Rối Loạn Thần Kinh Tự Chủ: Bệnh Lý Phổ Biến Gây Giảm Chất Lượng ...

Nội dung bài viết

  • Bệnh thần kinh tự chủ là gì?
  • Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh tự chủ là gì?
  • Yếu tố nguy cơ của bệnh thần kinh tự chủ?
  • Triệu chứng của rối loạn thần kinh tự chủ
  • Chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh tự chủ như thế nào?
  • Điều trị rối loạn thần kinh tự chủ
  • Phòng ngừa rối loạn thần kinh tự chủ

Hệ thần kinh tự chủ làm nhiệm vụ thiết lập các phản hồi giữa cơ thể và môi trường, đặc biệt là điều hoà các quá trình hoạt động bên trong cơ thể. Nó điều hòa huyết áp, nhịp tim, giấc ngủ, nhiệt độ… thậm chí là chức năng tình dục. Do nó hoạt động tự động nên chúng ta ít khi chú ý tới hệ thần kinh tự chủ. Tầm quan trọng chỉ được phát hiện khi chức năng hệ thần kinh tự chủ bị tổn thương, gây rối loạn. Rối loạn thần kinh tự chủ có thể biểu hiện nhiều dạng khác nhau, tùy vào vị trí tổn thương tại thần kinh trung ương hay là ngoại biên. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu về bệnh thần kinh tự chủ do tổn thương thần kinh ngoại biên.

Bệnh thần kinh tự chủ là gì?

  • Hệ thần kinh tự chủ gồm hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Đáp ứng của hệ giao cảm và đối giao cảm lên các hệ cơ quan thường là đối lập. Hoạt động phối hợp của cả hai hệ này cho phép đồng bộ nhiều chức năng của cơ thể. Khi mất sự cân bằng giữa hai hệ sẽ gây ra rối loạn chức năng của các cơ quan.
  • Tổn thương dây thần kinh giúp chi phối các cơ quan có thể gây ra bệnh thần kinh tự chủ. Điều này làm rối loạn quá trình xử lý tín hiệu giữa hệ thống thần kinh tự chủ và não. Các dây thần kinh tự chủ bị tổn thương có thể ảnh hưởng hầu hết các chức năng cơ thể.
  • Bệnh thần kinh tự chủ thường liên quan đến một số loại thuốc và tình trạng bệnh lý khác. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy vào nguyên nhân gây ra và vị trí tổn thương thần kinh.

>> Có nhiều loại rối lọan về thần kinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Rối loạn hận thức thần kinh là một ví dụ. Xem thêm bài viết Rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị.

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh tự chủ là gì?

Nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra bệnh thần kinh tự chủ. Nó cũng là tác dụng phụ của phương pháp điều trị cho các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư. Một số nguyên nhân phổ biến của bệnh lý thần kinh tự chủ bao gồm:

  • Tích tụ protein bất thường trong các cơ quan (amyloidosis), ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thần kinh.
  • Bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tự tấn công, phá hủy các bộ phận của cơ thể, gồm cả dây thần kinh. Các ví dụ bao gồm hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và bệnh celiac. Hội chứng Guillain-Barre là một bệnh tự miễn tác động rất nhanh đến các dây thần kinh tự chủ.
  • Ung thư cũng có thể tạo ra cuộc tấn công bất thường của hệ thống miễn dịch (hội chứng paraneoplastic). Điều này cũng có thể gây ra bệnh thần kinh tự chủ.
  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi kiểm soát đường huyết kém có thể gây tổn thương dây thần kinh. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý thần kinh tự chủ. Nó có thể dần dần gây tổn thương thần kinh trên toàn cơ thể.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân
  • Một số loại thuốc, bao gồm thuốc được sử dụng trong hóa trị ung thư.
  • Bệnh truyền nhiễm. Một số virus và vi khuẩn, như ngộ độc, bệnh Lyme và HIV có thể gây ra bệnh.
  • Rối loạn di truyền. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra thần kinh tự chủ.

Yếu tố nguy cơ của bệnh thần kinh tự chủ?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường.
  • Những căn bệnh khác: Amyloidosis, porphyria, suy giáp…
  • Ung thư (thường là do tác dụng phụ của điều trị).

