Kỳ 1: Cuộc đời Chìm Nổi Của Giang Thanh
Có thể bạn quan tâm
Giang Thanh sinh ra ở một ngôi làng heo hút ở tỉnh Sơn Đông vào năm 1914. Người cha lúc ấy đã 60 tuổi và rất ngao ngán khi mong mỏi con trai thì lại một đưa con gái ra đời. Người mẹ nuôi nấng Giang Thanh trong sự thiếu quan tâm của gia đình chồng. Bà đặt tên con là Thục Mông. Theo tập tục, người mẹ đã tiến hành thủ thuật bó chân cho Thục Mông để mong sau này con gái trở thành người hiền thục đoan chính, nhưng với tính cách mạnh mẽ và ngang bướng từ trong máu cô bé Thục Mông đã lột bỏ băng vải bó chân trước mắt các bạn học. Không những thế cố bé này còn là một học trò hiếu chiến. Thục Mông luôn gây ra các trận đánh nhau trong lớp học. Tất cả những biểu hiện từ tuổi ấu thơ đã biểu hiện tham vọng và bản chất của người đàn bà mà sau này làm khuynh đảo đất nước Trung Hoa và được cả thế giới biết đến.
Mao Trạch Đông và Giang Thanh ở Diên An.
Khi Thục Mông gần 10 tuổi thì người cha họ Lý mất. Hai mẹ con cô càng khó sống ở quê chồng. Người mẹ liền đưa con gái về quê ngoại ở Tế Nam và ở đấy ông ngoại Thục Mông đã đổi tên cháu thành Vân Hạc với mong muốn cháu gái sau này có cuộc sống sung sướng và nhàn hạ. Tuy nhiên đúng như câu cửa miệng của người đời “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, Vân Hạc đi học mà như ngồi trên lửa nóng không yên. Năm 14 tuổi cô ta bỏ học đi học kịch hát. Năm 1929, Vân Hạc vào trường nghệ thuật thực nghiệm tỉnh Sơn Đông và bắt đầu sắm các vai kịch hát và bắt đầu gắn bó đời mình với nghệ thật sân khấu. Ở lĩnh vực này Vân Hạc thể hiện là người có năng khiếu, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, các gánh hát mà cô ta phục vụ giải thể.
Mang ba cái tên, ba lần lấy chồng
Không biết bấu víu vào đâu, Vân Hạc lại trở về quê ngoại và ở đây trong hoàn cảnh thúc ép, Vân Hạc kết hôn với một người con trai họ Phí lúc mới 16 tuổi. Cuộc sống gia đình cùng với những tập tục nghiêm ngặt trói buộc người phụ nữ có chồng vẫn rất nặng nề. Vân Hạc với bản tính của một con ngựa chứng không chịu nổi sự gò bó đó đã lại một lần nữa phá tung “xiềng xích” gia đình. Cuộc hôn nhân nhanh chóng tan vỡ.
Trong lúc chưa biết làm gì, Vân Hạc lại gặp may khi nghe được tin Triệu Thái Mậu ông chủ cũ của trường thực nghiệm Sơn Đông, người rất thích giọng hát và phong cách biểu diễn của cô, hiện làm cán bộ quản lý trường đại học Thanh Đảo. Vân Hạc lần tới đó tìm và được gia đình ông Triệu Thái Mậu. Họ đã hết sức giúp đỡ Vân Hạc. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng của người đàn bà làm tan nát đất nước Trung Quốc sau này. Tại Thanh Đảo, Vân Hạc làm nhân viên quản lý thư viện, tuy không phải là sinh viên nhưng cô được dự nhiều khóa học về sáng tác văn học, nghệ thuật. Điều quan trong hơn là Vân Hạc có dịp gặp gỡ, làm quen với nhiều sinh viên. Những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cộng sản phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhiều sinh viên trường Thanh Đảo là thành viên “ Mặt trận văn hóa cộng sản”. Vân Hạc đã gặp và đem lòng yêu một sinh viên của thành viên mặt trận đó là Du Khởi Uy. Từ mối quan hệ này Vân Hạc được Du Khởi Uy giới thiệu tham gia các tổ chức thân cộng sản trong đó có “ Ban kịch Hải Tân”. Hoạt động tích cực trong ban kịch và với những vai diễn chống Nhật Bản xâm lược, Vân Hạc được nhiều người biết tới. Năm 1932, Du Khởi Uy giới thiệu Vân Hạc vào đảng cộng sản Trung Quốc. Vân Hạc và Du Khởi Uy lấy nhau. Cuộc sống gia đình không hôn thú ấy kéo dàì khoảng hai năm thì Du Khởi Uy bị Quốc Dân đảng bắt vào tù. Đây là cú sốc lớn trong cuộc đời Vân Hạc. Cô liền bỏ tổ chức đảng, bỏ cả Du Khởi Uy để về Thượng Hải tìm cơ hội mới. Tại đây, Vân Hạc theo nhóm thanh niên cộng sản rải truyền đơn, diễn kịch chống Quốc Dân đảng. Năm 1934, lúc ấy tròn 20 tuổi, Vân Hạc bị mật vụ Quốc Dân đảng bắt vào tù. Vân Hạc đã tự thú và chỉ bị giam vài tháng rồi được tha.
