Những Nhận Thức Mới Về Công Tác Dân Vận Theo Tinh Thần Nghị Quyết ...
Có thể bạn quan tâm
Thứ nhất, khẳng định sâu sắc hơn tầm quan trọng và yêu cầu cao hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; về vai trò của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận của Đảng, của hệ thống chính trị luôn được chú trọng và tiếp tục có nhiều đổi mới quan trọng; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân được củng cố, tăng cường hơn. Tuy nhiên, công tác dân vận có nơi, có lúc kết quả còn hạn chế; công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nơi hiệu quả thực hiện chưa cao; việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình ở một số địa phương, cơ sở chưa sâu sát; chưa kịp thời giải quyết những bức xúc và các nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; từ đó, làm ảnh hưởng đến lòng tin và mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Công tác xây dựng Đảng tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng một số nơi vẫn chưa thực sự phát huy hết vai trò của nhân dân, chưa tạo cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ “then chốt” ở những nơi này còn thấp.
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ là: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”(1).Yêu cầu này đã thể hiện nhận thức mới ở những điểm sau:
Một là, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ hữu cơ, tất yếu được Điều lệ Đảng xác lập và Hiến pháp ghi nhận, được thể hiện trên một số yếu tố cơ bản: 1- Chủ trương của Đảng hợp với nguyện vọng, ý chí, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; 2- Chính quyền các cấp cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện kịp thời, đúng đắn, có trách nhiệm phục vụ nhân dân, vì đời sống của nhân dân; 3- Có sự tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân, vận động nhân dân thực hiện; 4- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu, trách nhiệm trong thực thi công vụ và gần dân, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân; 5- Nhân dân được tôn trọng, phát huy vai trò của mình trong tham gia xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Những việc làm đó được thực hiện tốt sẽ góp phần củng cố và gắn bó chặt chẽ hơn nữa quan hệ giữa Đảng với nhân dân,...
Trong các giai đoạn cách mạng, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, có chủ trương chậm được thể chế hóa và khi thực hiện còn sai sót, chậm đến được với nhân dân; một số cán bộ, đảng viên còn biểu hiện quan liêu, tiêu cực, xa dân,... làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm gìn giữ và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Điều đó được thể hiện qua nghị quyết của các kỳ đại hội và nhiều nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định,... về vấn đề này. Thực tế, qua từng thời kỳ cách mạng, mối quan hệ này đã không ngừng được tăng cường, củng cố và ngày càng bền chắc. Song, cũng phải thấy rằng, khoảng cách giữa Đảng với nhân nhân dân cần phải được rút ngắn hơn nữa, gần nhau hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, “thắt chặt” mối quan hệ là yêu cầu cao hơn, thể hiện mối quan hệ không chỉ bền chắc, mà còn gần gũi, khăng khít hơn. Đây là một nhận thức mới hết sức đúng đắn, sâu sắc và hợp với quy luật phát triển.
Theo đó, để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”(2) và “Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, địa phương; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội...”(3); “Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu... Phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân”(4).
Hai là, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa cụm từ “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” vào trong một đầu mục (mục XIV.8), thể hiện nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong tình hình mới. Điều lệ Đảng (được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng) đã nêu yêu cầu “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” và thực tế của quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định và thực hiện tốt phát huy vai trò nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thông qua một số nghị quyết, chỉ thị, quy định cụ thể để nhân dân giám sát, như Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”,... Điều đó cho thấy sự nhận thức sâu sắc hơn, khẳng định ý nghĩa và đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Từ khóa » Công Tác Dân Vận Hiện Nay
-
Công Tác Dân Vận Của Đảng Hướng Mạnh Về Cơ Sở, Bám Sát Nhân ...
-
Tiếp Tục Nâng Chất Công Tác Dân Vận Trong điều Kiện Mới
-
Tiếp Tục Tăng Cường Và đổi Mới Công Tác Dân Vận Trong Đảng Bộ ...
-
Tiếp Tục Thực Hiện Tốt Công Tác Dân Vận Góp Phần ... - Tỉnh Ủy Hà Tĩnh
-
Những đòi Hỏi Mới Trong Công Tác Dân Vận - Thành Tựu
-
Công Tác Dân Vận Tự Hào Và Trách Nhiệm Trên Chặng đường Mới
-
Công Tác Dân Vận Chính Quyền ở Đảng Bộ Khối Các Cơ Quan Tỉnh ...
-
CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ...
-
Những Giải Pháp Góp Phần Nâng Cao Công Tác Dân Vận
-
Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Công Tác Dân Vận, Hoạt động Của Mặt ...
-
Đổi Mới, Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Dân Vận Trong Tình Hình Mới
-
Công Tác Dân Vận Trong Tình Hình Mới – Cần Phải Có Tiêu Chí Nâng ...
-
Công Tác Dân Vận Và Các Vấn đề đặt Ra Trong Giai đoạn Hiện Nay
-
Giá Trị Lý Luận Và Thực Tiễn Cho Công Tác Dân Vận Hiện Nay