Giải Phóng Hoàn Toàn Bạc Liêu Ngày 30/4/1975 - BacLieu

Tỉnh ủy Bạc Liêu họp mở rộng tại ấp Lái Viết (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) từ ngày 30/3 đến 4/4/1975, nhận định thời cơ giải phóng đã đến, lực lượng ta tuy có phát triển nhưng trang bị chưa đủ sức, còn phải tiếp tục tăng thêm vũ khí.

​​​​​​​

Lực lượng chính trị có vươn lên nhưng tổ chức chưa chặt chẽ, cần phải xây dựng cho tốt hơn; nhiệm vụ này chủ yếu thị xã làm, nhưng các ngành đều dồn hết sức xuống thị xã để giữa tháng 4/1975, khắc phục được các mặt còn yếu.

Về binh vận, địch hoang mang, dao động cực độ, ta có thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục và nắm được binh sĩ, sĩ quan ngụy, nhưng chưa tổ chức hành động ngay, lúc này cần phải khẩn trương nắm chắc hơn nữa tổ chức đội ngũ để khi cần họ sẵn sàng hành động. Từ nhận định như thế, Bạc Liêu có khả năng tranh thủ nắm tên Tỉnh trưởng, Tỉnh phó và sĩ quan cấp tá, cấp úy. Vấn đề là hình thức, phương pháp tranh thủ và người trực diện tiếp xúc với số này, nếu kết quả thì tạo thuận lợi cho ta giải phóng Bạc Liêu không đổ máu. Tỉnh ủy phân công đ/c Trần Thanh Hồng và ông Thích Hiển Giác trực diện với đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, cấp ủy coi đây là một mũi xung kích tấn công chính trị và binh vận. Ngày 9/4/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu triệu tập cuộc họp bất thường để nghe các ngành và các huyện thị báo cáo và đánh giá tình hình. Tại cuộc họp có các đ/c: Đoàn Thanh Vị, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, đ/c Lê Quân, đặc phái viên Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Hội nghị nghe các đ/c báo cáo đặc điểm tình hình theo từng vị trí công tác và địa phương. Đối với thị xã Bạc Liêu, Tỉnh ủy chọn làm trọng điểm chỉ đạo tập trung. Hội nghị quyết định: Dốc toàn lực lượng hợp pháp, bán hợp pháp của Tỉnh lẫn thị xã thọc sâu vào nội ô thị xã, đi thẳng vào công nhân lao động, lớp nghèo thành thị, học sinh, thanh niên, thân hào nhân sĩ trí thức, lãnh đạo tôn giáo, gia đình binh lính sĩ quan, công nhân viên chức ngụy quyền… Ngay sau cuộc họp, đ/c Đoàn Thanh Vị, Bí thư Tỉnh ủy phân công đ/c Lê Quân cùng chỉ đạo chung mũi chính trị - binh vận tấn công vào trọng điểm thị xã tỉnh lỵ, nhưng gần đến giờ “G” thì đ/c Lê Quân thọc sâu vào nội ô cùng với các đ/c bám trụ sẵn bên trong sử dụng lực lượng ngầm (bí mật) kết hợp mũi binh vận đánh địch và phát động phong trào chính trị tại chỗ giành chính quyền. Ngày 22/4/1975, tại ngã ba Láng Cát, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở Hội nghị mở rộng để sơ kết tình hình chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, do đ/c Đoàn Thanh Vị, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, Hội nghị xác định quyết tâm giải phóng hoàn toàn tỉnh Bạc Liêu, phải tập trung sức mạnh tổng hợp để giải phóng trọng điểm là thị xã Bạc Liêu. Hội nghị quyết định thành lập ban khởi nghĩa do đ/c Đoàn Thanh Vị làm trưởng ban. Dưới