Giải Phẫu Hệ Thần Kinh Tự Chủ

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Nhận định chung

Hệ thần kinh tự chủ còn được gọi là hệ thần kinh thực vật gồm các sợi thần kinh đi từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ trơn (của các tuyến, các tạng, các mạch máu) và cơ tim.

Hệ thần kinh tự chủ được chia làm hai phần là phần giao cảm và phần đối giao cảm, hoạt động theo nguyên tắc đối nghịch nhau. Hệ thần kinh tự chủ có cấu tạo:

Trung khu thần kinh tự chủ: gồm các nhân ở trong não hay tuỷ gai.

Các sợi thần kinh từ các nhân trung ương đi ra ngoại biên gồm hai loại: sợi trước hạch (từ nhân tới các hạch) và sợi sau hạch (từ hạch đến cơ quan).

Các hạch thần kinh tự chủ gồm có 3 loại:

Hạch cạnh sống nằm dọc hai bên cột sống.

Hạch trước sống hay hạch trước tạng.

Hạch tận cùng ở ngay gần các cơ quan.

Các đám rối thần kinh tự chủ là các mạng lưới sợi thần kinh giao cảm và đối giao cảm đan nhau chằng chịt trước khi đi vào một cơ quan.

Hệ giao cảm

Phần trung ương

Nhân trung gian bên ở đoạn tuỷ từ ngực 1đến thắt lưng 3 (T1 - L3).

Phần ngoại biên

Sợi trước hạch theo rễ trước thần kinh gai sống vào nhánh thông trắng đến các hạch giao cảm cạnh sống hoặc đi xuyên qua các hạch này để đến các hạch trước sống.

Các hạch cạnh sống: có hai chuổi hạch giao cảm ở hai bên cột sống từ đáy sọ đến xương cùng. Mỗi chuỗi có 23 hạch, nối với nhau bởi các nhánh gian hạch, tạo thành một thân giao cảm và gồm các phần như sau:

Ở cổ có hạch cổ trên, hạch cổ giữa và hạch cổ dưới; hạch cổ dưới thường kết hợp với hạch ngực 1 để tạo thành hạch sao.

Ở vùng ngực, thắt lưng và cùng: có 11 đến 12 hạch ngực, 3 đến 4 hạch thắt lưng, 4 đến 5 hạch cùng.

Ở vùng cùng cụt hai thân giao cảm tiến lại gần nhau và hoà lẫn thành một hạch cụt.

Hạch trước sống: có hạch tạng, hạch mạc treo tràng trên, hạch mạc treo tràng dưới, hạch chủ thận và hạch hoành.

Sợi sau hạch: từ các hạch cạnh sống hoặc các hạch trước sống, các sợi thần kinh giao cảm đi qua nhánh thông xám, rồi vào các thần kinh gai sống để đến cơ quan mà chúng chi phối.

Hệ đối giao cảm

Trung ương

Gồm hai phần:

Ở não bộ là nhân các thần kinh sọ: III, VII, IX, X.

Ở tuỷ gai là cột nhân trung gian bên đoạn cùng 2 đến 4 (S2-4).

Ngoại biên

Sợi trước hạch: tùy theo nguồn gốc khác nhau.

Từ trung ương phần não bộ: theo các thần kinh sọ III, VII, IX, X để đến các hạch tận cùng (hạch mi, hạch chân bướm khẩu cái, hạch dưới hàm).

Từ trung ương phần tuỷ gai: theo rễ trước các thần kinh gai sống đến các hạch tận cùng ở vùng chậu hông.

Hạch tận cùng: nằm gần hoặc ngay trong thành của các cơ quan mà chúng chi phối.

Sợi sau hạch: rất ngắn, từ hạch tận cùng đi vào cơ quan.

Chức năng của hệ thần kinh tự chủ

Hai hệ giao cảm và hệ đối giao cảm có tác dụng gần như đối lập nhau. Ví dụ: hệ giao cảm làm giãn đồng tử trong khi hệ đối giao cảm làm co đồng tử. Tuy vậy chúng đều chịu sự chỉ huy của vỏ não và hoạt động phối hợp nhau.

Tác dụng của hệ thần kinh tự chủ

Cơ quan

Giao cảm

Ðối giao cảm

Mống mắt

Giãn đồng tử

co

Tuyến lệ

Ít hoặc không tác dụng lên sự tiết

Kích thích tiết

Tuyến nước bọt

Giảm lượng tiết

Tăng lượng tiết

Phế quản

Giãn

Co

Tim

Tăng nhịp, tăng co bóp

Giảm nhịp

Dạ dày, ruột (nhu động

và tiết dịch)

Ức chế

Kích thích

Cơ vòng dạ dày, ruột

Co thắt

Giãn

Cơ quan sinh dục

Co rút ống dẫn tinh, túi tinh, tiền liệt tuyến và cơ tử cung, co mạch

Giãn mạch

Bàng quang

Ít hoặc không tác dụng

Co thành bàng quang

Tuỷ thượng thận

Kích thích tiết

Ít hoặc không tác dụng

Mạch máu ở thân và chi

Co

Không tác dụng

Sơ đồ hệ thần kinh tự chủ

Hình. Sơ đồ hệ thần kinh tự chủ

1. Dây thần kinh IX 2. Dây thần kinh X 3. Hạch tạng 4. Sợi đối giao cảm chậu 5. Hạch cạnh sống

Từ khóa » Sinh Lý Hệ Thần Kinh Tự Chủ