Gian Lận Và Thi Cử: Lo âu Về Một Ngày Mai
Có thể bạn quan tâm
Trong lịch sử phát triển nhân loại, giáo dục luôn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; và các trường học thường được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một thành phố, một địa phương, một đất nước.
Thí sinh lo âu trước kỳ thi xét tuyển vào ĐHQG TP HCM. Ảnh: Vnexpress
Cùng với nền tảng kinh tế, giáo dục là cái gốc của mọi thứ, là nguyên nhân của phần lớn các nguồn cơn của một gia đình, một cộng đồng hay một đất nước. Sở dĩ như vậy là vì, giáo dục góp phần tạo nên phẩm cách con người, ‘nếp nhà’ của một gia đình, và giáo dục cũng làm nên tầm vóc của một dân tộc. Các nước có nền giáo dục tiên tiến thì đồng thời cũng là các quốc gia có nền kinh tế phát triển và có một xã hội văn minh.
Thế nhưng, sự xuống cấp đạo đức trong môi trường học đường, điển hình nhất là gian lận trong thi cử ở nhiều cấp, trong những năm gần đây đã làm dấy lên những âu lo không chỉ về chất lượng đào tạo, về đạo đức xã hội, mà còn về phẩm giá của thế hệ tương lai và tiền đồ của đất nước.
Trong bài viết này, tác giả cố gắng nêu ra thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân và thử đưa ra một vài gợi mở nhằm giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ hành vi gian dối trong thi cử (và các hành vi gian dối khác) ra khỏi thế giới của tuổi trẻ học đường, ra khỏi môi trường sư phạm và học thuật nước nhà.
“Bệnh thành tích” chỉ là một mỹ từ
Trong khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, người ta hay dùng từ ‘bệnh thành tích’ để chỉ các hành vi tiêu cực trong thi cử và các hành vi gian dối khác trong ngành giáo dục. Thực ra, ‘bệnh thành tích’ chỉ là một mỹ từ để làm giảm nhẹ cho sự dối trá trong giáo dục nói riêng, trong xã hội nói chung.
Nói một cách công bằng, gian lận trong thi cử hiện đang là căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà, nhưng lại là câu chuyện không mới. Ngược dòng lịch sử, trong 845 năm khoa bảng kể từ thời Lý Nhân Tông đến vua Khải Định, lịch sử phong kiến Việt Nam cũng đã chứng kiến một số ‘vụ án’ thi cử lớn. Sách “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ đã kể lại chuyện gian lận thi cử thời Lê mạt; rồi các danh nhân như ‘thần Siêu tháng Quát’, Bảng Đôn, Ngô Sách Tuân, Lê Hi, Đặng Tế Mỹ và nhiều tên tuổi khác ít nhiều đều có dinh líu đến gian lận thi cử. Có điều, thời phong kiến, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, rất nghiêm, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù, đeo gông và thậm chí là bị xử tử; thêm nữa, thang bậc giá trị của xã hội cũng khác nay nhiều, nên gian lận thi cử có rất ít ‘đất’ để phát triển.
Trên thế giới, gian lận thi cử xảy ra không chỉ ở các nước chậm phát triển, mà ngay cả ở ‘thế giới văn minh’. Ví dụ, ở Nhật Bản, một quốc gia có nền giáo dục rất phát triển, nhưng vẫn có hàng loạt các trường đại học tại Nhật đã sửa điểm thi, thao túng kết quả tuyển sinh1. Gần đây, một vụ gian lận thi cử đã bị phát hiện ở một quốc gia có nền giáo dục được coi là phát triển vào bậc nhất thế giới: Gần 50 người trong đó có các giám đốc điều hành, các ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, nhà thiết kế thời trang, luật sư cao cấp và giáo sư đại học đã có hành vi gian lận để đưa con cái họ vào được các trường đại học danh giá hàng đầu như Harvard, Yale hay Stanford2.
Nói thế, để thấy gian lận thi cử không phải là câu chuyện mới, cũng không phải chỉ là ‘câu chuyện’ của một vài quốc gia, mà là căn bệnh của nhân loại, luôn đồng hành cùng thi cử. Tuy nhiên, ngày nay ở Việt Nam, vấn nạn gian lận thi cử đã trở nên quá phổ biến. Ở cấp học nào, lớp học nào, từ phổ thông lên đại học rồi sau đại học, từ xét đạt tiêu chuẩn phó giáo sư đến giáo sư, cũng đều có hiện tượng gian lận thi cử, mua bán điểm chác, bằng cấp, chức danh ở mức báo động. Gian lận thi cử không chỉ gia tăng về quy mô mà hình thức càng ngày càng tinh vi, khó nhận diện hơn.