sự lãnh đạo của ban khởi nghĩa, Thị ủy kiểm điểm lại các khóm ấp bảo đảm nơi nào cũng có chi bộ, chi đoàn hoặc đảng viên, đoàn viên. Nơi nào yếu thì kịp thời bổ sung tăng cường. Một số đ/c cán bộ cả thị lẫn tỉnh, từ cán bộ hợp pháp đến bán hợp pháp và bất hợp pháp được đưa vào đứng chân nội ô, có một số đ/c vào ở trong nhà của sĩ quan, ngụy quyền có chức từ phó trưởng ấp trở lên. Thị ủy đề ra mấy yêu cầu khẩn trương về công tác binh vận: Làm tan rã nhanh chóng hạ tầng cơ sở địch, nắm những binh sĩ giao động và giáo dục họ làm cơ sở, tranh thủ hàng ngũ sĩ quan địch. Phần lớn binh sĩ được tuyên truyền chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đồng thời trong việc chuẩn bị lực lượng ba mũi giáp công, ban chỉ đạo khởi nghĩa và Thị ủy chỉ thị cho các cơ sở nội và ven ô thị xã bắt đầu từ ngày 23/4/1975 bằng mọi cách mua cho được vải may cờ Mặt trận càng nhiều càng tốt. Sáng ngày 25/4/1975, đ/c Trần Thanh Hồng tiếp xúc với Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp tại hậu cứ sư đoàn 21. Trong quá trình tranh luận và phân tích, Điệp đã dao động nói: “Tôi là quân nhân, nếu trên bảo thương lượng là tôi thương lượng, bảo đầu hàng là tôi đầu hàng, còn nếu bảo giữ thì tôi phải giữ”. Sáng ngày 29/4/1975, đ/c Trần Thanh Hồng cùng ông Thích Hiển Giác trực tiếp gặp Đại tá Tỉnh trưởng ngụy Nguyễn Ngọc Điệp tại dinh Tỉnh trưởng. Qua hơn hai tiếng đồng hồ tiếp xúc, Điệp hoang mang cao độ, nói: “Đến bây giờ tôi không còn giữ anh em binh lính nữa, họ muốn theo bên nào thì theo”. Sáng ngày 30/4/1975, phái đoàn của ta gồm đ/c Lê Quân, đ/c Tư Hồng và ông Thích Hiển Giác đến gặp Đại tá Tỉnh trưởng ngụy Nguyễn Ngọc Điệp tại dinh Tỉnh trưởng. Điệp đồng ý giao chính quyền cho cách mạng lúc 10 giờ 30 phút giờ Sài Gòn, tức 9 giờ 30 phút giờ Hà Nội ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, Điệp có một yêu cầu là xin phái đoàn ta trực tiếp nói chuyện với đám sĩ quan đàn em của Điệp, phái đoàn ta chấp thuận. Phái đoàn ta cùng đại tá Tỉnh trưởng ngụy Nguyễn Ngọc Điệp sang tiểu khu gặp đám sĩ quan đàn em của Điệp. Khi mọi người vừa an vị thì trung tá Đôn, tiểu khu phó hất hàm hỏi đ/c Lê Quân: “Sao các ông dám phiêu lưu đến đây? Chúng tôi còn 12.000 quân trong tay, chúng tôi thề tử thủ, các ông chỉ có vài đơn vị ọp ẹp sao lại dám bén mãn tới đây?”. Sau câu hỏi cay cú của Đôn, đ/c Lê Quân đứng dậy hỏi: Còn bạn nào có ý kiến nữa không? Thiếu tá Lợi nói: “Ta quyết tử thôi!”. Thiếu tá Mã Thành Nghĩa cộc lốc: “Đầu hàng là tự sát đấy!”. Đ/c Lê Quân ôn tồn nói: Chúng tôi được lệnh cấp trên vào nội ô thị xã này cả tuần nay, chúng tôi tiếp xúc làm việc với một số sĩ quan, công chức trong chính quyền của các bạn tại Tỉnh lỵ này, trong đó có Đại tá Tỉnh trưởng. Chúng tôi đến đây chẳng phiêu lưu chút nào, bởi chúng tôi có sức mạnh vô địch của các tầng lớp đồng bào, chúng tôi đến đây với một tình thế cách mạng thắng lợi hoàn toàn không có thế lực nào ngăn cản nổi. Chúng tôi đến đây có mặt cùng các bạn ở cuộc