Giáo án Tiếng Việt 5 Tuần 4: Những Con Sếu Bằng Giấy

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 4: Những con sếu bằng giấyGiáo án Tập đọc lớp 5Nâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Giáo án Tiếng việt 5

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 4: Tập đọc - Những con sếu bằng giấy giúp các em học sinh hiểu tên người, tên địa lí nước ngoài. Bên cạnh đó, các em biết cách đọc diễn cảm bài văn với giọng trầm, buồn, nhấn giọng những từ ngữ miêu tả hậu quả nặng nề của chiến tranh hạt nhân, khát vọng sống của bé Xa da cô, mơ ước hòa bình của thiếu nhi. Mời các thầy cô tham khảo giảng dạy.

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập làm văn - Luyện tập tả cảnh (tiếp theo)

Tập đọc

Những con sếu bằng giấy

I. Mục tiêu

1. Đọc thành tiếng

- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương, đọc đúng các tên người, tên địa lí nước ngoài (Xa -da-cô Xa-da-ki, Hi-rô-si-ma, Na-ga-da-ki). Biết đọc ngắt nghỉ hơi sau dấu câu và ngắt hơi giữa các cụm từ.

- Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng trầm buồn; nhấn giọng những từ ngữ miêu tả hậu quả nặng nề của chiến tranh hạt nhân, khát vọng sống của cô bé Xa-da-cô, mơ ước hòa bình của thiếu nhi.

2. Đọc hiểu

- Hiểu các từ ngữ trong bài.

- Hiểu được ý chính của bài: tố cáo tội ác chiến tranh hạt nhân, nói lên khát vọng sống, khát vọng hòa bình của trẻ em toàn thế giới.

II. Đồ dùng dạy - học

Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to). Tranh, ảnh về thảm họa chiến tranh hạt nhân, về vụ nổ bom nguyên tử (nếu có)

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi một nhóm HS đọc phân vai bài tập đọc Lòng dân mà các em đã được học hôm trước và trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

- Nhận xét và cho điểm HS.

- Sáu HS thực hiện đọc phân vai bài tập đọc theo yêu cầu của GV.

B. Dạy bài mới

1. Giới thiệu chủ điểm và bài học

- GV yêu cầu HS quan sát tranh minh họa chủ điểm Cánh chim hòa bình và hỏi: các em hãy quan sát và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

- HS quan sát tranh và trả lời: Bức tranh vẽ cảnh chú bộ đội và các bạn nhỏ đang ngước nhìn bầu trời hòa bình.

- Hòa bình là khát vọng muôn đời của nhân loại. Để hiểu rõ thêm vì sao chúng ta muốn hòa bình chúng ta sẽ tìm hiểu qua các bài học có trong chủ điểm Cánh chim hòa bình.

- HS lắng nghe.

- GV đưa ra tranh minh họa của bài tập đọc và giới thiệu: Đây là tranh vẽ bạn Xa-da-cô Xa-xa-ki đang bị ốm nặng. Để tìm hiểu xem vì sao khi ốm Xa-da-cô gấp những con sếu để làm gì? Chúng ta cùng đọc và tìm hiểu bài tập đọc Những cánh chim hòa bình.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV ghi các từ: Hi-rô-si-ma, Na-ga-xa-ki, Xa-da-cô Xa-da-ki lên bảng để hướng dẫn HS đọc đúng.

- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- HS luyện đọc các tên người và tên địa lí nước ngoài ghi trên bảng.

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- GV yêu cầu HS đọc thầm trao đổi theo nhóm đôi tìm các đoạn trong bài.

- HS trình bày kết quả thảo luận trong nhóm:

*Đoạn 1: Từ đầu đến ... Nhật nhanh chóng đầu hàng.

*Đoạn 2: Tiếp theo đến ... nhiễm phóng xạ nguyên tử.

* Đoạn 3: Tiếp theo đến ... gấp được 644 con.

* Đoạn 4: Còn lại.

- GV gọi HS tiếp nối nhau đọc bài.

- Bốn HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.

- GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện đọc cho HS.

- HS phát âm lại các tiếng còn đọc sai và luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp .

- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.

- Bốn HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.

- GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết.

- Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.

- HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa.

- Yêu cầu HS đọc nối tiếp bài lần 3.

- Bốn HS đọc nối tiếp bài lần 3, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV đọc diễn cảm toàn bài.

- HS theo dõi giọng đọc của GV.

b) Tìm hiểu bài

- GV yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 và trả lời câu hỏi: Vào năm 1945, khi chiến tranh thế giới sắp kết thúc, Chính phủ Mĩ đã làm gì đối với Nhật Bản khiến cả thế giới ghê sợ?

