Giáo Trình Nội Bộ GDTC 1 | Thạc Sỹ Bùi Minh Tuấn - Mysite Tuaf

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU. 5

DANH MỤC VIẾT TẮT. 7

DANH MỤC PHỤ LỤC. 8

CHƯƠNG 1. 9

KHÁI QUÁT MÔN CẦU LÔNG. 9

1.1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CẦU LÔNG THẾ GIỚI 9

1.2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN MÔN CẦU LÔNG Ở VIỆT NAM.. 11

1.3. NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN CẦU LÔNG NỔI TIẾNG CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM THẾ KỶ XXI 13

1.3.1 Thế giới 13

1.3.2 Việt Nam... 15

1.4. ĐẶC ĐIỂM, TÁC DỤNG, CHỨC NĂNG CỦA MÔN CẦU LÔNG.. 18

1.4.1. Đặc điểm... 18

1.4.2. Tác dụng. 18

1.4.3. Chức năng. 19

1.5. HỆ THỐNG QUẢN LÝ CẦU LÔNG.. 20

1.6. NHỮNG GIẢI CẦU LÔNG LỚN TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM.. 21

1.6.1. Thế giới 21

1.6.1. Việt Nam... 23

(1) Giải vô địch Đồng đội Nam Nữ hỗn hợp. 23

(2) Giải vô địch Đồng đội Nam, Đồng đội Nữ. 23

(3) Giải vô địch cá nhân toàn quốc. 23

(4) Giải các cây vợt xuất sắc toàn quốc. 23

CHƯƠNG 2. 25

KỸ THUẬT CƠ BẢN CỦA CẦU LÔNG. 25

2.1. KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI KỸ THUẬT CẦU LÔNG.. 25

2.1.1 Khái niệm... 25

2.1.2 Phân loại kỹ thuật 25

2.2. KỸ THUẬT CẦM CẦU, CẦM VỢT VÀ CÁC TƯ THẾ CHUẨN BỊ 30

2.2.1. Kỹ thuật cầm cầu. 30

2.2.2. Kỹ thuật cầm vợt 31

2.2.3. Các tư thế chuẩn bị cơ bản. 33

2.3. KỸ THUẬT DI CHUYỂN.. 35

2.3.1. Di chuyển đơn bước. 36

2.3.2. Di chuyển đa bước. 38

2.3.3. Di chuyển bước nhảy. 39

2.4. KỸ THUẬT PHÒNG THỦ.. 41

2.4.1. Kỹ thuật đánh cầu thấp tay bên phải 41

2.4.2. Kỹ thuật đánh cầu thấp tay bên trái 42

2.5. KỸ THUẬT GIAO CẦU.. 44

2.5.1. Kỹ thuật giao cầu phải tay. 45

2.5.2. Kỹ thuật giao cầu trái tay. 46

2.6. KỸ THUẬT TẤN CÔNG.. 48

2.6.1. Kỹ thuật đánh cầu cao tay bên phải 48

2.6.2. Kỹ thuật đánh cầu cao tay bên trái 49

2.6.3. Kỹ thuật đập cầu thuận tay. 50

2.6.4. Kỹ thuật đánh cầu trên đỉnh đầu. 52

2.6.5. Kỹ thuật bỏ nhỏ. 54

2.6.6. Kỹ thuật chặn cầu. 56

2.6.7. Kỹ thuật đánh cầu trên lưới 57

2.6.8. Kỹ thuật chém cầu. 58

CHƯƠNG 3. 61

CHIẾN THUẬT THI ĐẤU CẦU LÔNG. 61

3.1. KHÁI NIỆM, Ý NGHĨA VÀ NHỮNG YÊU CẦU CỦA CHIẾN THUẬT CẦU LÔNG 61

3.1.1. Khái niệm và ý nghĩa của chiến thuật 61

3.1.2. Những yêu cầu khi vận dụng chiến thuật 61

3.2. CHIẾN THUẬT TRONG THI ĐẤU ĐƠN.. 63

3.2.1. Chiến thuật giao cầu trong thi đấu đơn. 63

3.2.2. Chiến thuật đánh cầu trong thi đấu đơn. 64

3.3. CHIẾN THUẬT TRONG THI ĐẤU ĐÔI 67

3.3.1. Chiến thuật giao cầu trong thi đấu đôi 67

3.3.2. Chiến thuật đánh cầu trong thi đấu đôi 68

3.3.3. Chiến thuật phối hợp di chuyển trong đánh đôi 70

CHƯƠNG 4. 75

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY KỸ THUẬT, CHIẾN THUẬT CẦU LÔNG. 75

4.1. CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CẦU LÔNG.. 75

4.1.1 Phương pháp sử dụng lời nói 75

4.1.2 Phương pháp trực quan. 77

4.1.3 Phương pháp bài tập. 78

4.1.4 Phương pháp trò chơi thi đấu. 80

4.1. GIẢNG DẠY KỸ THUẬT CẦU LÔNG.. 81

4.1.1. Mục đích, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác giảng dạy kỹ thuật 81

4.1.2. Các giai đoạn của giảng dạy kỹ thuật Cầu lông. 82

4.1.3. Tuần tự tiến hành giảng dạy kỹ thuật Cầu lông. 84

4.2. GIẢNG DẠY CHIẾN THUẬT CẦU LÔNG.. 86

4.2.1. Mục đích, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác giảng dạy chiến thuật 86

4.2.2. Các giai đoạn của giảng dạy chiến thuật Cầu lông. 87

4.2.3. Tuần tự các bước tiến hành giảng dạy chiến thuật 88

CHƯƠNG 5. 90

HUẤN LUYỆN CÁC TỐ CHẤT THỂ LỰC TRONG MÔN CẦU LÔNG. 90

5.1. Ý NGHĨA VÀ XU HƯỚNG HUẤN LUYỆN CÁC TỐ CHẤT THỂ LỰC.. 90

5.1.1. Ý nghĩa và xu hướng huấn luyện các tố chất thể lực. 90

5.1.2. Các xu hướng huấn luyện tố chất vận động. 91

5.2. CƠ SỞ SINH LÝ CỦA HUẤN LUYỆN CÁC TỐ CHẤT THỂ LỰC.. 93

5.2.1. Sự tác động qua lại của quá trình ưa khí và yếm khí 93

5.2.2. Quãng nghỉ, sự hồi phục những nguồn năng lượng trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 93

5.2.3. Hấp thụ ôxy tối đa (VO2Max) 95

5.3. HUẤN LUYỆN SỨC NHANH.. 96

5.3.1. Đặc điểm của sức nhanh trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 96

