Tuyến Tụy: Cấu Trúc Và Chức Năng - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tuyến tụy nằm ở đâu?
  • Cấu tạo của tuyến tụy
  • Giải phẫu bên trong tuyến tụy
  • Mạch máu và thần kinh
  • Vai trò của tuyến tụy
  • Một số bệnh thường gặp liên quan tới tuyến tụy

Thức ăn chúng ta đưa vào cơ thể được tiêu hóa nhờ vào các enzym tiêu hóa. Các men tiêu hóa này được sản xuất ra từ nhiều cơ quan khác nhau trên hệ tiêu hóa. Trong số đó, quan trọng nhất là Tụy. Tuyến tụy vừa là cơ quan ngoại tiết, vừa là tuyến nội tiết. Tụy nội tiết sản xuất Insulin và Glucagon, hai hormon có chức năng điều hòa đường huyết. Tụy ngoại tiết chính là cơ quan đảm nhận tiết các enzym tiêu hóa. Bài viết sau đây của Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc và chức năng của tuyến tụy.

Tuyến tụy nằm ở đâu?

Tụy là một cơ quan sau phúc mạc, nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng. Tuyến tụy vắt ngang qua các đốt sống thắt lưng trên, chếch lên trên sang trái. Mặt sau liên quan thận và thượng thận phải, niệu quản phải, tĩnh mạch chủ dưới, động mạch chủ bụng. Mặt trước liên quan chủ yếu gan, dạ dày và các quai hỗng tràng, hồi tràng. Riêng đuôi tụy nằm trong mạc nối tụy lách nên liên quan với lách và cuống lách.

Đối chiếu lên thành bụng, tụy nằm khoảng giữa thượng vị và hạ sườn trái.

Tương quan trong ổ bụng của tuyến tụy
Tương quan trong ổ bụng của tuyến tụy

Cấu tạo của tuyến tụy

  • Tụy có màu trắng hồng, dài 15 cm, cao 6 cm và dầy 3 cm, nặng khoảng 80 gram.
  • Tụy được chia thành 5 phần: mỏm tụy, đầu tụy, cổ tụy, thân tụy và đuôi tụy.Chỉ có đuôi tụy nằm giữa 2 lá của phúc mạc, nằm trong mạc nối lách-thận. Còn lại đều nằm sau phúc mạc thành sau.
  • Đầu tụy: nằm trong góc tá tràng (chỗ gấp khúc giữa khúc I -II tá tràng, có dạng chữ C).
  • Mỏm tụy. Liên tiếp với đầu tụy ở phía dưới. Nằm phía trước động mạch chủ bụng và sau động mạch mạc treo tràng trên.
  • Cổ tụy. Liên tiếp với đầu tụy ở phía giữa gần trục giữa, nằm trên động mạch mạc treo tràng trên. Cổ tụy và mỏm tụy đã bao quanh động mạch mạc treo tràng trên. Cổ tụy còn nằm ở vị trí tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch lách hợp nhất thành tĩnh mạch cửa.
  • Thân tụy: là phần liên kết cổ tụy với đuôi tụy.
  • Đuôi tụy: là phần cuối của tụy, được bọc bởi 2 lá của mạc nối thận-tỳ .
  • Tụy được cố định và thành bụng sau bằng mạc nối tá tụy. Mạc này gắn chặt với đầu tụy và thân tụy. Đầu tụy có tá tràng quây quanh, ống mật chủ và các mạch máu đi vào tụy và tá tràng nên đầu tụy và thân tụy cố định. Chỉ có đuôi tụy là di động.

Giải phẫu bên trong tuyến tụy

Tuỵ là một tuyến vừa ngoại tiết vừa nội tiết.

  • Phần nội tiết: tiết ra hormon di trực tiếp vào máu qua các mao mạch trong tuỵ.
  • Phần ngoại tiết: Dịch tụy được dẫn ra ngoài bởi 2 ống tuy: ống tụy chính và ống tụy phụ.
  • Ống tụy chính (ống Wirsung) chạy dọc chiều dài tụy. Ống này kết hợp với ống mật chủ tạo thành bóng Vater trước khi đổ vào thành của tá tràng. Quanh lỗ đổ của bóng Vater có cơ vòng Oddi bao quanh. Cơ này giúp điều tiết lượng mật và dịch tụy đổ xuống tá tràng.
  • Ống tụy phụ (ống santorini) thu nhận dịch tụy ở đầu và mỏm tụy đổ vào lỗ tụy phụ. Lỗ này nằm phía trên lỗ đổ của bóng vater 1 chút.
  • Ống tụy chính và ống tụy phụ có liên thông với nhau ở trong tụy. Và chúng có nguồn gốc phôi thai khác nhau. 1 từ mạc treo vị bụng, 1 từ mạc treo vị lưng (đoạn ruột trước-the foregut).

Mạch máu và thần kinh

Động mạch (ĐM)

Cấp máu cho tụy từ 6 động mạch của 2 nhánh từ ĐM chủ bụng: ĐM thân tạng và ĐM mạc treo tràng trên.

ĐM vị tá tràng trên, 1 nhánh của động mạch thân tạng

Động mạch tá tụy trước trên.

Động mạch tá tụy sau trên.

ĐM lách (tách từ thân tạng)

Động mạch lưng tụy (hay động mạch sau tụy, lưng ám chỉ mặt lưng).

Động mạch tụy lớn.

ĐM vị ta tràng dưới, 1 nhánh của động mạch mạc treo tràng trên

Động mạch tá tụy trước dưới

Động mạch tá tụy sau dưới

Tĩnh mạch

Đi kèm động mạch và đổ vào hệ tĩnh mạch cửa.

