Giới Luật - Phật Việt
Có thể bạn quan tâm
TÂM NHƯ – TRÍ THỦ TOÀN TẬP
Danh mục- Lời nói đầu
- Giáo lý về Nghiệp, cơ sở Đạo Đức Học và Luật Học
- LUẬT TỲ KHEO
- Giới Luật - Viên Âm Số 89
- Giới Luật - Viên Âm Số 91
- Ba Tháng An Cư
- Thử vạch một quy chế cho Tăng sỹ và một chương trình đào tạo Tăng sinh thích ứng với nhu cầu của Giáo hội trong hiện tại và tương lai gần
- Mười Điều Tâm Niệm
- TÂM NHƯ – TRÍ THỦ TOÀN TẬP: Thơ viết trong đời sống đạo
GIỚI LUẬTViên Âm – Số 89 trang 14 năm 1950
I. ĐỊNH NGHĨA GIỚI LUẬT
GIỚI: Nguyên tiếng Phạn là thi la (sila). Tàu dịch là Giới, có nghĩa là phòng bị, răn cấm, câu thúc. Đức Phật chế giới luật để người học đạo phòng ngừa tội lỗi, răn cấm hành động trái pháp, kìm hãm dục vọng, và câu thúc đời sống tư hữu của mình, hầu mong tiến dần đến quả vị giác ngộ.
Giới có nghĩa là phòng phi chỉ ác. Giới điều là những phương tiện giúp Phật tử sống thanh tịnh cao cả, bằng cách ngăn ngừa đoạn trừ những tâm niệm xấu xa, những hành động bạo ngược. Giới cũng gọi là biệt biệt giải thoát. Vì không phạm một điều ác, tất phá tan một hình ngục; làm được một điều thiện, tất có ảnh hưởng tốt đẹp cho phong hóa. Giới cũng vậy, nếu giữ trọn một giới nào, tức là giải thoát được quả báo đọa đày bởi nghiệp lực của giới ấy mà chúng ta đã phạm, đồng thời cũng hưởng được quả báo phước nghiệp của giới ấy, do chúng ta đã thọ trì. Thí dụ: Người không ăn trộm, tức không có kết quả tù đày lao ngục, đồng thời được người đời khen ngợi tán thán v.v… Ấy gọi là giới.
LUẬT: Tiếng Phạn là ưu ba la xoa (upalaksa), Tàu dịch là Luật: kỷ luật, pháp luật, luật lệ, nghĩa là những khuôn khổ, pháp tắc, điều luật thống nhất của Phật giáo Phật tử không có quyền phủ nhận, phải triệt để tuân hành. Nên nhớ pháp luật này, không ai có quyền thêm bớt, dù các hàng đại bồ tát cũng vậy; duy chỉ có đức Phật mới có quyền sáng chế thiết lập mà thôi. Cho nên, người nào đã phạm những kỷ luật ấy, nhất là chính mình đã một phen bạch kiết ma thọ lãnh, tức là phạm luật; và người xử tội, cũng phải triệt để y cứ trên khuôn mẫu pháp luật, do đức Phật đã thân hành chế ra, mà xử đoán trọng khinh. Thí dụ: người nào đã phạm vào những luật lệ chung của nước nhà, tức là phạm tội, và người mang trách nhiệm xử đoán tội nhân, cần phải căn cứ trên quốc pháp để chuẩn định nặng nhẹ. Ấy gọi là luật.
Trong đạo Phật, nhất về luật tạng, chúng ta thấy rất phiền toái và phức tạp, bởi có vô số danh tướng và thể thức riêng biệt nhau như danh, chủng, tánh, tướng, khai giá, trì, phạm v.v… Cũng bởi vì sự sai khác ấy, Cho nên, đồng làm một việc, có người thì phạm, mà có kẻ thì gọi là trì.
