GIANG THANH, Tình Dục Và Quyền Lực (37) | Nguyễn Vạn Lý

GIANG THANH

Tình Dục Và Quyền Lực

Tài liệu lịch sử

Nguyễn Vạn Lý tổng hợp

Thay Lời Tựa

    Lịch sử Trung hoa đã được chứng kiến ít nhất ba người đàn bà vươn lên đến tột đỉnh quyền bính, mặc tình sinh sát cái xã hội trọng nam khinh nữ này. Ba người ấy là Võ Tắc Thiên của hậu bán thế kỷ thứ bẩy, Từ Hi hậu bán thế kỷ 19 và gần đây nhất là Giang Thanh, hậu bán thế kỷ 20. Cả ba người đàn bà này có một vài điểm giống nhau: cực kỳ ham mê quyền hành, và rất tàn nhẫn hiếu sát.

     Người nổi bật nhất là Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên được tuyển làm cung phi cho vua ĐườngThái Tôn rất sớm, lúc mới có 12 tuổi. Võ Tắc Thiên là một người rất thông minh cương quyết, nhưng cũng rất dâm đãng. Trong cung nhà Đường lúc ấy có rất nhiều cung phi và Võ Tắc Thiên hầu như bị lu mờ trước hàng trăm người đẹp khác. Vốn là một người dâm đãng, Võ Tắc Thiên không chịu được cảnh phòng không, nên đã tìm cách lôi cuốn được thái tử hành lạc với mình. Võ Tắc Thiên chỉ hơn thái tử có ba tuổi. Thái tử cũng đã có vợ, nhưng vợ của thái tử quá nhu mì hiền hậu, không biết các mánh khoé đặc biệt trong việc chăn gối. Võ Tắc Thiên vốn là nòi tình nên có nhiều kỹ thuật quyến rũ hơn, do đó thái tử rất mê say Võ Tắc Thiên, và thường lén vua cha cùng nàng ân ái.

     Khi vua Thái Tông già yếu qua đời, thái tử lên nối ngôi lấy niên hiệu là Cao Tông. Theo luật lệ nhà Đường, các cung phi của vua Thái Tông phải xuống tóc quy y tại một ngôi chùa bên ngoài hoàng thành. Võ Tắc Thiên cũng phải vào chùa đi tu một cách bất đắc dĩ. Từ ngày Võ Tắc Thiên rời cung cấm, vua Cao Tông lúc nào cũng tưởng nhớ người tình điệu nghệ đã cho mình nhiều khoái cảm nhất. Thế rồi CaoTông đưa Võ Tắc Thiên về cung, truất phế hoàng hậu cũ và phong Võ Tắc Thiên làm chính cung hoàng hậu. Không những thế nhà vua còn giao cả quyền thiên tử cho Võ Tắc Thiên nữa.

     Vì quá phóng túng dâm dật với một người đàn bà quá dâm đãng như Võ Tắc Thiên, nên chẳng bao lâu vua Cao Tông cũng từ trần. Đây là thời kỳ sinh sát của Võ Tắc Thiên. Ít nhất ba thái tử có hy vọng lên ngôi vua đã bị giết, và cuối cùng Võ TắcThiên chính thức nắm quyền thiên tử trở thành Hoàng đế Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên có tham vọng lập ra một triều đại mới cho họ Võ, nhưng sau khi Võ Tắc Thiên chết rồi thì nhà Đường phục hưng được.

     Võ Tắc Thiên không những đẹp mà còn có tài cai trị nữa. Tuy bà điên cuồng chạy theo quyền thế và các mục tiêu vị kỷ, nhưng bà luôn luôn là một người sáng suốt, trầm tĩnh, tinh tế và cương nghị. Bà đã loại được tất cả các đối thủ chính trị, đánh chết các cung phi trước kia được vua Cao Tông sủng ái. Ngay chính những người thân của Võ Tắc Thiên cũng không thoát được bàn tay độc ác của bà. Bà đã từng bỏ thuốc độc giết một đứa con trai của bà, và ra lệnh giết ngay cả đứa cháu gái của bà. Hai người anh của bà cũng chết một cách mờ ám, chỉ vì hai người này một lần than phiền bà đã can dự quá nhiều vào việc triều chính trong khi vua Cao Tông vẫn còn sống. Khi vua Cao Tông chết, bà xử tử hoặc bắt tất cả giòng họ của vua Cao Tông đi đầy, vì những người này có thể là chướng ngại cho quyền hành của bà. Một danh sách rất dài những người hoàng tộc bị giết một cách thảm khốc. Người đàn bà tàn ác ấy bỗng có một lần đổi dạ nhân từ: thay vì chặt đầu người chồng của con gái yêu của bà, thì bà chỉ giam nạn nhân lại, không cho ăn uống cho đến khi chết đói mà thôi! Dưới chế độ mật vụ của Võ Tắc Thiên, nhiều quan đại thần cho là rất may mắn, khi chỉ bị đi đầy chung thân tới các biên giới xa nhất.

