Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 (Phần IV)
Có thể bạn quan tâm
9. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể khác
Ngoài những vấn đề trọng tâm nêu trên, BLHS năm 2015 còn có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, đó là:
Những nội dung sửa đổi, bổ sung thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội
– Sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội (Điều 14) theo hướng bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện tội phạm, tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Quy định như vậy là phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên và nhằm nội luật hóa nội dung Công ước này. Đồng thời quy định rõ 20 tội danh mà người chuẩn bị phạm tội bị xử lý hình sự và cụ thể 04 tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi chuẩn bị phạm tội bị xử lý hình sự.
– Sửa đổi, bổ sung quy định về che giấu tội phạm theo hướng người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được BLHS quy định (khoản 2 Điều 18).
– Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế, không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (khoản 2 Điều 38); mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính (Điều 35) đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), bổ sung quy định không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ; không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
– Quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định (Điều 40)
– Sửa đổi, bổ sung quy định về xóa án tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, theo hướng: 1) người được miễn hình phạt và người bị kết án do lỗi vô ý về một tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng thì không bị coi là có án tích (Điều 69); 2) rút ngắn thời hạn đương nhiên xóa án tích so với quy định hiện hành, và bổ sung quy định Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu người bị kết án đủ điều kiện (Điều 70).
Những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
– Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, theo hướng: thay đổi tên chương thành Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (Chương XV); bổ sung, quy định là tội phạm đối với các hành vi “xâm phạm”, “cản trở” hoặc “ép buộc” trái pháp luật cá nhân, công dân trong việc thực hiện các quyền của mình; bổ sung làm rõ các tình tiết định tội, định khung và quy định tăng nặng hình phạt đối với hầu hết các tội thuộc nhóm này. Sửa đổi Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ thành Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới và quy định rõ hơn các dấu hiệu của tội phạm, bảo đảm thi hành quy định của pháp luật về bình đẳng giới (Điều 165).
– Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX) nhằm phi tội phạm hóa một số tội danh , cụ thể hóa các hành vi, trường hợp phạm tội, bổ sung các hành vi, các tội danh mới liên quan; tăng hình phạt tiền với tính cách là hình phạt chính và nâng mức phạt tiền phù hợp thực tiễn đối với các tội này; quy định xử phạt cụ thể đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thuộc 02 nhóm này;… giúp cơ quan tiến hành tố tụng xử lý triệt để, chính xác tội phạm, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định, bảo vệ phát triển bền vững môi trường.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
– Sửa đổi, bổ sung các nhóm tội phạm cụ thể: bổ sung, quy định rõ các tình tiết, hành vi cấu thành tội phạm; thiết kế lại hợp lý các khung hình phạt; bổ sung các trường hợp phạm tội và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt ở các điều luật.
– Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI) theo hướng: bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tải sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với một số tội xâm phạm sở hữu, tăng mức phạt tiền áp dụng là hình phạt bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu. Cụ thể hóa hành vi phạm tội, phân định rõ hơn các trường hợp phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng; bổ sung trường hợp xử lý hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (Điều 175).
– Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng (Chương XXI) theo hướng: Quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội: cản trở giao thông đường bộ; tổ chức đua xe trái phép; đua xe trái phép (các điều 261, 265, 266)…; cụ thể hóa hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng định khung.
– Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (chương XXIV) theo hướng: sửa đổi khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án nhằm bảo đảm xử lý mọi đối tượng có hành vi xâm phạm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật tố tụng và thi hành án. Cụ thể hóa, bổ sung các tình tiết định tội hoặc tăng nặng định khung, nâng mức hình phạt ở một số khung tăng nặng trong hầu hết các tội danh, thu hẹp hợp lý khoảng cách các khung hình phạt trong một số điều luật cụ thể. Sửa đổi, bổ sung tội dùng nhục hình (Điều 373) và tội bức cung (Điều 374) trên tinh thần cập nhật nội dung Công ước chống tra tấn mà nước ta là thành viên; sửa đổi, bổ sung Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375) theo hướng mở rộng chủ thể tội này, ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp cũng có thể trở thành chủ thể của tội này vì họ có cơ hội tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc; bổ sung mới Tội gây rối trật tự tại phiên tòa để bảo đảm trật tự, tôn trọng tính uy nghiêm của phiên tòa xét xử (Điều 391).
Sửa đổi, bổ sung nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên Để nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời, bảo đảm xử lý tội phạm trong thực tiễn, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung Chương XXIII. Các tội phạm về chức vụ theo hướng: mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ bao gồm cả trong khi thi hành công vụ và nhiệm vụ (Điều 352), để bảo đảm xử lý tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài Nhà nước). Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà có hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ (các điều 353, 354); Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (Điều 364); Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (Điều 365)… cũng sẽ bị xử lý theo các tội danh tương ứng quy định tại Chương này; đặc biệt, bổ sung quy định mới về của đưa, nhận, môi giới hối lội bao gồm cả những lợi ích phi vật chất tại các điều luật nêu trên. Các quy định mới này nhằm góp phần thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta.
Liên quan các tội tham ô, nhận hối lộ, nếu thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (các khoản 3, 4 của các điều 364, 365) sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 28).
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các tội phạm thuộc các nhóm khác như: tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 150 và Điều 151) trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà nước ta là thành viên; bổ sung mới Tội bắt cóc con tin (Điều 301) và Tội cướp biển (Điều 302) trên tinh thần các quy định của Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 mà nước ta là thành viên; sửa đổi, bổ sung Tội rửa tiền (Điều 324) nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) về phòng, chống rửa tiền mà nước ta phải tuân thủ với tư cách là thành viên APG…
Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự
Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung căn bản nêu trên, BLHS năm 2015 đã hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của BLHS; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác. Tách các tội ghép trong BLHS năm 1999 thành các tội danh độc lập, bảo đảm chính sách xử lý phù hợp hơn; giảm số lượng các điều luật có quy định tình tiết định tội là “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm”; điều chỉnh, cập nhật các từ ngữ trong các điều khoản quy định về các tội phạm trong lĩnh vực chuyên ngành như trật tự quản lý kinh tế, môi trường, công nghệ thông tin, an toàn giao thông,… bảo đảm thống nhất, chính xác về thuật ngữ, thuận tiện cho thực tiễn áp dụng.
Từ khóa » Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015
-
Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015 (Phần I)
-
Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
-
Đề Cương Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 - Sở GD&ĐT Ninh Bình
-
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
-
Phổ Biến, Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015 Và Luật Sửa đổi, Bổ Sung ...
-
Bộ Luật Hình Sự 2015, Bộ Luật Số 100/2015/QH13 - LuatVietnam
-
Tìm Hiểu Bộ Luật Hình Sự 2015 - VKSND Tỉnh Điện Biên
-
Đề Cương Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
-
[DOC] đề Cương Giới Thiệu Những Nội Dung Cơ Bản Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
-
[PDF] BỘ TƯ PHÁP
-
Đề Cương Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự 2015 - Sở Xây Dựng - TP.HCM
-
Bộ Luật Hình Sự 2015 Số 100/2015/QH13
-
đề Cương Giới Thiệu Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 - Tổng Cục Thi Hành án