5.3.2. Phương pháp huấn luyện sức nhanh. 97

5.4. HUẤN LUYỆN SỨC MẠNH.. 99

5.4.1. Đặc điểm của sức mạnh trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 99

5.4.2. Phương pháp huấn luyện sức mạnh. 100

5.5. HUẤN LUYỆN SỨC BỀN.. 102

5.5.1. Đặc điểm của sức bền trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 102

5.5.2. Phương pháp huấn luyện sức bền. 103

5.6. HUẤN LUYỆN NĂNG LỰC MỀM DẺO.. 105

5.6.1. Đặc điểm của năng lực mềm dẻo trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 106

5.6.2. Phương pháp huấn luyện năng lực mềm dẻo. 106

5.7. HUẤN LUYỆN KHẢ NĂNG PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG.. 108

5.7.1. Đặc điểm của khả năng phối hợp vận động trong tập luyện và thi đấu Cầu lông. 108

5.7.2. Phương pháp huấn luyện khả năng phối hợp vận động. 109

CHƯƠNG 6. 111

PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC THI ĐẤU VÀ TRỌNG TÀI CẦU LÔNG. 111

6.1. MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT CƠ BẢN TRONG CẦU LÔNG.. 111

6.2. HÌNH THỨC VÀ TÍNH CHẤT THI ĐẤU.. 117

6.2.1. Hình thức thi đấu. 117

6.2.2. Tính chất thi đấu. 118

6.3. PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC THI ĐẤU.. 119

6.3.1. Phương pháp tổ chức thi đấu đồng đội 119

6.3.2. Phương pháp đấu loại 121

6.3.3. Phương pháp thi đấu vòng tròn. 124

6.4. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THI ĐẤU.. 129

6.4.1. Chuẩn bị tổ chức thi đấu. 129

6.4.2. Ban tổ chức giải 130

6.4.3. Điều lệ thi đấu. 132

6.4.4. Đăng ký thi đấu. 133

6.4.5. Bốc thăm xếp lịch. 133

6.5. PHƯƠNG PHÁP TRỌNG TÀI CẦU LÔNG.. 134

6.5.1. Những yêu cầu đối với trọng tài 134

6.5.2. Thành phần trọng tài của giải 136

6.5.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các trọng tài 137

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO. 140

PHỤ LỤC. 142

PHỤ LỤC 1. ĐIỀU LỆ GIẢI THI ĐẤU CẦU LÔNG MINH HỌA.. 142

PHỤ LỤC 2. BIÊN BẢN THI ĐẤU.. 146

PHỤ LỤC 3. GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI TẬP LUYỆN KỸ THUẬT CẦU LÔNG 147

PHỤ LỤC 4. GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI TẬP PHÁT TRIỂN THỂ LỰC CHUNG 151

PHỤ LỤC 5. GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI TẬP PHÁT TRIỂN THỂ LỰC CHUYÊN MÔN 154

LỜI NÓI ĐẦU

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội nước ta, ngành thể dục thể thao đã có những chuyển biến lớn góp phần nâng cao vị thế của thể thao nước nhà trên đấu trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, thể dục thể thao cũng có những đóng góp tích cực trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của thể chất đối với sự tiến bộ của con người và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng khởi sắc và gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận. Một số môn đã đạt được huy chương trong các cuộc thi đấu quốc tế và khu vực, trong đó phải kể đến môn Cầu lông. Đây là môn thể thao được du nhập vào nước ta từ năm 1960, tuy muộn hơn so với một số môn thể thao khác song đã nhanh chóng phát triển rộng khắp ở các tỉnh, thành trên toàn quốc. Sự phát triển môn Cầu lông là phù hợp với điều kiện kinh tế, tầm vóc, tố chất thể lực, phẩm chất ý chí của người Việt Nam và được đông đảo quần chúng đón nhận.

Hiện nay, môn Cầu lông có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao ở nước ta. Theo Thông tư số 25/2015/TT-BGDĐT ngày 14/10/2015 quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học, khối lượng kiến thức của chương trình môn học Giáo dục thể chất mà người học cần tích lũy tối thiểu là 3 tín chỉ (1). Ở nhiều trường đại học, môn Cầu lông được xây dựng là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo. Quá trình giảng dạy môn Cầu lông, các giảng viên cần không ngừng cập nhật, bổ sung những tài liệu mới. Việc biên soạn các tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập môn Cầu lông là rất cần thiết. Vì vậy, tập thể giảng viên Giáo dục thể chất Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã biên soạn cuốn “Giáo trình Cầu lông” dành cho bậc đại học không chuyên thể thao.

Nội dung cuốn sách gồm 06 chương, được sắp xếp một cách khoa học, nhằm cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản về lý thuyết và thực hành môn Cầu lông cho sinh viên trong quá trình học tập.

