Giải Phẫu Thanh Quản

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Vị trí và liên quan

Thanh quản là một phần của đường hô hấp, có hình ống, trên thông với hầu, dưới nối với khí quản, có nhiệm vụ phát âm và dẫn khí. Thanh quản nằm ở cổ, phí trước hầu.

Cấu tạo

Thanh quản được cấu tạo bởi các sụn nối với nhau bằng các khớp, các màng, các dây chằng và các cơ. Trong đó có 2 dây thanh âm sẽ rung chuyển và phát ra âm thanh dưới tác động của luồng không khí đi qua.

Bên trong, thanh quản được phủ bởi niêm mạc liên tục với niêm mạc hầu, niêm mạc khí quản và tạo nên các xoang cộng hưởng âm thanh.

Các sụn thanh quản

Gồm có sụn giáp, sụn nhẫn và sụn nắp thanh môn, sụn phễu, sụn sừng, sụn chêm và sụn thóc. Trong đó sụn chêm và sụn thóc là những sụn phụ, nhỏ.

Sụn giáp

Lớn nhất trong các sụn thanh quản, Sụn giáp như một tấm khiên che phía trước thanh quản, nằm trên sụn nhẫn và dưới xương móng. Ðược tạo nên bởi hai mảnh phải và trái, dính liền nhau ở đường giữa, tạo nên lồi thanh quản nhô ra trước và một góc mở ra sau, gọi là góc sụn giáp. Góc này ở nữ khoảng 1200, còn ở nam giới khoảng 900, nên lồi thanh quản ở nam giới lớn và rõ ràng hơn ở nữ giới.

Sụn nhẫn

Sụn nhẫn có hình chiếc nhẫn, nằm ở dưới sụn giáp, gồm 2 phần:

Cung sụn nhẫn ở phía trước, sờ được dưới da.

Mảnh sụn nhẫn rộng, ở phía sau. Bờ trên có diện khớp, tiếp khớp với sụn phễu. Mặt trên có diện khớp để khớp với sừng dưới sụn giáp.

Bờ dưới sụn nhẫn nằm ngang (ngang mức bờ dưới thân đốt sống cổ C6, tương ứng chỗ nối giữa hầu và thực quản), nối với vòng sụn đầu tiên của khí quản bằng dây chằng nhẫn - khí quản.

Sụn nắp thanh môn

Sụn nắp thanh môn nằm sau sụn giáp, như cái nắp của thanh quản. Có hình chiếc lá, cuống ở trước dưới, gắn vào góc sụn giáp bằng dây chằng giáp nắp.

Sụn phễu

Là sụn đôi, nằm trên mảnh sụn nhẫn. Sụn phễu hình tháp tam giác đỉnh ở trên đáy ở dưới. Đáy hình tháp mà góc trước gọi là mỏm thanh âm, góc ngoài gọi là mỏm cơ để cho các cơ bám.

Sụn sừng

Nhỏ, có đáy cố định vào đỉnh sụn phễu.

Các sụn nối nhau bằng các khớp các dây chằng và các cơ thanh quản giúp cho thanh quản có thể vận động được.

Các sụn thanh quản

Hình. Các sụn thanh quản

1. Sụn giáp 2. Sụn nhẫn 3. Sụn khí quản 4. Sụn nắp 5. Sụn phễu 6. Sụn nhẫn

Các cơ của thanh quản

Các cơ thanh quản gồm có các cơ ngoại lai và nội tại.

Các cơ ngoại lai là các cơ có bám tận ở xương móng hay thanh quản khi co có thể làm thanh quản vận động được.

Các cơ nội tại là các cơ có nguyên ủy và bám tận đều ở thanh quản như cơ nhẫn giáp đi từ sụn nhẫn đến sụn giáp khi co làm căng dây chằng thanh âm, cơ nhẫn phễu bên và nhẫn phễu sau…

Hình thể ngoài của thanh quản

Thanh quản có 2 mặt là mặt trước và mặt sau.

Mặt trước

Từ dưới lên trên là cung sụn nhẫn, dây chằng nhẫn – giáp, mặt trước sụn giáp.

Mặt sau

Là phần trước của phần thanh hầu, từ dưới lên có mảnh sụn nhẫn, sụn phễu, lỗ vào thanh quản và mặt sau sụn nắp.

Hình thể trong

Ổ thanh quản tương đối hẹp và không tương xứng với hình thể ngoài, bị các nếp tiền đình và nếp thanh âm chia ra làm 3 phần:

Tiền đình thanh quản

Tiền đình thanh quản là phần trên hai nếp tiền đình, có dạng hình phễu.

Thanh thất

Là khoảng giữa hai nếp tiền đình ở trên và hai nếp thanh âm ở dưới. Hai nếp thanh âm giới hạn nên khe thanh môn.

Hình thể trong thanh quản

Hình. Hình thể trong thanh quản

1. Tiền đình thanh quản 2. Thanh thất 3. Khe thanh môn 4. Ổ dưới thanh môn

Ổ dưới thanh môn

Ở phía dưới khe thanh môn:

Có dạng hình nón, do nón đàn hồi và sụn nhẫn tạo nên.

Tổ chức dưới niêm mạc lỏng lẻo, nên phù thanh quản dễ xuất hiện ở đây.

Mạch máu và thần kinh

Mạch máu

Thanh quản được nuôi dưỡng bởi động mạch thanh quản trên là nhánh của động mạch giáp trên và động mạch thanh quản dưới là nhánh của động mạch giáp dưới.

Thần kinh

Vận động:

Cơ nhẫn giáp do nhánh ngoài của thần kinh thanh quản trên vận động. Khi tổn thương thần kinh này sẽ không nói giọng cao được.

Các cơ còn lại của thanh quản do thần kinh thanh quản dưới vận động, nếu liệt sẽ gây mất tiếng.

Cảm giác:

Phần trên nếp thanh âm do thần kinh thanh quản trên.

Phần dưới nếp thanh âm do thần kinh thanh quản dưới.

Thần kinh thanh quản dưới là nhánh tận của thần kinh thanh quản quặt ngược và thần kinh thanh quản trên đều là nhánh của thần kinh lang thang.

Từ khóa » Sụn Thanh Quản Gồm