     Khi tới 60 tuổi, Võ Tắc Thiên hồi xuân và lòng dục của bà còn mãnh liệt hơn hồi còn trẻ nhiều. Bà sủng ái một tên làm nghề Sơn đông mãi võ vì khả năng tình dục của hắn. Tới năm ngoài 70 tuổi, bà rất thỏa mãn khi tìm được hai anh em nhà họ Trương mới ngoài hai mươi tuổi, rất đẹp trai. Chính công chúa Thái Bình đã khám phá ra tài năng làm tình thiên phú của Trương Xương Tông và khoe với mẹ. Võ Tắc Thiên liền cho vời họ Trương vào cung, và sáng hôm sau bà công nhận lời công chúa nói rất đúng và ban thưởng cho Xương Tông rất hậu. Xương Tông hứng chí khoe người anh của hắn là Trương Diệc Chi còn hơn hắn nhiều. Thế là cả hai anh em nhà họ Trương đều được hai mẹ con Võ Tắc Thiên thu dùng. Võ Tắc Thiên thâu nhận cả hai anh em nhà họ Trương là muốn chia cho con gái là Thái Bình công chúa một người, và hai mẹ con thường trao đổi người tình cho nhau. Cung cấm nhà Đường lúc đó bầy ra một cảnh dâm loạn tột cùng.

     Trong những năm cuối cùng, Võ Tắc Thiên tỏ ra là một người độ lượng. Bà ngưng tàn sát, bãi bỏ mật vụ, và triệu hồi các hiền thần bị đi đầy hoặc bị bãi chức về triều. Nước Trung hoa dưới thời Võ Tắc Thiên đã phát triển mạnh về canh nông và kỹ nghệ dệt lụa. Bà đã tăng lương cho quan lại, và khi các quan lại về hưu, họ được bảo đảm sự sống trong tuổi già. Bà lập một hộp thư dân ý để dân chúng có thể bầy tỏ những điều chỉ trích các quan lại. Bà bổ nhiệm vào hàng quan lại ngay cả những người có nguồn gốc tầm thường. Năm 76 tuổi bà đau lòng khóc lóc khi quan đại thần tài giỏi và liêm khiết Địch Nhân Kiệt từ trần. Võ Tắc Thiên từ trần năm bà 81 tuổi, sau khi nắm quyền thiên tử trong hơn một nửa thế kỷ. Triều đại của bà là một thời kỳ thịnh trị lâu dài.

     Gần mười hai thế kỷ sau Võ Tắc Thiên, Trung hoa lại bị một người đàn bà phi thường lòng dạ sắt đá thống trị gần nửa thế kỷ. Đó là Từ Hi Thái Hậu của nhà Mãn Thanh. Bà thái hậu cuối cùng của Trung Hoa này là một người đàn bà tuy ít học nhưng rất lanh trí, độc đoán, xảo trá, mê tín dị đoan và tham lam hoang phí. Bà được đưa vào cung, nhưng chỉ được xếp vào loại cung phi hạng ba, nhưng vì khôn ngoan nắm vững được tình hình trong cung cấm nhờ mua chuộc các thái giám quyền thế, bà được vua Hàm Phong sủng ái. Khi nhà Thanh bắt đầu mạt vận thì các vua đều suy nhược không sinh được hoàng tử nối ngôi. Nhưng Từ Hi may mắn sinh được một hoàng tử cho vua Hàm Phong và được phong làm Tây cung hoàng hậu. Khi vua Hàm Phong qua đời năm 1861, Từ Hi trở thành Thái hậu nắm quyền nhiếp chính, vì con trai bà còn nhỏ quá.

