Giới Thiệu Chung - Xã Dục Tú
Có thể bạn quan tâm
- Giới thiệu chung
- Bộ máy tổ chức
- Thành tích thi đua
- Lãnh đạo qua các thời kì
- Đảng uỷ xã Dục Tú
- Hội đồng nhân dân xã Dục Tú
- Uỷ ban nhân dân xã Dục Tú
- MTTQ và các Đoàn thể xã Dục Tú
- Chính trị - Kinh tế - Đô thị
- Văn hóa - Xã hội
- An ninh quốc phòng
- Hoạt động các đoàn thể
- Lao động - Việc làm - Giảm nghèo
Đang online: 1513 Lượt truy cập trong tuần: 5028 Lượt truy cập trong tháng: 30372 Lượt truy cập trong năm: 906586 Tổng số truy cập: 1994512
- TỔNG QUAN/
- Giới thiệu chung/
Xã Dục Tú là một vùng đất cổ, người dân có truyền thống cần cù lao động và hiếu học. Lịch sử nơi đây gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dưới các triều đại phong kiến, xã Dục Tú có nhiều người đỗ đạt cao, nhiều danh nhân võ tướng nổi danh đất Kinh Bắc, trong đó có những người được lưu danh trong sử sách và chính họ đã góp phần tạo nên một miền quê địa linh, nhân kiệt. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống ấy được các thế hệ kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ DẤU TÍCH CÁC NỀN VĂN MINH CỔ
1. Vị trí địa lý
Nằm ở phía Đông huyện Đông Anh, xã Dục Tú có vị trí từ 21o05’ đến 21o10’ vĩ bắc và 105o55’ đến 105o50’ kinh đông, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15 km về phía Đông Bắc, phía Bắc giáp các xã: Việt Hùng, Liên Hà, Vân Hà (Huyện Đông Anh), phía Nam giáp xã Yên Thường (Huyện Gia Lâm); phía Đông giáp phường Châu Khê (Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Phía Tây giáp các xã: Mai Lâm, Cổ Loa (huyện Đông Anh). Địa bàn xã có đường Quốc lộ 3 và đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên chạy qua.
Dục Tú trải dài theo 2 con sông là Ngũ Huyện Khê và Cổ Giang. Sông Ngũ Huyện Khê (Tên cũ là Hoàng Giang, còn gọi là sông Thiếp) là một nhánh của sông Hồng chảy qua 5 huyện: Kim Anh, Đông Anh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong và đổ nước ra sông Cầu. Sông Cổ Giang (còn có tên là Tú Giang), một nhánh của sông Hoàng Giang chảy qua nhưng bị bồi lấp dần chỉ còn lưu dấu tích qua dãy ao hồ, sau gọi là dãy ao Dộc bến chảy dọc theo các thôn Dục Tú, Phúc Hậu, Thạc Quả, Đình Tràng, Ngọc Lôi, thuộc các xã Vân Hà, Thụy Lâm và đổ nước ra sông Cà Lồ. Xã Dục Tú xưa có hệ thống sông ngòi khá phức tạp. Đất đai được cấu tạo bởi phù sa sông Hồng, với những biến đổi của thiên nhiên và con người theo thời gian nên đã lưu lại nơi này một vùng đất không bằng phẳng. Đứng về phương diện chiều cao, có thể chia đất đai xã Dục Tú làm 3 miền riêng biệt:
Miền Thượng gồm cánh đồng các thôn Dục Tú, Phúc Hậu, Thạc Quả, Đình Tràng, Ngọc Lôi.
Miền Trung gồm các cánh đồng: Đồng Phí, Cổ Bồng, khu đồng Lý Nhân và Đồng Dầu.
Miền Hạ gồm các cánh đồng: Sóc Cá, Sới Vật, Soi, Thốp, Đồng Cởi và toàn bộ đồng thôn Nghĩa Vũ.