Cắt nghĩa một cách tóm tắt cho dễ hiểu: Giới luật tức là những quy củ, khuôn khổ, phép tắc do đức Phật thuận theo lý tánh chân thật mà kiến lập, để chế ngự và đối trị nghiệp duyên của chúng sanh. Cho nên, Phật tử cần phải triệt để tuân hành, nếu lơ đểnh hay trái phạm, tức là phá hủy lời dạy vô thượng của đức Phật, và không hướng thuận về pháp tánh chơn như, nghĩa là tự dìm mình xuống đáy sâu tội lỗi.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH GIỚI LUẬT
Với phần định nghĩa trên, chúng ta đã khái quát tinh thần thuần túy giới luật, nhưng cách áp dụng giới luật trên đời sống thực tại bằng phương tiện nào, thì chúng ta chưa thấy, Cho nên, đoạn này cần phải chỉ thị. Chúng sanh rất có nhiều chủng loại, trình độ khả năng cũng như niên lạp rất sai khác nhau, nên đức Phật kiến lập và truyền thọ giới luật cũng có nhiều tầng bậc. Tuy nhiên, lượng có sai khác, nhưng phẩm vẫn đồng nhất. Vì đồng nhất nên không ngoài bốn câu kệ sau đây:
a. Chư ác mạc tác: tránh xa tất cả những hành động tàn ác bạo ngược.
Giới luật cũng như hàng rào ngăn ngừa những điều phi pháp và đoạn trừ những cử chỉ bất lương. Cho nên, người nào không hành động hại mình hại người, ở hiện tại và tương lai, chính là người tuân hành giới luật. Đây là đứng về phương diện chỉ trì, giới tự lợi của hàng Tiểu thừa Thanh văn.
b. Chúng thiện phụng hành: triệt để thực hành tất cả những điều thiện.
Muốn hoàn thành tinh thần giới luật, không những chỉ chuyên trọng đoạn ác mà cần phải làm điều thiện. Tránh ác đã là một việc đáng quý nhưng làm thiện lại càng hi hữu hơn. Vì đấy là cử chỉ xả kỷ vị tha, là những bước hướng mạnh đến chân lý. Thọ trì giới luật tức là phụng sự điều thiện; một người chú trọng và tôn thờ điều thiện, tức là vâng giữ giới luật. Đây là đứng trên quan điểm tác trì của hàng Đại thừa Bồ tát.
c. Tự tịnh kỳ ý: chỉ trì và tác trì thiên trọng về nơi thân nghiệp, câu này mới thật căn cứ trên tác tư của ý nghiệp.
Nếu thực hành đúng hai phương diện chỉ, tác mà ý nghiệp chưa thanh tịnh, nghĩa là còn cấu đục bởi vô minh ích kỷ, tất nhiên không phải thuần thiện. Trạng thái này có thể quan sát trên hành động của kẻ đi câu thì sẽ thấy rõ. Cho nên, đánh giá một hành vi nào, muốn khỏi sai lầm, cần phải xét đoán trên tâm niệm, nhất là kết quả của hành vi ấy, và người nào ý niệm thuần lương, tức là thanh tịnh giới thể.
d. Thị chư Phật giáo: Không làm điều ác, phụng sự điều thiện, và ý niệm thuần khiết, là lời dạy bất di bất dịch của mười phương ba đời các đức Phật. Đây là một câu kết thúc, khuyến chúng sanh phải triệt để thực hành theo tinh thần và ý nghĩa của ba phương tiện trên. Nói một cách khác tức là đức Phật sách tấn chúng ta phải tôn trọng và tuân hành giới luật.
III. SỰ QUAN HỆ CỦA GIỚI LUẬT
Giới luật học là môn học trong ba tạng giáo điển của đức Phật, Cho nên, giới luật là một vấn đề quan hệ, Phật tử không thể nào bỏ qua.
Kinh có câu: “Giới tức là hạnh của Phật.” Cho nên, nếu người nào không giữ giới mà mong giải thoát, thời cũng đồng như người tìm sự thật trong mộng tưởng.
Sự tu hành cũng như cuộc khởi đi của kẻ lữ khách, muốn đến đích cần phải cụ bị lương thực, và tinh tấn tiến bước. Thiếu cần mẫn và tư lương tức không thể phát hành và đến đích. Và Tư lương của kẻ tu hành là Giới, Định, Huệ.
GIỚI: Như trên đã cắt nghĩa, giới là phòng phi chỉ ác, nghĩa là năng lực ngăn ngừa điều trái và đoạn phục các hành động bất thiện. Một người muốn thở không khí trong sạch giải thoát, cần phải thận trong và tu trì giới pháp. Giới là cơ sở duy nhất của Định và Huệ; thiếu giới, định, huệ không thành; cũng như không có đất, dinh thự và lâu đài phải sụp đổ. Định và huệ của phàm phu ngoại đạo, sở dĩ chênh lệch và sai khác với định và huệ của Phật giáo cũng do điểm này.
