Giáo Dục Thẩm Mĩ Thông Qua Bộ Môn Ngữ Văn ở Trường Phổ Thông

Qua các hoạt động học, môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá, thưởng thức cái đẹp, nói và viết để sản sinh cái đẹp; tạo cảm xúc thẩm mĩ, hình thành lí tưởng thẩm mĩ ở người học. Để đạt hiệu quả giáo dục thẩm mĩ, tạo rung động thẩm mĩ, quan trọng nhất là phải thay đổi phương pháp dạy học môn Ngữ văn.   

1. Vấn đề 

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, đánh dấu bước chuyển mình đổi mới căn bản từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về thể chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ. Theo đó, giáo dục thẩm mĩ là một trong bốn nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông, được thể hiện rõ trong mục tiêu: giúp học sinh có “nhân cách”,“đời sống tâm hồn phong phú”; “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống”.

Năng lực thẩm mĩ là một trong 10 năng lực cốt lõi trong yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục. Cùng với tư duy khoa học, năng lực thẩm mĩ là điều kiện cần thiết để con người nhận thức, lĩnh hội thế giới thực tại trong tính hoàn chỉnh, phong phú, và sinh động của nó. Con người có trí tuệ thông minh, kiến thức sâu rộng, có sức khỏe cường tráng, nếu thiếu giáo dục thẩm mĩ vẫn không được coi là con người toàn diện, thậm chí, dẫn tới hệ lụy khôn lường về mọi mặt cho xã hội hiện đại.

Giáo dục thẩm mĩ đem lại hiệu quả hoàn thiện con người cao nhất, nhưng lại là con đường có tính chất tổng hợp nhất, công phu và phức tạp nhất. Xuất phát từ thực trạng văn hóa xã hội, từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh phổ thông, giáo dục thẩm mĩ trở thành nội dung đặc biệt quan trọng, khai phá và đặt nền móng cho thẩm mĩ cả đời người. Bởi lẽ, giáo dục thẩm mĩ giúp học sinh hình thành năng lực cảm thụ và nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong tự nhiên, đời sống văn hóa nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng, về những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác). Học sinh được giáo dục thẩm mĩ đầy đủ sẽ có quan niệm riêng về cái đẹp, biết thưởng thức, sáng tạo, nhân rộng cái đẹp và hạn chế cái xấu, cái ác; từ đó hình thành nhân cách, hành vi ứng xử đẹp trong cộng đồng. Một khi con người trở thành chủ thể thẩm mĩ, đất nước sẽ phát triển và xã hội sẽ nhân văn.

2. Các bình diện giáo dục thẩm mĩ trong môn Ngữ văn

Xưa nay, vươn tới cái đẹp là khát vọng bản năng của con người. Văn hóa dân tộc Việt Nam luôn hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Nội dung giáo dục thẩm mĩ trong chương trình phổ thông mới mang tính kế thừa từ nền giáo dục của nhiều thế hệ. Điểm khác biệt là, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học, chứ không phải giáo dục truyền thụ kiến thức. Thời đại kỉ nguyên số công nghệ, kiến thức thay đổi theo từng giờ và tìm đến người thầy – chỉ là một cách - để người học có kiến thức. Người học cần có phẩm chất, kĩ năng để học tập suốt đời và giải quyết công việc trong thực tiễn, sống tự chủ. Giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức tạo ra con người “bao cấp”, chỉ biết làm theo khuôn mẫu, máy móc. Còn giáo dục hướng vào hình thành kĩ năng tạo ra con người sáng tạo, làm chủ tư duy, hành động. Theo tinh thần đó, điều cốt lõi nhất của giáo dục thẩm mĩ trong trường phổ thông là hình thành năng lực thẩm mĩ ở học sinh thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục. Năng lực thẩm mĩ là hạt nhân tạo nên chủ thể thẩm mĩ.