Tập thể tác giả biên soạn: tác giả Vũ Hồng Thái biên soạn chương 2, tác giả Nguyễn Trường Giang biên soạn chương 3, tác giả Bùi Minh Tuấn biên soạn chương 4, tác giả Nguyễn Khánh Quang biên soạn chương 5, tác giả Dương Thế Hiển biên soạn chương 6, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Em biên soạn chương 1.

Hy vọng cuốn giáo trình sẽ giúp cho chương trình giảng dạy và học tập môn Cầu lông của giảng viên, sinh viên các trường đại học không chuyên thể thao thêm hiệu quả.

Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã rất cố gắng, song chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Nhóm tác giả mong nhận được sự góp ý của các nhà chuyên môn, độc giả để cuốn giáo trình ngày càng hoàn thiện và có chất lượng cao hơn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nhóm tác giả

DANH MỤC VIẾT TẮT

STT

TỪ, THUẬT NGỮ VIẾT TẮT

Ý NGHĨA

1

BAC

Badminton Asia Confederation

(Liên đoàn Cầu lông châu Á)

2

BWF

Badminton World Federation

(Liên đoàn Cầu lông Thế giới)

3

IOC

International Olympic Committee (Ủy ban Olympic Quốc tế)

4

VBF

Vietnam Badminton Federation

(Liên đoàn Cầu lông Việt Nam)

5

VĐV

Vận động viên

6

VO2Max

Volume Oxygen Maximum

(Khả năng hấp thụ ôxy tối đa)

DANH MỤC PHỤ LỤC

PHỤ LỤC

TÊN PHỤ LỤC

TRANG

Phụ lục 1

Một số điều luật Cầu lông cơ bản

117

Phụ lục 2

Điều lệ giải thi đấu Cầu lông minh họa

118

Phụ lục 3

Biên bản thi đấu Cầu lông

122

Phụ lục 4

Giới thiệu một số bài tập luyện kỹ thuật Cầu lông

123

Phụ lục 5

Giới thiệu một số bài tập phát triển thể lực chung

127

Phụ lục 6

Giới thiệu một số bài tập phát triển thể lực chuyên môn

130

CHƯƠNG 1 KHÁI QUÁT MÔN CẦU LÔNG

A. MỤC TIÊU

Về kiến thức: Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lịch sử phát triển môn Cầu lông trên thế giới, những cột mốc trong quá trình phát triển Cầu lông tại Việt Nam.

Về kỹ năng: Trên cơ sở những kiến thức lý thuyết tiếp thu được, người học sẽ có kỹ năng trình bày về vị trí, vai trò của Cầu lông trong quá trình phát triển của thể thao nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Về tư tưởng: Giúp người học, sinh viên có góc nhìn bao quát để đánh giá thực tiễn sự phát triển của môn Cầu lông và các môn thể thao trong sự phát triển toàn diện của người học.

B. NỘI DUNG

1.1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CẦU LÔNG THẾ GIỚI

Môn Cầu lông ra đời cách đây hơn 2000 năm và hiện nay vẫn còn nhiều tài liệu khác nhau về thời điểm ra đời của nó. “Theo tài liệu của Nga thì sự ra đời của môn Cầu lông vào năm 1872”; “Theo tài liệu của Trung Quốc là vào năm 1873”. Dựa vào các tài liệu được ghi chép lại, người phát hiện ra môn này đầu tiên là một sĩ quan người Anh ở vùng Đông Nam Á-Ấn Độ. Đây là môn thể thao có nguồn gốc từ trò chơi PICNA.

Vào nhừng năm 60 của thế kỉ XIX trong thành PICNA của Ấn Độ có một môn trò chơi rất phổ biến và giống với các hoạt động của môn Cầu lông hiện nay, đó là dùng một chiếc vợt gỗ đánh một quả bóng làm bằng sợi nhung trên có gắn lông vũ qua lại trên một chiếc lưới ngăn cách.

Vào năm 1873 một vị công tước người Anh tên là BeauFort ở thị trấn Badminton thuộc quận Golasco nước Anh tổ chức một bữa tiệc mời bạn bè tại trang viên của mình. Bữa tiệc vừa kết thúc nhưng lại gặp phải thời tiết mưa lớn không dứt nên các vị khách đều dồn lại ở sảnh chính của lâu đài. Trong số khách tới dự bữa tiệc có một số sĩ quan từng phục vụ tại Ấn Độ đã đem trò chơi từ PICNA để giới thiệu cho mọi người, đồng thời tiến hành chơi ngay trên đại sảnh. Sự hấp dẫn của trò chơi đã nhanh chóng lan truyền khắp nước Anh, kể từ đó Badminton trở thành tên tiếng Anh của trò chơi này, từ đây, môn Cầu lông chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn trở thành môn thể thao hiện đại.

Sau sự kiện ở vùng Badminton năm 1873, môn Cầu lông được truyền bá nhanh chóng tại vương quốc Anh. Năm 1874 ở Anh người ta bắt đầu biên soạn luật, quy định, cách chơi môn Cầu lông. Để ghi nhớ nơi ra đời của môn thể thao mới người Anh gọi là Badminton. Người Pháp gọi là Featheball, Đan Mạch gọi là Battledore and Shuttlecock, Việt Nam gọi là Cầu lông (17).

Vào năm 1877, luật Cầu lông đầu tiên được hoàn chỉnh, áp dụng vào thi đấu. Vào năm 1893, hiệp hội Cầu lông nước Anh được thành lập để tổ chức lãnh đạo phong trào. Sau đó, môn Cầu lông được phổ biến rộng rãi và được xã hội công nhận.

Vào ngày 5/7/1934, Liên đoàn Cầu lông Thế giới được thành lập viết tắt là IBF (International Badminton Federation) gồm 54 nước tham gia, ngài Thomas được cử làm Chủ tịch. Sau đó, tại thành phố phía Nam Malmoe - Thụy Điển đã diễn ra giải Cầu lông Thế giới đầu tiên và áp dụng Luật thi đấu được Liên đoàn Cầu lông Thế giới ban hành.