họp này bằng tấm lòng dân tộc, nghĩa đồng bào, bằng tấm lòng nhân ái vị tha, quyết xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc, quyết tránh sự đổ máu vô ích trong giờ phút lịch sử này. Chúng tôi đến đây với các bạn bằng tấm lòng đầy thiện chí như thế, tại sao các bạn cứ nói tử thủ, lại còn đem 12.000 quân ra đe dọa chúng tôi? 12.000 quân của các bạn là người Việt Nam, là nạn nhân của Mỹ, họ bị bắt buộc cầm súng Mỹ, họ không bao giờ muốn cảnh nồi da xáo thịt - cốt nhục tương tàn, họ rã ngũ bao nhiêu rồi, họ lấy bao nhiêu giấy thông hành - chứng minh của Mặt trận rồi, bao nhiêu binh sĩ đã nhận nhiệm vụ làm binh biến - phản chiến khi có lệnh Mặt trận, các bạn có biết không?- Trung tá Đôn đứng phắt dậy nói: “Mong các ông thông cảm cho chúng tôi, không có gì nhục bằng quân còn trong tay mà đầu hàng, đứng cho người ta tước khí giới!”. Đ/c Lê Quân bình tĩnh phân tích: Mỹ thua về Mỹ, còn binh sĩ – sĩ quan người Việt Nam trở về với cội nguồn dân tộc thì đẹp đẽ biết mấy, có gì gọi là nhục?- tiếp theo, thiếu tá Mã Thành Nghĩa bộc bạch: “Phải chi vài ba năm trước tôi được gặp quý ông thì giờ đây tôi không ra nông nổi này, bây giờ thế nào tôi cũng chết, vì dân Bạc Liêu hăm tôi tới ngày độc lập họ sẽ cắt cổ tôi bằng dao chành…”. Thượng tọa Thích Hiển Giác cắt ngang: Thiếu tá cứ yên tâm, đồng bào mình giận nói vậy, chứ bao giờ cũng có tấm lòng độ lượng, không sao đâu! - Mã Thành Nghĩa nói tiếp: “…Như vậy tôi vào chùa của ông tu được không?”. Thượng tọa Thích Hiển Giác vui vẻ trả lời: “Cửa thiền rộng mở, mời thiếu tá vô tu!”. Nhiều sĩ quan khác tiếp tục nêu thắc mắc và than vãn, đoàn ta tiếp tục giải thích – phân tích có lý có tình… Cuối cùng, Điệp đứng dậy có ý kiến: “Tôi đã nói với các anh em rồi, hổm rày các anh em đòi tử thủ, hôm nay đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng đến trực tiếp nói chuyện với chúng ta rất tử tế, chúng ta lấy làm cảm phục, với tư cách là người chỉ huy tối cao tại tỉnh Bạc Liêu, tôi khuyên các anh em nên bằng lòng giao chính quyền cho cách mạng, chúng ta sẽ được khoan hồng, không còn gì nữa mà chúng ta mặc cả!”. Trung tá Đôn đứng nghiêm nói: “Tôi xin đại diện cho tất cả anh em sĩ quan có mặt hôm nay hoàn toàn tán thành cách giải quyết của đại tá!” – Điệp vỗ tay! Tất cả sĩ quan trong cuộc họp đều đứng dậy vỗ tay hưởng ứng. Đ/c Lê Quân đứng lên trịnh trọng: Bây giờ đề nghị anh em trật tự nghe tôi nói: 1/ Anh em hãy ra lệnh cho các tiểu đoàn cơ động hạ vũ khí và giao cho chính quyền cách mạng tại chỗ. Các đồn bót phải giao súng, giao đồn cho dân sở tại. 2/ Thả hết những người yêu nước (tù chính trị) ra ngay. 3/ Bảo vệ an toàn các cơ sở, tài sản, kho tàng… 4/ Gom tất cả xe GMC (vận tải quân sự) lại để đi rước quân đội cách mạng vào tiếp quản Tỉnh lỵ ngay đêm nay (30/4/1975). 5/ Gỡ ngay và gỡ hết chất nổ chung quanh các công sở, đồn bót… Đảm bảo an toàn cho mọi người. Tất cả 5 điều, Đại tá Điệp xin chấp hành triệt để! Xuân Mai

Từ khóa » Tieu Khu Bac Lieu Vnch