Ở nhà trường phổ thông, có nhiều môn học giúp hình thành và phát triển năng lực thẩm mĩ ở học sinh, như âm nhạc, hội họa, đạo đức, giáo dục công dân,… Nhưng cần khẳng định, Ngữ văn là môn học nhiều khả năng, sinh động, và chiếm nhiều ưu thế nhất để hình thành và phát triển năng lực này; là con đường ngắn nhất để giáo dục thẩm mĩ, hoàn thiện con người.

Chương trình giáo dục phổ thông gọi tên môn Ngữ văn, chứ không phải môn Văn học. Môn Ngữ văn là môn học tích hợp từ ba phân môn: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Nói cách khác, Ngữ văn bao gồm phần Ngữ và phần Văn, gắn bó, hỗ trợ nhau một cách chặt chẽ; vừa là môn học nghệ thuật (phần Đọc hiểu Văn bản), vừa là môn học thực hành (phần Tập làm văn); vừa bao gồm các hoạt động cảm thụ, thưởng thức cái đẹp, vừa bao gồm hoạt động sáng tạo ra cái đẹp bằng cả văn bản nói và viết, với hai hoạt động chủ yếu: Đọc hiểu văn bản – Tạo lập văn bản.

Phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ qua hoạt động đọc hiểu tác phẩm văn học là mục tiêu mang tính đặc trưng của môn Ngữ văn. Các kiến thức ngữ học được đưa vào chương trình nhằm cung cấp tri thức nền cần và đủ cho việc phát triển năng lực giao tiếp, trong đó có năng lực đọc văn, viết văn, cũng như cần thiết cho việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ. Hoạt động thực hành Tập làm văn là bước chuyển hóa năng lực thẩm mĩ của mỗi cá nhân thành văn bản, sản sinh ra cái đẹp. Năng lực thẩm mĩ được hình thành trong tất cả các hoạt động học Ngữ văn, khi học sinh được tiếp xúc với văn bản văn học và tiếng Việt. Đặc biệt, môn Ngữ văn còn nằm trong trục tích hợp mật thiết của văn hóa, lịch sử, địa lý, âm nhạc, hội họa, điện ảnh … nên có thể phát huy tối đa việc hình thành năng lực thẩm mĩ cho học sinh.

Môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông, phần Văn tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, phong phú ở nhiều thể loại, phong cách, trải dài theo từng giai đoạn; tựu chung, xoay quanh các chủ đề: Tình yêu nước, yêu quê hương; tình yêu con người, yêu thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Các tác phẩm mang đậm tính nhân văn, hướng đến giáo dục thẩm mĩ. Bằng phương tiện ngôn từ nghệ thuật, tác phẩm văn học phản ánh diện mạo phong phú của hiện thực khả nhiên trong mọi thời đại, mọi nền văn hóa, bất chấp không gian, thời gian. Người đọc thấy được cả lý tưởng thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ của chủ thể sáng tạo, của thời đại, hay một nền văn hóa, văn minh. Bản thân tác phẩm văn học là cái đẹp và sinh ra vì cái đẹp. Mọi mặt xấu xa, ác độc được phản ánh để bảo vệ cái đẹp, điều nhân văn.

Đọc văn học, không chỉ là cách lĩnh hội tri thức, mà còn là cách để thanh lọc tâm hồn, hướng thiện. Chính điều đó làm phong phú và ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tinh thần của người đọc. Mặt khác, quá trình tiếp nhận văn học là quá trình người đọc đồng sáng tạo, năng lực thẩm mĩ của chủ thể thưởng thức (học sinh) sẽ được bộc lộ và bồi dưỡng: tư tưởng, tình cảm, nhận thức, kinh nghiệm bản thân về cuộc sống…, với những biểu hiện cụ thể như thương yêu, cảm thông những nhân vật bất hạnh, nghèo khó; đồng thời căm tức, phê phán những thói hư, tật xấu,... Người học nhìn nhận hiện thực khách quan bằng quy luật của cái đẹp. Ý thức thẩm mĩ đã được hình thành và bồi dưỡng khi người học tiếp xúc với tác phẩm. Cảm thụ tác phẩm văn học là hành trình khám phá, cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Qua lớp vỏ ngôn từ, người đọc (học sinh) phát hiện ra cái đẹp, nảy sinh những rung động thẩm mĩ, rồi biết cảm nhận và đánh giá, thưởng thức cái đẹp. Khi đó, người đọc sống cùng tác phẩm, chuyển hóa cái đẹp của tác phẩm thành cội nguồn tinh thần của mình.