Triệu chứng của rối loạn thần kinh tự chủ

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh tự chủ phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Chúng có thể bao gồm:

  • Chóng mặt và ngất xỉu khi đứng, gây ra bởi huyết áp giảm đột ngột.
  • Các vấn đề về tiết niệu như khó bắt đầu đi tiểu, tiểu không tự chủ, khó mắc tiểu và khó tiểu hết. Đây là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Khó khăn về tình dục. Bao gồm các vấn đề rối loạn cương dương hoặc các vấn đề xuất tinh ở nam giới. Ở phụ nữ, các vấn đề bao gồm khô âm đạo, ham muốn thấp và khó đạt cực khoái.
  • Khó tiêu hóa thức ăn. Chẳng hạn như thấy chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ nóng. Tất cả là do thay đổi chức năng tiêu hóa.
  • Không có khả năng nhận ra được khi bị hạ đường huyết. Nguyên do bởi vì các tín hiệu cảnh báo, chẳng hạn như bị run, vã mồ hôi… không xảy ra.
  • Đổ mồ hôi bất thường, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Phản xạ co giãn đồng tử chậm chạp. Mắt gặp khó khăn cho điều chỉnh từ sáng sang tối và nhìn rõ khi lái xe vào ban đêm.
  • Không dung nạp vận động. Điều này có nghĩa là nhịp tim sẽ giữ nguyên thay vì điều chỉnh theo mức độ hoạt động.
Triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ
Triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ

Chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh tự chủ như thế nào?

Bệnh lý thần kinh tự chủ là một biến chứng có thể có của một số bệnh. Xét nghiệm chẩn đoán phụ thuộc vào triệu chứng và yếu tố nguy cơ của bệnh.

Nếu có các yếu tố nguy cơ

Bác sĩ sẽ khai thác kỹ về khả năng kiểm soát các yếu tố nguy cơ đó. Ví dụ kiểm soát đường huyết, dùng các thuốc chống ung thư…

Nếu không có các yếu tố nguy cơ

Quá trình chẩn đoán cần được thực hiện kỹ lưỡng, kết hợp tiền căn bệnh lý, các triệu chứng và thăm khám dấu hiệu lâm sàng.

Bác sĩ của bạn có thể đề nghị các thử nghiệm để đánh giá những chức năng tự chủ, bao gồm:

Thử nghiệm hơi thở

Cách này đo lường gián tiếp đáp ứng nhịp tim và huyết áp trong khi vận động bằng cách thông qua thử nghiệm thở ra gắng sức (nghiệm pháp Valsalva).

Thử nghiệm bàn nghiêng

Theo dõi phản ứng của huyết áp và nhịp tim với những thay đổi về tư thế và vị trí. Mô phỏng những gì xảy ra khi đứng dậy từ tư thế nằm. Thông thường, cơ thể thu hẹp các mạch máu và tăng nhịp tim để bù cho việc giảm huyết áp. Phản ứng này có thể bị chậm lại hoặc bất thường nếu bị bệnh thần kinh tự chủ.

Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nghiệm pháp bàn nghiêng

Xét nghiệm dạ dày ruột

Các xét nghiệm làm rỗng dạ dày để kiểm tra những bất thường về tiêu hóa. Những xét nghiệm này cần được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên về tiêu hóa.

Kiểm tra phản xạ dây thần kinh

Thông qua việc điều hòa tuyến mồ hôi. Một dòng điện nhỏ đi qua các viên nang đặt trên cẳng tay, chân và bàn chân. Trong khi đó, máy tính phân tích phản ứng của dây thần kinh và tuyến mồ hôi.

Thử nghiệm đổ mồ hôi để điều hòa nhiệt

Da được phủ một loại bột thay đổi màu sắc khi đổ mồ hôi. Bệnh nhân nằm trong buồng có nhiệt độ tăng chậm, ghi lại kết quả khi bắt đầu đổ mồ hôi.

Xét nghiệm niệu động học

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng bàng quang hoặc tiết niệu, một loạt các xét nghiệm nước tiểu và bàng quang có thể đánh giá chức năng bàng quang.

Siêu âm

Tạo ra hình ảnh của bàng quang và các bộ phận khác của đường tiết niệu để khảo sát.

Điều trị rối loạn thần kinh tự chủ

Điều trị bệnh lý thần kinh tự chủ bao gồm: điều trị bệnh nền và điều trị triệu chứng.

Quản lý bệnh nền

Mục tiêu đầu tiên của điều trị bệnh thần kinh tự chủ là kiểm soát tình trạng gây tổn thương thần kinh. Ví dụ, nếu nguyên nhân cơ bản là bệnh tiểu đường, cần kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh thần kinh tự chủ tiến triển.

