Giấy Nghỉ Hưởng BHXH Có Thời Hạn Bao Lâu? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội là gì?
  • Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày?
  • Thời gian nộp giấy nghỉ ốm hưởng BHXH
  • Thủ tục nghỉ ốm hưởng BHXH

Để được hưởng BHXH khi nghỉ ốm, NLĐ cần được cấp Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội. Vậy Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội là gì? Giấy nghỉ hưởng BHXH có thời hạn bao lâu? Khách hàng quan tâm những nội dung trên vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm thông tin chi tiết.

Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội là gì?

Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là loại giấy được cấp khi người lao động nghỉ ốm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nghỉ ốm nào cũng được cấp giấy chứng nhận.

Theo Khoản 1, Điều 20, Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH như sau:

– Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở KCB đó;

– Giấy được cấp phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở KCB nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Giấy được cấp phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Giấy nghỉ ốm hưởng BHXH tối đa bao nhiêu ngày?

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

– Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

+ Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

+ Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

– Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

+ Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

+ Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

– Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Như vậy, theo quy định trên thì pháp luật về bảo hiểm xã hội không có quy định về giới hạn số ngày nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa trong 01 tháng mà chỉ giới hạn số ngày nghỉ hưởng ốm đau tối đa theo số năm mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, người lao động mắc bệnh dài ngày thì có thể nghỉ 180 ngày.

Thời gian nộp giấy nghỉ ốm hưởng BHXH

Căn cứ theo quy định của Luật BHXH tại khoản 2 Điều 102 thì: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Căn cứ khoản 1 và 2 Điều 116 Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, nếu việc nộp hồ sơ chậm mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì đơn vị sử dụng lao động phải bồi thường, cụ thể:

1. Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 và khoản 2 Điều 110, khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản.

2. Trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thủ tục nghỉ ốm hưởng BHXH

Các giấy tờ mà người lao động phải chuẩn bị:

– Trường hợp bệnh dài ngày cần điều trị nội trú: Phải có bản sao giấy ra viện, trong phần chẩn đoán phải ghi rõ mã bệnh và tên bệnh theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT.

– Trường hợp bệnh dài ngày chỉ cần điều trị ngoại trú:

+ Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội: Trong phần chẩn đoán có ghi rõ mã bệnh và tên bệnh theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT.

+ Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian nằm viện: Phần chẩn đoán của giấy ra viện phải ghi rõ mã bệnh và tên bệnh theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT.

Giấy tờ mà người sử dụng lao động cần chuẩn bị: Danh sách đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo Mẫu số 01B-HSB.

Bước 1: Người lao động nộp 1 bộ hồ sơ cho doanh nghiệp

Gồm bản sao giấy ra viện hoặc bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Thời hạn nộp: 45 ngày tính từ quay lại làm việc.

Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm.

Trong 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ của người lao động, doanh nghiệp phải lập Mẫu số 01B-HSB rồi gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 3: Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền chế độ ốm đau.

– Thời hạn giải quyết: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

– Hình thức chi trả tiền chế độ ốm đau dài ngày:

+ Nhận tiền mặt tại doanh nghiệp sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội đã chuyển trợ cấp cho doanh nghiệp.

+ Nhận tiền qua thẻ ATM của người lao động.

+ Nhận trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nếu chưa nhận tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã chuyển lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trên đây là một số chia sẻ của Công ty Luật Hoàng Phi về Giấy nghỉ hưởng BHXH có thời hạn bao lâu? Khách hàng theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc khác vui lòng phản hồi trực tiếp để được hỗ trợ nhanh chóng.

Từ khóa » Giấy Nghỉ Việc Hưởng Bhxh Có Thời Hạn Bao Lâu