Từ vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm, nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống (đánh giá cái đẹp đúng đắn nhất), biết yêu thương, đồng cảm với những cảnh đời, số phận. Tất cả những điều đó, theo quá trình, đúc kết thành lý tưởng thẩm mĩ in sâu trong tâm hồn, tạo thành nhân cách và biểu hiện bằng những hành vi ứng xử đẹp.

Văn học tích hợp cả âm nhạc và hội họa. Nhà thơ Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”.  Vì vậy, văn học có thể kiêm nghiệm công việc giáo dục thẩm mĩ của cả hai bộ môn kia.

Âm nhạc tác động tới tâm hồn con người bằng phẩm chất của âm thanh. Nhưng không chỉ âm nhạc mới có giai điệu, nhịp điệu hút hồn người. Ngôn ngữ văn chương (đặc biệt là ngôn ngữ thơ), trong đặc trưng mang tính bản thể của nó đã mang đậm giai điệu như một bản nhạc. Tính nhạc trong văn học được tạo nên từ đặc điểm tiếng Việt giàu nguyên âm, phụ âm, thanh điệu, phong phú về cách hòa âm, tiết tấu; thay đổi âm thanh trầm bổng giữa thanh bằng – thanh trắc; từ dụng ý phối hợp từ, kết hợp các phép nghệ thuật của tác giả, v…v.  Mỗi âm tiết tiếng Việt như một nốt nhạc và nhịp là yếu tố then chốt để tổ chức lời thơ, gắn bó mật thiết với phương diện âm thanh.

Mở đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) là giai điệu du dương, man mác trong khoảnh khắc chiều tà nơi phố huyện, được tạo nên bằng cách phối khí các âm sắc thanh bằng, ngắt nhịp ngân nga: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Hai câu “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất” (Vội vàng, Xuân Diệu), với ba thanh trắc thuộc nhóm thanh cao liền kề “muốn tắt nắng đi” tạo cao độ của âm thanh, diễn tả khát vọng cháy bỏng muốn níu giữ thời gian; “cho màu đừng nhạt” – ba thanh bằng đi liền với một thanh trắc (thuộc nhóm thanh thấp), tạo âm điệu trầm, diễn tả nỗi tiếc nuối, cảm giác bất lực trước sự tàn phá của thời gian, thổn thức trong tâm hồn thi sĩ.

Tính nhạc trong tác phẩm văn học có thể thấm vào tận ngõ ngách sâu thẳm của thế giới tâm hồn, tác động trực tiếp vào tình cảm của người nghe trước khi lí trí nhận thức được những hiện tượng phản ánh từ đời sống. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc hình thành cảm xúc thẩm mĩ ở chủ thể thưởng thức (học sinh).

“Thi trung hữu họa”, ngôn ngữ văn chương còn giàu tính tạo hình. Mỗi tác phẩm văn học là một bức tranh về thiên nhiên, con người, thời đại, rực rỡ màu sắc, hình ảnh, đường nét. Như một người họa sĩ tài ba, chỉ bằng vài nét bút chấm phá và cách hòa phối màu sắc tinh tế,  Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh mùa xuân mơn mởn, tinh khôi, rạo rực sức sống: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều). Nguyễn Thành Long lại dùng bút lực để khắc họa chân dung người thanh niên lí tưởng của thời đại – anh thanh niên, v…v Hình ảnh của hiện thực, qua lăng kính chủ quan, bắt rễ từ cái đẹp, đi vào tác phẩm và biểu hiện bằng hình tượng văn học. Tiếp xúc với ngôn ngữ văn chương, người đọc rung lên những cảm xúc thẩm mĩ như đang lắng nghe giai điệu âm nhạc; đồng thời liên tưởng, tưởng tượng để tìm thấy tất cả những biểu hiện của cái đẹp trong thế giới tự nhiên, cũng như trong đời sống xã hội.

