Giải Phẫu Gan Và Một Vài Chức Năng Quan Trọng Của Gan

Trungtamthuoc.com - Gan là một cơ quan sở hữu nhiều điểm đặc biệt cả về giải phẫu và chức năng. [1] Đây là cơ quan rắn lớn nhất trong cơ thể. Nó loại bỏ độc tố khỏi nguồn cung cấp máu của cơ thể, duy trì lượng đường trong máu, điều chỉnh quá trình đông máu và thực hiện hàng trăm chức năng quan trọng khác. [2]

1 Vị trí và đặc điểm cấu tạo nhiều bất ngờ của gan có thể bạn chưa biết

Gan là một tạng lớn nhất của cơ thể, nằm trong ổ bụng, đảm nhiệm nhiều chức năng vô cùng quan trọng, thậm chí có tính chất sống còn đối với cơ thể.

Vị trí của gan trong cơ thể

Giải phẫu gan:

Gan nằm ở vị trí dưới cơ hoành, thuộc các vùng hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái. Bờ dưới gan chạy dọc bờ sườn phải, vì vậy người lớn không sờ thấy gan. Khi gan to có thể sờ thấy bờ này ở thành bụng trước, dưới bờ sườn phải.

Gan có màu đỏ nâu, trơn bóng. Mật độ hơi chắc, nhưng dễ bị nghiền nát và dễ bị vỡ. Gan được tạo nên bởi những tế bào gan, mạch máu và đường mật trong gan. Các tế bào gan sắp xếp thành nhiều bè tạo nên các tiểu thùy gan. Xen vào giữa các tế bào gan là những ống dẫn mật nhỏ và lưới mao mạch dẫn máu từ tiểu thùy về tĩnh mạch trung tâm.

Máu tĩnh mạch từ ruột mang theo sản phẩm tiêu hóa đều chảy qua hệ lưới mao mạch của gan, sau khi các chất trao đổi với tế bào gan sẽ theo mao mạch đổ về tâm nhĩ phải.

Công việc chính của gan là lọc máu từ đường tiêu hóa, trước khi chuyển nó đến phần còn lại của cơ thể. Gan cũng giải độc các chất hóa học và chuyển hóa thuốc. Khi làm như vậy, gan tiết ra mật cuối cùng trở lại ruột. Gan cũng tạo ra các protein quan trọng cho quá trình đông máu và các chức năng khác. [3]

Cấu tạo của gan

Vai trò của gan đối với cơ thể

  • Chức năng chuyển hóa: chuyển hóa glucid, lipid, protid.
  • Chức năng chống độc: gan giúp chyển hóa các chất độc thành những chất kém độc hơn hoặc làm mất độc tính của các chất đó và đào thải ra ngoài cơ thể.
  • Chức năng tạo mật.
  • Chức năng dự trữ: ngoài dự trữ glucid, protein, gan còn dự trữ nhiều chất khác.
  • Sản xuất các yếu tố đông máu, chống đông máu, tạo máu.

2 Chức năng chuyển hóa

Mặc dù sự chuyển hóa các chất cơ bản như glucid, protid, lipid diễn ra ở nhiều cơ quan nhưng xảy ra mạnh mẽ ở gan.

2.1 Chuyển hóa glucid

Glucid là nguồn cung cấp năng lượng chính cho toàn bộ các hoạt động sống của cơ thể.

Thức ăn chứa tinh bột, đường, sau khi vào đường tiêu hóa sẽ được các enzym thủy phân thành các đường đơn, đường đôi như glucose, Fructose được hấp thu vào hệ mao mạch máu rồi về tập trung ở gan. Ở gan, chúng được sử dụng ngay hoặc tích trữ dưới dạng glycogen. Glucose là chất gan sử dụng được, còn galactose và fructose sẽ được chuyển hóa tạo thành glucose.

Việc tổng hợp hay thoái hóa glycogen tại gan có ý nghĩa quan trọng trong điều hòa lượng đường trong máu. Khi lượng đường máu tăng cao, gan tổng hợp tạo glycogen tích trữ và giảm giải phóng glucose. Ngược lại, khi lượng đường máu giảm thì gan sẽ tăng phân giải glycogen, tân tạo đường để tăng giải phóng glucose vào máu.