     Sợ con trai tới tuổi trưởng thành sẽ tranh mất quyền thiên tử, nên Từ Hi tìm cách sai các thái giám đưa con bà vào con đường dâm dục cho bại hoại sức khỏe. Đêm đêm vua Đồng Trị, con trai của Từ Hi, thường lẻn ra ngoài Cấm Thành tìm thú vui trong các thanh lâu. Vì thế năm 19 tuổi vua Đồng Trị chết về bịnh phong tình sau hai năm làm vua không quyền. Lúc Đồng Trị chết, chính cung hoàng hậu của Đồng Trị đang có thai. Từ Hi sợ rằng nếu hoàng hậu sinh được hoàng tử thì chức vị thái hậu sẽ về tay hoàng hậu, nên bà ép buộc bà hoàng hậu trẻ phải tự tử theo vua ĐồngTrị, giết chết luôn cái bào thai là cháu nội của bà.

     Từ Hi đặt vội người cháu nhỏ, con của em gái bà lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Quang Tự. Người em gái bà bỗng nhiên chết một cách bí mật, và do đó bà vẫn được tiếp tục làm thái hậu với quyền nhiếp chính. Nhưng khi vua Quang Tự có những dấu hiệu độc lập, muốn bước ra khỏi vòng ảnh hưởng của bà, và cải cách nước Trung Hoa để đuổi kịp Tây phương và Nhật Bản, thì bà lập tức ra tay bắt nhốt Quang Tự vào Doanh Đài trên một hòn đảo nhân tạo bên trong Cấm Thành. Bà còn bầy tỏ sự giận dữ bằng cách xử tử 53 thái giám trung thành với Quang Tự. Không những thế, bà còn bắt Quang Tự phải đứng nhìn bà ra lệnh cho thái giám dùng roi đánh hoàng hậu yêu quý của Quang Tự cho đến chết, rồi liệng xác xuống giếng.

     Từ Hi là một người đàn bà rất bình tĩnh và có đảm lược. Khi hai hoàng thân dẫn một toán 60 võ sĩ Nghĩa Hòa Đoàn vào cung đòi Từ Hi phải trả lại chức vị thiên tử cho Quang Tự, thì bà vô cùng tức giận. Bà ra lệnh cho các thái giám chặt đầu 60 võ sĩ Nghĩa Hòa Đoàn ngay trước mặt bà. Sau khi chứng kiến cảnh giết người rùng rợn ấy, bà bình tĩnh trở về phòng ăn điểm tâm như không hề có việc gì xảy ra vậy.

     Từ Hi không may mắn như Võ Tắc Thiên, vì bà phải cai trị Trung Hoa trong một thời kỳ Trung Hoa phải chịu đựng nhiều tủi nhục: bên ngoài thì bị liệt cường xâm phạm xâu xé, bên trong thì có nội loạn Thái bình Thiên quốc, và phong trào Phản Thanh Phục Minh. Người Trung Hoa lúc ấy cảm thấy nhục nhã bị giống người Mãn Châu cai trị, và nhà Mãn Thanh quá yếu phải chịu nhục cắt đất cho liệt cường. Tuy vậy Từ Hi vẫn thành công nắm được chức thái hậu với đầy đủ quyền uy của một hoàng đế cho tới chết. Trong những năm sau cùng, Từ Hi là người rất sáng suốt. Bà vốn không chịu cải cách Trung Hoa vì bà tin tưởng vào những giá trị cũ của Trung Hoa. Nhưng khi thấy đông đảo quần chúng đòi hỏi phải thay đổi thì bà nhượng bộ ngay.Tuy bà bị các thị dân Trung Hoa, nhất là người miền nam thù ghét, nhưng đại đa số nông dân vẫn kính sợ bà và gọi bà là Lão Phật Bà. Khi nghe tin bà từ trần, các nông dân đã thương tiếc bà, và hoảng sợ hỏi nhau sau khi bà chết rồi thì ai sẽ cai trị và bảo vệ họ.