Như vậy, xuất phát từ nguồn gốc, đặc trưng, chức năng, quá trình tiếp nhận, tác phẩm văn học tác động đến toàn bộ thế giới tình cảm, cảm xúc, lí trí và ý chí của con người; là một vũ khí hữu dụng và ưu việt nhất trong việc kêu gọi, tập hợp, khích lệ, nâng cao đời sống thẩm mĩ của con người. Trong việc dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông, thiết nghĩ, hoạt động đọc hiểu văn bản tác phẩm là hoạt động quan trọng, chủ yếu để giáo dục thẩm mĩ cho học sinh. 

Hoạt động đọc hiểu văn bản tác phẩm hình thành hai năng lực thẩm mĩ ở người học: Năng lực khám phá cái đẹp và Năng lực thưởng thức cái đẹp, là tổng hòa của hai mặt lí trí (phát hiện, đánh giá cái đẹp) và cảm xúc (rung động thẩm mĩ). Hai năng lực này chuyển hóa liên tiếp nhau. Khi có những rung động thẩm mĩ, khám phá ra cái đẹp trong tác phẩm, người học mới có thể nhận xét, đánh giá đúng nhất cái đẹp, thưởng thức cái đẹp.

Điểm đáng chú ý là, để hình thành năng lực thẩm mĩ và chuyển hóa nó dần trở thành: ý thức thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ, lí tưởng thẩm mĩ, tạo ra chủ thể thẩm mĩ, thì mọi mắt xích của quá trình đều phải chủ động xuất phát từ người đọc – người học. Học sinh phải đóng vai trò là chủ thể thưởng thức, tự mình thực hiện hành trình đọc – khám phá – thưởng thức cái đẹp. Cần nhấn mạnh rằng, phải thực hiện được quá trình này, thì kiến thức, năng lực thẩm mĩ mới trở thành nền tảng văn hóa của học sinh và việc giáo dục thẩm mĩ qua môn học mới phát huy hiệu quả.

Khác với các môn tư duy khoa học – cung cấp kiến thức, môn Ngữ văn là môn nghệ thuật, được viết ra bằng tư duy nghệ thuật, đem tới cho người học cảm xúc trước cái đẹp. Vì vậy, việc dạy – học phải xuất phát từ tâm hồn, trái tim người học để đến được với cái đẹp nghệ thuật – cái đẹp của cuộc sống. Mọi sự áp đặt, dập khuôn, cảm nhận hộ,… sẽ không làm cho người học mở lòng tiếp nhận cái đẹp trong tác phẩm văn chương. Bởi thế, lối học truyền thụ kiến thức truyền thống xưa nay xem ra đã rất lỗi thời, khi người giáo viên “làm thay” và tước đi quyền trở thành một độc giả sáng tạo của người học. Học sinh phải ghi nhớ, thậm chí học thuộc lòng những cảm nhận giáo điều từ giáo viên. Lối học “đọc – chép” không tạo ra những rung động thẩm mĩ, trái lại, dẫn tới thực trạng học sinh thờ ơ, chán ghét môn Ngữ văn.

Theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết nghĩ, trên cả phương diện quan điểm và hành động, phải chấm dứt ngay lối dạy học theo kiểu nhồi nhét kiến thức, do giáo viên độc diễn và yêu cầu học sinh học thuộc, ghi nhớ một cách máy móc; chuyển sang lối dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Để phát triển tối đa năng lực thẩm mĩ, cần hướng vào hoạt động của người học là chủ yếu, chứ không chỉ hướng vào tác phẩm hay văn bản như cách dạy truyền thống trước đây. Giáo viên là người “nhạc trưởng” dẫn dắt học sinh vào hành trình khám phá và thưởng thức vẻ đẹp của tác phẩm văn chương. 