Hiện tượng tiêu cực trong thi cử có thể chia thành các nhóm sau: Sử dụng tài liệu trong phòng thi cử, quay cóp bài làm của người ngồi cạnh, sao chép luận văn, đồ án, xin điểm, mua điểm, thi hộ, thi kèm… Đầu những năm 2000, báo cáo tổng kết thanh tra thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2005-2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi: “Hội đồng coi thi bổ túc trung học phổ thông Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 536 thí sinh có bài thi giống hệt nhau, phải hủy kết quả”…. Năm học 2006-2007, theo báo cáo tổng kết thanh tra thi tốt nghiệp phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Có 2.525 thí sinh bị đình chỉ thi do lỗi mang tài liệu vào phòng thi trong giờ làm bài, 8 thí sinh thi hộ”…. Năm học 2007-2008, theo báo cáo tổng kết thanh tra tốt nghiệp phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Có 1.809 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi trong giờ làm bài, 293 thí sinh thi hộ; trong đó riêng Nghệ An đã phát hiện 151 thí sinh thi hộ tại đợt thi lần 2”. Những năm sau này là ‘phao thi trắng trường’ ở nhiều trường phổ thông. Rồi tới lúc ‘phao’ chỉ được coi là gian lận ‘sơ đẳng’nếu so với thời công nghệ như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, máy tính cầm tay đa chức năng, v.v… trong các năm gần đây.
Nhưng dù sao, hành vi ‘quay cóp’ cũng mới chỉ là “mánh khóe nhỏ lẻ”. Có quy mô lớn hơn, nặng mùi ‘kim tiền’, mua bán đổi chác lại là khâu cuối cùng: chấm điểm, nhập điểm do người lớn. Đỉnh điểm là việc mua bán, đổi chác điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: 222 thí sinh vi phạm bị phát hiện ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, trên tổng số 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi không phải là con số lớn, nhưng đã lột tả một hiện thực xã hội nhức nhối. Những người vốn suốt ngày rao giảng về đạo đức học đường, về trách nhiệm công vụ, nhưng chính họ lại câu kết với nhau để làm đảo lộn trật tự thi cử: trượt thành đỗ và đỗ thành trượt; để từ đó hình thành một “bộ phận không nhỏ” những công dân gian dối, chiếm lĩnh các vị trí quản trị xã hội và các ngành nghề, công nghệ then chốt.
Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi. Ảnh: Tranh trích trong tập Technique du peuple Annamite của Henri Oger – 1909. Nguồn: Thanh nien.
Với giáo dục đại học, các vụ việc tiêu cực trong thi cử thời gian vừa qua cao đến mức rất đáng lo ngại. Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Đề án cải tiến tuyển sinh đại học, cao đẳng theo giải pháp 3 chung (2002-2006) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế thi cử như sau: Năm 2002 có 3.186 trường hợp, năm 2003 có 5.544 trường hợp, năm 2004 có 3.186 trường hợp, năm 2005 có 1.546 trường hợp, năm 2006 có 1.166 trường hợp, v.v… Tiêu cực phổ biến trong làm luận văn là tình trạng sao chép luận văn, luận án của người khác. Cá biệt có trường hợp đã bị phát hiện dùng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của người khác làm luận văn của mình. Ở bậc cao hơn trong môi trường học thuật, có người ngang nhiên đạo văn để làm đẹp hồ sơ chức danh GS, PGS, thậm chí có người trấn áp người tố cáo hoặc là đánh bài lờ, và rồi cũng không ai đứng ra phán xử đúng sai. Thế là thật giả lẫn lộn, các nhà giáo, nhà khoa học tử tế bị tổn thương nghiêm trọng, phần thiệt thòi thuộc về xã hội, thuộc về đất nước.
Chuyện gian lận thi cử đã trở nên phổ biến đến mức người gian lận không cần giấu giếm, không còn cảm thấy xấu hổ vì hành vi gian lận của họ nữa; trong khi các cơ quan chức năng luôn chạy theo, loay hoay tìm cách chống đỡ. Các phong trào được đề xướng nhằm làm trong sạch dần thi cử, hướng đến học thật dạy thật thi thật, thực học thực nghiệp, nhưng cuối cùng đều không thể thắng thế trước áp lực xã hội và các lý do “tế nhị” khác.