2.2 Chuyển hóa lipid

Hệ thống tổng hợp và bài tiết mật của gan cho phép hấp thụ hiệu quả lipid từ quá trình tiêu hóa. [4] Lipid từ thức ăn tới ruột non, dưới tác dụng của muối mật được thủy phân thành Glycerol, acid béo, cholesterol, mono, di và triglycerid. Sau khi được hấp thu, các chất này cùng với protein được vận chuyển về kho dự trữ mỡ và một phần về gan. Lượng mỡ dự trữ ở gan chỉ là tạm thời, chúng luôn được đổi mới, huy động vào máu về gan chủ yếu dưới dạng acid béo, triglycerid và cholesterol.

Trung tâm chuyển hóa của lipid ở tế bào gan là acid béo. Các quá trình chuyển hóa chủ yếu là:

  • Tổng hợp acid béo:

Quá trình này xảy ra ở khắp tế bào nhưng mạnh mẽ nhất ở tế bào gan. Tổng hợp acid béo dẫn đến tổng hợp triglycerid và phospholipid, một phần tham gia vào hoạt động chức năng của gan, một phần bài tiết vào máu trong thành phần các lipoprotein huyết tương. Khi tổng hợp protein bị giảm ở gan, sự vận chuyển các triglycerid và Phospholipid ra khỏi gan không được thực hiện dẫn đến tình trạng “gan nhiễm mỡ”. Chất cholin cũng có vai trò lớn trong việc bài tiết lipid ra khỏi gan, vì vậy khi thiếu cholin cũng gây “gan nhiễm mỡ”.

  • Oxy hóa acid béo trong gan:

Sản phẩm của quá trinhg này là acetyl-CoA, phần lớn chúng đi vào chu trình Krebs cung cấp năng lượng cho tế bào. Tham gia tổng hợp các acid béo, acid mật, cholesterol, steroid, tiền vitamin D. Một số ngưng tụ thành thể ceton rồi bài tiết vào máu, bị đào thải qua thận. Trong bệnh đái tháo đường do tụy, cơ thể không sử dụng được glucose, dẫn đến thiếu acid pyruvic, acetyl-CoA không tham gia hết vào chu trình Krebs sẽ biến thành thể cetonic dẫn tới tình trạng nhiễm toan ceton.

  • Chuyển hóa cholesterol ở gan:

Tổng hợp cholesterol ở gan cơ bản diễn ra theo phản ứng chuyển acetat thành acid mevalonic, biến thành squalen rồi tạo ra cholesterol. Khi ăn nhiều cholesterol, quá trình tổng hợp này thuyên giảm. Khi không có mật xuống tá tràng, quá trình này tăng lên ở gan và ruột. Sự phân hủy cholesterol ở gan tạo nên các sản phẩm chủ yếu là acid mật, muối mật, các dẫn chất steroid và tiền vitamin D.

2.3 Chuyển hóa protid

Gan là trung tâm chuyển hóa, đồng thời cũng là kho dự trữ protein trong cơ thể. Quá trình chuyển hóa protein ở gan diến ra mạnh mẽ, sản phẩm chuyển hóa là các acid amin.

Con người có thể tổng hợp được 80-100g protein trong vòng 24h, trong đó gần 50% do gan tổng hợp. Do vậy gan có khả năng tái sinh rất mạnh.

Gan tổng hợp phần lớn những các protein huyết tương như fibrinogen, Albumin, một phần globulin và một số protein tham gia phản ứng gây đông máu như các yếu tố đông máu II, Vii, IX, X, một số enzym như Amylase, cholinesterase.

Do vậy, khi chức năng gan bị suy giảm, hàm lượng các protein này giảm gây ra các rối loạn cân bằng protein huyết tương, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, rối loạn cơ chế đông máu,..

Vai trò của gan trong cơ thể

3 Chức năng chống độc

Gan được xem như là môt barier của cơ thể, như một hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của chất độc, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ các sản phẩm chuyển hóa độc hại.