     Người đàn bà Trung Hoa nổi tiếng nhất sau Từ Hi phải là Giang Thanh, vợ thứ tư của MaoTrạch Đông. Giang Thanh chiếm được quyền hành rất chậm sau khi làm vợ Mao Trạch Đông, một phần vì sự phản đối của các đồng chí của Mao. Khi cô đào hát Lam Bình, tên của Giang Thanh lúc đó, lò dò tới Diên An, thủ đô kháng chiến của hồng quân Trung Hoa, để tìm vận may thì được Mao Trạch Đông chú ý ngay. Lúc đó người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông là Hạ Tử Trân đang phải dưỡng thương vì những thương tích trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lam Bình xuất hiện đúng lúc con người dâm đãng Mao Trạch Đông đang lạnh lẽo thiếu thốn đàn bà. Gặp một cô đào hát tân thời từ Thượng Hải, với kinh nghiệm thập thành, Mao lao vào con mồi ngay, nhưng Mao gặp phải sự chống đối của các lãnh tụ cao cấp trong đảng.

     Trước khi tới Diên An, Lam Bình đã có vài đời chồng và hàng tá tình nhân rồi. Nếu để chủ tịch đảng kết hôn với một người đàn bà như thế thì uy tín cá nhân của Mao cũng như của đảng sẽ bị tai tiếng. Nhưng Mao đã rơi vào bẫy của Lam Bình nhiều mánh khóe điệu nghệ rồi thì không ai cản nổi. Cuối cùng các đồng chí của Mao đồng ý cho Mao ly dị với Hạ Tử Trân để lấy Lam Bình, với điều kiện Lam Bình không được có quyền hành chính trị. Chính vì thế ngôi sao của Giang Thanh lu mờ suốt trên hai mươi năm, cho mãi tới thập niên 1960 mới xuất hiện được.

     Võ Tắc Thiên, Từ Hi và Giang Thanh còn có một điểm giống nhau nữa, là cả ba đều không yêu người đàn ông tạo cơ hội cho họ nắm được quyền lực. Võ Tắc Thiên không thể thỏa mãn với một vua Cao Tông ốm yếu suy nhược. Bà chỉ yêu gã Sơn Đông mãi võ và hai anh em nhà họ Trương thôi. Từ Hi thì suốt đời chỉ yêu người anh họ là Vinh Lộc. Nếu không phải vào cung thì Từ Hi đã kết hôn với Vinh Lộc rồi. Ngay khi vào Cấm Thành, Từ Hi vô cùng thất vọng thấy vua Hàm Phong vừa xấu xí vừa suy nhược, không hào hoa phong nhã bằng quan chưởng vệ cấm binh Vinh Lộc. Vì thế đã có sự tư tình giữa Từ Hi và Vinh Lộc. Ngay vua Đồng Trị cũng có thể là con của Vinh Lộc, chứ không phải là con của vua Hàm Phong ốm yếu. Không những không yêu vua Hàm Phong mà nhiều khi Từ Hi còn cảm thấy ghê tởm, khi bị những bàn tay gầy guộc lạnh lẽo của vua Hàm Phong sờ mó thân thể, hoặc khi phải ôm ấp một bộ xương lúc nào cũng nóng hâm hấp vì bịnh hoạn.

     Giang Thanh là một người từng trải nhiều trên tình trường, và bất cứ lúc nào cũng sẵn sang dâng hiến thân thể để tìm cách tiến lên. Giang Thanh dường như không biết xấu hổ khi phải dùng tới thân thể mình. Sau khi bị lật đổ và bị bắt giam, một hôm Giang Thanh bị một nhóm đảng viên vào thẩm vấn. Đến một lúc Giang Thanh bực mình nổi giận chống đối, bà liền thoát y, tụt hết quần áo đứng trần truồng trước mặt các thẩm vấn viên, khiến cả bọn phải xấu hổ bỏ chạy ra khỏi phòng.