Từ năm 1948, Liên đoàn Cầu lông Thế giới bắt đầu tổ chức giải vô địch Cầu lông đồng đội nam tranh cúp Thomas, đến năm 1956 bắt đầu tổ chức giải Cầu lông đồng đội nữ tranh cúp Uber. Tại giải Thomas cúp lần thứ nhất năm 1948, các nam VĐV của đội tuyển Malaysia đã đánh bại đội tuyển Mỹ trong trận chung kết để giành chức vô địch. Kể từ đó, các vận động viên châu Á bắt đầu thống trị các giải Cầu lông Thế giới.

Năm 1977, Liên đoàn Cầu lông Thế giới tiến hành tổ chức giải vô địch Cầu lông cá nhân Thế giới với 5 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

Năm 1988, tại Thế vận hội mùa hè lần thứ 24 ở Seoul (Hàn Quốc) môn Cầu lông được đưa vào với tư cách là môn thi đấu biểu diễn. Năm 1992 “IOC” đã công nhận Cầu lông là môn thể thao được thi đấu chính thức tại các thế vận hội Olympic mùa hè.

Liên đoàn Cầu lông Thế giới không ngừng phát triển, ngày càng có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại. Năm 1973 có 60 thành viên, năm 1983 tăng lên tới 80 thành viên, hiện nay đã có 176 nước tham gia trong đó có Việt Nam.

1.2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN MÔN CẦU LÔNG Ở VIỆT NAM

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, Cầu lông du nhập vào Việt Nam theo hai con đường: thực dân hóa và Việt kiều về nước. Sự xuất hiện của các môn thể thao Cầu lông ở Việt Nam được xác định là muộn hơn so với các môn thể thao khác. Khoảng thời gian những năm 1960 tại Hà Nội, Sài Gòn có xuất hiện một vài nhóm chơi Cầu lông. Đến năm 1961, Hà Nội tổ chức thi đấu giao hữu Cầu lông đầu tiên giữa các thành viên Câu lạc bộ tại vườn Bách Thảo - Hà Nội, tuy nhiên số người tham gia còn ít, trình độ chuyên môn chưa cao. Những năm sau đó, do đất nước bị chiến tranh nên phong trào tạm thời bị lắng xuống (10).

Đến năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, phong trào tập luyện Cầu lông mới thực sự phát triển mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Năm 1977, Tổng cục Thể dục thể thao đã thành lập Bộ môn Cầu lông với nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn để phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Năm 1980, giải Cầu lông toàn quốc Lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của Cầu lông Việt Nam trên đà phát triển theo hướng phong trào và nâng cao thành tích thể thao. Ngoài giải vô địch toàn quốc, Tổng cục Thể dục thể thao còn tổ chức nhiều giải thi đấu cho nhiều đối tượng trên quy mô toàn quốc như: Giải vô địch trẻ và thiếu niên toàn quốc, Giải người cao tuổi, Giải học sinh các trường phổ thông... để động viên phong trào. Cầu lông được đưa vào chương trình thi đấu chính thức trong Đại hội Thể thao toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng.

Tháng 10 năm 1990 Liên đoàn Cầu lông Việt Nam (VBF) được thành lập để phối hợp cùng với Bộ môn Cầu lông của Tổng cục Thể dục thể thao lãnh đạo môn Cầu lông Việt Nam theo hướng phát triển phong trào và thành tích thể thao đỉnh cao, phấn đấu trong những năm tới có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới.

Năm 1993, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Cầu lông Châu Á (BAC).

Năm 1994, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Cầu lông Thế giới IBF (nay đổi thành BWF). Các sự kiện trên là động lực thúc đẩy môn Cầu lông Việt Nam phát triển theo xu thế hội nhập với khu vực và Thế giới.

Năm 1996, giải Cầu lông Việt Nam mở rộng là một giải đấu Cầu lông quốc tế lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. Chức vô địch đôi nam giải Việt Nam mở rộng năm 1996 là danh hiệu quốc tế đầu tiên của đôi vợt nam Lee Wan Wah và Choong Tan Fook, đôi sau này trở thành cặp đôi huyền thoại của Malaysia. Sau lần tổ chức năm 1997, giải đấu bị gián đoạn trong suốt 8 năm, trước khi được tái tổ chức vào năm 2006. Năm 2007, giải Cầu lông Việt Nam mở rộng trở thành giải đấu thuộc hệ thống giải Grand Prix của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF).

Năm 2008, giải Cầu lông quốc tế Hà Nội mở rộng Cúp Ciputra được tổ chức tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Hà Nội (hình 1.1) với sự góp mặt lần đầu của các vận động viên nước ngoài như: Indonesia, Lào, Malaysia và Hồng Kông. Đây là giải đấu về sau đã ghi nhận sự có mặt và tham gia của nhiều vận động viên hàng đầu thế giới như: Vận động viên Momota Nhật Bản (hình 1.2) tham gia giải ở nội dung đơn nam và vô địch giải Hà Nội Ciputra năm 2018 (vô địch thế giới 2019, đứng thứ 1 trên bảng xếp hạng Cầu lông của BWF năm 2019), Yoo Yeon Seong (Hàn Quốc) vận động viên nội dung đôi nam đã từng vô địch thế giới cũng tham gia giải năm 2019.

CLB Cầu Lông Ciputra Hanoi – Thành tích xuất sắc tại Giải quốc tế ...

Hình 1.1. Giải Cầu lông Quốc tế VietNam Challenge

1_5qKqvvFKhmjhOh4z5yemSw.jpeg

Hình 1.2. Vận động viên Momota

Hiện nay, một số địa phương có phong trào Cầu lông phát triển mạnh như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Bắc Giang...