Gan thực hiện chức năng chống độc theo hai cách:

- Bằng các phản ứng hóa học: Thông qua cơ chế này, làm giảm độc tính hoặc tạo thành các chất không độc, sau đó được thải trừ qua thận. Các phản ứng hóa học bao gồm:

Phản ứng tạo ure: phản ứng tạo ure tử NH3. NH3 là một chất độc cho cơ thể, có nguồn gốc từ quá trình khử amin và từ ống tiêu hóa về. Trong quá trình vận chuyển NH3 thì acid gluctamic đóng vai trò rất quan trọng, acid này gắn với amonisc tạo nên glutamin không độc có thể vận chuyển đến gan tạo ure hoặc tới thận tạo ClNH4 và đào thải ra ngoài. NH3 về gan, phần lớn được biến thành ure nhờ xúc tác của men đặc hiệu chỉ có ở gan.

Phản ứng liên hợp, có nhiều loại như liên hợp glucuro, phản ứng liên hợp sulfat, liên hợp với glycocol, liên hợp metyl...

Phản ứng oxy hóa khử: oxy hóa chức alcol, andehyd, ceton, hydratcacbon no và thơm, sau đó đưa vào phản ứng liên hợp sulfo hoặc glucuro.

- Ngài ra, tại gan còn có một con đường thải độc khác bằng cách cố định và thải trừ một số kim loại nặng.

4 Chức năng dự trữ

Gan là kho dự trữ glucid, protid và các thành phần dinh dưỡng khác.

Ngoài tác dụng biết tiết dịch mật để tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu, gan còn là nơi dự trữ các vitamin ấy cho cơ thể để đáp ứng cho cơ thể khi bị thiếu hụt.

Dự trữ vitamin A: 80% Vitamin A của cơ thể được dự trữ tại gan dưới dạng ester của Retinol với acid panmitic. Khi nồng độ vitamin A trong máu giảm thấp hơn bình thường, hợp chất trên phân giải và giải phóng vitamin A vào máu. Lượng dự trữ Vitamin B12 ở gan rất lớn, có thể đủ dùng cho cơ thể trong khoảng 2 năm trong điều kiện bình thường.

Dự trữ vitamin D: Vitamin D dự trữ ở gan dưới dạng ergocalciferol hấp thu từ ống tiêu hóa hay dưới dạng Cholecalciferol tổng hợp từ da.

Dự trữ Vitamin E ở gan chủ yếu ở các ty lạp thể của tế bào gan.

Dự trữ vitamin K trong gan không đáng kể.

Dự trữ vitamin B12: Sau khi được hấp thu, vitamin B12 sẽ được vận chuyển về gan và dự trữ tại đó. Sau đó được giải phóng dần đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Dự trữ sắt: sau khi được hấp thu từ ruột non vào máu, Sắt được vận chuyển về gan và được dự trữ dưới dạng liện kết với apoferritin là một loại protein của gan để tạo ferritin.

Dự trữ máu: Gan là cơ quan được cung cấp nhiều máu nhất trong cơ thể. Trung bình mỗi phút, gan nhận được khoảng 1500ml máu từ tĩnh mạch cửa và động mạch gan mang tới. Do đặc điểm cấu tạo của gan, các tế bào nội mạc nan hoa dễ giãn ra hơn các mao mạch khác, giúp chứa đựng được lượng máu nhiều hơn.

Ngoài dự trữ máu, từ tháng thứ 3 đến cuối của thời kỳ thai nghén, gan còn là cơ quan chính sản xuất hồng cầu của bào thai. Sau khi đứa trẻ ra đời tủy xương đảm nhận chức năng sản xuất hồng cầu cho cơ thể.

Gan cũng là nơi tổng hợp các yếu tố đông máu và chống đông máu: một số yếu tố đông máu được gan tổng hợp như fibrinogen (yếu tố I), prothrombin (yếu tố II), proaccelerin (yếu tố V), antihemophylie A (yếu tố VIII), christmas (yếu tố IX). Hay một lượng lớn chất chống đông máu rất mạnh như Heparin cũng được sản xuất tại gan.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Vishy Mahadevan, Anatomy of the liver, Science direct. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của Columbia Surgery, The Liver and Its Functions, Columbia Surgery. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Matthew Hoffman, MD, Picture of the Liver, WebMD. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Elijah Trefts , Maureen Gannon, David H. Wasserman, Ngày đăng: 12 tháng 4 năm 2018, The liver, NCBI. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021

Từ khóa » Gan Có Chức Năng Nội Tiết Hay Ngoại Tiết