Trong giờ đọc – hiểu văn bản tác phẩm, giáo viên phải hướng tới hình thành cho học sinh năng lực khám phá cái đẹp: giúp học sinh phát hiện cái đẹp và có những rung động thẩm mĩ. Lưu ý, việc tạo ra rung động thẩm mĩ và khám phá, phát hiện cái đẹp là sự hòa quyện chặt chẽ, thống nhất giữa cảm xúc và lí trí; nhất thiết phải được xảy ra đồng thời và xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giờ học Ngữ văn. Nhưng cái đẹp trong văn học không bộc lộ ngay mà ẩn giấu sau lớp vỏ ngôn từ. Nhà văn đã nhào nặn, khái quát hiện thực cuộc sống, chuyển hóa nó thành các chi tiết nghệ thuật, hình tượng văn học mơ hồ, đa nghĩa. Trên cơ sở những rung động thẩm mĩ (cảm xúc), người đọc – người học phải có con mắt tinh tường mới phát hiện ra được (lí trí).

Lẽ dĩ nhiên, giáo viên văn học phải là người có năng lực phát hiện ấy và biết truyền tới cho học sinh. Tức là, trong một giờ học Ngữ văn, người giáo viên vừa bồi dưỡng những rung động, cảm xúc thẩm mĩ, vừa truyền dạy kĩ năng tự khám phá, phát hiện cái đẹp khi đọc tác phẩm. Người giáo viên phải biết gợi mở tầng tầng lớp lớp ý nghĩa ẩn sau những con chữ lặng yên trên trang giấy, để chúng đối thoại với học sinh. Muốn vậy, người giáo viên phải thực sự chiếm lĩnh và sống cùng tác phẩm và có rung động mạnh mẽ khi đọc – dạy tác phẩm. Tuy nhiên, người giáo viên không được sa đà vào bình giảng, thể hiện những lí giải của riêng mình, mà phải đủ “tỉnh táo” phối hợp nhuần nhuyễn các kĩ thuật, phương pháp dạy học tích cực, nhằm giúp học sinh chủ động khám phá tác phẩm.

Rung động thẩm mĩ, cảm xúc thẩm mĩ được khơi gợi ngay từ giọng nói và biểu cảm phi ngôn ngữ của giáo viên; từ hoạt động dẫn dắt vào bài, đọc văn bản tác phẩm – các hoạt động mà thường các giáo viên xem nhẹ. Vào bài mới lạ, với giọng nói biểu cảm tạo không khí văn chương, tạo tâm thế, hứng thú, gợi sự tò mò cho học sinh. Tác phẩm văn học là nghệ thuật của ngôn từ, bởi vậy phải hướng dẫn học sinh đọc văn bản truyền cảm theo đúng đặc trưng của thể loại, của nhân vật, phong cách tác giả.

Đọc sáng tạo là phương pháp đặc biệt của bộ môn Ngữ văn phải được vận dụng trong suốt giờ học, có ý nghĩa khơi nguồn cảm xúc, ấn tượng, không nên chỉ được tiến hành qua loa. Người giáo viên phải thực sự có kĩ năng và thăng hoa như người nghệ sĩ, vận dụng “vũ khí” sắc bén nhất của mình là giọng nói để người học cảm được sự phong phú trong nhiều sắc thái của đối tượng tác phẩm. Chẳng hạn, văn bản chèo Quan Âm Thị Kính, học sinh chỉ cần đọc cho ra chất giọng đanh đá, chua ngoa, cay nghiệt của Sùng Bà; giọng đau khổ, ấm ức, không thốt lên lời của Thị Kính; giọng thờ ơ, lãnh đạm của Thiện Sĩ là đã đủ để khái quát tình thế, cảm thông, thương xót cho số phận nhân vật. Hay những bài Cổng trường mở ra (Lí Lan), Con cò (Chế Lan Viên), nếu thể hiện được đúng giọng điệu tha thiết, tình cảm, thấm đẫm yêu thương, cảm xúc, người giáo viên có thể khiến học sinh thổn thức trước sự hy sinh lớn lao mà người mẹ dành cho mình. Ngược lại, đọc với giọng mỉa mai, giễu cợt, giờ học có thể không ngớt những tràng cười châm biếm xã hội lố lăng trong Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng), v…v  Như vậy, nhất thiết trong hoạt động học Văn phải để học sinh được đọc và cảm nhận những thanh âm. 