     Trong tình yêu, Giang Thanh đã có nhiều người tình lịch lãm đáng yêu hơn là Mao Trạch Ðông, một nông dân quê mùa của tỉnh Hồ Nam, ăn nói thô lỗ và mỗi ngày nuốt từng vốc ớt. Ăn ớt là một cái thú của Mao, và Mao đã từng tuyên bố người làm cách mạng mà không biết ăn ớt thì không thể làm cách mạng thành công được. Cuộc sống tại các hang núi đất hoàng thổ tại Diên An vào mùa đông thiếu nước rất là dơ dáy. Trong cuốn Nhật Ký Diên An của một cố vấn người Nga, người ta được chứng kiến Mao “chủ tịch vĩ đại” của một tỷ người Trung Hoa thò tay vào trong người gãi sồn sột; thỉnh thoảng Mao vội vàng vạch cạp quần ra để bắt vài con rận “phản động”. So với các công tử Thượng Hải, các nhà đạo diễn điện ảnh, các tài chủ từng đi qua đời Giang Thanh thì họ Mao quả thực thiếu “văn minh” nhiều lắm.

     Giang Thanh chỉ dùng Mao Trạch Đông như một phương tiện, để trước hết bước ra khỏi được cảnh nghèo đói, sau nữa là tìm được quyền lực chính trị từ người chủ tịch đảng cộng sản này. Người ta đã từng chứng kiến trong các cuộc khiêu vũ tại Diên An, chính Giang Thanh dắt tới giới thiệu cho Mao những người con gái khác, và Giang Thanh biết rằng sau cuộc khiêu vũ, các người con gái trẻ này sẽ được Mao tận tình chiếu cố, và Giang Thanh không hề ghen. Không ghen tức là không yêu. Thực ra Giang Thanh đã tìm được đối tượng khác để yêu, chẳng hạn như Uông Đông Hưng, viên tướng lo việc an ninh cho Mao, và sau này là Trương Xuân Kiều, một đồng chí thị dân tại Thượng Hải.

     Dẫu sao Giang Thanh cũng là một tay giang hồ già tay ấn, đã lợi dụng được Mao, tiếm quyền của Mao, ít nhất là trong một thập niên và đã đưa Trung Hoa vào những đổ vỡ kinh hoàng. Giang Thanh đã nhân danh văn hóa để triệt hủy văn hóa Trung Hoa. Đây là một sự tàn phá vô cùng đắt giá phí phạm, và người Trung Hoa không bao giờ có thể khôi phục lại được những gì Giang Thanh đã phá hủy. So với Võ Tắc Thiên và Từ Hi thì thành quả của Giang Thanh tại Trung Hoa chỉ là những tàn phá và không có phần xây dựng. Thời gian trị vì của Giang Thanh ngắn hơn các triều đại của Võ Tắc Thiên và Từ Hi, nhưng lại là một giai đoạn chết chóc nhiều nhất và kho tàng văn hóa Trung Hoa bị tiêu hủy nhiều nhất. Giang Thanh một thời được coi như một nữ hoàng, một thứ nữ hoàng nhân dân, cũng như hoàng đế nhân dân Mao Trạch Đông. Lịch sử đã không thuận lợi cho Giang Thanh nên Trung Hoa thoát khỏi cảnh một Võ Tắc Thiên lâu dài thứ hai.

     Mao Trạch Đông đã chọn cái tên Giang Thanh, thay cho cái tên Lam Bình. Cái tên Giang Thanh có thể gợi hình ảnh của một dòng sông xanh. Dòng sông ấy đã khởi nguồn từ tỉnh Sơn Đông sỏi đá, lúc đầu chỉ róc rách qua những nơi tăm tối, rồi cuồng phong dấy lên và dòng sông mượn sức mạnh của hoàn cảnh, nước xanh trong bỗng đổi màu đục ngàu, cuồn cuộn như thác lũ tràn bờ hoành hành khắp đất nước Trung Hoa trong suốt trên mười năm, phá hủy tất cả những gì cản trở dòng chảy của nó. Bây giờ dòng sông ấy đã khô cạn và mất dấu, như một người đã âm thầm lìa cuộc đời. Quả thực trong một thời gian mười năm, Giang Thanh đã biểu tượng cho một ngọn cờ hồng đẫm máu, và nhiều triệu người Trung Hoa đã căm hờn bà và gọi bà là Bạch Cốt Tinh, một con yêu tinh xương trắng. Dưới đây, chúng ta hãy quay nhìn lại cuộc hành trình của Giang Thanh đi vào lịch sử, và bắt đầu từ tỉnh Sơn Đông, quê hương của người đàn bà một thời làm nghiêng ngửa khối một tỷ người Trung Hoa.

 *

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Từ khóa » Tieu Su Giang Thanh Vo Mao Trach Dong