Thần kinh

Chi phối tá tràng và tụy gồm những nhánh từ đám rối tạng và đám rối mạc treo tràng trên.

Mạch máu nuôi tụy
Mạch máu nuôi tụy

Vai trò của tuyến tụy

Một tuyến tụy khỏe mạnh sẽ hoạt động và sản xuất các chất cần thiết cho cơ thể một cách chính xác với số lượng thích hợp và vào đúng thời điểm để tiêu hoá các loại thực phẩm được đưa vào trong cơ thể.

Chức năng ngoại tiết

  • Tụy được bao bọc bởi bao tụy có tác dụng phân chia tụy thành các tiểu thùy. Nhu mô của tụy được cấu tạo bởi các tế bào tụy ngoại tiết chứa đựng rất nhiều các hạt. Các hạt nhỏ này chứa enzyme tiêu hóa dưới dạng tiền chất. Chủ yếu là trypsinogen, chymotrysinogen, lipase tụy và amylase.
  • Các men tụy sẽ được tiết vào ống tụy và sau đó đổ vào ruột non ở đoạn D2 của tá tràng khi có kích thích thích hợp. Tại đây các men enterokinase của tá tràng sẽ xúc tác làm trypsinogen biến thành dạng hoạt động là trypsin, là một endopeptidase lại cắt các amino acid của chymotrypsinogen thành dạng hoạt động chymotrypsin có nhiệm vụ cắt các polypeptide trong thức ăn thành các đơn vị nhỏ có thể hấp thu được qua niêm mạc ruột. Các men hoạt động có khả năng tiêu hủy protein của chính tuyến tụy. Nên tụy chỉ tiết các men dưới dạng tiền chất không hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng.
  • Dịch tụy là nguồn chứa các men tiêu hóa mỡ và protein. Còn niêm mạc ruột lại có các men tiêu hóa được glucose.
  • Dịch tụy cũng chứa các ion bicarbonate. Các Ion này có tính kiềm để trung hòa lượng dịch acid trong thức ăn từ dạ dày đi xuống.

Điều hòa chức năng ngoại tiết:

  • Kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy thực hiện thông qua các men như gastrin, cholecystokinin và secretin. Chúng được các tế bào của dạ dày và tá tràng tiết ra dưới kích thích của thức ăn.
  • Các men được tiết ra dưới dạng tiền chất chưa có khả năng tiêu hủy protein và mỡ. Tuy nhiên vì một lý do các men này lại được hoạt hóa ngay trong lòng tụy. Bất thường này gây nên sự tự tiêu hủy tụy gọi là viêm tụy cấp. Ví dụ một số nguyên nhân như sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương, viêm tụy cấp.

Chức năng nội tiết

Tuyến tụy duy trì mức đường huyết không đổi. Khi mức đường huyết quá cao, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin. Ngược lại, khi mức đường huyết quá thấp thì tuyến tụy tiết ra glucagon.

Nhu mô của tụy nội tiết là các nhóm nhỏ tế bào gọi là tiểu đảo tụy ( Langerhans). Các tiểu đảo này là phần nội tiết của tuyến tụy có chức năng tiết các hormone quan trọng. Ba loại tế bào chính của tiểu đảo tụy là tế bào alpha, tế bào beta, và tế bào delta

  • Insulin có tác dụng làm giảm đường huyết. Tế bào beta chiếm số lượng nhiều nhất và sản xuất insulin.
  • Glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết và tăng cường phân giải glycogen thành glucose. Tế bào alpha sản xuất glucagon và tế bào delta sản xuất somatostatin có tác dụng làm giảm nồng độ
  • Lipocain có tác dụng oxy hóa các chất đặc biệt là axit béo. Nếu nhiều mỡ được đưa về gan mà không được oxy hóa có thể tích tụ gây nhiễm mỡ gan.

Một số bệnh thường gặp liên quan tới tuyến tụy

Viêm tụy

Viêm tụy là tình trạng viêm của tuyến tụy xảy ra khi bài tiết enzym. Tuyến tụy tích tụ và tiêu hoá chính cơ quan này. Nó có thể xảy ra khi các cơn đau cấp tính kéo dài trong vài ngày hoặc có thể là một tình trạng mãn tính tiến triển trong nhiều năm.

Ung thư tuyến tụy

Một số yếu tố có nguy cơ làm tăng sự phát triển của ung thư tuyến tụy như:

  • Hút thuốc lá.
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy.
  • Hội chứng ung thư di truyền và viêm tụy mãn tính.

Ngoài ra, một số tổn thương tụy như ung thư chất nhầy (IPMNs), ung thư biểu mô tụy (PanIN) được coi là tiền chất của ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy là một khối u ngoại tiết phát sinh từ các tế bào lót ống tuy. Một dạng ung thư ít phổ biến hơn là U thần kinh nội tiết chiếm khoảng 5%.

Bệnh đái tháo đường

Tiểu đường type 1, cơ thể sản xuất thiếu insulin. Khi thiếu insulin gây ra một loạt biến chứng. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 phải dùng insulin để giúp cơ thể sử dụng glucose một cách thích hợp.

Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn so với loại 1. Những người mắc tiểu đường loại 2 có thể sản xuất insulin nhưng cơ thể lại không sử dụng.

Tăng và hạ đường huyết

Tăng đường huyết được gây ra bởi mức đường huyết cao bất thường. Nguyên nhân có thể là do sự sản xuất quá mức của hormon glucagon.

Ngược lại, hạ đường huyết là do mức đường huyết thấp. Nguyên nhân do sản xuất quá mức của insulin.

Hi vọng bài viết trên của Bác sĩ Vũ Thành Đô đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo, cũng như chức năng của tuyến tụy.

Từ khóa » Gan Có Chức Năng Nội Tiết Hay Ngoại Tiết