Giải Phẫu Phổi Và Màng Phổi

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Phổi là cơ quan chính của hệ hô hấp, nơi trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường; có tính chất đàn hồi, xốp và mềm. Phổi nằm trong lồng ngực.

Hình thể ngoài

Phổi có dạng một nửa hình nón, được treo trong khoang màng phổi bởi cuống phổi và dây chằng phổi; có ba mặt, một đỉnh và hai bờ; mặt ngoài lồi, áp vào thành ngực; mặt trong là giới hạn hai bên của trung thất; mặt dưới còn gọi là đáy phổi, áp vào cơ hoành.

Hình thể ngoài của phổi

Hình. Hình thể ngoài của phổi

1. Khí quản 2. Phế quản chính 3. Đáy phổi 4. Khe chếch 5. Khe ngang

Ðáy phổi

Nằm áp sát lên vòm hoành và qua vòm hoành liên quan với các tạng của ổ bụng, đặc biệt là với gan.

Ðỉnh phổi

Nhô lên khỏi xương sườn I. Phía sau, đỉnh phổi ngang mức đầu sau xương sườn I, còn phía trước thì ở trên phần trong xương đòn khoảng 3cm.

Mặt sườn

Ðặc điểm chung của hai phổi: áp sát mặt trong lồng ngực, có vết ấn của các xương sườn. Mặt sườn có khe chếch bắt đầu từ ngang mức gian sườn 3 ở phía sau chạy xuống đáy phổi, chia phổi ra thành các thuỳ phổi. Mặt các thuỳ phổi áp vào nhau gọi là mặt gian thuỳ. Trên bề mặt phổi có các diện hình đa giác to, nhỏ khác nhau; đó là đáy của các tiểu thuỳ phổi - đơn vị cơ sở của phổi.

Ðặc điểm riêng của từng phổi: phổi phải có thêm khe ngang, đi từ khe chếch, ngang mức khoảng gian sườn 4 chạy ngang ra trước, nên phổi phải có ba thuỳ là thùy trên, thùy giữa và thùy dưới. Phổi trái chỉ có khe chếch, nên phổi trái chỉ có hai thuỳ là thùy trên và thùy dưới. Ở phía trước dưới thuỳ trên, có một mẫu phổi lồi ra gọi là lưỡi của phổi trái, tương ứng với thuỳ giữa của phổi phải.

Mặt trong

Hơi lõm, gồm hai phần:

Mặt trong của phổi

Hình. Mặt trong của phổi

1. Rốn phổi 2. Dây chằng tam giác

Phần sau liên quan với cột sống gọi là phần cột sống.

Phần trước quây lấy các tạng trong trung thất, gọi là phần trung thất. Ở phổi phải, có một chỗ lõm gọi là ấn tim; còn phổi trái, ấn tim rất sâu nên gọi là hố tim.

Giữa mặt trong của hai phổi, có rốn phổi hình vợt mà cán vợt quay xuống dưới. Trong rốn phổi có các thành phần của cuống phổi đi qua như phế quản chính, động mạch phổi, hai tĩnh mạch phổi, động mạch và tĩnh mạch phế quản, các dây thần kinh và hạch bạch huyết.

Phía sau rốn phổi có rãnh tĩnh mạch đơn và ấn thực quản (ở phổi phải) và rãnh động mạch chủ (ở phổi trái).

Phía trên rốn phổi có rãnh động mạch dưới đòn và rãnh thân tĩnh mạch cánh tay đầu.

Các bờ

Bờ trước: do mặt sườn và mặt hoành tạo nên, nằm gần đường giữa.

Bờ dưới: gồm hai đoạn, đoạn cong do mặt sườn và mặt hoành tạo nên, lách sâu vào ngách sườn hoành; đoạn thẳng do mặt trung thất và mặt hoành tạo nên, nằm ở phía trong.

Cấu tạo hay hình thể trong

Phổi được cấu tạo bởi các thành phần đi qua rốn phổi phân chia nhỏ dần trong phổi. Ðó là cây phế quản, động mạch và tĩnh mạch phổi, động mạch và tĩnh mạch phế quản, bạch mạch, các sợi thần kinh và các mô liên kết.