Là một vùng đất thuộc khu vực châu thổ sông Hồng, đất đai xã Dục Tú phần lớn cao thoáng, màu mỡ, giàu nguồn nước, tiện lợi cho con người cư trú, làm ăn, nhất là canh tác nông nghiệp. Đất nơi đây “nhiều ruộng mùa mà ít ruộng chiêm”, trong quá trình trị thủy và dụng thủy, ông cha ta đã nghĩ cách dẫn thủy nhập điền và làm thoát nước ở những nơi đất miền hạ nên canh tác thường ít bị “chiêm khê, mùa thối”. Diện tích đất nông nghiệp năm 2010 là 548 ha, đất phi nông nghiệp là 295 ha, đất chưa sử dụng là 4 ha. Đất xã Dục Tú có nhiều loại: Đất pha cát, đất thịt nặng, đất thịt nhẹ… có vùng đất màu, có vùng cấy lúa 2 vụ, có vùng đầm hồ chỉ cấy một vụ và dòng sông Ngũ Huyện Khê chạy qua cung cấp nước cho các cánh đồng.
2. Dấu tích các nền văn minh cổ
Xã Dục Tú nằm bên cạnh Thành Cổ Loa – Kinh đô nhà nước phong kiến Âu Lạc – là mảnh đất lưu giữ dấu tích của các nền văn minh cổ. Qua các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học ở Đình Tràng, Đồng Vông, Đường Mây, Bãi Cầu cho thấy đây là địa bàn cư trú của người Việt cổ. Giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên, khi An Dương Vương dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, nơi đây đã có người Việt cổ cư trú, lập làng xóm ven dòng Cổ Giang. Khi khai quật di chỉ Đình Tràng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều mũi tên đồng và những tiêu bản động vật có niên đại xác định từ thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên. Qua 7 lần khai quật, cho thấy khu vực Đình Tràng là di tích có tầm văn hóa dày hiện vật đồ đá, đồ đồng và đồ gốm đa dạng, phong phú, phản ánh 4 giai đoạn văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Đình Tràng là di tích cư trú mộ táng, đây là di tích tiêu biểu cho tiến trình phát triển văn hóa vùng châu thổ sông Hồng. Từ đó cho thấy cách đây mấy ngàn năm trước, ông cha ta đã sinh sống trên mảnh đất này và lịch sử xã Dục Tú đã gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Ngày nay, trong quá trình lao động sản xuất, lòng đất xã Dục Tú đâu đó còn phát lộ nhiều ngôi mộ cổ lưu giữ các sản phẩm thủ công thời xa xưa.
Cũng trên mảnh đất này, những giá trị văn hóa, tư tưởng được phản ánh qua các truyền thuyết, các tư liệu lịch sử như: Thời tiền sử, năm 257 trước Công nguyên, khi định đô ở Cổ Loa, Thục An Dương Vương lấy hàng vạn dân phu xây đắp Loa Thành, hai bờ sông Cổ Giang thuộc xã Dục Tú là nơi lập trại trú ngụ nên sớm mang tên trại Dộc. Đất mang tên, người cũng mang tên “Người Kẻ Dộc”. Người Kẻ Dộc còn lưu giữ truyền thuyết rằng: Khi xây dựng thành Cổ Loa, ngoài việc mộ phu xây đắp, Thục An Dương Vương còn được các nàng tiên đêm đêm về trợ giúp, trước khi về trời các nàng tiên đã rũ sọt bên bờ sông Cổ Giang, tại đây hiện còn lưu giữ 2 đến 3 gồ đất nơi tiên rũ sọt: Gồ ông Bổn, Gồ đất đỏ…
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ VÀ SỰ THAY ĐỔI VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Xã Dục Tú có một lịch sử lâu đời và sự hình thành, phân lập các thông kéo dài suốt từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XIX, xã Dục Tú là một tổng thuộc huyện Đông Ngàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (Tỉnh Bắc Ninh). Thời kỳ thuộc Pháp, năm 1903, toàn quyền Đông Dương có quyết định xóa huyện Đông Ngàn nhập vào phủ Từ Sơn. Thời kỳ này, xã Dục Tú là một tổng với 4 xã, 8 thôn: Xã Ngọc Lôi gồm 1 thôn (Làng Lối), gọi là nhất xã, nhất thôn; Xã Thạc Quả gồm 2 thôn (Thạc quả, Đình Tràng); xã Dục Tú gồm 3 thôn (Dục Tú, Phúc Hậu, Lý Nhân); xã Đồng Dầu gồm 2 thôn (Đồng Dầu và Nghĩa Vũ).