Chưa bao giờ hiện tượng gian lận trong thi cử lại đặt ra nhiều câu hỏi bức thiết như hôm nay: Đâu là sự công bằng cho người học? Tương lai đất nước sẽ ra sao nếu phụ thuộc vào những con người gian lận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Còn bao nhiêu những Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình nữa chưa bị phanh phui? Cần có giải pháp trước mắt và lâu dài nào để ngăn chặn và loại bỏ hiện tượng gian lận thi cử như hiện nay để lấy lại sự công bằng cho thí sinh, lấy lại niềm tin cho xã hội?
Nhiều nguyên nhân bao trùm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gian lận thi cử, có thể phân ra 3 nhóm: Gia đình, Nhà trường và Xã hội.
Gia đình
Gia đình là tế bào xã hội, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn giũa để hình thành nên nhân cách một con người. Chỉ cần tiếp xúc với một ai đó, là chúng ta có thể biết tương đối chính xác anh ta, chị ta được sinh thành trong một gia đình như thế nào, nếp nhà ra sao, phông văn hóa dày hay mỏng. Dường như những gia đình thiện lương thường có những đứa con tử tế và hiếu đễ. Còn với những gia đình có điều kiện kinh tế nhưng nền tảng văn hóa không cao, “nếp nhà” thấp, nhưng lại có quan hệ xã hội rộng vì có quyền có tiền hoặc có cả hai, con em họ thường ỷ lại vào quyền huynh thế phụ, học lực và đạo đức yếu kém, nhưng lại muốn nhanh chóng đỗ đạt, rồi thăng tiến tới các địa vị cao, không phải để cống hiến và chứng tỏ gia phong, mà là để kiếm chác, vinh thân phì gia. Đó là quan niệm phổ biến trong một xã hội mà các thang bậc giá trị đã bị méo mó; và theo quy luật cung- cầu, những người này đã tìm đến với nhau, đổi chác, mua bán, hình thành ‘liên minh’ quyền-tiền-điểm thi với các qui mô và mức độ tinh vi khác nhau.
Nhà trường
Trong đời người, trung bình một người thường phải sử dụng từ 27% đến 44% độ dài của cuộc đời mình để ‘mài đũng quần’ trên ghế nhà trường. Vì thế, cùng với gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách và phẩm giá của một con người. Buồn là, việc chạy theo thành tích cũng là một biểu hiện “nói dối” đã trở thành ‘phổ cập’ ở hầu hết các nhà trường, thể hiện rõ nhất ở số lượng có quá nhiều HS giỏi các cấp, và người ta không thể biết đó là điểm của thầy, điểm của trò hay là điểm của phụ huynh. Có lớp 100% là HS giỏi, và gần như không có học sinh bị đúp.
Khi các khuôn khổ pháp luật, thể chế và các thang bậc giá trị đã chuẩn mực thì thói giả dối nói chung, nạn gian lận thi cử nói riêng sẽ được giảm thiểu. Nhưng muốn làm được điều ấy thì trước hết chúng ta phải đủ can đảm đối diện được với sự thật, và nghe được những lời nói thẳng.
Nhà nước áp dụng một hệ thống thi cử, thi đấu, thi đua hết sức nặng nề khắp các cấp, các ngành, các đối tượng, tạo áp lực rất lớn cho người thi, khiến học sinh phải học thêm, học tủ để đạt kết quả trước mắt với bất cứ giá nào kể cả kiệt sức, quay cóp… đưa tới cách dạy đối phó, học đối phó. Chương trình đào tạo được thiết kế không chuẩn nên dẫn đến hiện tượng quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, nhưng họ buộc phải học để thi, để tốt nghiệp. Nhiều khi thầy cũng chưa tin vào những điều họ dạy, nên hiện tượng thầy đọc- trò chép là phổ biến, mặc cho không biết bao nhiêu lớp tập huấn về thay đổi phương pháp giảng dạy, về “người học là trung tâm”. Với cách dạy, cách học, và cách thi như thế thì ngay cả học sinh sinh viên khá giỏi cũng sẵn sàng quay cóp, nên ‘phao’ là điều dễ hiểu, và gần như là không thể triệt tiêu.
Hiện tượng dạy thêm – học thêm tràn lan đã trở thành tệ nạn, khi học thêm không hề mở mang thêm tri thức mới cho học sinh, cũng không nâng cao sự năng động thể chất, sự sáng tạo trong tư duy, hay sự bay bổng trong tâm hồn. Nhiều giáo viên ban đầu buộc phải nhắm mắt đưa chân vào việc dạy thêm như một sinh kế, rồi có người không giữ được phẩm hạnh của họ nữa, họ bị tha hóa dần và biến chất. Hệ quả lớn hơn là làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức lại làm những việc trái với đạo đức.