Sự phân chia của cây phế quản

Phế quản chính chui vào rốn phổi và chia thành các phế quản thuỳ. Mỗi phế quản thuỳ dẫn khí cho một thuỳ phổi và lại chia thành các phế quản phân thuỳ, dẫn khí cho một phân thuỳ phổi. Phế quản phân thuỳ chia ra các phế quản hạ phân thuỳ và lại chia nhiều lần nữa cho tới phế quản tiểu thuỳ, dẫn khí cho một tiểu thuỳ phổi.

Sự phân chia của động mạch phổi:

Thân động mạch phổi: Bắt đầu đi từ lỗ động mạch phổi của tâm thất phải, lên trên, sang trái và ra sau. Khi tới bờ sau quai động mạch chủ thì chia thành động mạch phổi phải và động mạch phổi trái.

Ðộng mạch phổi phải: đi ngang sang phải, chui vào rốn phổi phải ở trước phế quản chính, rồi ra phía ngoài và cuối cùng ở sau phế quản.

Ðộng mạch phổi trái: ngắn và nhỏ hơn động mạch phổi phải, đi chếch lên trên sang trái, bắt chéo mặt trước phế quản chính trái, chui vào rốn phổi ở phía trên phế quản thuỳ trên trái.

Sự phân chia của tĩnh mạch phổi

Hệ thống lưới mao mạch phế nang đổ vào tĩnh mạch quanh tiểu thuỳ, rồi tiếp tục thành những thân lớn dần cho tới các tĩnh mạch gian phân thuỳ hoặc tĩnh mạch trong phân thuỳ, các tĩnh mạch thuỳ, và cuối cùng họp thành hai tĩnh mạch phổi ở mỗi bên phổi, dẫn máu giàu ôxy đổ về tâm nhĩ trái. Hệ thống tĩnh mạch phổi không có van.

Ðộng mạch và tĩnh mạch phế quản

Là thành phần dinh dưỡng của phổi.

Ðộng mạch phế quản nhỏ, là nhánh bên của động mạch chủ. Thường có một động mạch bên phải và hai ở bên trái.

Tĩnh mạch phế quản đổ vào các tĩnh mạch đơn, một số nhánh nhỏ đổ vào tĩnh mạch phổi.

Bạch huyết

Gồm nhiều mạch bạch huyết chạy trong nhu mô phổi, đổ vào các hạch bạch huyết phổi, cuối cùng đổ vào các hạch khí quản trên và dưới ở chổ chia đôi của khí quản.

Thần kinh

Thần kinh đến phổi gồm:

Hệ thần kinh giao cảm xuất phát từ đám rối phổi.

Hệ phó giao cảm các nhánh của dây thần kinh lang thang.

Màng phổi

Là một thanh mạc gồm hai lá: màng phổi thành và màng phổi tạng. Giữa hai lá là ổ màng phổi, hai bên phải và trái riêng biệt nhau.

Màng phổi

Hình. Màng phổi

1. Khe ngang 2. Ngách sườn trung thất 3. Khe chếch 4. Ngách sườn hoành 5. Đỉnh phổi 6. Tuyến ức

Màng phổi tạng

Bao phủ toàn bộ bề mặt và dính chặt vào nhu mô phổi, lách cả vào các khe gian thuỳ. Ở rốn phổi, màng phổi tạng quặt ra để liên tiếp với màng phổi thành.

Màng phổi thành

Lót mặt trong lồng ngực và tạo nên túi màng phổi, bao gồm:

Màng phổi trung thất: là giới hạn bên của trung thất, áp sát phần trung thất của màng phổi tạng.

Màng phổi sườn: áp sát vào mặt trong lồng ngực, ngăn cách với thành ngực bởi lớp mô liên kết mỏng gọi là mạc nội ngực.

Màng phổi hoành: phủ lên mặt trên cơ hoành. Phần mạc nội ngực ở đây được gọi là mạc hoành màng phổi.

Ðỉnh màng phổi là phần màng phổi thành tương ứng với đỉnh phổi.

Ngách màng phổi: được tạo bởi hai phần của màng phổi thành. Có hai ngách màng phổi chính:

Ngách sườn hoành: do màng phổi sườn gặp màng phổi hoành.

Ngách sườn trung thất: do màng phổi sườn gặp màng phổi trung thất.

Ổ màng phổi

Ở màng phổi có đặc tính:

Là một khoang ảo nằm giữa màng phổi thành và màng phổi tạng.

Mỗi phổi có một ổ màng phổi kín, riêng biệt, không thông nhau.

Từ khóa » Giải Phẫu Phổi Phế Quản