- Xã Ngọc Lôi (Tên nôm là làng Lối): trước còn có tên là Ngọc Đôi. Theo truyền thuyết, Ngọc Lôi nghĩa là chén ngọc. Đất làng có hình dáng con rùa mà “Hậu tam thai – Tiền ngũ nhạc”. Ngọc Lôi nằm bên bờ sông Cổ Giang, tục truyền Ngô Quyền thường ngự thuyền rồng qua vùng này.
- Xã Thạc Quả gồm 2 thôn: Thạc Quả và Đình Tràng.
Thôn Đình Tràng trước có tên là Phủ Tràng. Năm Duy Tân tam liên (1909) đổi là Đình Tràng (Còn có tên là Đình Chàng). Đình Tràng là dải đất ven sông Cổ Giang. Người dân Đình Tràng vốn gốc ở Thạc Quả di lên lập trại, sau ở luôn đấy (Không rõ thời gian).
Thôn Thạc Quả có thế đất hình voi phục. Theo truyền thuyết, làng nằm trên mình voi, đền là đầu voi, giếng ở gần đền là mắt voi, đường từ đền ra sông Ngũ Huyện Khê là vòi voi. Thạc quả xưa nằm giữa 2 con sông Cổ Giang và Hoàng Giang (Tức sông Ngũ Huyện Khê).
- Xã Dục Tú gồm 3 thôn: Dục Tú, Phúc Hậu và Lý Nhân:
Thôn Dục Tú và thôn Phúc Hậu xưa có tên là trại Dộc (hoặc trang Dộc) với hai nửa là Dộc Tiền và Dộc Hậu. (Thời Hùng Vương, nơi đây chỉ là những xóm nhỏ, không rõ tên). Đất nơi đây thường gọi là đất Hoàng Xà hợp hình. Tương truyền có 2 con rắn chạy từ Cổ Loa ra nằm tại đây, chỗ 2 con rắn nằm là vùng đất cao hai bên bờ sông Cổ Giang. Vì có rắn về ở nên gọi là đất Hoàng Xà. Dân nơi đây phần lớn là dân thập phương đi xây thành Cổ Loa về lập trại ở, nhiều người cư trú tại đây cùng dân bản địa.
Thôn Lý Nhân có tên gọi là làng Vữ, còn có tên là Phi Thôn, đất giữa làng có hình con rùa. Người dân Lý Nhân có gốc tích từ Dục Tú dời sang, ban đầu lập trại ở cánh đồng Vữ nên thường gọi là làng Vữ, sau gọi là Phi Thôn. Tên Lý Nhân mới có từ sau Cách mạng Tháng Tám.
- Xã Đồng Dầu gồm 2 thôn: Đồng Dầu và Nghĩa Vũ.
Thôn Đồng Dầu thế đất giống con trâu, dân làng trước đây ở bãi đồng Cụt. Theo truyền thuyết: Trong làng có con chó chửa dời làng đi mất, người mất chó đi tìm đến chỗ làng đang ở hiện nay thấy chó đẻ ở đấy cho là điềm lành. Mặt khác, thế đất ở đây lại tiện cho canh tác và sinh hoạt nên dân làng bàn nhau dời đồng Cụt sang hẳn bên này.
Thôn Nghĩa Vũ còn có tên là trại Dẹt (Diệc). Trước đây dải đất này là một bãi hoang ngập nước. Người dân Nghĩa Vũ vốn ở Đồng Dầu sang lập trại cư trú sinh sống.
Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I xác lập hệ thống nhà nước có 4 cấp và chuyển cấp phủ thành huyện, cấp tổng thành xã, xã Dục Tú gồm 8 thôn của tổng Dục Tú cũ là: Ngọc Lôi, Đình Tràng, Thạc Quả, Dục Tú, Phúc Hậu, Lý Nhân, Đồng Dầu, Nghĩa Vũ.
Xã Dục Tú trước đây thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được chuyển về huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày 31/5/1961 cùng với các xã Liên Hà, Vân Hà, Mai Lâm, Đông Hội.
Năm 1976, khi hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp ở các thôn thành hợp tác xã quy mô toàn xã, xã Dục Tú phân cụm dân cư gắn với 11 đội sản xuất. Trong đó thôn Dục Tú hình thành 3 cụm (Dục Tú 1, Dục Tú 2, Dục Tú 3). Thôn Phúc Hậu hình thành 2 cụm (Phúc Hậu 1, Phúc Hậu 2). Đến nay, các đội sản xuất không còn nữa nhưng về mặt kết cấu văn hóa xã hội và bộ máy cơ sở thì vẫn hình thành 11 đơn vị thôn.
