Giải Pháp Khắc Phục Hạn Chế Trong Cải Cách Hành Chính Nhà Nước

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa VII (năm 1995) đến nay, cải cách nền hành chính Nhà nước đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nổi bật là việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, củng cố và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình đó cũng đã bộc lộ những hạn chế và khó khăn, thách thức cần vượt qua để đạt những thành tựu to lớn hơn nữa.

Một số hạn chế trong triển khai công tác cải cách hành chính

Trong hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính

Hệ thống thể chế hiện nay ở Việt Nam chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất, nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, việc đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng không xác định rõ, không quy định rõ định hướng chính sách đã ảnh hưởng trực tiếp và gây khó khăn cho việc xây dựng, thực hiện chính sách; nhiều chính sách ban hành không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống thể chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước còn nhiều bất cập. Một số quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, chưa cụ thể hóa chức năng hành pháp, chức năng hoạch định điều hành chính sách quốc gia của Chính phủ; chưa quy định rõ khái niệm chính quyền địa phương, bộ máy chính quyền địa phương. Các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ; các Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và cấp huyện không có được sự ổn định lâu dài, khi sửa đổi, bổ sung tiến độ rất chậm. Thể chế xây dựng chế độ công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập, hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công.

Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là do chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế trong quản lý hành chính nhà nước, quản trị nhà nước; tư tưởng bao cấp, chủ quan duy ý chí, cục bộ chưa được khắc phục triệt để trong hoạch định, xây dựng thể chế; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu hoạch định và xây dựng thể chế còn nhiều bất cập; nguồn lực tài chính đầu tư cho xây dựng và ban hành thể chế còn hạn chế .…

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, bản chất, nguồn gốc của thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính cần được bắt đầu từ đâu. Thủ tục hành chính là các quy định, quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước; giúp cho việc xử lý, giải quyết công việc và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi và hiệu quả. Thủ tục hành chính là bộ phận cấu thành của thể chế hành chính, cần phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Hiện nay, vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, ngành; việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập để khắc phục sự chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chậm, chưa có kết quả rõ ràng. Bộ máy tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện còn cồng kềnh và thiếu ổn định. Việc tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chưa được thực hiện một cách căn cơ.

Các chủ trương cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính như: tách quản lý hành chính nhà nước khỏi quản lý sản xuất kinh doanh; tách cơ quan hành chính công với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công; phân cấp mạnh thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; đổi mới hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo các nguyên tắc tổ chức khoa học lao động quản lý… chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ. Cải cách, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công còn chậm. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công chưa triệt để, kết quả không cao.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt được mục tiêu đề ra; chính sách tinh giản biên chế còn một số bất hợp lý, các công cụ của chính sách tinh giản biên chế chưa đủ mạnh, phạm vi điều chỉnh của chính sách rộng so với khả năng thực hiện. Phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương khá toàn diện, nhưng điều kiện để thực hiện về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ; phân cấp chưa gắn chặt chẽ với thẩm quyền và trách nhiệm; việc kiểm tra giám sát sau khi phân cấp của một số bộ, ngành Trung ương đối với các địa phương còn hạn chế, có lĩnh vực buông lỏng, không phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Nguyên nhân của những hạn chế trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước là do thiếu kiên quyết, nhất quán và đồng bộ trong khâu tổ chức thực hiện; thiếu các giải pháp hiệu quả và điều kiện cần thiết cho cải cách bộ máy. Mặt khác, việc chậm trễ trong phân công lại lực lượng lao động, phân định lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới cơ chế hoạt động dẫn đến tình trạng giảm được đầu mối các bộ thuộc Chính phủ, nhưng tổ chức bên trong của các bộ đa ngành, đa lĩnh vực lại tăng.

Đồng thời, cải cách hoàn thiện bộ máy hành chính phải dựa trên cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ, tuy nhiên hệ thống thể chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính chậm được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cũng gây khó khăn cho việc thực hiện. Cải cách hoàn thiện bộ máy thiếu đồng bộ với cải cách cơ chế và hoạt động, nhất là thiếu đồng bộ với cải cách xây dựng nguồn nhân lực và chính sách cho phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy; việc thiếu chế độ, chính sách thỏa đáng để tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức tích cực thực hiện cải cách cũng là nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế. Công tác tổng kết thực hiện, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách bài bản, thiết thực, kịp thời. Chưa có nhận thức đầy đủ rằng, thực chất cải cách hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước là một cuộc cách mạng trong bản thân bộ máy quản trị nhà nước.

Trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2020 nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mục tiêu phấn đấu đến 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch, “sửa đổi bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức”, “nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức”, “xây dựng thực hiện chế độ đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật”, “quy định và thực hiện chính sách thu hút, tiến cử, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài trong hoạt động công vụ”… Nhưng cho đến nay kết quả thực hiện chưa đạt được mục tiêu Đề án đặt ra.

Có thể nói, hạn chế, bất cập lớn nhất là chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, chưa xác định được cơ cấu và hệ thống vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước. Chủ trương phân biệt, tách công chức hành chính với viên chức sự nghiệp thực hiện không triệt để dẫn đến công chức hóa tràn lan… dẫn đến đội ngũ đông nhưng không mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu cán bộ, công chức có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, nhưng lại thừa cán bộ, công chức yếu về chuyên môn và kém về phẩm chất đạo đức.

