Giảm Ngứa Cho Mẹ Bầu Mắc Bệnh Chàm - Hello Bacsi

Nếu bạn bị bệnh chàm trong giai đoạn mang thai, việc đầu tiên cần làm là tham vấn bác sĩ về những phương pháp điều trị an toàn trong và sau giai đoạn thai kỳ nếu bạn dự định nuôi con bằng sữa mẹ.

Một vài nghiên cứu cho thấy rằng việc được nuôi bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ không bị bệnh chàm dù cha mẹ hay anh chị của trẻ mắc phải chứng bệnh này. Dù có một vài loại thuốc hiệu quả trong việc điều trị chàm, nhiều liệu pháp bổ trợ tự nhiên cũng sẽ giúp tình trạng chàm thuyên giảm. Các liệu pháp chữa trị chàm tự nhiên thường hữu ích trong việc làm dịu tình trạng khô ngứa và nổi mẩn đỏ trên da.

Hello Bacsi đề xuất cho bạn cách để kiểm soát và giảm nhẹ tình trạng mẹ bầu mắc bệnh chàm bằng các liệu pháp tự nhiên.

Ngâm mình

“Ngâm và thoa” là cách siêu dưỡng ẩm cho da. Bạn hãy ngâm mình trong bồn khoảng 20 phút cho tới khi da nhăn lại rồi dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa da. Tránh chà xát và sử dụng nước nóng bởi da có thể bị kích ứng. Sau đó, thoa thuốc mỡ (Vaseline) hoặc kem (Cetaphil) để dưỡng ẩm da. (Thuốc mỡ tác động mạnh hơn kem và cả hai đều giàu chất dưỡng ẩm hơn sữa dưỡng thể thông thường).

Tắm để giảm ngứa

Việc thêm bột yến mạch hoặc baking soda (muối nở) vào bồn tắm là một liệu pháp tự nhiên khác để giảm nhẹ tình trạng ngứa do bệnh chàm. Một chất khác cũng có thể mang lại hiệu quả là thuốc tẩy màu. Dù nghe có vẻ kì lạ nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy việc thêm nửa cốc thuốc tẩy vào bồn tắm có thể giúp giảm nhẹ tình trạng chàm và ngăn ngừa nhiễm trùng da.

Giữ ẩm thường xuyên

Các chất giữ ẩm nên được dùng trong vòng 3 phút sau khi bạn vừa tắm xong để tăng khả năng giữ độ ẩm cho da. Sau khi tắm, bạn hãy nhẹ nhàng thấm khô da rồi nhanh chóng thoa kem giữ ẩm. Một lớp kem giữ ẩm dày tốt hơn việc sử dụng sữa dưỡng ẩm. Bạn nên thoa kem giữ ẩm 2–3 lần/ngày.

Thử dùng các bí kíp nhỏ để giảm ngứa

Ngứa ngáy là triệu chứng gây khó chịu nhất đối với mẹ bầu mắc bệnh chàm nhưng một số sản phẩm chống ngứa có thể làm dịu triệu chứng này. Ngoài ra, bạn cũng có thể giữ mát da bằng cách quấn khăn lông đã nhúng trong nước lạnh vòng quanh khu vực bị chàm hoặc chườm da bằng một gói rau củ đông lạnh. Bạn cũng nên nhớ cắt móng tay thường xuyên và mang bao tay cotton khi ngủ để giúp giảm thiểu việc gãi.

Sử dụng các chất dinh dưỡng bổ sung

Các biện pháp điều trị chàm tự nhiên liên quan đến dinh dưỡng bao gồm các chất chống oxy hóa như vitamin A, B, C, E, axit béo omega-3 trong dầu cá và các probiotic bổ trợ (một loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe). Tuy nhiên, dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến bệnh chàm nên bạn cần tránh xa những loại thực phẩm có thể gây bệnh.

Giữ cơ thể mát mẻ

Việc gãi khiến tình trạng bệnh chàm thêm trầm trọng và có thể khiến da bị tổn thương nhiều hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng (đặc biệt nguy hiểm khi đang trong giai đoạn thai kỳ). Nếu rơi vào tình trạng này, bạn nên giữ cho móng tay luôn được cắt ngắn và tròn đều để dù có gãi thì cũng không gây trầy xước da. Nếu bạn hay gãi trong lúc ngủ thì hãy mang thêm một đôi găng tay bằng vải cotton vào nhé.

Giữ bình tĩnh

Căng thẳng là một tác nhân gây chàm phổ biến nên bạn hãy cố gắng hạn chế chúng. Khi bạn thấy cảm giác lo âu đang xâm chiếm, bạn có thể thử nghĩ xem đứa con sắp chào đời của mình sẽ tuyệt vời thế nào. Nói chuyện và tâm sự với con nhiều hơn không chỉ giúp bạn bớt căng thẳng mà em bé cũng sẽ cảm nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Liệu pháp tự nhiên quan trọng nhất đối với mẹ bầu mắc bệnh chàm là giữ ẩm vì khô da sẽ làm người bệnh ngứa ngáy và khó chịu hơn. Mẹ bầu hãy áp dụng các biện pháp này thường xuyên để không còn bị bệnh chàm “hành’ nữa nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Nổi Chàm Khi Mang Thai