III. DÂN CƯ VÀ CÁC PHONG TỤC TẬP QUÁN.
Từ thời Hùng Vương, cư dân nơi đây giỏi nghề trồng lúa nước, khéo trong nghề dệt vải. Theo sách Bắc Ninh tỉnh chí viết “Dân trong toàn hạt có 4 loại: Sỹ, nông, công, thương, nghề nghiệp không giống nhau. Nói chung người làm nghề nông thì có nhiều, những người làm nghề buôn bán có ít. Dân trong các huyện đều rất cần, kiệm, chất phác”. Về nghề nông, từ bao đời nay người dân Dục Tú đã phải chăm lo công việc thủy lợi: Ngăn ngừa nước lụt ở các sông lớn; Lo đưa nước vào ruộng cao, lo tháo nước ở các vùng trũng…, cần cù, kiên nhẫn để giành lấy phần đất cày cấy cho càng ngày càng rộng thêm. Bên cạnh việc làm ruộng, người dân còn khai thác đầm ao, sông ngòi bằng việc đánh bắt, nuôi thả cá, đồng thời chú trọng nghề làm vườn, bãi”.
Ở vào khu vực đất chật, người đông, thiên tai thường xuyên đe dọa sản xuất nông nghiệp, mặt khác, để tận dụng thời gian nhàn rỗi của vòng quay mùa vụ, người dân xã Dục Tú chuyển dần lao động sang làm nghề thủ công (song làm ruộng vẫn chiếm giữ phần cơ bản). Hầu như ở mỗi làng, xóm trên xã Dục Tú đều có vài ba nghề phụ, có nghề làm suốt năm chứ không phải lúc nông nhàn như: Thợ mộc, dệt vải, làm đậu… Cùng với các làng quê khác trong xứ Kinh Bắc, xã Dục Tú không còn mang tính thuần nông mà kết hợp làm thợ, buôn bán.
Hoạt động buôn bán thời xa xưa chủ yếu là trao đổi các sản phẩm nông nghiệp dư thừa như: Thóc, gạo, ngô khoai, thực phẩm các loại…được thông thương qua hệ thống chờ làng họp lúc sáng sớm hoặc xế chiều. Chợ Vòng (Dục Tú) được tổ chức bên ven bờ sông Ngũ Huyện Khê (Tức sông Hoàng Giang) nay không còn nữa, song một thời trên bến dưới thuyền, chợ Vòng là trung tâm hoạt động buôn bán của cả xã. Khi nông sản và sản phẩm thủ công nghiệp trở thành hàng hóa thì hoạt động buôn bán tại các chợ quê sôi nổi hơn và chuyển dần tới các chợ phiên như chợ Sa, chợ Dầu. Cứ đến múa nước, các thương nhân vùng Kinh Bắc lại ngược dòng Hoàng Giang cập bến chợ Vòng để mua bán, trao đổi hàng hóa. Trải qua mấy trăm năm lao động sáng tạo, vào thời nhà Trần, khi huyện Đông Ngàn ra đời, vùng đất này trở thành trù phú, giàu có nhất Đại Việt xưa.
Dân số xã Dục Tú phân bố không đều, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ năm 1945 trở lại đây trung bình là 2.5%. Những năm gần đây do áp dụng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ sinh có phần giảm. Trong vòng 75 năm (1945 – 2020), dân số tự nhiên của xã tăng gấp 4.6 lần (Năm 1945 có trên 3.900 người và trên 1.200 hộ; năm 2020 có 18.320 người và 4471 hộ). Mật độ dân số hiện nay là 1.932 người/km2.