- Mĩ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

- Yêu cầu HS đọc lướt lại đoạn 2 và 3 trả lời câu hỏi: Hậu quả hai quả bom đó đã gây ra thảm khốc như thế nào?

- Khi hai quả bom nổ đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Trong khoảng sáu năm (mới tính đến năm 1951) gần 100 000 người bị chết do nhiễm phóng xạ. Đấy là chưa kể những người tiếp tục phát bệnh sau đó 10 năm như Xa-da-cô và sau đó còn tiếp tục. Thảm họa do bom nguyên tử gây ra thật khủng khiếp.

- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 3 và trả lời câu hỏi: Xa-da-cô bị nhiễm phóng xạ nguyên tử khi nào? Và bao nhiêu lâu em mới bị phát bệnh?

- Xa-da-cô bị nhiễm phóng xạ khi Mĩ ném bom xuống thành phố Hi-rô-si-ma. Khi đó em mới hai tuổi. Mười năm sau, khi mười hai tuổi, Xa-da-cô mới phát bệnh

- GV: Như vậy hậu quả của bom nguyên tử gây ra thật kinh khủng, cứ tưởng may mắn được thoát nạn, nhưng mãi mười năm sau Na-da-cô mới phát bệnh. Các em đọc thầm đoạn 2 và cho biết: Khi lâm bệnh nặng cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống bằng cách nào?

- Na-da-cô hi vọng kéo dài cuộc sống bằng cách ngày ngày em lặng lẽ gấp sếu, vì em tin vào một truyền thuyết nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng sẽ khỏi bệnh.

- Xa-da-cô thật đáng thương. Khi biết chuyện, các bạn nhỏ đã làm gì để bày tỏ tình đoàn kết với em?

- Biết chuyện trẻ em trên toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã gấp hàng nghìn con sếu gửi tới tấp đến cho Xa-da-cô.

- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 4 và trả lời câu hỏi: Các bạn nhỏ đã làm gì để bày tỏ nguyện vọng được sống trong hòa bình?

- Khi Xa-da-cô chết, các bạn nhỏ đã xây dựng tượng đài tưởng nhớ Xa-da-cô, tưởng nhớ tới các nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Chân tượng đài khắc những dòng chữ thể hiện nguyện vọng: mong muốn cho thế giới này mãi mãi hòa bình.

- Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói gì với Xa-da-cô?

- Nhiều HS phát biểu tự do:

+ Tôi thương bạn. Tôi căm ghét vũ khí hạt nhân.

+ Cái chết của bạn làm chúng tôi hiểu sự tàn bạo của chiến tranh. Chúng tôi phải đấu tranh để chống lại nó.

+ Bạn hãy yên nghỉ, chúng tôi đang cùng mọi người đang đấu tranh để xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

+ Cái chết của bạn giúp chúng tôi phải biết yêu hòa bình, bảo vệ cuộc sống hòa bình trên trái đất.

+...

c) Luyện đọc diễn cảm

- Gọi bốn HS đọc nối tiếp diễn cảm từng đoạn của bài. Yêu cầu HS cả lớp theo dõi và tìm giọng đọc diễn cảm của bài.

- Bốn HS đọc nối tiếp diễn cảm bốn đoạn của bài. Cả lớp theo dõi, nhận xét bạn đọc và tìm cách đọc (như hướng dẫn ở trên).

- Tổ chức cho HS luyện đọc một đoạn của bài.

- GV đọc mẫu đoạn văn sau để luyện đọc cho HS.

- HS lắng nghe và luyện đọc theo yêu cầu của GV.

Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng / nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-da-cô. Nhưng / Xa-da-cô chết / khi em mới gấp được 644 con.

- Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp.

- HS luyện đọc theo nhóm đôi đoạn văn.

- Tổ chức cho HS thi đọc trước lớp.

- Nhiều HS thi đọc trước lớp. Cả lớp theo dõi nhận xét bạn đọc.

- Yêu cầu HS đọc toàn bài.

- Hai đến ba HS đọc toàn bộ bài văn.

- GV nhận xét cho điểm từng HS.

3. Củng cố, dặn dò

- Bài Những con sếu bằng giấy nói lên điều gì?

- Tố cáo tội ác chiến tranh hạt nhân, nói lên khát vọng sống, khát vọng hòa bình của trẻ em.

- GV nhận xét giờ học. Dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tiếp theo.

- HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

Từ khóa » Giáo án Bài Những Con Sếu Bằng Giấy