ĐỊNH: Trừng tịnh tâm duyên, sản phẩm trung thành của giới. Do giới chỉ trì nên thân, khẩu nghiệp không làm điều phi pháp, đồng thời ý nghiệp được thanh tịnh, không còn tâm tư xao xuyến khi nhập thiền định. Tự nhiên hành động của thân, miệng, ý xứng hợp với luật nghi, gọi là định cộng giới. Chúng ta nên nhớ, chỉ có định lực mới đủ khả năng kìm hãm vọng tâm và làm cho chơn tâm hiển hiện, nhưng lực sở dĩ thành tựu là do giới làm căn bản.
HUỆ: Năng lực minh mẫn chiếu liễu của trí. Huệ là phản ảnh của định. Có Định, Huệ mới phát sanh; ví như nước có lắng trong, mặt trăng mới tỏ hiện. Nhờ ánh sáng trí huệ soi đường, sự tu hành khỏi lạc vào ma đạo. Cũng như muốn đi trúng đích, kẻ bộ hành phải có nhãn quan tinh diệu. Nên nhớ: có trì giới, tu định, huệ mới phát sanh. Tam thừa thánh nhân do tu vô lậu thiền định mà phát sanh vô lậu trí huệ, tương ứng với vô lậu luật nghi. Giới thể phòng phi chỉ ác cùng với trí huệ cộng sanh thì gọi là đạo cộng giới.
Giới Định Huệ là cơ quan nguyên yếu của đạo Niết bàn An tịnh.
IV. HIỆU LỰC VÀ ÍCH LỢI CỦA GIỚI LUẬT
Chúng ta đã nhận thấy phương pháp thực hành và sự quan hệ của giới luật, nhưng chưa thấy sự hiệu lực và ích lợi của giới luật.
Như chiếc xe hỏa, nếu bánh xe không ăn khớp với lề đường thời không thể chạy được và xe sẽ trúc đổ. Hiệu lực của giới luật đối với sự tu hành cũng vậy. Nếu vượt ngoài quy củ giới luật tất nhiên không thể tăng tấn trên đường giải thoát, nếu không phải là tăng thượng duyên của sự đọa lạc. Trì giới đã khó khăn, tất nhiên kết quả cũng vĩ đại, nhưng không ngoài ba quan điểm sau đây:
a. Đối với quá khứ: Một nhà bác học chuyên cần nghiên cứu thí nghiệm, lẽ dĩ nhiên phát minh, sáng tạo được nhiều nguyên lý và ứng dụng tinh xảo. Sự ngờ vực ngu dốt lúc thiếu thời do đó mà tiêu tan. Cũng vậy, người tu trì giới luật nhờ năng lực trì giới, có thể chuyển nghiệp bất thiện ở quá khứ, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưởng thọ đầy đủ hiện tại.
b. Đối với hiện tại: Quả báo hiện tại là phản ảnh trung thành của nghiệp nhân quá khứ. Một khi chuyển được nghiệp quá khứ, quả báo hiện tại phải thanh tịnh an lành. Lại hiện tại đã tu trì giới luật, nghĩa là làm tất cả điều thiện, diệt trừ điều ác, thời lòng được sảng khoái vui tươi, và những nỗi niềm hồi hộp lo sợ không còn nữa. Giải thoát triền phược, diệt tận dục vọng mê mờ là phương châm cao đẹp của người trì giới. Không phạm hình luật, lương tâm không ăn năn hối hận. Đấy chính là hiệu quả của người thọ trì giới luật .
c. Đối với vị lai: Nhà nghệ sĩ chuyên môn rèn luyện nghệ thuật, người học trò siêng năng trau dồi học và hạnh, tương lai phải rực rỡ, kết quả sẽ phải tốt đẹp. Người trì giới thanh tịnh, nghĩa là chuyên trọng huân tập vô lậu chủng tử, dĩ nhiên kết quả vị lai phải trong sáng ngát hương. Đấy là định luật nhân quả, một sự thật tuyệt đối, không ai có quyền phủ nhận.
Một bằng chứng rõ ràng nữa, là nhờ có nền giới luật thiết thực và rộng rãi, Phật giáo không bị hoen ố bởi sự chi phối của thời gian, bao giờ cũng giữ màu sắc thuần túy đạo Phật. Vì sống trong quy củ giới luật, bất cứ thời đại nào, phương sở nào, dưới một hình thức nào Phật tử cũng có thể nhịp nhàng, dung hòa và chung sống với nhau như hòa hợp một bản đàn kỳ diệu. Bởi hiệu quả và ích lợi như trên, Cho nên, Phật tử cần phải lãnh thọ và tu trì giới luật.