1.3. NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN CẦU LÔNG NỔI TIẾNG CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM THẾ KỶ XXI

Sự phát triển của Cầu lông nói chung đã mang đến niềm đam mê với người hâm mộ trên toàn Thế giới, những vận động viên thi đấu ở các nội dung khác nhau, có phong cách không tương đồng, tuy nhiên những thành tích họ đạt được trong thi đấu, những giây phút họ đem lại cho khán giả, người hâm mộ thực sự là những hình ảnh tuyệt vời của môn Cầu lông. Các vận động viên Thế giới và Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc cùng thành tích nổi bật trong làng Cầu lông Thế giới giai đoạn sau năm 2000.

1.3.1 Thế giới

(1) Lin Dan: vận động viên người Trung Quốc sinh năm 1983, đã giành được gần như tất cả các danh hiệu nội dung đơn nam tại các giải đấu danh giá nhất của Cầu lông Thế giới đương đại. Nổi bật là 2 lần đạt huy chương vàng Olympic vào năm 2008 và 2012, 5 lần đoạt chức vô địch Thế giới vào những năm: 2006, 2007, 2009, 2011, 2013, cùng vô số danh hiệu tai những giải đấu mở rộng của BWF. Đến nay, Lin Dan được coi là vận động viên thành công nhất ở nội dung đơn nam trong lịch sử Cầu lông Thế giới.

Hình 1.3. Lin Dan đoạt huy chương vàng Olympic 2008

(2) Taufik Hidayat: vận động viên người Indonesia sinh năm 1981, với lối đánh nhanh mạnh, tấn công quyết đoạn cùng với khả năng đánh lưới tuyệt vời, đặc biệt Taufik Hidayat được coi là vận động viên có kỹ năng xử lý trái tay tốt nhất trong lịch sử với khả năng ve đập (smash backhand) lên tới hơn 200km/h, và cú đập thuận tay từng được ghi nhận là nhanh nhất thế giới với tốc độ 305km/h. Taufik Hidayat gặt hái thành công khá sớm với huy chương vàng Seagames 1999, sau đó là chức vô địch Châu Á năm 2000 chính trên quê hương Indonesia, liên tiếp sau đó Anh đã thống trị nội dung đơn nam Thế giới với huy chương vàng Châu Á năm 2004, huy chương vàng Asia Games năm 2002, 2006 và đỉnh cao là huy chương vàng Olympic 2004, vô địch Thế giới 2005.

20090406_taufikhidayat.jpg (400×336)

Hình 1.4. Taufik Hidayat đoạt huy chương vàng Olympic 2004

(3) Lee Chong Wei: vận động viên người Malaysia sinh năm 1982, Lee Chong Wei được biết được như vận động viên “sinh nhầm thời” ở nội dung đơn nam trong lịch sử Cầu lông Thế giới. Dù có thời gian đứng số 1 trên bảng xếp hạng Cầu lông Thế giới nhiều nhất nhưng Lee Chong Wei chưa một lần giành huy chương vàng tại các kỳ Olympic với ba lần vào chung kết liên tiếp các năm 2008, 2012, 2016 trong đó Lee Chong Wei thất bại 2 trận chung kết trước Lin Dan đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của Anh. Trong lần thứ ba đối đầu Lin Dan tại bán kết Olympic 2016, Lee Chong Wei đã xuất sắc vượt qua Lin Dan để vào chung kết nhưng có lẽ do áp lực tâm lý, Anh đã thất bại chóng vánh trước một tay vợt đang khẳng định tên tuổi của Trung Quốc khác cũng xuất sắc không kém là Chen Long. Những thất bại cuối cùng luôn cản bước Lee Chong Wei bước lên bục vinh quang ở các giải đấu quan trọng nhất, Anh cũng đã thất bại tại 3 trận chung kết giải vô địch Cầu lông thế giới vào các năm 2011, 2013 và 2015. Thành tích nổi bật nhất với Lee Chong Wei là 2 chức vô địch Châu Á các năm 2006 và 2016, cùng vô số các danh hiệu tại những giải mở rộng của BWF. Dù vậy Lee Chong Wei vẫn được coi là một trong những vận động viên Cầu lông xuất sắc nhất thế hệ của mình và có lượng người hâm mộ rất lớn trên toàn thế giới. Lee Chong Wei với những đóng góp của bản thân đã được ghi nhận là một trong những vận động viên thể thao suất sắc nhất của đất nước Malaysia.

Lee Chong Wei clinches second Asian Badminton Championship title

Hình 1.5. Lee Chong Wei vô địch Châu Á 2016

1.3.2 Việt Nam

(1) Nguyễn Tiến Minh: sinh năm 1983 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí cao nhất là hạng 5 trên thế giới theo Bảng xếp hạng của BWF. Với việc được tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo 2021, Anh đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam 4 lần góp mặt ở Thế vận hội, Anh cũng là tay vợt nhiều tuổi nhất thế giới thi đấu tại kỳ Thế vận hội này.

Năm 2013, tại Giải vô địch Thế giới tổ chức tại Trung Quốc, Nguyễn Tiến Minh đã thắng tay vợt Jan.O.Jorgensen (Đan Mạch, hạng 10 thế giới) sau 3 set với tỷ số lần lượt 21-8, 17-21, 22-20 để lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt vào bán kết giải vô địch thế giới. Trong trận bán kết Tiến Minh đã để thua Lin Dan và sau đó giành huy chương đồng.