Một biểu hiện ‘tha hóa’ nữa là trường chuyên lớp chọn. Đây là hình thức giáo dục đã bị xóa bỏ ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, nhưng ở nước ta cả xã hội tìm mọi cách cho con em mình chạy đua vào các trường chuyên lớp chọn, trường điểm. Về bản chất, đây là một hình thức phân biệt đối xử, dễ dàng biến thành ‘đặc quyền’ của con em các gia đình có quyền và có tiền. Điều này sẽ để lại cho xã hội nhiều hệ lụy không mong muốn lâu dài, bởi lẽ ra trong một xã hội văn minh, mọi người đều phải được quyền bình đẳng về cơ hội, mà đầu tiên là quyền bình đẳng trong giáo dục công.
Xã hội
Thực trạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ, nếu không muốn nói là giữ vai trò gần như quyết định đến gian lận thi cử nói riêng, đến giả dối và các thói hư tật xấu khác của con người nói chung. Ngày nay, trong xã hội chúng ta, có thể dễ dàng nhận thấy các nguyên nhân sau dẫn đến gian lận trong thi cử:
Thói giả dối trở nên khá phổ biến: Kết quả một cuộc khảo sát với 5.600 người do nhóm nghiên cứu của GS. Trần Ngọc Thêm thực hiện, công bố năm 2016 cho thấy, xét về mức độ phổ biến bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục, thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp PTTH là 64% và sinh viên đại học là 80%. Dù có thể không tuyệt đối chính xác, những con số ấy cũng nói lên một sự thật: tỷ lệ nói dối tăng dần theo độ tuổi. Một nền đại học với tỉ lệ sinh viên nói dối cha mẹ như vậy khó tránh khỏi cho “ra lò” không ít những “ông nghè ông cống” dối trá.
Ảnh minh họa: internet.
Hậu quả của thói giả dối là khiến mọi người đều dễ bị tổn thương: mỗi mét vuông mặt đường, mỗi lít xăng ta mua, mỗi m3 nước thải, mỗi m3 nước ăn đều có thể đang chứa đựng sự dối trá. Chúng ta không còn quá bất ngờ khi nghe thông tin về những nhà máy thải chất độc ra sông đầu độc môi trường, những người trồng rau, làm hoa quả, làm nước mắm, làm sữa dùng hóa chất cấm để tăng sự bóng bẩy và chỉ số giả về chất dinh dưỡng. Những lời dối trá xuất hiện cả trên những hội thảo khoa học, hay các cuộc họp tổng kết thi đua. Phần lớn những kẻ tham nhũng sâu mọt khi bị lôi ra ánh sáng trước đây đều đã từng được che đậy bởi những tấm huân huy chương, những chức vụ quyền lực quan trọng.
Một xã hội mà thói giả dối phổ biến như vậy sẽ đi liền với thói háo danh và căn bệnh chuộng bằng cấp, chứng chỉ, rõ nhất là ở việc tuyển dụng người vào các cơ quan công quyền hay đề bạt cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tiêu chí tiêu chuẩn cán bộ thế nào, thì những kẻ cơ hội và gia đình họ, sẽ bằng cách này hay cách khác kiếm đủ các loại văn bằng, chứng chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn qui hoạch cán bộ, hay của các cơ quan tuyển dụng nhà nước. Điều này góp phần quan trọng vào việc làm cho vấn nạn gian lận trong giáo dục ngày càng nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn.
Tham nhũng và tham nhũng trong giáo dục: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng nhưng đây vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Ngày 29/ 01/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bảng xếp hạng này, năm ngoái, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu. Xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI (0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch), tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam được cho là rất nghiêm trọng, tệ hơn so với Trung Quốc (hạng 87), Indonesia và Philippines (cùng hạng 99).
Trong ngành giáo dục, một khảo sát khác tiến hành năm 2012 cho thấy, người dân Việt Nam nhận thức ngành giáo dục tham nhũng nhiều hơn người dân tại một số nước trong khu vực: Điểm số Việt nam là 3,4/5 (với điểm 5 là rất tham nhũng): Thái Lan (3,1); Philippines (2,8); Campuchia (2,6)… Hành vi tham nhũng không chỉ tồn tại ở cấp giáo dục phổ thông mà còn cả ở đại học. Các chi phí không chính thức, “các khoản hoa hồng” được trích từ các hợp đồng xuất bản sách giáo khoa, hiện tượng dạy thêm học thêm… được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu quốc gia và quốc tế .