Công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức có những đổi mới nhưng chất lượng và hiệu quả còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt kết quả thấp, chưa thực sự gắn với quy hoạch sử dụng, số người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lớn (đạt 65%) nhưng chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chưa được cải thiện đáng kể. Công tác đánh giá đã có những cải tiến, tuy nhiên vẫn còn chung chung, hình thức, hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá định tính nhiều hơn định lượng, phương pháp đánh giá chậm đổi mới, vì vậy chưa đánh giá được chính xác chất lượng đội ngũ. Công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nhiều nơi thực hiện chưa bảo đảm đúng số lượng và đúng quy trình.

Chưa xây dựng đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là chính sách tiền lương, đến nay mục tiêu cải cách căn bản chính sách tiền lương chưa thực hiện được. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không đạt yêu cầu đặt ra, chủ yếu giảm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Thanh tra công vụ chưa được thực hiện thường xuyên; việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức còn chậm. Do đó, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại chưa đạt được.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này là chưa nhận thức được đầy đủ vai trò nòng cốt, tính chất, đặc điểm lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức hành chính. Mặt khác, còn có biểu hiện chủ quan duy ý chí trong việc xây dựng và áp dụng quy định về hệ thống vị trí việc làm dẫn đến việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức gặp nhiều khó khăn và không bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, việc áp dụng kinh nghiệm xây dựng chế độ công vụ, công chức và cải cách công vụ, công chức của một số nước trên thế giới vào Việt Nam chưa được nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn; chưa thấy rõ sự khác nhau căn bản của công vụ, công chức ở Việt Nam với các nước trên thế giới.

Những khó khăn trong thực hiện cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay và giải pháp khắc phục

Sự đồng bộ giữa cải cách hành chính và cải cách lập pháp

Công tác cải cách lập pháp phải hướng tới mục tiêu làm cho bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phải đồng bộ với cải cách, đổi mới hệ thống chính trị. Nhiệm vụ trọng tâm của cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta đòi hỏi cần nhận thức đúng, xác định chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức cấu thành hệ thống chính trị trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mặt khác, không được nhầm lẫn cả trong nhận thức lẫn hành động khi xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Cụ thể, xác định đúng, đầy đủ vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; xác định chính xác chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, quản trị quốc gia và xã hội của Nhà nước; xác định và thực hiện đúng, đầy đủ quyền dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, quản trị quốc gia của Nhà nước.

Làm rõ hơn một số vấn đề về mặt lý luận

Cần nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, vai trò, đặc điểm, tính chất của nền hành chính trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế để xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong cải cách hành chính. Bởi vì, thực chất của cải cách hành chính nhà nước là sự chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản lý công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước, tạo điều kiện cho đất nước phát triển và phục vụ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp. Cần xác định rõ nhiệm vụ và các giải pháp, biện pháp phải thực hiện để đạt được mục tiêu quản trị nhà nước có hiệu quả, quản trị nhà nước tốt.

Để quản trị nhà nước có hiệu lực, hiệu quả phải thực hiện đúng, đầy đủ các chức năng hoạch định, tổ chức lãnh đạo và kiểm tra, vận dụng đúng, linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, giải pháp, nghệ thuật quản trị nói chung, quản trị nhà nước nói riêng. Mặt khác, cải cách hành chính là cuộc cách mạng làm thay đổi về chất từ một nền hành chính cai trị sang nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, lấy người dân là trung tâm của tiến trình cải cách. Điều này vừa có ý nghĩa chính trị, vừa có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, toàn diện, sâu sắc. Cuộc cách mạng này ngoài quyết tâm chính trị cao còn phải có trí tuệ sáng suốt ở tầm chiến lược trong xác định và chỉ đạo điều hành thực hiện chủ trương, mục tiêu, các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính.

Vượt qua những lực cản đối với cải cách nền hành chính nhà nước

Cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy, vì vậy nếu không có chế độ, chính sách giải quyết thỏa đáng nhằm tạo động lực thúc đẩy thì cải cách khó có thể thành công. Ngày nay, mâu thuẫn giữa năng lực quản trị nhà nước nói chung và năng lực quản trị các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nói riêng đang gia tăng. Vì vậy, cần nâng cao năng lực quản trị, nhất là năng lực quản trị tổ chức thực hiện các chương trình tổng thể cải cách hành chính.

Trong quản trị các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thì khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Để vượt qua thách thức này, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị từ khâu lập kế hoạch, tổ chức, phân công, phối hợp đến lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra và tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; phân công, phối hợp, lãnh đạo và kiểm tra. Cần phải khắc phục tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong hoạch định xây dựng thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, cần nhận thức sự khác nhau giữa cải cách hành chính nhà nước của thế giới khác với Việt Nam để vận dụng kinh nghiệm một cách khoa học.

Tạo nguồn lực đủ mạnh cho công tác cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính là tiền đề tạo động lực cho kiến tạo và phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân. Do đó, cần phải đầu tư các nguồn lực đủ mạnh, có các giải pháp để thu hút, huy động các nguồn lực cho cải cách hành chính.

Sự tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng mang tới những thách thức đối với công tác cải cách hành chính nhà nước. Vì vậy, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đồng thời, cần có các công cụ, giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số trong giai đoạn hội nhập hiện nay của Việt Nam./.

PGS.TS Văn Tất Thu - Chủ nhiệm Khoa Quản lý nhà nước, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Theo: Theo: https://tcnn.vn/

Từ khóa » Khắc Phục Hạn Chế Là Gì