Sau vụ việc này Vân Hạc không còn mặn mà với các lý tưởng cộng sản nữa, cô ta một lần nữa đổi tên thành Lam Bình và thử sức trong một số vai diễn ở một gánh hát. Đặc biệt một vai diễn mang tên Nala khiến Lam Bình rất nổi danh. Cái tên Lam Bình và nghiệp diễn đã giúp Lam Bình có vị trí trong giới sân khấu Thượng Hải. Thậm chí năm 1935, được giới yêu nghệ thuật Thượng Hải gọi là năm Nala. 21 tuổi Lam Bình lấy chồng lần thứ ba. Chông cô ta là Đường Nạp, làm ở tạp chí Đại công báo. Cuộc sống và những thành công trên sàn diễn ở Thượng Hải tưởng đã là bến đậu của Lam Bình, nhưng rồi sóng gió lại xảy ra. Cô diễn viên xinh đẹp và tinh nghịch trên sân khấu khác hẳn với người vợ vốn rất ngang ngược và hiếu thắng trong cuộc sống gia đình khiến cuộc hôn nhân của Đường Nạp hết sức nặng nề. Chưa đầy hai năm Đường Nạp và Lam Bình lại ai đi đường nấy.
Tiến về đất thánh cách mạng
Từ bỏ ba người chồng một cách nhẹ nhàng, từ Thục Mông, Vận Hạc tới nay là Lam Bình, người con gái tài sắc nhưng ngang ngược ấy quyết làm một chuyến phiêu lưu lên vùng rừng núi heo hút Diên An, lúc ấy đang là Thủ đô của lực lượng công sản Trung Quốc. Được một số người hoạt động cộng sản ở Thượng Hải giới thiệu, Lam Bình gặp Ngụy Củng Chi, là vợ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sau này, giới thiệu tiếp và lọt vào Diên An. Tại đây Lam Bình xin được khôi phục đảng tịch, thật may là người chồng thứ hai Du Khởi Uy, người đã giới thiệu Lam Bình vào đảng đang có mặt tại Diên An. Anh ta đã xác nhận việc Lam Bình là đảng viên cộng sản ở Thanh Đảo và sau đó giới thiệu Lam Bình vào học lớp 12 trường đảng trung ương. Cuộc đời Lam Bình từ đây lại bước sang một trang mới.
Trong chương trình của khóa học có vài buổi được đích thân Mao Trạch Đông tới giảng. Với một người đã lão luyện tình trường và nghề diễn, Lam Bình nhân ngay ra cơ hội nghìn vàng để tìm cách gây ảnh hưởng và tiếp cận người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc. Trước buổi học chiều do Mao Trạch Đông giảng, Lam Bình đã chuẩn bị cho mình một dung nhan thật cuốn hút, từ trang phục đến động thái được tính toán rất chu đáo để ngay từ đầu gây được sự chú ý của Mao Trạch Đông. Lam Bình đến lớp học sớm, chiếm chỗ ngồi tốt nhất theo kinh nghiệm của một diễn viên, trong đầu tính toán từ động tác đứng lên, vỗ tay nhiệt tình hơn người khác, chăm chú nghe giảng, ghi chép, đăm chiêu suy nghĩ, đặc biệt là tạo ra nét mặt đặc biệt sùng bái diễn giả…Từ trong sâu thẳm Lam Bình đã tính toán mọi phương án để theo đuổi cuộc “đi câu” đến cùng.
Kỳ sau: Kết hôn lần thứ tư và bước lên vũ đài chính trị
Hoàng Hải Âu
Từ khóa » Tieu Su Giang Thanh Vo Mao Trach Dong
-
Giang Thanh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giang Thanh - Tống Mỹ Linh: Hai Lựa Chọn Và Hai Kết Cục
-
Lời Trăn Trối Trấn động Lịch Sử Trung Quốc Của GIANG THANH Phu ...
-
Giang Thanh, Vợ Yêu MAO TRẠCH ĐÔNG – Một Đám Cưới 4 Đời ...
-
GIANG THANH - Vợ MAO TRẠCH ĐÔNG | Người Phụ Nữ Thèm ...
-
Vụ Xử Giang Thanh - Phiên Tòa Thế Kỷ Của Trung Quốc - VnExpress
-
Giang Thanh Vợ Mao Trạch Đông, 25/01/1981
-
Chuyện Hôn Nhân Của Con Gái Mao Trạch Đông
-
Giang Thanh Và Tình Yêu Với Mao Trạch Đông - Vietnamnet
-
Vì Sao Cuối đời Mao Trạch Đông Muốn Ly Hôn Giang Thanh Mà Cuối ...
-
Bài 3: Hành Trình đến Với Mao Trạch Đông
-
GIANG THANH, Tình Dục Và Quyền Lực (37) | Nguyễn Vạn Lý
-
25/01/1981: Giang Thanh Bị Kết án Tử Hình - Nghiên Cứu Quốc Tế
-
Hai Người Phụ Nữ Trong Cuộc đời Mao Tươi Cười Trước Cái Chết Của ...