Một Số Vấn đề đặt Ra Về Bảo Vệ Môi Trường Biển ở Việt Nam Hiện Nay

Một số vấn đề đặt ra về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam hiện nay

Chung tay bảo vệ môi trường biển - Ảnh minh họa

Thực trạng và nguyên nhân

Theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước Việt Nam ngày nay không chỉ có phần lục địa “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích biển Đông, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền; có tới 11.000 loài sinh vật cư trú, được công nhận là một trong mười trung tâm ĐDSH biển và là một trong 20 vùng biển giàu hải sản trên thế giới. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 - 4,0 triệu tấn/năm, cho phép hàng năm khai thác 1,9 triệu tấn, trong đó vùng biển gần bờ có trữ lượng chỉ khoảng 500 nghìn tấn, còn lại là vùng xa bờ… Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loại động vật quý khác nhau như đồi mồi, rắn, chim biển, thú biển. Hải sản ở vùng biển nước ta là nguồn lợi hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thực phẩm, nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho nhân dân (chiếm 50% lượng đạm động vật trong thành phần dinh dưỡng), mà còn có giá trị kinh tế cao, tạo hạn ngạch xuất khẩu lớn. Dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi biển lớn nhỏ, cảnh quan đẹp, trong đó có những bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, tình trạng ONMT biển cũng rất đáng lo ngại. Theo thống kê, từ năm 1992 đến nay xảy ra 130 vụ tràn dầu trên biển , sông Việt Nam gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường; có hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như: Sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Các con sông này đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền mang ra như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng… Những loại rác không phân hủy được thì trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được thì hòa tan và lan truyền trong nước biển. Ngoài ra, các công trình du lịch ngày càng nhiều, lại thiếu quy hoạch tổng thể, khoa học, thiếu hệ thống xử lý nước thải, chất thải đổ ra biển; ô nhiễm từ việc nuôi trồng thủy sản tràn lan của người dân, nạn khai thác titan ồ ạt làm ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được xác định là do tác động của BĐKH mang lại, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, nhưng trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà bỏ qua không xem xét đến vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ TN, MT biển và hải đảo một cách tổng thể. Điều này đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ONMT biển và hải đảo có chiều hướng ngày càng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, làm giảm sút nguồn lợi thủy sản.

Ô nhiễm biển không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến phát triển kinh tế đất nước và còn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa, tác động xấu đến an ninh quốc gia. Ô nhiễm biển làm gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng, tăng chi phí kinh tế, dẫn đến những nguy cơ bất ổn trong xã hội, đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn để xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, nhằm ứng phó với mực nước biển dâng, phát triển hạ tầng kĩ thuật, di dời và xây dựng các khu dân cư và đô thị có khả năng thích ứng cao với tình trạng ô nhiễm. bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số đối tượng phản động, chống đối đã lợi dụng sự cố về ô nhiễm biển để xuyên tạc, kích động, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.

Một số đề xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển

Ứng phó với ONMT biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh biển đảo và an ninh phi truyền thống, đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này, trong thời gian tới lực lượng công an và các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số mặt công tác:

Một là, tích cực tham mưu, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT biển đảo và xây dựng pháp luật về an ninh môi trường; tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách BVMT và phát triển kinh tế biển. Tăng cường hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, triển khai các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn môi trường biển, xác định các điểm nóng về ô nhiễm biển, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển, mặt nước biển và hải đảo. Chuẩn bị tốt các phương án di dân, di dời các công trình quan trọng về QP-AN ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án phát triển kinh tế biển đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, hạn chế thấp nhất để xảy ra các xung đột môi trường, nhất là xung đột giữa công nghiệp (thủy điện, khu công nghiệp tập trung) với cộng đồng làm nông nghiệp, thủy sản; giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp, chủ đầu tư do doanh nghiệp xả ô nhiễm ra môi trường gây hậu quả nghiêm trọng và chính quyền xử lý không nghiêm hoặc chưa kịp thời. Đồng thời, lực lượng công an cần phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm biển có thể xảy ra. Xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an với các cơ quan, ban, ngành liên quan để chủ động đề ra các tình huống và phương hướng giải quyết.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BVMT nói chung, BVMT biển, đảo nói riêng như Luật Biển năm 2012, Luật BVMT năm 2014, Luật TN, MT biển và hải đảo năm 2015… Trong đó, tập trung tuyên truyền về tác động của ô nhiễm biển ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển KT-XH của đất nước đến các cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT biển, đảo; nâng cao nhận thức về an ninh môi trường và trách nhiệm bảo đảm an ninh môi trường, bảo vệ an ninh biển đảo, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Ba là, chủ động nắm thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng các vụ việc doanh nghiệp có hành vi gây ONMT biển để kích động, gây rối làm mất an ninh, trật tự. Trực tiếp tham gia cùng các cơ quan, ban, ngành trong phòng ngừa, phát hiện, ứng phó với tác hại của ô nhiễm biển, thách thức an ninh phi truyền thống, khắc phục hậu quả, tác hại về môi trường xảy ra. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chốn tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT biển, nhất là phòng, chống dịch chuyển ONMT xuyên quốc gia; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các hành vi cố tình xả thằng khí thải, rác thải độc hại ra biển và các hành vi khác gây ONMT biển.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường. Đặc biệt, quan tâm phối hợp với các quốc gia láng giềng xử lý tốt các tranh chấp an ninh nguồn nước trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Công, sông Hồng và khai thác nguồn lợi thủy sản khu vực biển Đông.

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Từ khóa » Các Sự Cố Môi Trường Biển ở Việt Nam