Nguyễn Tiến Minh giành HCĐ giải thế giới - BBC Vietnamese - Trang ảnh

Hình 1.6 Nguyễn Tiến Minh (đầu tiên từ phải sang trái) giành huy chương đồng tại Giải vô địch thế giới

(2) Lê Đức Phát: sinh năm 1996 tại Đồng Nai. Tay vợt này là 1 trong 4 VĐV thuộc lứa cầu thủ trẻ ưu tú được Liên đoàn Cầu lông Việt Nam gọi lên chuyên ngành và đầu tư kinh phí. Theo bảng xếp hạng BWF (10/2022), Lê Đức Phát xếp hạng 358 thế giới nội dung đơn nam. Anh từng vô địch Giải Cầu lông YONEX SUNRISE Pakistan International Series 2017.

undefined

Hình 1.7 Giải Cầu lông YONEX SUNRISE Pakistan International Series 2017

(3) Vũ Thị Trang: sinh năm 1992 tại Tỉnh Bắc Giang. Thành tích thi đấu quốc tế tiêu biểu của Vũ Thị Trang là tấm huy chương đồng Olympic trẻ 2010, huy chương đồng SEA Games 27 năm 2013 (tấm huy chương đầu tiên của Cầu lông nữ Việt Nam tại đấu trường khu vực). Vũ Thị Trang cũng là tay vợt nữ đầu tiên lọt vào vòng 16 tay vợt mạnh nhất nội dung đơn nữ tại giải vô địch thế giới 2014 ở Copenhagen, Đan Mạch. Cô đã từng tham dự Thế vận hội Mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro, Brasil. Theo bảng xếp hạng BWF (10/2022), Vũ Thị Trang xếp hạng 141 thế giới nội dung đơn nữ.

https://images.hcmcpv.org.vn/res/news/2019/12/22-12-2019-vu-thi-trang-vo-dich-giai-cau-long-graphics-challenge-tai-my-8EC82ECA-details.jpg?vs=22122019093440

Hình 1.8 Vũ Thị Trang nhận cúp vô địch giải Cầu lông Graphics Challenge tại Mỹ 2019

(4) Nguyễn Thùy Linh: sinh năm 1997 tại Phú Thọ. Năm 18 tuổi, Cô đã tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015. Cô đã giành được danh hiệu quốc tế đầu tiên tại Nepal International 2016. Tháng 9/2022, cô giành chức vô địch tại giải Cầu lông quốc tế tổ chức ở Bỉ. Tháng 10/2022 cô trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên lên ngôi tại Viet Nam Open 2022. Theo bảng xếp hạng BWF (10/2022), Nguyễn Thùy Linh xếp hạng 56 thế giới nội dung đơn nữ.

Hot girl cầu lông Thùy Linh trên đường tiếp bước vợ chồng Tiến Minh - Ngôi  sao

Hình 1.9 Nguyễn Thùy Linh đăng quang vô địch tại Cầu lông quốc tế Viet Nam Open 2022

1.4. ĐẶC ĐIỂM, TÁC DỤNG, CHỨC NĂNG CỦA MÔN CẦU LÔNG

1.4.1. Đặc điểm

Cầu lông là môn thể thao phát triển toàn diện cơ thể, phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Đặc biệt, lượng vận động của bài tập có thể thay đổi dựa trên độ tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của từng người một cách phù hợp nhất (10).

Tập luyện và thi đấu Cầu lông cần liên tục di chuyển, bật nhảy, xoay người, sử dụng hợp lý các kỹ thuật đánh cầu, kỹ thuật di chuyển để đánh cầu qua lại trên sân. Từ đó, tăng cường sức mạnh của các nhóm cơ chi trên, chi dưới, cơ thắt lưng và tốc độ phản ứng.

Cầu lông là môn thể thao đối kháng gián tiếp bởi các đấu thủ bị ngăn cách bởi lưới, sân, không gian trên lưới. Tuy không có sự va chạm trực tiếp giữa các đấu thủ nhưng tính đối kháng vẫn rất căng thẳng, được thể hiện qua những pha tấn công và phòng thủ nhằm chiếm ưu thế, giành điểm.

Cầu lông là một môn thể thao đòi hỏi sự linh hoạt cao trong cả việc vận dụng các kỹ chiến thuật vào các tình huống thi đấu cụ thể lẫn trong di chuyển trên sân để đánh cầu, đưa ra các phán đoán, xử lý tình huống trong thời gian rất ngắn. Trong thi đấu các VĐV Cầu lông vừa phải di chuyển rất nhanh đến các vị trí khác nhau để tiếp xúc cầu trong khoảng thời gian ngắn nhất nhưng lại hoạt động trong thời gian dài, với các hoạt động yêu cầu có sức mạnh, tốc độ và phải thực hiện các động tác với độ chuẩn xác cao.

Với đặc điểm hoạt động rất đa dạng, phức tạp nên để tập luyện và thi đấu hiệu quả, đòi hỏi các VĐV Cầu lông không những phải có trình độ kỹ chiến thuật tốt mà còn phải có trình độ thể lực cao, tâm lý thi đấu vững vàng.

1.4.2. Tác dụng

Cầu lông là môn thể thao được nhiều người yêu thích tham gia tập luyện, thi đấu. Cầu lông phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, mọi tầng lớp nhân dân lao động do dụng cụ, sân bãi tập luyện đơn giản, dễ tập...

Đối với thế hệ trẻ, thanh thiếu niên nhi đồng: tập luyện và thi đấu Cầu lông có tác dụng phát triển toàn diện các năng lực thể chất, tố chất thể lực như: Sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo và các năng lực chuyên môn để nâng cao thành tích thể thao Cầu lông; rèn luyện các phẩm chất đạo đức tâm lý, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, có thái độ đúng đắn với xã hội.

Đối với những người cao tuổi: tập luyện, thi đấu Cầu lông có tác dụng củng cố, tăng cường sức khỏe, chống sự lão hóa của một số bộ phận cơ thể, thông qua đó có thể phòng chống được một số bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi này như: suy nhược cơ thể, cao huyết áp…

Đối với những người làm việc trí óc, các công chức nhà nước: sau thời gian lao động căng thẳng mệt mỏi, việc tập luyện và thi đấu Cầu lông có tác dụng làm thay đổi trạng thái từ mệt mỏi sang hưng phấn, tạo được cảm giác thoải mái, dễ chịu, bớt đi sự căng thẳng cho hệ thần kinh, đưa dần cơ thể trở lại trạng thái bình thường.

