Giải Pháp Xây Dựng Tổ Chức Tự Quản Bảo Vệ Môi Trường ở Khu Dân Cư

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 20/CTrPH-MTTW-BTNMT ngày 26/12/2016 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2017 - 2020, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ký kết chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện. Công tác phối hợp tập trung vào các nội dung: tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát, phản biện xã hội về bảo vệ môi trường; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm…

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường, đó là mô hình vận động nhân dân ở khu dân cư tổ chức việc tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường (hỏa táng); Mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Mô hình “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường" gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ các mô hình điểm do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ, đến nay, 50/50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm, trong đó, đáng chú ý là Hưng Yên với 3.527 mô hình, Bắc Giang có 2.517 mô hình, Tuyên Quang có 1.797 mô hình, Quảng Nam có 3.590 mô hình, Bến Tre có 1.891 mô hình, Long An có 997 mô hình và Trà Vinh có 905 mô hình.

Những nội dung của công tác bảo vệ môi trường đã được các Ban Công tác Mặt trận hướng dẫn lồng ghép vào các chương trình, dự án, các phong trào, các cuộc vận động ở khu dân cư, thu hút mọi tầng lớp nhân dân và các thành viên cùng tham gia. Nhiều nội dung của công tác bảo vệ môi trường như: trồng rừng, bảo vệ vườn, rừng cây xanh; giữ gìn nguồn nước; thu gom và xử lý rác thải; sử dụng đúng quy trình thuốc bảo vệ thực vật; xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen nếp sống thiếu vệ sinh; quan tâm bảo vệ giữ gìn, tôn tạo cảnh quan văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được hệ thống Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền, các đoàn thể nhân dân tuyên truyền rộng rãi đến từng đoàn viên, hội viên, hộ gia đình và mỗi người dân. Cùng với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã có những chương trình truyền thông, kế hoạch hoạt động tham gia vào công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các phong trào “Mùa hè xanh”, “Ngày chủ nhật xanh” “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Vì biển xanh quê hương”; Hội Nông dân tổ chức phong trào vận động nông dân thực hiện về đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Hội Phụ nữ tổ chức cuộc vận động "Xây dựng gia đình năm không, ba sạch"; tổ chức đảm nhận các đoạn đường “Phụ nữ tự quản”, “Thanh niên tự quản”. Những đợt ra quân, mít tinh tuyên truyền về môi trường có sự tham gia phối hợp của lực lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bước đầu đã làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho mọi người dân về môi trường. Trên phạm vi toàn quốc đã xuất hiện các mô hình tổ chức tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư, các điển hình của tập thể và cá nhân là các khu dân cư văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá: xã, phường xanh, sạch, đẹp; nhiều tấm gương tiêu biểu về bảo vệ môi trường được phổ biến nhân rộng, góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý của Nhà nước và nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các khu dân cư và các địa phương.

Tuy nhiên, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ môi trường của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Nhiều nơi người dân chưa nhìn thấy mục tiêu và những cái lợi lâu dài của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chưa thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi lâu dài của bản thân và của cộng đồng, do đó chưa thực sự tự giác thực hiện và chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường mà chỉ thấy lợi trước mắt. Có những nơi chưa hiểu đầy đủ mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, coi đây là một "dự án đầu tư" nên xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, chưa tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thậm chí tham gia qua loa, chiếu lệ, hình thức...

Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn, trình độ của cán bộ Mặt trận ở cơ sở về nhiệm vụ này còn hạn chế, thiếu tài liệu phổ cập kiến thức môi trường và bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng hiểu biết không đầy đủ. Trong khi đó, sự phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các Sở Tài nguyên và Môi trường ở một số tỉnh chưa thường xuyên nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Tài liệu tuyên truyền về môi trường hiện nay trong hệ thống Mặt trận chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống, do đó cũng làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Việc xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa kịp thời; việc kiểm tra, đôn đốc, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng; sự phối hợp chưa thường xuyên; kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn quá ít, trong khi nhu cầu thực hiện lại rất cao, nhất là những nhu cầu về việc xây dựng mới hoặc tu bổ lại các công trình công cộng về môi trường lại rất lớn. Đặc biệt, tuy đã xây dựng được các mô hình tổ chức tự quản bảo vệ môi trường, song việc chỉ đạo, nhân rộng mô hình của các tỉnh, thành phố còn hạn chế. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư chưa có sự phối hợp, lồng ghép chặt chẽ. Vai trò chủ trì các hình thức hoạt động tự quản của Ban Công tác Mặt trận chưa được phát huy, cơ chế tổ chức phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền và giám sát về môi trường giữa các thành viên của Ban Công tác Mặt trận chưa cụ thể. Trong khi đó thực tế, nhiều nội dung công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư có thể lồng ghép, phối hợp với hoạt động của các tổ chức đoàn thể như: hội họp, tập huấn, các hoạt động truyền thông, các phong trào… Vì vậy, xây dựng mô hình tổ chức tự quản, với sự điều hành chung thống nhất của Ban Công tác Mặt trận sẽ phát huy vai trò và sự phối kết hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Từ thực trạng tình hình, kinh nghiệm tổ chức tự quản ở khu dân cư hiện nay và những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với tổ chức tự quản; để giúp cho việc định hướng chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường của các cấp Mặt trận, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh cần chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Mặt trận các cấp xây dựng tổ chức tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư theo những tiêu chí, nội dung cơ bản như sau:

Về tên gọi: Tổ chức tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư có tên gọi là Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư… (tên của khu dân cư). Đây là một hình thức tổ chức tự quản bao gồm các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các cá nhân tình nguyện tham gia công tác bảo vệ, giám sát hoạt động môi trường gắn với quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Về số lượng: Tuỳ theo quy mô của từng khu dân cư để bố trí số lượng thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường, số lượng Tổ tự quản nên có từ 3-9 thành viên đại diện cho các tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư tham gia. Tổ tự quản do Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư lập ra và có 1 tổ trưởng (có thể là Phó Ban Công tác Mặt trận hoặc 1 thành viên có uy tín), có khả năng tuyên truyền, vận động và sắp xếp được thời gian thực hiện nhiệm vụ. Nếu số lượng thành viên Tổ tự quản từ 5 người trở lên thì nên có 1 tổ phó.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động: Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư hoạt động theo nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động, tham gia cùng Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư thực hiện công tác bảo vệ, giám sát các hoạt động về bảo vệ môi trường. Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức và hoạt động các Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với quy mô và đặc điểm của từng khu dân cư.

Về nhiệm vụ: Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu dân cư có những nhiệm vụ chủ yếu như sau:

+ Tham gia phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường;

+ Thực hiện các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường ở khu dân cư theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, tham gia với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện hoạt động lồng ghép các hoạt động về bảo vệ môi trường với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;

+ Phối hợp với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư hoặc Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, hoặc với tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường ở khu dân cư;

+ Đề xuất, kiến nghị với Ban Công tác Mặt trận hoặc các cơ quan liên quan những vấn đề về cơ chế, điều kiện để tổ chức nhân dân tự quản bảo vệ môi trường đúng với pháp luật và phong tục tập quán lành mạnh ở khu dân cư.

Triển khai rộng rãi, xây dựng được tổ chức tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư ở các tỉnh, thành phố sẽ góp phần thực hiện tốt Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021 - 2025, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững đất nước.

Vũ Dương Châu

Nguyên Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Từ khóa » Tổ Tự Quản Bảo Vệ Môi Trường