Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Bình Định

Giãn tĩnh mạch thừng tinh tương tự như bệnh giãn tĩnh mạch chân, nhưng chúng xảy ra xung quanh tinh hoàn chứ không phải ở chân. Chúng thường không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi một số tĩnh mạch nhất định trong bìu bị giãn lớn, do tổn thương van tĩnh mạch liên quan đến việc bơm máu bị trục trặc. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 15% nam giới và có xu hướng hình thành bệnh trong độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi.

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường ảnh hưởng bên trái nhiều hơn.

Bài viết này sẽ xem xét nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Thông tin nhanh về giãn tĩnh mạch thừng tinh:

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng phình ra của các tĩnh mạch trong bìu. Chúng tương tự như chứng giãn tĩnh mạch chân.

Chúng ảnh hưởng đến một loại tĩnh mạch được gọi là đám rối tĩnh mạch pampiniform ( đám rối tĩnh mạch hình dây leo).

Việc tạo ra tinh trùng hiệu quả nhất ở khoảng 34,5 độ C 37 độ C tiêu chuẩn của cơ thể chúng ta. Đây là một trong những lý do tại sao tinh hoàn tách biệt với thân của cơ thể.

Vai trò chính của đám rối dạng dây leo là làm mát máu động mạch trước khi nó đến gặp tinh trùng. Nó thực hiện điều này thông qua cơ chế "trao đổi nhiệt".

Các mạch máu giãn có thể làm gián đoạn hệ thống làm mát này. Điều này có thể ngăn tinh hoàn sản xuất tinh trùng chất lượng tốt.

Hình ảnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

Triệu chứng:

Giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi gây đau, nhưng nếu có, cơn đau có thể sẽ:

- Tồi tệ hơn khi đứng hoặc khi gắng sức

- Thay đổi từ đau buốt đến đau âm ỉ

- Giảm khi nằm ngửa

- Ngày càng tệ hơn

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không được chú ý, nhưng bác sĩ tiết niệu - nam học có thể nhận thấy chúng khi khám sức khỏe.

Các biến chứng:

Vô sinh là biến chứng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra. Nó có thể xảy ra do lượng máu tăng lên trong khu vực làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn, làm tinh trùng yếu.

Từ 35 đến 44 phần trăm nam giới bị vô sinh nguyên phát bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vô sinh nguyên phát là khi một cặp vợ chồng không có thai thành công sau 12 tháng cố gắng.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến 45 đến 81 phần trăm nam giới bị vô sinh thứ phát. Đây là trường hợp một cặp vợ chồng đã có thể có thai ít nhất một lần nhưng không còn khả năng nữa.

Những người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có chất lượng tinh dịch kém hơn.

Tinh hoàn teo nhỏ. Các ống sản xuất tinh trùng tạo nên phần lớn của tinh hoàn, nếu chúng bị tổn thương, tinh hoàn có thể trở nên nhỏ hơn và mềm hơn.

Sự mất cân bằng hormone: Khi các tế bào phản ứng với sự gia tăng áp lực, có thể dẫn đến sự thay đổi các hormone. Có thể có lượng hormone hoàng thể hóa (LH) cao hơn.

Điều trị:

Thường không cần điều trị, trừ khi có các triệu chứng sau.

Đau và khó chịu vùng bìu.

Suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

Vô sinh tiếp tục kéo dài ít nhất 2 năm và không rõ nguyên nhân.

Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể được khuyến nghị.

Phẫu thuật:

Có thể có ba lựa chọn phẫu thuật:

Thắt tĩnh mạch thừng tinh giãn bằng Vi Phẫu:

Phẫu thuật được thực hiện dưới gây tê. Bác sĩ tiết niệu – nam học sẽ tiếp cận mạch máu, Sử dụng kính hiển vi để phẫu thuật chính xác và an toàn, thắt các tĩnh mạch tinh giãn để máu qua các mạch khác khỏe mạnh hơn. Đây là phương pháp tốt nhất đang được áp dụng trên thế giới và Việt Nam. Phương pháp phẫu thuật này đang được triển khai tại khoa Ngoại Tiết Niệu Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bình Định. Đau sau phẫu thuật thường rất ít và người bệnh có thể sớm trở lại các hoạt động bình thường.

Hình ảnh phẫu thuật vi phẫu thắt tĩnh mạch thừng tinh giãn

Phẫu thuật nội soi:

Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường nhỏ ở bụng và đưa một dụng cụ phẫu thuật nội qua lỗ mở, thắt tĩnh mạch sinh dục. Nhưng phương pháp này không nhiều hiệu quả và dễ tái phát. Thuyên tắc qua da:

Bác sĩ đưa một dụng cụ vào cơ thể qua mạch máu vùng cổ hoặc bẹn. Các dụng cụ được đưa vào mạch máu, và bác sĩ phẫu thuật sử dụng cuộn dây hoặc hóa chất để chặn tĩnh mạch bằng cách tạo tắc mạch. Đây là một can thiệp xâm lấn tối thiểu, chỉ áp đụng một số trường hợp.

Tuy nhiên, bạn nên đến Phòng khám nam học nếu nhận thấy:

- Bất kỳ thay đổi nào về kích thước, hình dạng hoặc sự xuất hiện cục bướu ở bìu, tinh hoàn.

- Vấn đề sinh sản, mong muốn có con.

- Sưng ở bìu.

- Tĩnh mạch vùng bìu nổi lớn hoặc ngoằn ngoèo bất thường.

Tác giả bài viết : Bs. Phan Thiết Tùng - phòng khám nam học bệnh viện đa khoa Tỉnh Bình Định

Nguồn tin : Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định

Từ khóa » Tĩnh Mạch Thừng Tinh Là Bệnh Gì