Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Công Tác Dân Vận, Hoạt động Của Mặt ...

Hoàng Phi Giàu

Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở cần tăng cường tổ chức hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Từ khóa: Công tác dân vận, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV đã đề ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu đó là: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới công tác vận động quần chúng và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó, công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở phải làm tốt vai trò của mình là cầu nối, là cánh tay nối dài của Đảng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các tầng lớp Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện tốt và đạt hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Tuy nhiên, hiện nay công tác vận động quần chúng, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở vẫn đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định đó là:

Một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và các biện pháp tổ chức công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác này còn nặng về hành chính, xem nhẹ việc vận động thuyết phục. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác này vẫn còn hạn chế.

Việc triển khai học tập quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách của Đảng có liên quan đến công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan, đơn vị còn chậm; việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết ở một số nơi làm chưa tốt, còn biểu hiện làm lướt qua hoặc lồng ghép với các nội dung khác dẫn đến tính hiệu quả chưa cao.

Một số cơ quan, đơn vị chức năng chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các dự án về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: lĩnh vực xây dựng cơ bản, các công trình giao thông, cầu đường, các chính sách an sinh xã hội... thiếu sự giám sát của Nhân dân, làm cho chất lượng các công trình thấp, kéo dài thời gian thi công, gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, làm cho lòng tin của Nhân dân bị giảm sút.

Sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở có lúc chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, việc duy trì công tác tiếp dân theo quy định tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương đôi lúc chưa thường xuyên.

Trình độ của đội ngũ cán bộ ở các cơ quan mặt trận, đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế, chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở một số tổ, chi hội; nội dung sinh hoạt chưa phong phú, hiệu quả mang lại chưa cao, còn đơn giản chưa thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, từ đó đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của công tác dân vận. Các đồng chí trong Ban Chấp hành đều kiêm nhiệm nên còn nặng công việc chuyên môn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và biện pháp tổ chức thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên và sâu rộng, nên một số cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm về công tác dân vận, về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ quan, đơn vị mình.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được cụ thể, rõ nét; nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể đổi mới chưa đều, chưa có đột phá trong các phong trào thi đua yêu nước; tỷ lệ thu hút, tập hợp quần chúng tham gia vào tổ chức hội, đoàn còn thấp; việc xây dựng lực lượng nòng cốt trong đoàn, hội viên chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường tổ chức hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trở thành những cán bộ dân vận của Đảng ở cơ sở.

Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên,, đoàn viên, hội viên của Khối vận, các tổ chức chính trị - xã hội trở thành những cán bộ dân vận của Đảng. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, đòi hỏi phải kết hợp đào tạo cơ bản với công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, nhất là học tập quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 43-KL/TW ngày 07-01-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhất là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các quan điểm, giải pháp về công tác dân vận để mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên đều trở thành cán bộ dân vận của Đảng, phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng vận động Nhân dân cho những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tạo điều kiện để họ tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự lan tỏa, sức sống của công tác dân vận đến tất cả các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo ra phong trào toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Hai là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức như: sách báo hàng tuần, định kỳ trong các nhà thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng, pano, áp phích, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan nghiên cứu thực tế ở các đơn vị khác nhằm học tập và tiếp thu cách làm hay, mới và hiệu quả áp dụng vào thực tiễn hoạt động của địa phương. Đặc biệt là tuyên truyền các chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giữ vững trật tự xã hội. Tuyên truyền ý nghĩa những ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, đồng thời cần phối hợp tốt với các ngành có liên quan thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tay dịch bệnh và sạt lỡ đất trong mùa mưa bảo; tuyên truyền Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân; phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống đại dịch Covid-19, sốt xuất huyết; dịch bệnh trên người và động, thực vật, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình dân vận khéo, mô hình làm ăn có hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể gắn với các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; nâng cao chất lượng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể tham gia đóng góp các hoạt động xã hội và hoạt động tình nghĩa.

Thứ ba, tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; thể chế hóa cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Đổi mới nội dung, phương thức phối hợp hoạt động giữa cơ quan chính quyền nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân, tránh trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 20-KL/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 11 về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV và các quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về phong cách dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân. Chính quyền ở cơ sở phải dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của Nhân dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để Nhân dân thông qua các đoàn thể mà mình là hội viên tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, giúp cho chính quyền cơ sở khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước, đồng thời đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân được thực thi trong đời sống xã hội; thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân ở địa phương.

Để làm tốt công tác này thì Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo kinh phí hoạt động cho Khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Bốn là, tăng cường xây dựng, cũng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân ở ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 17-4-2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về “Quy định số lượng và mức trợ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ, công an viên ở xã, phường, thị trấn và các chức danh đoàn thể ở ấp, khu vực”, vì đội ngũ này có vai trò rất quan trọng, đây là lực lượng tham mưu và trực tiếp triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, là lực lượng nồng cốt tuyên truyền, vận động, tập hợp và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân, cụ thể là: Củng cố và chăm lo, xây dựng đội ngũ Ban Dân vận ở các ấp, khu vực; đặc biệt cần quan tâm đến đội ngũ thật sự có năng lực làm công tác tham mưu, cần có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận, công tác Mặt trận và đoàn thể ở các ấp, khu vực nhằm khắc phục tình trạng bỏ việc hoặc làm qua loa, chiếu lệ.

Cần chú trọng luân chuyển, bố trí, sử dụng đội ngũ làm công tác dân vận, công tác Mặt trận và đoàn thể ở các ấp, khu vực nhất là cán bộ trẻ tuổi có năng lực, trình độ. Đây là một lĩnh vực quan trọng và rộng lớn, nhưng cũng là nơi rèn luyện, đào tạo cán bộ kế cận cho Đảng, trước hết cấp ủy các cấp cần mạnh dạn tuyển chọn, phân công những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt về công tác ở các ấp, khu vực. Đồng thời, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần có chính sách sử dụng đội ngũ này trong tương lai. Vì trong thực tế đã có nhiều đồng chí đã trải qua công tác dân vận, công tác Mặt trận và đoàn thể được trao dồi và bồi dưỡng về nhận thức, được rèn luyện về phẩm chất, phong cách gần dân, sát dân, lo cho dân, quan hệ tốt với dân, có năng lực tuyên truyền, vận động Nhân dân khi được luân chuyển sang lĩnh vực khác hoặc được đề bạt lên chức vụ cao hơn đã vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp cho chất lượng và hiệu quả công tác dân vận cũng như chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được nâng lên.

Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng nhất là ở các ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức này trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân tiến tới xây dựng môi trường xã hội đồng thuận, từng bước đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh vào thực tế đời sống của Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, cũng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội quần chúng (các nhóm, các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ) do đoàn thể mình lập ra nhằm đổi mới phương thức quản lý hội, vừa đảm bảo tính chính trị, vừa đảm bảo phát huy được tính độc lập, sáng tạo của các hội quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Tóm lại, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cần phải có sự đóng góp tích cực của các ngành, các cấp, trong đó công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở cần tăng cường tổ chức hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về công tác dân vận cho những cán bộ Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trở thành cán bộ dân vận của Đảng ở cơ sở. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; thể chế hóa cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng góp phần thực hiện tốt và đạt hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.

Từ khóa » Công Tác Dân Vận Hiện Nay