Tham nhũng được coi là trở ngại chính trên con đường cải tổ chất lượng giáo dục. Nó đe dọa tới việc gia tăng chi phí giáo dục của các gia đình. Tồi tệ hơn, nó gây ra nguy cơ bất bình đẳng xã hội trong tiếp cận dịch vụ giáo dục và ảnh hưởng phần lớn đến người nghèo. Tham nhũng cũng góp phần xói mòn chuẩn mực đạo đức của giáo viên và học sinh.
Giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc, mà phải xóa bỏ được tư tưởng gian lận của người học.
Có người cho rằng, kết quả khảo sát PISA không phản ánh toàn bộ môi trường dạy và học khi các hành vi tham nhũng tồn tại ở cả người học và người dạy. Có thể cung cấp một số ví dụ khác để minh chứng cho điểm này: Theo một nghiên cứu thì, để qua được một kỳ thi hoặc để được chấp thuận tham gia một chương trình học nào đó, 23% học sinh Việt Nam (từ 15-30 tuổi) ghi nhận đã từng hối lộ. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn với học sinh thành phố (32%); hối lộ để đảm bảo một xuất học tại trường điểm ở Việt Nam có thể lên tới 3.000 USD.
Trong khi đó, chế tài xử phạt không đủ răn đe và không nghiêm minh: chế tài xử phạt và các công cụ quản lý thi cử không được thực hiện hiệu quả. Các hành vi dối trá trong học tập ở các cấp độ khác nhau đã không được xử phạt nghiêm minh, không đủ mạnh để ngăn ngừa hành vi gian lận tiếp diễn. Thời phong kiến ở nước ta, gian lận thi cử có khung hình phạt đến tử hình; Ở Mỹ, hành vi gian lận thi cử không chỉ bị phát tài chính rất nặng mà còn phải ngồi tù nhiều năm, có khi đến 20 năm và bị xã hội lên án và tẩy chay.
Cần cải cách tổng thể
Nguyên nhân nào thì giải pháp ấy, thường là như vậy. Khi nhìn vào từng vấn đề cụ thể, không khó để chúng ta chỉ ra những lệch lạc cần được xử lý. Nhưng vấn đề cốt lõi là chúng ta cần có một kế hoạch cải cách tổng thể, hiện đại hóa giáo dục theo hướng thực học thực nghiệp xung quanh trục ‘dạy người -dạy chữ -dạy nghề’. Đó không thể tiếp tục là những thử nghiệm liên miên, chắp vá, mang tính tình thế để giải quyết các sự vụ cụ thể nhằm làm yên lòng dân theo kiểu dân túy, mà phải là những cải cách bài bản, thực lòng, kèm theo một lộ trình thực hiện chi tiết, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua; trong đó đặc biệt coi trọng giáo dục và rèn luyện tính trung thực, liêm chính, tự trọng.
Song song với kế hoạch cải cách tổng thể, Nhà nước cần cải cách việc thi cử trong suốt quá trình đào tạo, chỉnh đốn các khâu đào tạo ở các cấp bậc phổ thông, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, cải thiện chính sách sử dụng thầy giáo đại học và đào tạo giáo viên phổ thông.
Vấn đề giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc, mà phải xóa bỏ được tư tưởng gian lận của người học. Bởi một học sinh với tư tưởng gian lận sau khi vượt qua kì thi tuyển sinh sẽ tiếp tục hành vi gian lận một cách dễ dàng trong môi trường đại học và trong suốt cuộc đời. Một lần nữa, ai đủ can đảm giao tính mạng của mình cho một phẫu thuật viên đã từng vài lần bị bắt quay bài trong lớp học nhưng được giám thị bỏ qua. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt được thiết kế để răn đe học sinh vi phạm và những kẻ đồng lõa phải được tiến hành thực sự nghiêm túc. Giáo viên cần được khuyến khích thực hiện những biện pháp răn đe đủ mạnh để giúp học sinh xây dựng tính trung thực.
Cần phải bắt đầu từ lứa tuổi mới cắp sách đến trường, giáo dục cần hướng đến khuyến khích học sinh tự mình làm công việc được giao, biến giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự trưởng thành.
