Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015 (Phần I)

Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây được gọi là BLHS năm 2015). Văn phòng luật sư Ánh Sáng Luật xin giới thiệu những điểm mới, sửa đổi, bổ sung cơ bản của BLHS năm 2015

1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1.1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

BLHS năm 1999 không quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định TNHS của pháp nhân thương mại. Đây là một nội dung mới, quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam đã đặt ra TNHS của pháp nhân thương mại trong một số tội theo quy định của Bộ luật. Điều này, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh, xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật và qua kết quả lấy ý kiến Nhân dân, đa số đã tán thành việc quy định TNHS của pháp nhân. Qua thảo luận, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc bổ sung các quy định mới về TNHS đối với pháp nhân, trong đó: sửa đổi cơ sở TNHS (Điều 2) xác định rõ đối tượng là pháp nhân thương mại phạm một trong các tội được quy định tại Điều 76 của Bộ luật thì phải chịu TNHS; bổ sung nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội (Điều 3); quy định pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 6); mở rộng khái niệm tội phạm bao gồm cả pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 8); quy định các hình phạt chính (phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) và hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; và phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính) (Điều 33); bổ sung một chương mới (Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội gồm các điều từ Điều 74 đến Điều 89) quy định về điều kiện, phạm vi chịu TNHS; các hình phạt và biện pháp tư pháp cụ thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; việc quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn hình phạt và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Các quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

1.2. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này, do vậy việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS cần thận trọng, có bước đi phù hợp, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong BLHS nhằm xử lý hành vi phạm tội. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, trước mắt, xác định phạm vi các tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường. Trên tinh thần đó, Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 09 tội thuộc Chương XIX. Các tội phạm về môi trường, nếu phạm một trong các tội này, thì pháp nhân thương mại phải chịu TNHS.

Việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân (khoản 2 Điều 75. Điều kiện chịu TNHS của pháp nhân). Do vậy, trong quá trình áp dụng, giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định TNHS của pháp nhân, trước hết, cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội và trách nhiệm của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có), trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội phạm mà họ đã thực hiện. Trường hợp phát hiện tội phạm xảy ra, mà ban đầu mới xác định được trách nhiệm của pháp nhân, thì khởi tố vụ án, khởi tố pháp nhân phạm tội, sau đó tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý hình sự cá nhân liên quan – người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm việc xử lý TNHS đối với cá nhân, pháp nhân được toàn diện, triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm và cá nhân, pháp nhân phạm tội.

2. Sửa đổi các quy định xử lý người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội

2.1. Sửa đổi, bổ sung phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi

Theo quy định của BLHS năm 1999, người chưa thành niên (NCTN) từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Bộ luật mới nhiều ý kiến cho rằng quy định phạm vi chịu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi như hiện hành là quá rộng, chưa thực hiện đúng đường lối, chính sách xử lý hình sự đối với NCTN phạm tội. Mặt khác, nhiều tội phạm dù ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có tính phổ biến, thường xuyên xảy ra do người ở lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện, như: cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác, tổ chức đua xe trái phép, hiếp dâm, cưỡng dâm người dưới 16 tuổi, cướp tài sản… tạo nên tình trạng tội phạm học đường, gây nhiều nhức nhối và bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến gia đình và nhà trường, lại không được quy định để xử lý hình sự, không đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng ngừa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở phân hóa TNHS xử lý NCTN phạm tội, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm NCTN; đồng thời bảo đảm minh bạch và thực hiện tốt nguyên tắc nhân đạo, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: quy định rõ các tội danh cụ thể thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà NCTN từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS, đồng thời bổ sung một số tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có tính chất, mức độ nguy hiểm, xảy ra phổ biến mà mà NCTN từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cũng phải chịu TNHS để xử lý nghiêm khắc (khoản 2 Điều 12) . Những quy định này đều phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

2.2. Sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

Điều 69 BLHS năm 1999 quy định về nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội, tuy nhiên còn chung chung, mang tính tùy nghi. BLHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng cụ thể hơn và khẳng định các nguyên tắc: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ. Khi xét xử, Toà án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, ngoài việc tiếp tục quy định: “Toà án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng” của Bộ luật hiện hành, Bộ luật còn bổ sung “với thời hạn thích hợp ngắn nhất”… (các khoản 1, 4, 6 Điều 91). Các quy định này nhằm nội luật hóa và thể hiện tinh thần nhân đạo nêu tại Điều 37 của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, việc bắt, giam giữ hay bỏ tù trẻ em chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất.

2.3. Đổi mới quy định về miễn TNHS đối với NCTN phạm tội

– Điều 69 BLHS năm 1999 quy định NCTN phạm tội có thể được miễn TNHS, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2). Để tạo điều kiện giảm tối đa việc xử lý TNHS đối với NCTN phạm tội, Bộ luật năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét, áp dụng việc miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, trong các trường hợp cụ thể theo quy định của Bộ luật (khoản 2 Điều 91).

– BLHS năm 1999 không quy định khi miễn TNHS đối với NCTN phạm tội, các cơ quan tố tụng phải áp dụng kèm theo các biện pháp giám sát, giáo dục họ; do vậy, để bảo đảm chặt chẽ hơn, BLHS năm 2015 đã sửa đổi chế định này theo hướng bổ sung mới quy định: khi quyết định miễn TNHS cho người dưới 18 tuổi, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục (quy định tại Mục C Chương XII) đối với họ, bao gồm: Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; hoặc Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (các điều từ 93 đến 95). Việc quyết định miễn TNHS và áp dụng các biện pháp này chỉ được thực hiện khi người phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý (Điều 92). Trong các biện pháp này, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp tư pháp áp dụng đối với NCTN phạm tội trong BLHS năm 1999, nay BLHS năm 2015 đã chuyển hóa thành biện pháp giáo dục áp dụng trong trường hợp miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS năm 2015 chỉ còn lại biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đây là những điểm mới, tiến bộ được quy định trong Bộ luật với mục đích tăng khả năng áp dụng các quy định về miễn TNHS đối với NCTN phạm tội, hạn chế thấp nhất việc phải áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với NCTN phạm tội, bởi xuất phát từ đặc điểm của độ tuổi cũng như yêu cầu tăng cường trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc giám sát, giáo dục NCTN, việc áp dụng các biện pháp xử lý mang tính chất thay thế hình phạt và biện pháp tư pháp như: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn là phù hợp với điều kiện tâm, sinh lý và yêu cầu giáo dục, phòng ngừa NCTN phạm tội. Việc quy định các biện pháp giám sát, giáo dục bắt buộc kèm theo sẽ bảo đảm việc xem xét quyết định miễn TNHS và việc giáo dục, phòng ngừa xã hội được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, giúp NCTN phạm tội nhận thức được lỗi lầm, ăn năn hối cải và khắc phục sai phạm.

Từ khóa » Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015