Hơn nữa, trong hoạt động đọc hiểu văn bản, người giáo viên phải biết thiết kế hệ thống câu hỏi đa dạng, phù hợp, mang tính chất khơi gợi. Bên cạnh các câu hỏi tìm hiểu kiến thức nền tảng, tri thức tác phẩm, phải đặc biệt chú trọng tới bộ câu hỏi để học sinh tự bộc lộ cảm xúc, nhận xét, đánh giá, liên tưởng, tưởng tượng, vận dụng, so sánh,… Kết hợp với bình giảng, các hoạt động hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản phải được tổ chức có trọng tâm, hướng đến năng lực người học, với nhiều phương pháp, kĩ thuật tích cực: hoạt động nhóm, tổ chức thuyết trình, làm dự án, khăn phủ bàn, lập sơ đồ tư duy, dạy học theo mảnh ghép, theo trạm, sắm vai,... Văn chương bắt nguồn từ đời sống, nhưng lại là diện mạo của nhiều thời đại khác nhau. Để tác phẩm trở lên gần gũi với đời sống thực tại của người học, giáo viên Ngữ văn không chỉ cần thổi hồn vào hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, để hiện thực ấy sống dậy sinh động; mà còn phải biết giúp học sinh liên hệ tác phẩm với cuộc sống xung quanh, định hướng thái độ thẩm mĩ, hành động thẩm mĩ trong những tình huống cụ thể. Người giáo viên phải biết hướng dẫn học sinh khả năng tự học ở nhà để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các ý đồ dạy học trên lớp bằng cách sử dụng phiếu học tập, phiếu điều tra, lập kế hoạch dự án,... Để tạo thêm hứng thú, giáo viên cần tích hợp tối đa âm nhạc, mĩ thuật,… minh họa nội dung tác phẩm, tác động tới rung động thẩm mĩ của người học. Chẳng hạn, tác phẩm Ca Huế trên sông Hương (Hà Ánh Minh) nếu được học dựa trên những giai điệu ngọt ngào của ca Huế; học bài Con cò (Chế Lan Viên) được nghe hát ru; học bài Tràng giang (Huy Cận), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) qua tranh vẽ, sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị đối với học sinh.

Giáo dục năng lực thẩm mĩ qua môn Ngữ văn còn được thể hiện rất rõ trong giờ học tiếng Việt, thực hành (Tập làm văn) và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Những rung cảm thẩm mĩ dần dần thấm vào cuộc đời học sinh, để rồi chúng phô diễn qua trang viết và lời nói hàng ngày. Giờ học tiếng Việt phải hướng đến mục tiêu giúp học sinh cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ, có năng lực sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và bộc lộ thế giới nội tâm. Đề văn trong giờ thực hành giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ để phát biểu suy nghĩ, cảm xúc về cái đẹp trong tác phẩm văn học, trong con người và cuộc sống; bày tỏ lập trường quan điểm, thái độ trước các hiện tượng xã hội. Qua rèn luyện, thị yếu thẩm mĩ sẽ trở thành bền vững, hình thành lý tưởng thẩm mĩ trong người học. Qúa trình thực hành viết bài văn là quá trình sáng tạo ra cái đẹp, đòi hỏi người viết phải có lý tưởng thẩm mĩ, biết rung động và thưởng thức thẩm mĩ. Học sinh biết quan sát, khái quát thực tế cuộc sống bằng con mắt của cái đẹp. Tuy nhiên, muốn làm được vậy, đề văn trên lớp hay bài tập làm văn về nhà cũng phải có tính chất mở, khơi gợi cảm xúc, sự hứng khởi, được bắt nguồn từ những điều thực tiễn trong cuộc sống, hướng đến giáo dục thẩm mĩ; tránh những đề “đóng”, dập khuôn, học thuộc, làm theo văn mẫu của cô.