Từ xa xưa, cư dân xã Dục Tú đã tập hợp, quây quần với nhau theo từng xóm ngõ và liên kết thành làng xã, các xã nhỏ trong vùng thường hay tổ chức kết chạ. Các tổ chức phe giáp, các lệ tục về ngôi thứ hầu như thống nhất. Chính quyền phong kiến căn cứ vào Hương ước, lệ làng để quản lý phân chia công điền, công thổ, bảo vệ trị an, tổ chức hội hè đình đám. Người dân trong các làng xã phải tuân thủ một hệ thống các lệ làng gọi là Hương ước. Hương ước quy định về một lối sống “thuần phong, mỹ tục” đó là các quan niệm về điều hay lẽ phải, điều dở, điều trái, cái đúng, cái sai, cái đáng trọng, cái đáng khinh và quy định các hình thức thưởng phạt. Hương ước các làng được nhà nước phong kiến xét và công nhận gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Những quy ước về chế độ ruộng đất, trong đó coi trọng việc thu hoa lợi (Khoản thu sau thuế) đối với người sử dụng công điền, công thổ và cả sở hữu tư điền để dùng vào việc công ích của làng.
- Những quy ước về việc khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường, trong đó quan trọng hơn cả là đắp đê, sử dụng nguồn nước, cấm sát sinh trâu bò, cấm bỏ ruộng hoang…
- Những quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chứ dịch trong làng như Hội đồng kỳ mục, Hội đồng lý dịch… xác định vị trí ngôi thứ trong làng, xác định quyền lợi của người dân thường (ngụ cư và chính cư), nghĩa vụ đối với thuế nông nghiệp, phu phen, lính tráng. Tổ chức bộ máy chính quyền phong kiến và thiết chế thông làng trong toàn xã cơ bản giống nhau.
- Những quy ước về văn hóa tinh thần và tín ngưỡng gồm 2 phạm vi chính: Một là, bảo đảm mối quan hệ tốt trong gia đình, dòng họ, trong dân làng, trong việc cưu mang giúp đỡ nhau…nó mang ý nghĩa giáo huấn với mục đích xây dựng “thuần phong, mỹ tục”; Hai là, các quy ước liên quan đến tín ngưỡng, cúng tế, lễ hội của làng như trong ngày lễ thành và lúc hành lễ, những người có tang không được dự, người đi tế phải tắm gội trai khiết, rước thần phải cắt cử trai tân, gái tân vào đồ. Quanh năm dân làng kiêng gọi tên hèm, tên húy của Thần. Ngoài ra còn có quy ước về cưới xin, ma chay. Hương ước có vai trò đối với việc ổn định nếp sống trong làng xã, nó gắn bó dân làng với nhau và thường được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.
Người dân xã Dục Tú rất trọng lễ nghĩa. Cùng với việc thành kính thờ phụng tổ tiên, việc thờ cúng thần phật rất cẩn thận, đình chùa làng nào cũng trang trí đẹp đẽ. Làng nào cũng có 1 ngôi đình, 1 ngôi chùa. Đình làng nào cũng được xây dựng ở nơi tôn nghiêm, cao ráo, kiến trúc bề thế, sang trọng. Đình dùng để thờ vọng Thành hoàng làng, là nơi hội họp dân làng và tổ chức lễ hội. Làng có đền (còn gọi là nghè) dùng làm nơi thờ chính Thành hoàng làng. Miếu thì làng nào cũng có vài ngôi, miếu thường dựng ở các gò cao, bờ sông, đầu làng, cuối xóm. Miếu thờ Sơn thần, Hà bá, miếu cô, miếu cậu..; ngày nay, miếu thờ trong làng xã chỉ còn vài ngôi lẫn trong các nhà dân.
Về tục thờ Thành hoàng làng: Thành hoàng làng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho làng. Thờ Thành hoàng làng là công việc của cả làng. Dân làng đối với Thành hoàng làng cũng kính cẩn như con cháu đối với tổ tiên. Đa số Thành hoàng làng đều là các nhân vật lịch sử văn hóa: Nghè Ngọc Lôi thờ Mỵ Châu – Trọng Thủy – Đoàn Thượng (Tướng quân Đoàn Thượng là ngời có công phò vua Lý Huệ Tông thời Lý). Đình thôn Đình Tràng trước thờ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), nay thờ Bản cảnh Thành hoàng Cự Lương, Cự Tương đại vương tôn thần. Đình thôn Thạc Quả thờ Triệu Vũ đế (Triệu Đà) và Bản cảnh Thành hoàng Linh Quang đại vương tôn thần. Đình thôn Dục Tú thờ Sỹ Nhiếp, người có công truyền bá chữ Hán và Đạo nho vào nước ta. Đình thôn Phúc Hậu thờ Tam Lang, người có công trong sự nghiệp xây dựng vương triều Lý; Đình thôn Lý Nhân: Đình cũ bị phá, dân làng chuyển về dựng ghép với đền (Đình ngoài, Đền trong), đền thờ Cao Biền, đình thờ Ả Lã Nàng Đê, nữ tướng tài ba thời Hai Bà Trưng. Đình thôn Đồng Dầu và Đình thôn Nghĩa Vũ thờ Nguyễn Quang Phúc, tướng có công thời Lê Trung Hưng. Ngày nay, tại các nơi thờ tự còn lưu giữ được các sắc phong thần của các triều đại phong kiến.