V. CÁCH TRUYỀN THỌ GIỚI LUẬT
Vì giới luật có quan hệ mật thiết với sự tu hành giải thoát nên đức Phật sau khi thành đạo mười hai năm, đã kiến lập và chế ra giới luật. Cho nên, Phật tử, nghĩa là người tiếp tục thi hành sứ mệnh vị tha, nhất là hạng xuất gia, cần phải truyền thọ giới luật. Nhưng tuyền thọ bằng cách nào?
Muốn truyền giới cho người khác, tất nhiên mình phải thanh tịnh đầy đủ giới đức, và ít nhất người truyền giới cần phải hơn người được truyền một bậc, kể cả giới pháp và đức hạnh. Thí dụ, bậc tỳ kheo mới có quyền trao năm giới hay mười giới cho một hay nhiều người khác. Nếu không thì tất nhiên sự truyền giới không hợp pháp và giới thể không thành tựu. Cũng vì điều này nên hàng tại gia cư sĩ không được truyền thọ giới pháp cho ai.
Còn người thọ giới trước tiên phải tinh thành sám hối, tẩy trừ nghiệp chướng. Khi thân tâm đã rỗng không, sạch các túc chướng phiền não, mới được thọ giới. Đây cũng như muốn nhuộm áo, cần phải giặt sạch trước khi nhuộm. Cần nhất phải hợp xứ, hợp thời, và đầy đủ mọi điều kiện, giới thể mới được thành tựu. Phải trao thọ giới pháp trước ngôi Tam bảo, vì thọ giới chính là vâng theo lời dạy của ngôi Tam bảo và cũng để cầu khải hộ trì của Tam bảo.
Chúng ta lại cần phải biết rằng: thọ giới là một cử chỉ tùy nguyện, do thân tâm chân thành phát ra chớ không phải một sự miễn cưỡng ép buộc; cũng như người muốn qua sông, cần phải vin vào dây nổi, đấy là một lẽ tự nhiên, chứ không ai có quyền áp chế bắt buộc. Vậy nên sau khi thọ giới, chúng ta cần phải triệt để tuân hành, dù có phương hại đến tánh mạng cũng vậy. Vả lại, giới luật chính đức Phật y cứ nơi tự tâm thanh tịnh của chúng sanh mà kiến lập. Thọ giới chính là vâng theo những đức tánh thuần lương mỹ diệu của tự tâm, như thế có gì là ép buộc miễn cưỡng? Cũng như muốn bảo tồn cơ thể tất nhiên đói phải ăn, khát phải uống. Sự thọ trì giới luật cũng như thế mà thôi.
Bởi thế, muốn khỏi thối đọa duy trì tự tâm, kiến lập một cơ đồ giải thoát giác ngộ, Phật tử chúng ta cần phải triệt để tuân hành giới luật. Vô thượng thay đức Phật, người đã sáng lập giới luật; cao quý thay người đã sưu tầm, kiết tập và truyền bá giới luật. Đáng thán phục và đáng tôn trọng thay người đã phát nguyện vâng giữ giới luật.
Từ khóa » Các Giới Luật Trong Phật Giáo
-
Giới (Phật Giáo) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Về Giới Luật Trong Đạo Phật - Thư Viện Hoa Sen
-
Giới Luật Là Gì ? Năm Giới Luật, Tám Giới Luật, Mười Giới Luật Trong ...
-
Giới Luật Là Nền Tảng Căn Bản Của Phật Pháp - .vn
-
Đôi điều Về Học Giới Luật Phật Giáo | Giác Ngộ Online
-
Giới Luật Trong Phật Giáo- Ns. Liễu Pháp Giảng Trong Khóa Tu XGGD ...
-
KHÁI LƯỢC VỀ GIỚI LUẬT PHẬT GIÁO - Thiền Viện Thường Chiếu
-
TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT, LUẬT LỆ CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO
-
Tính Chất Giáo Dục Của Giới Luật Phật Giáo - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Đôi Nét Về đạo Phật Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Kinh Sách Phật Giáo - TẠNG LUẬT - (Bộ Luật) - Facebook
-
Luật Tạng: Tinh Hoa Của Lịch Sử - Văn Hóa Phật Giáo Trong Hành Trình ...
-
Ý Nghĩa Của Giới Luật Trong đạo Phật | Đại Bảo Tháp Tây Thiên
-
Giới Luật Trong Phật Giáo - NS. Liễu Pháp | CHÙA GIÁC NGỘ