 Năng lực thẩm mĩ – năng lực văn học được hình thành và phát triển thông qua quá trình rèn luyện bốn kĩ năng đọc, viết, nói, nghe. Vì vậy, cần đặc biệt lưu tầm tới các giờ học luyện nói, có trong chương trình cụ thể môn học, nhưng xưa nay vẫn thường xem nhẹ. Các giờ học luyện nói phải được chú trọng đầu tư đổi mới thiết kế hoạt động học, hướng tới học sinh nào cũng được nói, được trình bày quan điểm cảm nhận cá nhân. Trong giờ dạy, giáo viên cần quan tâm tới việc uốn nắn học sinh sử dụng ngôn từ, ngữ điệu khi phát biểu, thuyết trình, trao đổi nhóm,… để năng lực thẩm mĩ được thể hiện ra bằng lời ăn tiếng nói. Việc sử dụng tiếng Việt để tạo lập văn bản trong giao tiếp sẽ giúp học sinh thêm yêu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.          

Các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn là thực sự cần thiết, bổ trợ đắc lực trong việc bồi dưỡng tình yêu môn học và giáo dục thẩm mĩ. Các hoạt động như làm dự án cộng đồng, tổ chức câu lạc bộ thơ, sáng tác, diễn kịch, sân khấu hóa tác phẩm, sinh hoạt văn hóa dân gian, diễn xướng, gặp gỡ nhà văn, dã ngoại đến địa danh trong tác phẩm văn học,... nếu được tổ chức tốt, thường xuyên sẽ giúp kích thích lòng ham mê văn học. Đặc biệt, để khai thác tính hình tượng, nhạc điệu, tiết tấu, trong giảng dạy cần tích hợp liên môn giữa tác phẩm văn học và âm nhạc, mĩ thuật, … Học sinh thấy được cuộc sống văn chương thật gần gũi, giúp bồi đắp tư tưởng, tình cảm, thái độ, nhân cách và có thêm nhiều kĩ năng cần thiết của một công dân thế hệ mới.

Hạn chế về ngôn ngữ, kinh nghiệm sống, khả năng quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, nhận xét, đánh giá, tổng hợp,… của học sinh là những khó khăn tất yếu khi giáo dục thẩm mĩ qua môn Ngữ văn. Bởi vậy, người giáo viên Ngữ văn càng phải nhen lên trong học sinh tình yêu văn học, tích cực và tiên phong phát triển văn hóa đọc ở tập thể lớp, nhà trường và cộng đồng.

3. Kết luận 

Nói tóm lại, nhiệm vụ giáo dục thẩm mĩ, hướng tới giáo dục toàn diện thông qua bộ môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới là làm thế nào hình thành được năng lực thẩm mĩ cho học sinh. Sự hấp dẫn của cái đẹp, sự xúc động trước những điều cao thượng, sự lên án những điều xấu xa thấp hèn, sự trân trọng và cảm phục trước sức sáng tạo của con người, xuất phát từ những rung động thẩm mĩ nghệ thuật sẽ có tác dụng làm phong phú tâm hồn con người, hướng đến giá trị của Chân – Thiện – Mĩ. Môn Ngữ văn đóng vai trò thiết yếu, quan trọng nhất trong việc giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, công việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra cộng hưởng từ tất cả các bộ môn. Đây không chỉ là nhiệm vụ của giáo viên Ngữ văn, mà còn là trách nhiệm của học sinh - nhà trường – gia đình – xã hội. Giáo dục thẩm mĩ phải là một quá trình cả đời người, diễn ra thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, mà trước hết là ở nhà trường. Được như vậy, giáo dục phổ thông mới tạo ra những thế hệ thanh niên vững vàng về tri thức, đẹp trong nhân cách và tâm hồn. 

Tài liệu tham khảo:                                                                                      

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
  2. Nguyễn Trọng Hoàn (2018), Năng lượng của văn chương, NXB Văn học.
  3. Nguyễn Xuân Lạc (2017), Phát triển năng lực người học qua môn Ngữ văn, Báo Giáo dục thời đại.  
  4. Thế Hùng (2006), Mỹ học đại cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Xuân Nam (2017), Lí luận văn học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Từ khóa » Trục đánh Giá Của Quan Hệ Thẩm Mỹ