Bên cạnh đình làng là chùa làng, nằm gần trung tâm phật giáo Luy Lâu, các ngôi chùa thờ phật ở xã Dục Tú dần dần hình thành, đáp ứng hoạt động tâm linh của người dân, như các chùa: Long Khánh tự (Ngọc Lôi), Sùng Cổ tự (Đình Tràng); Linh Ứng tự (Thạc Quả), Tiên Cảnh tự (Dục Tú), Phúc Thắng tự (Phúc Hậu), Kim Tương tự (Lý Nhân); Bảo Linh tự (Đồng Dầu), Quang Minh tự (Nghĩa Vũ). Vào thời Lý – Trần, phần lớn chùa là của quý tộc. Từ thời Lê – Nguyễn tới nay, chùa là của làng xã, chùa còn là nơi gửi hậu của dân làng. Vào thời Lý, đạo phật rất thịnh hành, các công việc như xây dựng chùa chiền, tô tượng, đúc chuông rất được coi trọng. Đa số các chùa trong xã không có sư trụ trì. Các ngày lễ, ngày tết, ngày sóc, vọng, các vãi phân công thờ cúng theo thứ tự nhà chùa.
Lễ hội ở xã Dục Tú là một hình thức sinh hoạt tinh thần, một tập tục cao đẹp và là những ngày nghỉ ngơi tập thể của nhân dân sau những ngày lao động vất vả. Người dân xã Dục Tú có quan niệm rất đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu” và không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, khi các làng mở hội thì “kẻ ăn cầu nằm quán cũng vui”. Xuất phát tự sự ước mong mùa màng bội thu, người người no đủ, lễ hội có một mong muốn chung là “nhân khang vật thịnh”. Lễ hội ở xã Dục Tú được tổ chức hàng năm ở các thôn, làng vào dịp đầu xuân. Tùy vào khả năng tổ chức của các thôn, làng, lễ hội thường có 2 phần. Phần lễ có tổ chức rước Thành hoàng, tổ chức lễ Phật, phần hội có các trò: Đấu bóng chuyền, đấu vật, cờ tướng, chọi gà, đánh đu, hát cửa đình… riêng hát cửa đình là lối hát phục vụ tế lễ Thành hoàng. Hội làng dường như hòa trộn cái thần thánh, cái thế tục vào nhau trong một không gian thoáng rộng của một vùng quê.
IV. NHO GIÁO VÀ TRUYỀN THỐNG CỬ NGHIỆP
Thời Lý – Trần, đạo Nho phát triển mạnh; Đến thời Lê Trung Hưng, xã Dục Tú nhiều người đỗ đạt cao. Xã Dục Tú vốn thuộc huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, một vùng đất có truyền thống văn hóa. Trong thời kỳ phong kiến, tuy đời sống khó khăn, song nhiều gia đình vẫn chăm lo cho con học hành mong kiếm “dăm ba chữ thánh hiền”. Sách Bắc Ninh tỉnh chí ghi “Nền văn hiến ở Từ Sơn xa xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả”. Sách ghi: Tổng Dục Tú là 1 trong 7 tổng có người đỗ đạt nhiều hơn. Vào thời Nguyễn, tổng Dục Tú có 14 vị cử nhân, cao nhất vùng Đông Ngàn và Tiên Du. Điểm qua gia phả các dòng họ Đỗ - Chu – Đào – Nguyễn, đã có hàng chục người đỗ từ cử nhân tới tiến sỹ. Truyền thống hiếu học ở xã Dục Tú nhiều thế kỷ qua đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ nho sỹ trí thức, nhiều nhà quản lý, nhà chính trị có tài như Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo, Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Ngự sử, như:
- Chu Doãn Lệ (Tức Chu Doãn Mại), người thôn Phúc Hậu đỗ Tiến sỹ khoa Mậu Tuất (1778), ông là Tuần phủ Hưng Yên, Giám sát Ngự sử tỉnh Nghệ An, ông được lưu danh trong bia Tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- Chu Doãn Chi là con Chu Doãn Lệ, học trò Thám hoa Phạm Quý Thích. Bản thân Chu Doãn Chí học rộng văn hay nhưng không đi thi.
