Giải Quyết Vấn đề ô Nhiễm Môi Trường Biển, Nhất Là ô Nhiễm Môi ...
Có thể bạn quan tâm
Thứ nhất, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã quy định các công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, phân vùng rủi ro ô nhiễm biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hoá chất độc trên biển,… đến nay, Bộ TN&MT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung này để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Luật bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định về bảo vệ môi trường biển và các quy định kiểm soát các nguồn ô nhiễm biển, tuy nhiên đến nay, có một số bất cập nên Bộ TN&MT đang tham mưu để sửa đổi, bổ sung Luật này, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường biển để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thứ hai, đã xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/1018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Chiến lược đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, một số chủ trương lớn liên quan đến bảo vệ môi trường biển như:
Về quan điểm: Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển. Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển. Kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
Về một số chủ trương lớn: Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hoá chất độc hại trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, động đất, sóng thần, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn...
Thứ ba, đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có một số nội dung, giải pháp thực hiện liên quan đến bảo vệ môi trường biển đến năm 2025 như:
Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường tại các địa phương có biển; xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Hải Phòng,...
Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biên dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Tiếp tục hoàn thiện công tác thiết lập các khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg; thành lập ban quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng 16 khu bảo tồn biển thuộc hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam hoạt động hiệu quả; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.
Mở rộng phạm vi điều tra, thu thập số liệu về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các vùng biển, ven biển, ven đảo; hoàn thiện dữ liệu các khu vực có tiềm năng làm cơ sở đề xuất thành lập mới các khu bảo tồn biển. Điều tra bổ sung làm cơ sở đề xuất điều chỉnh mở rộng diện tích, các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển đã được thành lập.
Phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác xây dựng các khu bảo tồn biển liên quốc gia với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế.
Thực hiện các chương trình, đề án, dự án phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển toàn quốc, trong đó ưu tiên các khu vực có tốc độ suy thoái nhanh.
Tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường biển, ứng phó có hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường biển, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch đề ra mục tiêu: (i) Đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; (ii) Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Bộ cũng đang chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương.
Thứ năm, Bộ TN&MT đã xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể thai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có các nội dung, giải pháp về bảo vệ môi trường biển.
Thứ sáu, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển giai đoạn 2018 - 2020 tại Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 và đang triển khai thực hiện.
Thứ bảy, Bộ đã và đang tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát môi trường vùng ven biển, bám sát Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung tại Quyết định số 1307/QĐ-TTg ngày 03/9/2017.
Thứ tám, năm 2019, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn với sự tham gia đông đảo của các tổ chức trong và ngoài nước. Chất thải rắn đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010, dự đoán năm 2020 tăng 2,37 lần và 3,2 lần vào năm 2025. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ đề xuất chính sách để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đảm bảo giảm nguồn rác thải biển có nguồn gốc từ đất liền, tận dụng tối đa nguồn rác thải trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Thứ chín, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc bảo vệ môi trường biển, Bộ TN&MT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; trong đó, để tăng cường giám sát chất lượng nước biển, nhất là 26 khu vực biển ven bờ, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tập trung rà soát, ban hành các quy định nhằm ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường biển;
Rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư ven biển, trên biển, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường biển để có điều chỉnh kịp thời;
Rà soát lại quy hoạch quản lý chất thải của địa phương, bảo đảm đủ năng lực tiếp nhận, xử lý các loại chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp;
Phối hợp rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch liên quan đến xây dựng, làm rõ nội dung bảo vệ môi trường và từng công trình bảo vệ môi trường; rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư xây dựng lớn, có tác động xấu đến môi trường biển.
Từ khóa » Các Sự Cố Môi Trường Biển ở Việt Nam
-
Ô Nhiễm Môi Trường Biển: Thực Trạng, Nguyên Nhân Và Các Biện Pháp
-
Bảo Vệ Môi Trường Biển: Tình Trạng ô Nhiễm ở Mức đáng Báo động
-
Một Số Vấn đề đặt Ra Về Bảo Vệ Môi Trường Biển ở Việt Nam Hiện Nay
-
Chung Tay Khắc Phục Sự Cố Môi Trường Biển - Tỉnh Ủy Hà Tĩnh
-
Báo Cáo Hiện Trạng Môi Trường Biển Và Hải đảo Quốc Gia Giai đoạn ...
-
Ô Nhiễm Môi Trường Biển, đảo - UBND Tỉnh Cà Mau
-
Tăng Cường Kiểm Soát ô Nhiễm Môi Trường Biển Và Hải đảo
-
[PDF] Sự Cố Môi Trường Biển Miền Trung Và Tác động - CSDL Khoa Học
-
Bảo Vệ Môi Trường Biển Vẫn Là Bài Toán Nan Giải | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Ô Nhiễm Môi Trường Biển Là Gì? Biện Pháp Bảo Vệ Môi Trường Biển
-
Ô Nhiễm Môi Trường Biển Việt Nam - Thực Trạng Và Khuyến Nghị
-
Ô Nhiễm Môi Trường Biển đang Gây áp Lực Lên Hệ Sinh Thái
-
Cần Tăng Cường Bảo Vệ Môi Trường Biển