Quản lý triệu chứng cụ thể

Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh lý thần kinh tự chủ. Điều trị dựa trên phần nào của cơ thể bạn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tổn thương thần kinh.

Triệu chứng tiêu hóa

  • Thay đổi chế độ ăn uống. Cần phải tăng chất xơ và chất lỏng. Từ từ tăng chất xơ để tránh khí và đầy hơi.
  • Thuốc giúp làm trống dạ dày. Giúp dạ dày làm rỗng nhanh hơn bằng cách tăng các cơn co thắt của đường tiêu hóa. Thuốc này có thể gây buồn ngủ và không được khuyên dùng lâu dài.
  • Giảm táo bón.
  • Thuốc giảm tiêu chảy.

Triệu chứng tiết niệu

  • Huấn luyện lại bàng quang. Lập ra một lịch trình khi nào nên uống chất lỏng và khi nào đi tiểu. Điều này có thể giúp tăng khả năng kiềm chế và co thắt bàng quang. Nó giúp làm trống nước tiểu hoàn toàn vào những thời điểm thích hợp.
  • Thuốc giúp làm trống bàng quang. Các tác dụng phụ xảy ra bao gồm đau đầu, đau quặn bụng, đầy hơi, buồn nôn và đỏ bừng.
  • Hỗ trợ tiết niệu (đặt ống thông tiểu). Một ống được dẫn qua niệu đạo để làm trống bàng quang của bạn.
  • Thuốc làm giảm bàng quang hoạt động quá mức. Tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô miệng, nhức đầu, mệt mỏi, táo bón và đau bụng.
Đặt sonde tiểu
Đặt sonde tiểu

Rối loạn chức năng tình dục

Đối với nam giới bị rối loạn cương dương, bác sĩ có thể khuyên bạn nên:

  • Dùng thuốc cho phép cương cứng. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau đầu nhẹ, đỏ bừng, đau dạ dày và thay đổi thị lực. Nếu có tiền sử bệnh tim, đột quỵ hãy thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có sự cương cứng kéo dài hơn 4 giờ.
  • Bơm chân không ngoài. Thiết bị này giúp kéo máu vào dương vật bằng bơm tay. Một vòng căng giúp giữ máu tại chỗ, duy trì sự cương cứng trong tối đa 30 phút.

Đối với phụ nữ có triệu chứng tình dục, bác sĩ có thể khuyên bạn:

  • Dùng chất bôi trơn âm đạo để giảm khô và làm cho quan hệ tình dục thoải mái hơn.
  • Thuốc tăng khoái cảm cho phụ nữ tiền mãn kinh ít ham muốn tình dục.

Các triệu chứng về nhịp tim và huyết áp

Bệnh rối loạn thần kinh tự chủ có thể gây ra một số vấn đề về nhịp tim và huyết áp. Bác sĩ của bạn có thể kê toa:

  • Thuốc điều trị kiểm soát huyết áp.
  • Thuốc để điều chỉnh nhịp tim.
  • Một chế độ ăn khoa học tuân thủ đúng lượng muối và nước có thể giúp kiểm soát huyết áp.

Đổ mồ hôi

  • Kê một loại thuốc làm giảm mồ hôi.
  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh ở tuyến mồ hôi. Cũng có thể loại bỏ các tuyến mồ hôi nhưng chỉ trong các khu vực nhỏ tăng tiết mồ hôi, chẳng hạn như lòng bàn tay.

Phòng ngừa rối loạn thần kinh tự chủ

Lối sống lành mạnh có thể góp phần kiểm soát các bệnh nền:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Tránh uống rượu và hút thuốc.
  • Điều trị tích cực bệnh tự miễn.
  • Kiểm soát huyết áp tốt.
  • Đạt được và duy trì một cân nặng khỏe mạnh.
  • Tập thể dục đều đặn.

Rối loạn thần kinh tự chủ là bệnh lý ngày càng phổ biến hiện nay. Tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Bệnh có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ liên quan tới các bệnh khác. Do đó, kiểm soát tốt bệnh nền và xây dựng lối sống lành mạnh là chìa khóa để giảm ảnh hưởng của bệnh thần kinh tự chủ. Mong rằng bạn đã có cho mình đủ thông tin cần thiết qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn!

Từ khóa » Sinh Lý Hệ Thần Kinh Tự Chủ