Giáo Dục Phổ Thông Là Gì? Cơ Sở Giáo Dục Phổ Thông Bao Gồm Cấp ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Giáo dục phổ thông là gì?
  • 2 2. Vai trò và mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?
  • 3 3. Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm cấp nào?
    • 3.1 3.1. Trường tiểu học:
    • 3.2 3.2. Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học:

1. Giáo dục phổ thông là gì?

Khái niệm giáo dục phổ thông không được quy định ở bất kỳ văn bản pháp luật nào, mà xuất phát từ sự nghiên cứ và tìm hiểu của bản thân, tác giả cho rằng, khái niệm này có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, cụ thể:

– Nếu xét giáo dục phổ thông là một giai đoạn giáo dục, có thể hiểu giáo dục phổ thông là giai đoạn học tập của người học từ mẫu giáo (mầm non) đến trung học phổ thông, trong đó, giáo dục phổ thông là giai đoạn chính, chiếm phần lớn thời gian học tập của người học. Hay nói cách khác, giáo dục phổ thông là một trong những thành phần trong hệ thống giáo dục quốc dân.

– Ở một góc độ khác, giáo dục phổ thông còn được hiểu là hệ thống giáo dục bao gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, giáo dục trung học phổ thông.

Thực chất, hai khái niệm này không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, dù được hiểu theo nghĩa nào, thì người đọc chỉ cần nắm bắt được rằng: Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

2. Vai trò và mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?

Có thể thấy rằng, giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cá nhân trong sự hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ, tinh thần, tâm hồn, vì vậy, với ý nghĩa là giai đoạn giáo dục chiếm phần lớn thời gian của người học, giáo dục phổ thông thực sự phải thể hiện hết vai trò của mình trên cơ sở thỏa mãn các mục tiêu luật định, cụ thể:

Thứ nhất, giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Thứ ba, giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. Thứ tư, giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm cấp nào?

Theo Điều 33 Luật Giáo dục năm 2019, cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học. Trên cơ sở quy định của pháp luật cùng với những hiểu biết cơ bản của bản thân, tác giả sẽ tập trung phân tích một số nội dung cơ bản về các cơ sở giáo dục này trong các tiểu mục dưới đây.

Xem thêm: Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 05/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

3.1. Trường tiểu học:

Trường tiểu học là nơi thực hiện giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một được áp dụng là 06 tuổi và được tính theo năm.

Dưới góc độ pháp lý, trường tiểu học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Trường tiểu học có thể được tổ chức theo một trong hai loại hình: công lập (do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu) hoặc tư thục (do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động).

Với tư cách là một cơ sở giáo dục độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trường tiểu học các nhiệm vụ và quyền hạn nhất định theo quy định tại Điều 3 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, cụ thể:

Một là, công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; tổ chức giảng dạy, học tập và hoạt động giáo dục đạt chất lượng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hai là, thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn. Huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến trường. Nhận bảo trợ và quản lý các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

Ba là, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gắn với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Bốn là, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; triển khai thực hiện sách giáo khoa và nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); thực hiện tự chủ chuyên môn trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại trường tiểu học.

Xem thêm: Mẫu thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông

Năm là, thực hiện tự kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục theo quy định.

Sáu là,quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Bảy là, quản lý và sử dụng đất, tài chính và tài sản của nhà trường theo quy định của pháp luật.

Tám là, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh, các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục. Tổ chức cho giáo viên, người lao động và học sinh tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Chín là, xây dựng môi trường văn hoá – giáo dục trong nhà trường, tham gia xây dựng môi trường văn hoá – giáo dục ở địa phương.

Mười là, được tiếp nhận các khoản tài trợ, viện trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với nhà trường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trường tiểu học còn phải thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Các nhiệm vụ quyền hạn trên gắn liền với sự vận hành và phát triển của cơ sở giáo dục, phù hợp với mục tiêu giáo dục đặt ra ở cấp đầu tiên trong hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông.

3.2. Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học:

Trường trung học cơ sở là nơi thực hiện giáo dục trung học cơ sở, được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm.

Trường trung học phổ thông là trường thực hiện giáo dục trung học phổ thông, được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

Trường phổ thông có nhiều cấp học được hiểu là trường bao gồm hai cấp 2 cấp trở lên: Trường tiểu học và trung học cơ sở; Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Dưới góc độ pháp lý, trường trung học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Về bản chất, các trường trung học có nhiều điểm tương đồng, do đó, khi ban hành điều lệ trường, Bộ Giáo dục không ban hành riêng từng điều lệ dành riêng cho các cấp trường như trường tiểu học.

Trường trung học cơ sở có thể được tổ chức theo một trong hai loại hình: công lập (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và trực tiếp quản lý; Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên của trường trung học công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm) hoặc tư thục ( do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập theo quy định của pháp luật. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường trung học tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.)

Xem thêm: Trường đại học là gì? Các cơ sở giáo dục đại học bao gồm?

Cũng giống như trường tiểu học, trường trung học cơ sở cũng là cơ sở giáo dục độc lập, do đó, cơ sở này cũng có nhiệm hạn, trách nhiệm phù hợp với chức năng của mình, cụ thể tại điều 3 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:

– Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

– Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.

– Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.

– Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.

– Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

– Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật. – Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật. So với trường tiểu học, trường trung học cơ sở có nhiệm vụ, quyền hạn rộng hơn, điều này xuất phát ở việc giáo dục trung học cơ sở là giai đoạn kết thúc giáo dục cơ bản, giáo dục trung học phổ là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, hơn nữa, quy mô, tổ chức giáo dục trung học cơ sở lớn hơn so với trường tiểu học. Các nhiệm vụ, quyền hạn đề ra là phù hợp với mục tiêu giáo dục của các cơ sở này.

Hiện nay, nước ta đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Điều này nhằm đảm bảo toàn bộ dân số được tiếp cận với giáo dục, hoàn thành sứ mệnh giáo dục của đất nước.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Luật Giáo dục năm 2019

– Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học.

– Thông tư 32/2020/Tt-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Từ khóa » Mục Tiêu Giáo Dục Phổ Thông Là Gì