp

Giải pháp gỡ khó trong tích tụ ruộng đất nông nghiệp

Đăng ngày 10-11-2020 100%

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế. Mặc dù vậy, việc tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Thu hoạch lúa tại vùng sản xuất hàng hóa của Công ty TNHH Cường Tân ở xã Trực Thái (Trực Ninh).

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chủ yếu có 3 phương thức tích tụ ruộng đất theo các mô hình tổ chức sản xuất, đó là: các trang trại, gia trại tích tụ đất sản xuất; các doanh nghiệp tích tụ đất phát triển sản xuất lúa giống, nông sản chất lượng cao; các HTX tập trung đất đai xây dựng cánh đồng lớn. Theo nghiên cứu, điều tra mẫu đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tại 3 huyện Hải Hậu, Trực Ninh và Ý Yên, hầu hết các trang trại đều thực hiện việc tích tụ đất đai theo cách mở rộng dần diện tích, quy mô trong quá trình sản xuất; tỷ lệ trang trại có diện tích tăng lên dao động từ 71,42% số trang trại được khảo sát ở Trực Ninh; đến 96,55% số trang trại được khảo sát ở Hải Hậu. Đối với gia trại tỷ lệ tăng diện tích lên không đồng đều giữa các huyện; cụ thể theo số gia trại được khảo sát, tỷ lệ gia trại có diện tích tăng lên ở Ý Yên là 85%, Hải Hậu 73,33%, còn Trực Ninh chỉ chiếm 38,46%. Nhìn chung diện tích tích tụ của nhóm kinh tế trang trại lớn hơn nhóm gia trại rất nhiều, điều này phản ánh mức độ tích tụ đất đai phụ thuộc vào quy mô sản xuất. Giá trị đầu tư cho tích tụ đất giữa các địa phương và giữa 2 nhóm mô hình trang trại và gia trại có sự khác nhau, gây tác động lớn đến quá trình tích tụ đất. Như ở Trực Ninh giá mua, thuê hoặc thầu đất bình quân cao hơn nên diện tích tích tụ đất nhỏ hơn nhiều lần so với 2 huyện còn lại. Đối với doanh nghiệp tích tụ ruộng đất nông nghiệp như: Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, HTX Nông nghiệp Trường Xuân… hình thức tích tụ chủ yếu là thuê quyền sử dụng đất của các hộ nông dân để hình thành các vùng nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Các doanh nghiệp tích tụ đất chủ yếu để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, rau, củ quả. Quá trình tích tụ ruộng đất của các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu do chưa tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cho thuê đất từ phía người có ruộng. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực hỗ trợ của chính quyền cấp xã và cán bộ thôn, xóm vận động, tuyên truyền nên người dân đã đồng thuận cho doanh nghiệp thuê đất. Với phương thức HTX tập trung đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tỉnh ta là một trong những địa phương đầu tiên của miền Bắc thực hiện xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng ổn định trên 150 cánh đồng lớn. Ở phương thức này, hầu hết các HTX đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để giải quyết bài toán sản xuất gắn với đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn thực hiện nhiều “cùng”; giống, kỹ thuật canh tác, tiêu thụ…; được tập huấn và thống nhất chuyển giao kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý nên hiệu quả sản xuất tăng 10-15% so với trước đây. Tuy nhiên, do quy mô diện tích của các hộ trong “cánh đồng lớn” còn nhỏ nên số lượng đầu mối quản lý quá lớn, trong quá trình sản xuất vẫn có hộ chưa thực hiện được hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Việc vận động người dân trên cùng một xứ đồng cùng tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn cũng gặp không ít khó khăn nên việc mở rộng mô hình trong thực tế chưa được nhiều.

Theo nghiên cứu, điều tra thực tiễn của Sở KH và CN cả 3 phương thức tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh ta đều chưa phát triển nhiều, diện tích tập trung chưa lớn. Nguyên nhân chính là việc mua hoặc thuê quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn về xác định giá chuyển nhượng. Việc này phụ thuộc nhiều yếu tố như: chất lượng đất; diện tích đất (những diện tích nhỏ, phân tán khó bán và giá thấp hơn những diện tích lớn); khoảng cách từ ruộng đến hệ thống giao thông gần hay xa và có dễ đi từ đường vào ruộng hay không; ngoài ra còn phụ thuộc vào tâm lý và điều kiện kinh tế của người có đất muốn bán. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai ở các địa phương thực hiện còn chậm; chưa hình thành được các trung tâm thông tin, giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc mua bán, thuê đất chủ yếu là do bạn bè giới thiệu hoặc tự đi tìm hiểu. Một nguyên nhân nữa là do mức phí và lệ phí phải nộp làm thủ tục, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn quá cao nên người dân không thực hiện các giao dịch chính thống, sang tên đổi chủ trên sổ đỏ quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhiều diện tích đất công ích của các xã chưa được quy hoạch gọn vùng, còn manh mún, phân tán nên không hấp dẫn người dân đấu thầu để mở rộng quy mô sản xuất.

Để đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tiễn và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các giải pháp đồng bộ được Sở KH và CN đưa ra, đó là nghiên cứu ban hành giá đất nông nghiệp cho từng vùng, từng loại đất nông nghiệp cụ thể làm cơ sở cho người bán, người mua, người thuê đất xác định giá giao dịch phù hợp và khả thi. Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường đất đai gồm: thông tin về giá đất, giá thuê mượn đất, các thông tin về người có đất muốn chuyển nhượng, muốn cho thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hướng dẫn các thủ tục pháp lý về mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đẩy nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia trại, trang trại sau chuyển nhượng để tạo thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất. Tiếp tục thực hiện dồn đổi quỹ đất công thành các vùng tập trung, tạo thuận lợi doanh nghiệp, chủ trang trại khi thực hiện thủ tục thuê đất công, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các gia trại, trang trại, hộ sản xuất liên kết với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản có hợp đồng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, đồng thời góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương./.

baonamdinh.com.vn

Từ khóa » Giải Pháp Tích Tụ Ruộng đất