***
Có lẽ là nên nhắc lại ở đây bài văn sách thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ năm 1442 của Nguyễn Trực (1417-1474), đầu bài của vua Lê Thái Tông (1423-1442), về việc tìm người tài ra giúp dân và phép trị nước. Nguyễn Trực viết “Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, Vua chân chính rồi thì cả nước sẽ bình yên”. ‘Vua’ ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là người định ra pháp luật và thể chế trong môi trường xã hội vĩ mô, mà còn là “người lớn” nói chung, bao gồm cả những bậc làm cha mẹ, thầy cô, những người định hình nên nhân cách trẻ em thông qua các thang bậc giá trị trong mỗi gia đình, mái trường.
Khi các khuôn khổ pháp luật, thể chế và các thang bậc giá trị đã chuẩn mực thì thói giả dối nói chung, nạn gian lận thi cử nói riêng sẽ được giảm thiểu. Nhưng muốn làm được điều ấy thì trước hết chúng ta phải đủ can đảm đối diện được với sự thật, và nghe được những lời nói thẳng.□
——–
Tham khảo
Nguyễn Đắc Hưng (2019). Một số giải pháp chống gian lận trong giáo dục, Tạp chí của Ban tuyên giáo trung ương
Thụy Phương (2018). Gian lận thi cử: Nỗi đau và hệ lụy. Link: https://baomoi.com/gian-lan-thi-cu-noi-dau-va-he-luy/c/27064328.epi
Nguyễn Thị Cẩm Tú (2014). Đánh giá kết quả giáo dục ở nhà trường phổ thông: Thực trạng và giải pháp). Link: https://th-vanphu2-khanhhoa.violet.vn/entry/show/entry_id/10338799
Hoàng Tụy (2005). Một số vấn đề về khoa học và giáo dục: Góc nhìn cuộc sống. Thời đại mới, Tạp chí Nghiên cứu và Thảo luận, số 6. Tháng 11/2005
Vietnamnet (2018). Thi THPH 2018: Gian lận thi cử chưa từng có. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/media/gian-lan-rung-dong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-494607.htmlBosman J. (2007) Plans for Revamped G.R.E. Are Abandoned. The New York Times. Tải ngày 11/10/2012.
Chris Loschiavo (2015). Why do students cheat? Listen to this dean’s words. Link: https://theconversation.com/why-do-students-cheat-listen-to-this-deans-words-40295
Curruption Perceptions Index 2018. https://towardstransparency.vn/cpi-vietnam-2018/
Davis, S. F., Drinan, P. F., & Bertram Gallant, T. (2009). Cheating in School. Malden, MA: Wiley Blackwell.
1http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/be-boi-giao-duc-tai-nhat-ban-hang-loat-truong-thua-nhan-sua-diem-thi-dai-hoc-thao-tung-ket-qua-tuyen-sinh.html
2 https://vov.vn/the-gioi/nhung-vu-gian-lan-thi-cu-chan-dong-nuoc-my-886352.vov
Tác giả
- Trần Đức Viên
GS.TS Trần Đức Viên, Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
View all posts
Từ khóa » Dẫn Chứng Về Gian Lận Trong Thi Cử
-
Văn Mẫu Lớp 9: Nghị Luận Xã Hội Về Gian Lận Trong Thi Cử Dàn ý & 10 ...
-
Nghị Luận Xã Hội Về Gian Lận Trong Thi Cử – Văn Mẫu Lớp 9
-
Nghị Luận Xã Hội 200 Chữ Về Hiện Tượng Gian Lận Trong Thi Cử
-
Nghị Luận Xã Hội Về Gian Lận Trong Thi Cử - Thủ Thuật
-
Văn Nghị Luận Lớp 8 Gian Lận Trong Thi Cử
-
Top 8 Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Về Sự Gian Lận Trong Thi ... - Top Chuẩn
-
Top 8 Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Về Sự Gian Lận Trong Thi Cử ... - TBDN
-
Suy Nghĩ Của Em Về Việc Gian Lận Trong Thi Cử Hiện Nay
-
Gian Lận Trong Học Tập Học Hiện Nay. | Văn Mẫu Lớp 9
-
Chứng Minh Tác Hại Của Việc Gian Lận Trong Thi Cử - A La
-
Viết đoạn Văn Về Gian Lận Trong Thi Cử Lớp 8 - Học Điện Tử
-
Suy Nghĩ Của Em Về Gian Lận Trong Thi Cử - Văn Mẫu Lớp 9
-
Top 10 Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Về Sự Gian Lận Trong Thi Cử (lớp 9 ...