- Đỗ Đức Mặc, người thôn Dục Tú, là Tri huyện Yên Thế (Bắc Giang).
Đỗ Đình Tuân, người thôn Dục Tú, là Huyện thừa huyện Phúc An rồi Tri phủ phủ Tư nghĩa.
- Đào Đình Nghiêm, người thôn Dục Tú, đỗ hương cống năm Tân Tỵ (1821), làm quan Huấn đạo.
- Đào Xuân Tạn (Tức Đào Xuân Quế), người thôn Dục Tú, đỗ Cử nhân, là Tri phủ Điện Biên.
- Nguyễn Huy Tân, người thôn Dục Tú, đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi (1847), là Giám sát ngự sử tại triều đình Huế.
- Nguyễn Huy Nhuận, người thôn Dục Tú, đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1891), làm Huấn đạo huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
- Đỗ Đức Đạt, người thôn Dục Tú, đỗ Cử nhân năm Giáp Ngọ (1894), làm Tri huyện Văn Lâm.
- Nguyễn Huy Túc, người thôn Dục Tú, đỗ Cử nhân nhưng không đi làm quan. Ông tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục.
Tổng Dục Tú thuộc huyện Đông Ngàn, một vùng trời đầy sao Khuê rực sáng, một miền quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng tiêu biểu. Đội ngũ nho sỹ trí thức đông đảo trên đã thực sự mang cái học của mình giúp ích cho đời, đóng góp xứng đáng vào quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Về truyền thống thượng võ, tiêu biểu có Chu Mậu Lâm, người thôn Phúc Hậu, một nghĩa sỹ theo Lê Lợi khởi nghĩa, ông được phong chức Binh Bộ Lang Trung; Đỗ Phúc Độ người thôn Dục Tú, thời Hậu Lê ông được phong chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, cẩm y vệ lực sỹ hiệu úy. Truyền thống thượng võ ấy còn kéo dài mãi tới sau này, tới những lò vật ở thôn Dục Tú, Phúc Hậu, Thạc Quả, Đình Tràng, Ngọc Lôi…với nhiều đô vật nổi tiếng một thời.
Xã Dục Tú là một vùng đất cổ, người dân có truyền thống cần cù lao động và hiếu học. Lịch sử nơi đây gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dưới các triều đại phong kiến, xã Dục Tú có nhiều người đỗ đạt cao, nhiều danh nhân võ tướng nổi danh đất Kinh Bắc, trong đó có những người được lưu danh trong sử sách và chính họ đã góp phần tạo nên một miền quê địa linh, nhân kiệt. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống ấy được các thế hệ kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Từ khóa » đình Tràng Dục Tú đông Anh Hà Nội
-
Thôn Đình Tràng, Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
-
Biểu Diễn Tại Thôn Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội - Facebook
-
Thôn Đình Tràng, Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
-
Thôn Đình Tràng, Xã Dục Tú, Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh, Hà Nội ...
-
Quyền Sử Dụng đất Tại Thôn Đình Tràng, Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh ...
-
Bán đất Thôn Đình Tràng - Dục Tú - Đông Anh, HN
-
Bán đất Thôn Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh 92m2 | Http://
-
Dục Tú – Wikipedia Tiếng Việt
-
Xã Dục Tú - Đông Anh - Trang Cá Nhân Của Trịnh Đình Linh
-
Thôn Đồng Dầu - Ha Noi 360°
-
Làm Sao để đến Đông Anh ở Dục Tú Bằng Xe Buýt? - Moovit
-
Danh Sách Công Ty Tại Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh, Thành Phố Hà Nội
-
Bán đất Tại Quốc Lộ 3, Xã Dục Tú, Huyện Đông Anh, Hà Nội Mới Nhất ...