Đối với những người lao động chân tay: tập luyện Cầu lông có tác dụng củng cố sức khỏe, tăng cường sức mạnh cơ bắp, hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt xử lý mọi tình huống trong cuộc sống một cách có hiệu quả nhất, chuẩn bị cho cơ thể bước vào lao động với hiệu quả cao.

1.4.3. Chức năng

Cầu lông đã được phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua, song sự phát triển vẫn chưa mang tính đồng nhất trên toàn Thế giới, trên mỗi Châu lục, mỗi quốc gia (10). Tuy nhiên một điều được khẳng định “Cầu lông có chức năng quan trọng trong cuộc sống”, điều này được thể hiện ở các điểm cơ bản sau:

Chức năng giáo dưỡng chuyên môn: hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia đã đưa môn Cầu lông vào các nhà trường (kể cả cả trường chuyên và không chuyên Thể dục thể thao) nhằm trang bị vốn ban đầu về kỹ năng, kỹ xảo vận động, những tri thức liên quan.

Chức năng thực dụng chuyên môn: được thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cầu lông trong toàn xã hội, đặc biệt là trong khối công nhân viên chức, lực lượng vũ trang ở nhiều quốc gia, với mục đích củng cố và tăng cường sức khỏe để tham gia lao động sản xuất, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Chức năng thể thao chuyên môn: điều này được thể hiện trong phương hướng phát triển thể thao thành tích cao ở mỗi quốc gia. Ngày nay, nhiều nước trên Thế giới đã đưa môn Cầu lông vào chương trình phát triển thể thao cấp cao, đặt thành tích tranh huy chương trên các đấu trường Quốc tế.

Chức năng giải trí: được thể hiện ngay từ ngày đầu khi Cầu lông mới xuất hiện nhằm mục đích giúp con người giải trí sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Chức năng văn hóa: đây là những chức năng cơ bản của bất kỳ một môn thể thao nào, được bao gồm bởi các chức năng giao tiếp liên kết, chức năng truyền thống, chức năng chuẩn mực hóa, chức năng thẩm mỹ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay với xu hướng toàn cầu hóa nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết những bất đồng bằng quan hệ ngoại giao, cần biện pháp hòa bình thì vai trò của Cầu lông nói riêng và Thể dục thể thao nói chung cũng đóng góp một phần không nhỏ cho những mục đích này.

1.5. HỆ THỐNG QUẢN LÝ CẦU LÔNG

Cho đến nay hệ thống quản lý môn Cầu lông ngày càng được hoàn thiện, thống nhất từ cấp Quốc gia đến Châu lục và Thế giới. Ở cấp cao nhất là BWF, nhiệm vụ chủ yếu của BWF là quản lý chỉ đạo, phát triển môn thể thao này trên phạm vi toàn cầu. Trong nhiều năm qua, BWF đã cử các chuyên gia của mình đến nhiều nơi trên Thế giới (đặc biệt ở các nước phát triển) để tổ chức giảng dạy, tập huấn cho các lớp huấn luyện viên, trọng tài. Ngoài ra, BWF còn có nhiệm vụ quản lý, tổ chức các giải thi đấu Cầu lông trên Thế giới, trong đó bao gồm các giảỉ như: Đại hội thể thao Olympic, Giải vô địch Thế giới, Giải vô địch Châu lục, các giải mở rộng của các nước thành viên.

Ở mỗi quốc gia khác nhau, hệ thống quản lý môn Cầu lông khác nhau. Điều này tùy thuộc vào sự phát triển của môn thể thao này trong nước, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, điều kiện phát triển xã hội và điều kiện kinh tế của quốc gia đó. Có thể tóm tắt hệ thống quản lý xã hội của môn Cầu lông theo sơ đồ sau:

Liên đoàn Cầu lông Thế giới

Liên đoàn Cầu lông Châu lục

Liên đoàn Cầu lông Quốc gia

Liên đoàn Cầu lông địa phương

(cấp tỉnh, thành, ngành)

Câu lạc bộ

Sơ đồ 1.1. Hệ thống quản lý môn Cầu lông

1.6. NHỮNG GIẢI CẦU LÔNG LỚN TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

1.6.1. Thế giới

Hiện nay, để tạo điều kiện cho VĐV của tất cả các quốc gia thành viên có thể tham gia thi đấu cọ sát, thể hiện tài năng của mình, BWF tổ chức nhiều giải thi đấu khác nhau. Tất cả các giải đấu này đều nằm trong phạm vi quản lý, kiểm soát của BWF, cách tính điểm cho từng VĐV tùy theo thành tích thi đấu của họ và cấp độ giải tham gia.

(1) Giải vô địch đồng đội nam Thế giới (Thomas Cup)

Thomas Cup là giải vô địch Cầu lông đồng đội nam của Thế giới. Thomas Cup được tổ chức theo đề xuất của Công tước Thomas (Chủ tịch đầu tiên của BWF). Chiếc Cúp cao 71cm, làm bằng bạc, giá trị lúc đương thời khoảng 3000 bảng Anh. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2, đến năm 1948 mới tiến hành tổ chức lần đầu tiên.

Thomas Cup trước đây được quy định 3 năm tổ chức 1 lần, hiện nay đổi thành 2 năm tổ chức 1 lần. Nội dung thi đấu gồm 3 trận đánh đơn và 2 trận đánh đôi.

(2) Giải vô địch đồng đội nữ Thế giới (Uber Cup)

Uber Cup là giải vô địch Cầu lông đồng đội nữ của Thế giới do BWF sáng lập, tổ chức vào năm 1956. Ban đầu giải cũng được tổ chức theo chu kỳ 3 năm tổ chức 1 lần, hiện nay đổi thành 2 năm tổ chức 1 lần. Nội dung thi đấu gồm 3 trận đánh đơn và 2 trận đánh đôi.

(3) Giải vô địch đồng đội nam nữ hỗn hợp (Sudirman Cup)

Sudirman Cup là giải thi đấu Cầu lông đồng đội hỗn hợp của Thế giới được bắt đầu tổ chức từ năm 1989. Cứ hai năm tiến hành 1 lần và tiến hành vào các năm lẻ. Thi đấu gồm 5 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

(4) Giải vô địch Cầu lông Thế giới

Giải vô địch Cầu lông Thế giới được bắt đầu từ năm 1977, chu kỳ 3 năm tổ chức một lần cho đến năm 1983. Năm 1985, chu kỳ thời gian tổ chức được rút xuống 2 năm một lần và tổ chức vào các năm lẻ. Bắt đầu từ năm 2006, giải đấu được đổi thành sự kiện hàng năm của BWF với mục tiêu tạo cơ hội cho các vận động viên đạt được danh hiệu “Vô địch thế giới”. Tuy nhiên, giải đấu sẽ không được tổ chức bốn năm một lần để nhường chỗ cho Olympic.

Giải vô địch Cầu lông Thế giới được tiến hành tranh huy chương ở 5 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

(5) Giải đấu Super Series

Hệ thống giải đấu Super Series được tổ chức thi đấu vào năm 2007. BWF công nhận đây là một giải thi đấu chính thức, chia ra hai cấp độ phân loại: Super Series Premier và Super Series. Hệ thống giải đấu này hiện nay được đánh giá là lớn nhất về mặt tiền thưởng, điểm cộng cao hơn hệ thống giải đấu Grand Prix Gold.

Super Series là một hệ thống các giải đấu, bao gồm 12 giải đấu tổ chức tại 12 quốc gia trên khắp Thế giới, trong đó có 5 giải Super Series Premier và quy tụ 32 tay vợt hàng đầu Thế giới. Các giải đấu được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 12 và mỗi tháng luân phiên một quốc gia chủ nhà.

Điểm khác biệt chính giữa hai phân cấp chính là Giải đấu Super Series có mức điểm xếp hạng, giá trị giải thưởng cao hơn Super Series Premier. Giải Super Series được tổ chức thường niên hằng năm, tốp 8 VĐV/cặp trong mỗi thể thức thi đấu trong bảng xếp hạng Super Series sẽ được mời đến tham gia giải Super Series Finals - giải đấu chung kết diễn ra vào cuối năm, nhằm tìm ra nhà vô địch của toàn giải. Nội dung thi đấu cũng tương tự như Grand Prix.

(6) Giải đấu Grand Prix và Grand Prix Gold

Hệ thống giải đấu Grand Prix và Grand Prix Gold là hệ thống thi đấu nổi tiếng về quy mô, tần suất. Bao gồm một loạt các giải được tổ chức ở hầu hết quốc gia trên khắp Thế giới, nơi đây quy tụ rất nhiều cây vợt xuất sắc, đã có thành tích nhất định trên bảng xếp hạng của BWF và được tổ chức hàng năm.

Năm 2007, giải được kí kết bởi BWF, dựa trên nỗ lực tìm ra cây vợt xuất sắc nhất giải để trao số tiền thưởng có giá trị lớn.

Nội dung thi đấu của giải bao gồm thi đấu đơn và đôi, dành cho những cây vợt chuyên nghiệp, đã là thành viên của Hiệp hội Cầu lông trực thuộc BWF. Để được xét vào vòng đấu loại, mỗi VĐV bắt buộc phải tham gia ít nhất hai nội dung thi đấu (ví dụ đơn nam và đôi nam), căn cứ vào số điểm tích lũy nhận được sau mỗi trận đấu. Số điểm tích lũy sau mỗi giải đấu không chỉ nhằm mục đích chọn ra người chiến thắng, mà còn giúp xác định thành tích của VĐV. Thứ hạng trên bảng xếp hạng được chiếu theo kết quả thi đấu của các giải khác nhau do BWF tổ chức trong vòng 52 tuần lễ (trừ các giải trẻ, giải tự tổ chức bởi các nhãn hàng).

Thể thức thi đấu xoay quanh 5 nội dung chính : đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam/ nữ.

1.6.1. Việt Nam

Hiện nay, để tạo điều kiện cho VĐV của tất cả các đơn vị có thể tham gia thi đấu cọ sát, thể hiện tài năng của mình, VBF tổ chức nhiều giải thi đấu khác nhau. Tất cả các giải đấu này đều nằm trong phạm vi quản lý, kiểm soát của VBF, cách tính điểm cho từng VĐV tùy theo thành tích thi đấu của họ và cấp độ giải tham gia.

(1) Giải vô địch Đồng đội Nam Nữ hỗn hợp

Giải thi đấu Cầu lông đồng đội nam nữ hỗn hợp của Việt Nam được bắt đầu tổ chức từ năm 1996. Cứ hai năm tiến hành 1 lần và tiến hành vào các năm lẻ. Thi đấu gồm 5 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

(2) Giải vô địch Đồng đội Nam, Đồng đội Nữ

(3) Giải vô địch cá nhân toàn quốc

(4) Giải các cây vợt xuất sắc toàn quốc

Câu hỏi ôn tập

< >Trình bày lịch sử phát triển Cầu lông Thế giới và Việt Nam.Trình bày đặc điểm, tác dụng của môn Cầu lông.Trình bày một số giải thi đấu quan trọng trong hệ thống giải thi đấu Cầu lông Thế giới.

Từ khóa » Hình Gdtc